\n
Đang truy cập : 33
Hôm nay : 2894
Tháng hiện tại : 162694
Tổng lượt truy cập : 18012955
Tận dụng thế mạnh của phim ảnh màn ảnh rộng thời 4.0 với hình ảnh, cảnh trí, âm thanh ánh sáng, kỷ xảo, hiệu ứng, góc quay mà sân khấu thiếu...ngoài ra phim được công chiếu được PR vào hệ thống rạp rộng khắp, với những buối ra mắt hoành tráng ..Phim cải lương có cứu được cải lương hay thổi vào đó những làn gió mới hay không qua hơn 10 năm nhìn lạ
KC
Chiếc xe ngựa leo dốc một cách khó nhọc. Gió từ biển thổi tạt đến ném cát bụi vào trong xe. Nắng xế làm cho mặt đất như cằn cỗi hơn, những gò đống đầy cỏ gai, xương rồng, bụi cây dại thấp lè tè như cũng phai tàn hết cái màu xanh của lá. Con ngựa gầy rướn người tới trước, đầu cúi xuống, mồ hôi chảy dài theo chiếc cổ khẳng khiu.
Trong chiếc xe có ba người, má tôi, tôi và ba tôi.
Ba người giữa hoang vu
Ba tôi nằm trên chiếc võng gai treo toòng teng trong xe. Xe qua một đoạn đường mấp mô nên xóc dữ dội, chiếc võng gai cứ đong đưa làm ba tôi chóng mặt khó thở và thỉnh thoảng nôn mửa. Ông nằm lả đi, mắt nhắm nghiền và lõm sâu xuống khiến cho hai gò má nhô lên cao hơn thường ngày.
Sóng biển không lớn lắm nhưng gió từ ngoài khơi thổi vào khá mạnh đem theo cả tiếng hú bí ẩn xa lạ. Năm ấy tôi lên chín tuổi, và đó là lần đầu tiên tôi nghe một tiếng hú như thế. Ba có nghe tiếng gió hú không? Chắc là không.
Ba đang vật lộn với những cơn co giật xen lẫn những cơn ói khan quặn ruột. Má tôi có nghe gì không? Tôi không chắc. Má tôi đang bận nhìn từng hơi thở của ba tôi, che chắn cho ba tôi trước cơn gió vô tâm của biển.
Xe lắc lư xuống dốc. Thành phố Phan Thiết đã hiện ra trước mặt, thấy cả cái tháp nước công viên và hai cây cầu bắc ngang dòng sông đục ngầu. Rạp Thất Ngàn ở đối diện xéo góc chợ, đôi cánh cửa đóng im lìm trơ lạnh vì không có đoàn nào diễn. Nửa tháng trước đây, đoàn của ba tôi hát rầm rộ ở rạp này, rất đông khán giả.
Lúc đoàn dời đi, ngồi trên xe tôi có ngoái nhìn lại, thấy nó nằm buồn bã ở góc phố, leo lét một ngọn đèn vàng. Thường là vậy. Nơi nào chúng tôi đến cũng là náo nhiệt, tưng bừng rồi khi đi chúng tôi dường như đem cái náo nhiệt ấy theo cùng. Tôi đã quen rồi chuyện sau lưng mình là hoang vắng.
Chiếc xe ngựa đậu lại trước cửa rạp. Má tôi nhảy xuống xe xăm xăm đi thẳng vô rạp, còn tôi thì ngồi lại ôm lấy ba vì ông đang lên cơn, vừa run lập cập vừa co giật.
Lát sau má trở ra cùng với người gác rạp và bảo tôi:
- Xuống đi con.
Tôi nhảy xuống xe. Chân tê buốt. Người gác rạp và má tôi dìu ba vào trong rạp. Ông ta nói:
- Ở đây không có giường chiếu mùng mền gì hết, nước nôi cũng thiếu.
- Thôi kệ - má tôi năn nỉ - bác thông cảm, chúng tôi không có ai quen biết ở đây. Tiền cũng không có.
Người gác rạp đỡ ba tôi nằm xuống, chiếc chiếu trải ở một góc sân khấu. Rạp tối mù, âm u và câm lặng một cách đáng sợ. Ông ta vấn một điếu thuốc châm lửa hút, thở dài và nói:
- Tui thì không sao. Tui cũng thương ông bầu lắm nhưng để ông nằm đây thiệt bất tiện. Ông chủ mà biết được ổng la chết.
- Không sao đâu - má tôi nói - Hôm trước đoàn tụi tui diễn ở đây ổng cũng vui vẻ lắm mà.
Ba tôi sau cơn vật vã đã ngất đi, nằm mê man. Ba chúng tôi ngồi ở góc chiếu, quanh người bệnh.
Má tôi mệt mỏi quá đã thiếp đi bên cạnh ba. Dường như ông già gác cửa cũng đã ngủ. Nhưng con bé Kim Cương lên 9 tuổi là tôi vẫn ngồi bó gối ở một góc sân khấu tối om nhìn xuống những dãy ghế.
