\n
06:40 EDT Thứ năm, 23/03/2023
hình music online

qua tang

> KHÓI LỬA BIÊN THÙY 1 - 07/05/2019 10:32
Chúc vui Xem thêm
Yêu cầu: Trần Minh Thương
Người nhận: Minh Thương

Trang nhất » Tin Tức » Nhạc Sĩ

Tưởng Niệm bạn Mạnh Bích, nhạc sĩ, nhà văn, nhà giáo

Đăng lúc: Thứ tư - 01/10/2014 13:00 - Đã xem: 2034
Tưởng Niệm bạn Mạnh Bích, nhạc sĩ, nhà văn, nhà giáo

Tưởng Niệm bạn Mạnh Bích, nhạc sĩ, nhà văn, nhà giáo

Anh Mạnh Bích ơi ! Tôi khóc anh, tôi đã âm thầm khóc anh từ khi được báo tin dữ. Các anh chị em Việt Hưng Hợp Đoàn ở Hoa Kỳ, ở Âu Châu, ở vài nơi khác xa xăm, cũng đang khóc anh khi được tôi báo tin.

Đành rằng ai cũng một lần phải ra đi nhưng đối với chúng tôi, anh ra đi sớm quá dù tuổi thọ của anh cũng đã khá cao . Anh còn trẻ lắm, trẻ hơn vô số người trẻ tuổi đời hơn anh, cái trẻ trung quí báu, hiện thực, vô cùng hửu ích, thể hiện và cụ thể hóa qua các hoạt động của anh trong nhiều lãnh vực, văn hóa, giáo dục,xã hội, chính trị, nghệ thuật. Anh đã nêu gương cho thế hệ trẻ, cho thế hệ hậu duệ của chúng ta, một thế hệ lớn lên ở hải ngoại mà anh đặc biệt quan tâm và lo ngại vì sợ rằng sự xa cách quê hương biền biệt có thể làm cho một số hậu duệ quên đi nguồn gốc và căn nguyên của mình.



Anh còn lo lắng nhiều hơn nữa cho tiền đồ của Dân Tộc, của Tổ Quốc Việt Nam. Nhưng anh không lo lắng suôn. Anh đã chọn con đường phụng sự và tranh đấu.

Phụng sự, trong hoàn cảnh khó khăn hiện tại, bằng sự cố gắng tối đa xoa dịu nổi cơ cực của những gia đình nghèo khổ ở quê nhà không đủ phương tiện cho con đi học, khép kín tương lai của cả một thế hệ, có thể của vài thế hệ ! « Bữa Cơm Thân Hữu » của Việt Hưng Hợp Đoàn ngày 4 tháng 12 vừa qua tại Paris để gây quỹ cấp học bổng cho con em nghèo ở quê hương đã thành công rực rỡ, do chính anh, và chị đã góp công lớn tổ chức và thực hiện.


 




Tranh đấu, trong thế nước ngữa nghiêng, cùng đồng bào ở hải ngoại và trong nước, vận động dân chủ hóa quê hương, xây dựng một vận hội mới tự do, dân chủ, tiến bộ, hoà bình, cho Đất Nước Việt Nam, cho toàn dân Việt Nam.Anh đã cùng các anh chị em cùng chung một chí hướng, một quyết tâm họp thành một hợp đoàn để phụng sự và tranh đấu : Việt Hưng Hợp Đoàn mà anh là một thành phần lãnh đạo ưu tú, tận tụy, trung kiên, hửu hiệu, với cương vị Phó Chủ Tịch.

Nhưng anh ơi, sự nghiệp chưa thành, anh đã đột ngột ra đi !

Chỉ mấy hôm trước ngày lìa trần, anh còn bày tỏ « Niềm mơ ước » trong mấy vần thơ chứa chan tình yêu nước , ước mơ một ngày mai quê hương thanh bình hạnh phúc, tự do :

 

Đây niềm mơ ước gửi quê tôi,
An Bình, Hạnh Phúc khắp mọi nơi
Ngõ hẻm hang cùng đều no ấm
Bậc già hạng trẻ thảy vui tươi
Cuộc sống Tự Do bằng thiên hạ
Cảnh đời Sung Túc với đất trời
Ngẩng mặt, vươn mình vinh thịnh vượng
Không hổ mặt ta sống ở đời
 



Và cũng chỉ mấy hôm trước khi anh nằm xuống, anh và tôi còn đàm đạo vui vẻ cả tiếng đồng hồ, bàn chuyện sắp làm trong những ngày tới mà không cảm thấy một chút lo âu nào thoáng hiện. Thế rồi, sáng hôm mồng ba Tết, tôi nghe chị thổn thức trong máy điện thoại:” Anh ơi! anh ấy đã bỏ tôi đi rồi!" Tiếng chị rung động, nghẹn ngào nhưng tôi nghe như tiếng sét xé trời, xóa tan cái bầu khí phấn khởi của một buổi sáng mùa đông hiếm hoi có nắng dịu ở thành đô Paris vào ngày mồng ba Tết. Một cái Tết mà sau đó, anh và chị đang sửa soạn tổ chức buổi “Hội Xuân của Việt Hưng Hợp Đoàn.” vào ngày 12 tháng 2 dương lịch. Sáng kiến và sự tự nguyện đứng ra tổ chức của anh, chị đã được tất cả các bạn nhiệt liệt tán thưởng và chuẩn bị tham dự. Nhưng than ôi ! đột ngột quá, như một đám mây trắng cuồn cuộn kéo đến và vụt bay lên tận cuối bầu trời xanh thẳm, Định Mệnh đã cướp anh đi khỏi vòng tay yêu thương nhưng bất lực của gia đình,của bạn bè, của những thân hữu cùng một chí hướng với anh trên đường đời.

Hương linh anh đã về miền Cực Lạc.Chúng tôi cầu nguyện và tin tưởng như vậy. Xin anh từ chốn vĩnh hằng xa xôi mà gần gủi ấy phù hộ cho chúng tôi, soi sáng chúng tôi, dẫn dắt chúng tôi mạnh tiến trên con đường quang phục quê hương, một quê hương mà anh đã suốt đời yêu thương và ôm ấp vào long khi vĩnh biệt cõi trần.

Những kỷ niệm chung của chúng ta, hình ảnh hiền hoà và cái phong cách cao nhã của anh lúc sinh tiền mới đó, sẽ sống mãi trong lòng chúng tôi, sẽ vượt cả không gian lẫn thời gian và sẽ còn nguyên vẹn một mai kia khi Đất Nước Việt Nam được an bình hạnh phúc như anh đã hằng ước mơ.

Thương tiếc anh.
Nhớ thương anh đời đời.
Vĩnh biệt anh, anh Mạnh Bích ơi!

Lê Trọng Quát


 

*****



LINH CẢM

Mồng Ba tháng Giêng Bính Tuất . Trong lúc những gia đình người Việt cư ngụ tại Paris hãy còn tưng bừng đón mừng năm mới , một tin sét đánh đã khiến kẻ viết bài này thẫn thờ , tưởng chừng mình còn mơ ngủ : đó là tin giáo sư Nguyễn Mạnh Yên bút danh Mạnh Bích , Phó Chủ Tịch Việt Hưng Hợp Ðoàn vừa từ trần đêm trước , sau một cơn đau tim . Ở cương vị niên trưởng , cố vấn của Việt Hưng Hợp Ðoàn , tôi đã có nhiều dịp cộng tác với Giáo sư Yên và quý trọng lòng yêu nước cũng như khả năng trị sự của ông . Gần đây , ông còn trao đổi với tôi một số thi phẩm ông mới sáng tác trong dịp đầu năm . Tưởng niệm người bạn hiền , từ nay xa cách âm dương đôi ngả , tôi đọc lại mấy bài thơ ấy thì giật mình nhận thấy một vài sự ngẫu nhiên , có tính cách báo trước một cuộc vĩnh biệt . Tôi tự hỏi : phải chăng đó là một hiện tượng linh cảm ( prémonition)?