Ven đường hay xó chợ?!
Tôi quay nhìn má tôi đang nằm im bên cạnh và không biết cái vẻ gì đó trên mặt ba đã làm tôi hoảng hốt. Tôi nhẹ đến bên ông và thấy ông đang mở mắt nhưng đôi mắt ấy không bình thường. Hơi thở ông hổn hển, ngực phập phồng khó nhọc.
“Ba ơi, ba!”. Tôi lay ba tôi dậy nhưng vô ích. Má tôi thức giấc, hoảng hốt. Lão gác rạp cũng có mặt rất nhanh. Người ba tôi lạnh toát. Tôi áp bàn tay ba tôi lên má mình và run lên vì sợ.
Chưa bao giờ trong đời tôi sợ đến như vậy. Bàn tay ba không thể nắm được tay tôi, không còn chút sự sống nào. Tôi hỏi: “Sao vậy má?”.
Không ai trả lời câu hỏi đó. Má tôi xoa dầu và chà xát lòng bàn tay, lòng bàn chân cho ba, chẳng ngờ ba tôi lại run lên dữ dội. Tôi bật khóc. Ngoài đường phố đã có tiếng xe chạy, tiếng bánh xe đẩy hàng lăn trên mặt đường, tiếng bước chân và cả tiếng ho khan của một người nào đó. Mọi người đang bắt đầu họp chợ.
Điều đáng buồn là những phũ phàng mà ba tôi gánh lấy không phải do ba tôi đã sống sai lầm mà chỉ vì quan điểm sai lầm của xã hội phong kiến lúc ấy là biết hút á phiện mới thật là người của giới thượng lưu và nó được bắt đầu từ những yêu thương rất kỳ dị của bà nội tôi. Bà nội tôi là một đào hát nổi tiếng của sân khấu hát tuồng lúc bấy giờ, bà vừa là chủ rạp Palikao ở Chợ Lớn vừa là bầu gánh. Tôi nghe kể lại chính bà nội đã nhốt ba tôi ở nhà, buộc ông phải hút thuốc phiện. Bà đâu có ngờ quan niệm sống “thời thượng” quái gở của xã hội lúc bấy giờ đã đẩy ba tôi vào một kết cuộc bi thảm sau này. |
Cơn động kinh của ba tôi kéo dài cho đến khi trời sáng rõ mà vẫn chưa có dấu hiệu gì là thuyên giảm. Má tôi cũng khóc, người gác già thì đứng xuôi tay bất lực.
Ngay lúc có nhiều tiếng lao xao nơi khu chợ trước rạp thì một người đàn ông cao lớn từ ngoài cửa rạp bước vào.
Cái bóng của ông che lấp cả khoảng sáng nhỏ nhoi của cửa rạp. Cái bóng ấy tiến đến một cách chậm chạp, nặng nề. Người gác già bối rối trong từng tiếng nói:
- Ông chủ đến.
Mọi ngày ông là bạn của ba tôi, tôi cũng đã từng nhìn thấy gương mặt hớn hở vui cười của ông mỗi khi nhận tiền thuê rạp khá nhiều nhưng bây giờ sao gương mặt đó lạnh như tiền. Cái mặt ấy làm cho cả tôi lẫn má tôi đều im bặt.
- Tại sao lại thế này?
- Anh ơi - má tôi kêu lên - ông nhà tôi đang bịnh nặng lắm mà chúng tôi thì không có người nào quen ở đây.
Ông chủ chép miệng, lắc đầu:
- Chị làm tôi khó xử quá. Ông bầu Cương với tôi cũng có tình thân nhưng rạp hát là chỗ làm ăn của tôi, làm sao mà nằm ở đây được.
Má tôi chắp tay lại trước ngực, van vỉ:
- Mong ông thông cảm. Chúng tôi tứ cố vô thân...
Ông chủ quay mặt đi:
- Muốn thông cảm cũng không được. Đây là chỗ kiếm cơm của gia đình tôi mà. Rủi ổng chết ở đây thì sao. Ai mà còn dám vô coi hát ở rạp này?
Má tôi lại nói:
- Xin ông nghĩ lại những lúc chúng tôi còn diễn ở đây, khán giả chen chân không lọt, tiền vô như nước, lúc ấy ông và đoàn chúng tôi ai cũng vui vẻ với nhau. Xin ông hãy thương lấy cuộc đời bạc bẽo của nghệ sĩ mà cho anh Tư tôi được chết trên sân khấu.
Ông chủ rạp đi quanh chỗ ba tôi đang nằm. Mắt ông nhìn chằm chằm vào ba. Ba vẫn thở dốc như có thể trút hơi thở cuối cùng bất cứ lúc nào. Chủ rạp tay để sau lưng, gương mặt lạnh tanh nhìn về phía má.
- Không được. Chị phải đưa anh ấy đi ngay bây giờ. Tôi nói dứt khoát là phải đưa đi ngay bây giờ.