Sự việc như sau.

Ngày 01/ 01/ 2006 , nhà thơ Hoài Việt , đồng Phó Chủ Tịch Việt Hưng Hợp Ðoàn , gửi cho các anh chị em trong Ban Trị sự và bốn thi hữu khác bài thơ mừng tân niên dưới đây :

 

Chúc bạn già

Tết đến mưa rơi , nhớ bạn già
Bên nhau làm việc tháng năm qua .
Có kẻ quay về nơi Cực Lạc ;
Phần đông còn sống chốn phong ba .
Tất cả chưa quên nguồn gốc cũ ;
Mọi người nhớ mãi chốn quê cha .
Năm mới mong bạo tàn sụp đổ ,
Cùng với xuân vui trở lại nhà !



Dĩ nhiên , trong lúc sáng tác bài thơ này, ông Hoài Việt đã nghĩ tới một hay vài ba bạn đã quá cố (câu 3 : nơi Cực Lạc) và nhiều bạn khác đang sống chật vật ở quê nhà (câu 4 : chốn phong ba) . Nhưng bài thơ chúc Tết nhằm gửi cho những bạn đang cộng tác với ông hiện sinh sống ở vùng Paris (câu 1 & 2 : nhớ bạn già bên nhau làm việc tháng năm qua) : do đó câu 3 (Có kẻ quay về nơi Cực Lạc) biến thành một lời linh cảm, xuất phát từ tiềm thức của tác giả. Những bài thơ hay câu thơ ngẫu hứng có tính cách tiên giác, tiên tri như vậy không hiếm trong văn học sử nước nhà : ta chỉ cần đọc lại nhiều bài thơ của cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm (Trạng Trình) sẽ thấy rõ. Ở đây , chúng tôi không nghĩ tới những bài sấm đã được phổ biến vì đã gọi là sấm thì không phải là ngẫu hứng nữa. Tôi nghĩ tới những bài có tính cách triết lý nhân sinh như bài :

Non sông nào phải buổi bình thời ; Thù đánh nhau chi khéo nực cười !v.v.. Nhiều khi tác giả vô tình nói đến tương lai của chính mình . Ta có thể nhắc lại bài thơ vịnh Tràng pháo do nhân vật lịch sử Nguyễn Hữu Chỉnh ( tục danh Cống Chỉnh ) sáng tác khi ông còn bé :

 

Xác không vốn những cậy tay người !
Bao nả công trình tạch cái thôi !
Kêu lắm lại càng tan tác lắm :
Thế nào cũng một tiếng mà thôi ...



Trở lại bài thơ " chúc bạn già " của ông Hoài Việt , nếu nó có tính cách tiên giác , thì không thể dựa vào lời thơ để đoán ai là kẻ sắp " quay về nơi Cực Lạc " . Dĩ nhiên xu hướng thông thường là nghĩ tới người nào lớn tuổi nhất , được các anh chị em trong Việt Hưng Hợp Ðoàn tôn vinh là niên trưởng : người đó chính là kẻ viết bài này . Nhưng cơ Trời không ai lường được ! Chúng tôi không có tài " xuất khẩu thành thi " như thi sĩ Hoài Việt : chúng tôi cần nhiều ngày suy tư , đợi lúc nào cảm hứng mới họa nổi bài thơ chúc Tết của Ông *.Trong lúc đó , bỗng dưng tôi nhận được một bức điện thư ( E. mail ) của G.s. Mạnh Bích. Thư như sau :
Thưa quí bạn - thơ,
Thưa bạn Hoài Việt,

Cảm ơn Bạn đã khơi nguồn làm thơ Mừng Xuân .Tôi xin chép lại bài XƯỚNG của Bạn để các bạn thơ khác cùng góp phần Họa .

Sau đây tôi xin mạn phép Thi Sĩ Niên Trưởng nhanh tay ráp-vần để họa bài chúc xuân nặng tình non nước ấy.

 

Gửi Bạn Già

Tuổi quá bảy mươi vẫn chửa già,
Vui cùng bè bạn giữa can qua.
Cuộc sống tìm vui mầu an lạc.
Cõi lòng dịu bớt sắc âm ba.
Mỗi lúc bồi thơm lò hương cũ,
Vài giây dìm lắng nỗi thương Cha.
Ta hãy đem dư-đồ loang lổ
Vẽ lại đẹp hơn non nước Nhà.


( Mạnh Bích Tâm Tĩnh hàn cốc 02-01-2006 )
Kính cáo ( M&B)



Tôi không ngăn nổi xúc động khi đọc lại bức điện thư vừa rồi : G.s. Mạnh Bích đã quá mau lẹ tuân theo tiếng gọi của Ðịnh Mệnh , từ giã bạn bè , "quay về nơi Cực Lạc" ... Hơn thế nữa, Giáo sư đã lễ độ "xin mạn phép thi sĩ niên trưởng ". Lòng bùi ngùi, tôi không biết làm gì hơn là thắp nén nhang kính xin anh hồn Giáo sư phù hộ cho những chiến hữu còn ở lại cõi trần đầy sóng gió này sớm thành công trong sứ mạng "vẽ lại dư đồ của đất nước" ...

Vũ Quốc Thúc

Ngày 06-01-2006 , chúng tôi cũng đã họa lại bài thơ Chúc xuân của thi sĩ Hoài Việt và tự an ủi là đã gửi bài họa ấy đến tay Giáo Sư Mạnh Bích ba tuần lễ trước khi ông từ trần :

 

Thơ họa :

Vui đón xuân sang chẳng thấy già !
Mưa rét nhưng rồi đông cũng qua !
Lòng son đã nặng tình non nước :
Chí sắt e gì nỗi hải ba !
Ðương lúc tiêu dao nơi đất khách
Chạnh buồn nhớ thuở sống bên Cha .
Nguyện cầu năm mới đời thay đổi :
Hạnh phúc tràn lan khắp mọi nhà !

Khuê Trai Vũ Quốc Thúc





 

*****




 

VĨNH BIỆT ANH MẠNH BÍCH

Ðầu năm Bính Tuất lạnh hơi sương,
Tuyết trắng tang thương phủ khắp đường.
Tiễn biệt Văn nhân về cõi phúc,
Chia ly Chiến hữu bỏ đời thường.
Gia đình xã hội hai vai gánh,
Việt Hưng chung sức dựng công trường.
Mạnh Bích anh theo thuyền Bát Nhã,
Thuyền trôi lặng lẽ đến vô thường.


Lê Ðình Thông


 


 

*****



 

Xin bấm vào đây để nghe sáng tác THÔN TRĂNG của cố nhạc sỹ MẠCH BÍCH



 

*****



ĐIẾU VĂN ĐỌC TRONG DỊP TANG LỄ NHÀ VĂN MẠNH BÍCH

Bạn Mạnh Yên ơi,

Tôi được biết anh từ thuở thiếu thời ở Huế, cách đây cũng đã hơn 65 năm. Sau đó, thời thế và hoàn cảnh đã chia cách chúng ta, cho đến, 40 năm sau, cũng thời thế và hoàn cảnh lại xui khiến chúng ta tái ngộ trên đất Pháp. Tình thân hữu được nối kết lại, trở nên đậm đà và thiết tha hơn, vì bên cạnh tình bạn xưa, tình đồng hương, chúng ta cùng có chung những trăn trở thao thức về đất nước, về quê hương, về văn hóa, đạo đức, về tương lai của con cháu chúng ta… …

Mạnh Yên bạn ơi, là người xuất thân từ một gia đình nho phong văn hóa, bạn đã tiếp tục sống cuộc sống của một người nho phong văn hóa. với một triết lý sống an nhiên tự tại. Bạn yêu đời, yêu người, yêu bạn, yêu văn, yêu thơ, yêu nhạc, yêu những gì Thật, Thiện và Đẹp. Bạn sống Thật với mình và với Người, nghĩ điều Lành và làm điều Lành , và sáng tạo những bản văn, bài nhạc Đẹp để cho người thưởng thức.