Từng tiếng nói buông ra chắc nịch. Má tôi quỳ sụp xuống.
- Xin anh hãy thương gia đình tôi...
- Tôi thương chị thì ai thương gia đình tôi? Bộ chị muốn biến cái rạp hát này thành cái nhà xác à? Chị cũng phải biết nghĩ đến sự sống của tôi chớ.
Má tôi lặng đi. Không ai nói được thêm một tiếng nào nữa.
Ông chủ vẫy tay gọi lão gác rạp đến dặn dò rồi lạnh lùng bỏ đi. Má tôi thẫn thờ xuôi tay như cái xác không hồn. Chúng tôi về đâu, ba tôi sẽ nằm đâu? Ven đường hay xó chợ? Dường như không có nơi nào sẵn sàng chứa chấp một người đang hấp hối.
Kỳ nữ Kim Cương -Ảnh tư liệu. |
Khóc cho một kiếp cầm ca
Ngay giữa lúc bế tắc ấy, bỗng một người đàn ông xuất hiện trên lối đi giữa rạp. Ông bước vội tới chỗ má tôi đang quỳ. Tiếng của ông hốt hoảng:
- Anh sao rồi? Tôi đi tìm anh chị khắp nơi.
Tôi chưa biết người đàn ông này là ai nhưng má tôi thì vui mừng lắm, má nắm lấy tay ông kể lể sự tình. Ông nói:
- Một người như ông Phước Cương không thể chết trong một góc rạp bẩn thỉu như thế này được. Tôi là hội trưởng Hội Phật học tại đây, xin cô Bảy đưa ông bầu vào chùa nằm, có mệnh hệ nào hội sẽ lo hết.
Thì ra đó là bác Nguyễn Ngọc Hơn, người Cao Lãnh, bạn thân thiết của ba tôi. Má tôi khóc ngất, tôi cũng khóc. Hai má con ngồi dưới chân bác không nói thêm được một lời nào.
Ngày 13 tháng chạp năm Ất Dậu (1945), ba tôi trút hơi thở cuối cùng tại chùa Phật Học Phan Thiết. Năm đó, tôi lên chín, còn Kim Quang em tôi mới lên ba, Ngọc Thố vừa biết đi chập chững. Ba tôi đã vĩnh viễn ra đi sau hơn một tuần vật vã với bệnh tật.
Không ngờ những ngày cuối đời mình ba tôi lại phải chịu nhiều chua chát như thế. Mấy chục năm lăn lộn với nghề, ba tôi vẫn hãnh diện là đã lấy ánh đèn sân khấu làm lý tưởng của mình nhưng khi nhắm mắt thì chính sân khấu lại xua đuổi ba tôi một cách phũ phàng như vậy.
Cái bất hạnh ba tôi mang theo khi nhắm mắt đã trở thành niềm chua xót của tôi trong mấy chục năm qua. Lúc đó tuy hãy còn quá nhỏ nhưng tôi cũng biết suy nghĩ về kiếp người và tôi biết cái đêm trong rạp hát tối om kia sẽ ám ảnh tôi suốt đời. Ngay cả thành phố Phan Thiết cũng trở thành một ám ảnh.
Những phũ phàng mà ba tôi gánh lấy, mỗi khi hồi tưởng tôi vẫn không cầm được nước mắt. Tôi khóc cho ba tôi, khóc cho kiếp cầm ca và khóc cho chính mình.
Nỗi vinh nhục của kiếp phù du Má tôi quỳ đó, người bất động, dòng nước mắt cũng chảy lặng lẽ. Tôi chín tuổi nhìn thấy hình ảnh má lúc đó đã hiểu thế nào là nỗi vinh nhục của kiếp phù du, đã hiểu thế nào là ê chề của một kiếp đời lang bạt. Có lẽ đó là lúc má tôi nhìn thấy tận cùng nỗi khắc nghiệt của đời nghệ sĩ. Không phải cả đời sống cho sân khấu là có thể chết trên sân khấu. Nơi đó chỉ cho phép những gương mặt đầy son phấn diễn tuồng, cho phép một cái chết với tiếng khóc nghẹn ngào giả tạo dành cho khán giả chớ không thể dung chứa một nỗi đau riêng tư đích thực. Có lẽ từ lúc đó, má tôi càng kiên quyết đưa tôi ra khỏi nghiệp xướng ca. |
Mã an toàn:
Tận dụng thế mạnh của phim ảnh màn ảnh rộng thời 4.0 với hình ảnh, cảnh trí, âm thanh ánh sáng, kỷ xảo, hiệu ứng, góc quay mà sân khấu thiếu...ngoài ra phim được công chiếu được PR vào hệ thống rạp rộng khắp, với những buối ra mắt hoành tráng ..Phim cải lương có cứu được cải lương hay thổi vào đó những làn gió mới hay không qua hơn 10 năm nhìn lạ
Ý kiến bạn đọc