Sáng mồng một Tết, mở máy vi tính, tôi nhận được một tấm thiếp Chúc Mừng Năm Mới màu đỏ, có cành mai vàng, có thanh âm tiếng pháo nổ và tiếng trống múa lân, kèm thêm những câu thơ thân tình sau :

 

Gửi Bạn-Ta : Năm mới năm me Bạn ước gì
Lẽ đâu còn ước được lì xì ?
Vậy chúc Bạn- ta : Vui, Mạnh, Khỏe
Xui xẻo, buồn lo, cút hết đi
Ta sẽ xoa tay cười khoái chí
Hì hì
Mạnh & Bích

 

Bạn Mạnh Yên ơi, có ai ngờ lúc tôi vừa mỉm cười vừa trả lời thơ Bạn lại chính là lúc Bạn đang bắt đầu bước vào cuộc hành trình viên miễn…Bây giờ không còn chúc Bạn Vui Mạnh Khỏe nữa, mà tôi cầu xin

 

Gió Cuốn Mây Bay nên Lá Rụng,
Giòng Sông Trầm Lặng chở người đi…
Mong thuyền Bát Nhã đang chờ đón
Sớm chở Bạn về nơi Cõi Tây

 

Thưa chị Bích Khuê và các cháu,

Anh Mạnh Yên, là một người chồng thủy chung gương mẫu, một người cha luôn chăm lo xây dựng, dạy dỗ cho con, một người ông thương cháu hết mình..

Anh Mạnh Yên, là nhà giáo tận tụy với sinh viên và học sinh, một nhà văn thi sĩ và nhạc sĩ sáng tác dồi dào, có nếp sống lương thiện, không tham vọng, không đua đòi, không ganh tị.
Anh ra đi, là một mất mát lớn lao cho gia đình, mà cũng là một nỗi tiếc thương khó nguôi cho những ai đã quen biết anh.

Xin chị và gia đình nhận lời chia buồn chân thành của chúng tôi.
Chúng tôi xin thành tâm cầu nguyện cho anh sớm được về Cõi Tây Phương Cực Lạc.

Phạm Đăng Sum
Ngoại ô Paris, Mồng Chín Tháng Giêng Bính Tuất (06-02-2006)


 

*****



 

Điếu văn

Kính viếng Cố Văn-Nhạc-Sĩ Nguyễn Mạnh-Yên, tự Mạnh-Bích, từ trần lúc 19g45, ngày thứ Hai 30 tháng 01 năm 2006 (nhằm Mồng 02 .01 năm Bính-Tuất). Hưởng thọ 78 tuổi.
Đứng trước Vong-Linh Nguyễn Tiên-Sinh, chúng tôi một nhóm đồng-hương thân bằng tị-nạn Cộng-Sản tại Cộng-Hoà Pháp-Quốc, ngậm-ngùi thương tiếc , khóc mà than rằng :


Giấc Hoàng-Lương kia, nồi kê vẫn còn chưa chín !
Luật Vô-Thường nọ, sao có rồi lại hóa không !
Nhớ Tiên sinh xưa,
Nề nếp Nho-Gia, Tính tình Phong-Nhã ;
Quán tại Thừa-Thiên ,Tự là Mạnh-Bích !


1- Ôi ! Bác Mạnh, LÁ RỤNG về cội ;
Cơn GIÓ CUỐN, biến đổi MÂY BAY !
Bác Yên hỡi ! Bác có hay ?
DÒNG SÔNG TRẦM LẶNG, tiếc thay Vô-Thường !

2- Ấy Vô-Thường, sinh-sinh, diệt-diệt !
Nghiệp Nhân-Quả, bất dịch thường-mà ;
NGÀT XƯA, VỀ ĐỘNG HOA ĐÀO
Theo in DƯỚI BÓNG DỪA ca mất còn.

3-Bác thật tài, đa năng đa dạng ;
Văn Nghệ Sĩ, TIẾNG HÁT TRONG TÙ !
Xa quê CÁNH PHƯỢNG tâm-tư,
Nhớ EM GHÉP TÊN ANH VÀO TÊN ANH .

4- Tính Đồng-Hương, cùng sinh nước Việt ;
Cùng Tị-Nạn, Pháp-Quốc định-cư,
Cớ sao Bác vội viễn-du,
Chợt nghe Tôi những TÂM TƯ bàng-hoàng !

5- Ai chẳng biết , chán-chường bể khổ !
Tìm giải-thoát, riêng chỗ yên vui ;
Để thương để nhớ ngậm-ngùi,
Thân bằng quyến-thuộc lệ rơi khôn cầm !

6-Bác đã xa, dương trần vắng Bác !
Nhưng VĂN HOÁ, SÁNG TÁC lưu-truyền ;
Hậu lai bia miệng vang rền,
ÂN CÔNG SỰ NGHIỆP MÃI bền Nhân-Sinh.

7- Thôi thì thôi ! SIÊU SINH TỊNH ĐỘ !
Bao tiếc thương, tấc dạ đinh-ninh ;
Anh linh chứng-giám lòng thành,
Văn thơ giãi ý, cảm tình cáo-tạ (lui) !
Ô ! hô ! hô ! hô ! hô ! hô !
Cung-duy thượng hưởng !

Paris, Ngày 06.02.2006
(Crématorium du Val de Brièvre)
Khấp kính,
Gia-Trạng Lê Ngọc-Quỳnh (Paris, Xuân Bính-Tuất)




 

*****



 

TIỂN ANH ĐI
Để tưởng nhớ Anh Mạnh Bích.


Muà xuân lạnh xứ người nên LÁ RỤNG?
GIÓ CUÓN MÂY BAY, lắm cảnh phân ly.
THÔN TRĂNG nhớ mãi con người thơ nhạc,
GIÒNG SÔNG buồn TRẦM LẶNG đón người đi.
Mấy câu thơ kèm với giòng lệ nhỏ
Tiễn bạn về cạnh những đấng từ bi.

Hoài-Việt
Xuân buồn Bính Tuất.



 

*****



Từ Trì, Paris

Nhà văn Mạnh Bích đã ra đi. Nhà văn Mạnh Bích không còn nữa : một tin buồn trong cộng đồng Người Việt Tự Do.

Mạnh Bích tên thật là Nguyễn Mạnh Yên, sinh năm 1929 tại Thừa Thiên trong một gia đình nho phong miền Trung.

 



Mạnh Bích là một con người ưu tú, nhiều tài năng đa dạng. Ông cùng một lúc là một giáo chức, môt nhạc sĩ và một nhà văn.

Tốt nghiệp cử nhân văn chương Pháp và cao học văn minh Pháp tại Đại Học Đường Sàigòn., ông đã giảng dạy môn văn chương Việt Nam tại các trường trung học Pháp ở Sàigòn như Jean-Jacques Rousseau, Marie Curie, Regina Pacis, Taberd và dạy môn Văn chương Pháp tại Viện Đại Học Vạn Hạnh, và Institut français.

 

Định cư tại Pháp, ông tiếp tục giảng dạy môn văn chương Pháp tại các trường trung học Georges Brassens và André Maurois thuộc Académie de Versailles.

Là một nhạc sĩ ưu tú ông đã sáng tác tại Việt Nam trong thời gian 1949 - 1981 rất nhiều bản nhạc nổi tiếng như Dưới bóng dừa, Cánh phượng, Tâm tư v… v…và nhất là 10 ca khúc « Tiếng hát trong tù ».

Tại quốc ngoại ông hay sáng tác theo lối phổ nhạc vào thơ mà ông gọi là loại « Lời thơ ý nhạc ». Các bài thơ thuộc loại này gồm có những bài « Anh ghép tên em vào tên anh » (thơ Hồ Trọng Khôi), « Ngày xưa » (thơ Tuệ Nga), « Về động Đào hoa » (thơ Phạm thị Nhung), « Tình già » (thơ Hoài Việt) v… v…

Là một nhà văn, Mạnh Bích viết rất nhiều cuốn sách có giá trị để gửi gấm những suy tư cảm nghĩ sâu rộng về cuộc sống tâm linh của con người. Đáng chú ý nhất là bộ tam thức gồm 3 cuốn Giòng sông trầm lặng, Lá rụng và Gió cuốn mây bay trong đó ông đưa ra những niềm trăn trở triết lý về sự « tĩnh lặng của tâm hồn ».

Là một nhà văn song ngữ ông còn viết nhiều văn phẩm bằng tiếng Pháp mà đặc biệt nhất là cuốn « Le Vietnam crucifié » nói lên những nỗi thống khổ của người dân Việt qua các cuộc tranh chấp ý thức hệ trên thế giới. Do đó ông đã được giải thưởng văn chương đặc biệt của Hội Văn Gia Pháp Ngữ Quốc Tế (ADELF hay Association des écrivains de langue française) năm 2001.

Nhà văn Mạnh Bích đột ngột qua đời vào tối hôm mồng hai Tết Bính Tuất tức là ngày 30 tháng 01 năm 2006 để lại một khoảng trống mênh mông trong giới văn nghệ sĩ Việt Nam hải ngoại

 

SIC TRANSIT GLORIA MUNDI



 

* * * * *



Thương khóc Mạnh Bích Nguyễn Mạnh Yên

Đồng Tác giả Bình Huyên, Paris, đầu 02/2006

Bài Xướng (làm ngày 12/06/2005 , Nhà Hội F.I.A.P., Paris):

Đi tìm Êm Lặng chẳng dừng chân
Gió Cuốn Mây Bay* mấy vạn lần
Cánh én lao xao đùa Lá Rụng*
Giòng Sông Trầm Lặng* chiếu tàn vân
Tâm sáng mầu gương lồng cõi nhạc
Hồn xanh vị lá trải rừng văn,
Quê hương Đất Mẹ còn thiêng lắm
Cầu ước Khuê Yên** sẽ được phần.



Bài Hoạ (làm ngày 01/02/2006, Nhà Xác I.M.M., Paris):

Bây giờ êm lặng toả đầu, chân
Gió Cuốn Mây Bay dứt một lần
Vị Tết bi thương cài Lá Rụng
Giòng Sông Trầm Lặng thoảng sầu vân
Môi khóc hồn rên mờ tiếng nhạc
Lòng thương trí rít thảm lời văn
Thân Anh cát bụi nằm yên ắng,
Nguyện đếm xuân sang viếng mộ phần?


* Giáo sư nhà văn nhạc sĩ Nguyễn Mạnh Yên, bút hiệu Mạnh Bích, là tác giả bộ Tam Thức

Gió Cuốn Mây Bay, Lá Rụng, Giòng Sông Trầm Lặng

** Khuê Yên = Bích Khuê & Mạnh Yên

 

Chương trình tưởng niệm Mạnh Bích



Một chương trình văn nghệ tưởng niệm nhạc sĩ Mạnh Bích đã được Hội Bạn Văn tổ chức tại

FIAP
30 rue Cabanis - Paris 14e

ngày 29/10/2006 lúc 14h

dưới sự điểu khiển nghệ thuật của anh chị Trần Quang Hải & Bạch Yến .
Piano : Đan Thanh

Giới Thiệu : Phương Khanh

với sự góp mặt của các giọng hát Silicon Band ( Tuyết Dung, Văn Tấn Phước , Trâm Anh, Kim Đàn , Quốc Khánh, Phương Khanh ...và thân hữu của anh chị Mạnh Bích .

Các bạn đã đến đầy đủ để tưởng nhớ anh Mạnh Bích đã ra đi vào đầu năm nay và thưởng thức nhũng dòng nhạc của anh sẽ lưu mãi trong ta .

Xin bấm vào các topic của mỗi bài nhạc trong forum này .


Phút Mặc Niệm



Diển Văn của ông¨Phạm Đăng Sum




Chị Bích Khuê chào các bạn




Hợp Ca Thôn Trăng , nhạc Mạnh Bích




Tình Ca Người Đi Biển với giọng hát Văn Tấn Phước





Phát biểu của Từ Nguyên, Hội Văn Bút Hải Ngoại




Ngoài Song với tiếng hát Bạch Yến




Phát biểu của ông Lê Trọng Quát




Giọt Sương,Tiếng hát Kim Đàn




Phát Biểu của ông Vũ Quốc Thúc




Không Bao Gìò Em Khóc, Tiếng hát Bích Khuê




Trần Quang Hải nói về nhạc Mạnh Bích



Trăng Rằm Tháng Tám, tiếng hát Tuyết Dung






Tình Già , tiếng hát Trâm Anh





Còn Mãi Yêu Em, tiếng hát Quốc Khánh





Thôn Trăng Bế Mạc Chương Trình

 
Prof. Trần Quang Hải




 


Nguồn tin: Việt Hưng Hợp Đoàn - 18/02/2006 / TS Trần Quang Hải
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

CHUYỂN ĐẾN WEBSITE...

Tin mới nhất

Đăng Nhập - Đăng Ký

Share mạng xã hội

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 29


Hôm nayHôm nay : 487

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 62596

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 9058693

Tin ngẫu nhiên

Chỉ cần có đường vân này trong lòng bàn tay, bạn không chỉ giàu có mà còn có quyền lực, cả đời hưởng nhiều của cải

Hãy mở lòng bàn tay và nhìn vào nếu có một trong ba đường dưới đây chắc chắn cuộc sống của bạn sẽ đại phú đại quý.

 

NSƯT Hùng Minh - Đời "kép độc"

Ở độ tuổi 83 vẫn còn được góp mặt cả trên sân khấu lẫn điện ảnh, NSƯT Hùng Minh đang tập trung viết hồi ký về cuộc đời một "kép độc" có thâm niên với niềm hạnh phúc viên mãn

 

Mai Thảo viết về “kẻ lạ trần gian” Bùi Giáng

Nhiều buổi chiều Sài Gòn, tôi chẳng còn có thể nhớ đích xác vào những năm nào, đâu như năm 1962, đâu như năm 1965, tôi thường được mời tới những họp mặt ăn nhậu trên căn lầu ngăn nắp, thoáng mát của thầy Thanh Tuệ ở đường Lý Thái Tổ.

 

Hứa Minh Đạt tiết lộ chuyện hôn nhân với Lâm Vỹ Dạ

Nam danh hài "hiền lành nhất nhì showbiz Việt" Hứa Minh Đạt từng bị vợ cằn nhằn vì chấp nhận an phận, không nắm lấy cơ hội vươn lên.

 

Nghệ sĩ Phi Phụng: ’50 tuổi tôi vẫn còn ngủ dưới đất’

Nghệ sĩ Phi Phụng trải lòng về ѕυ̛̣ nghiệp thăng trầm, từng mơ ước có căn nhà ở tuổi 50.

 

Nhà sản xuất "Em và Trịnh" lên tiếng về vấn đề "hư cấu" gây tranh cãi trong phim

"Em và Trịnh" đang gây nên bão dư luận quanh một số tình tiết trong phim bị xem là "không đúng sự thật". Đại diện nhà sản xuất chính thức lên tiếng về "sự thật" và "hư cấu" trong phim

 

Nhớ tác giả bài hát bất hủ Ai Về Sông Tương

Bài Ai Về Sông Tương ký tên tác giả Thông Đạt là một trong hai bút danh khác của nhạc sĩ Văn Giảng. Bút danh còn lại là Nguyên Thông, dùng để viết các ca khúc Phật giáo, nổi tiếng với bài Từ Đàm Quê Hương Tôi, ngoài ra còn các tác phẩm khác nổi tiếng khác mà ít ai biết là của ông như Vô Thường, Mừng Đản Sanh, Hoa Cài Áo Lam, Ca Tỳ La Vệ…

 

Nhớ tác giả bài hát bất hủ Ai Về Sông Tương

Bài Ai Về Sông Tương ký tên tác giả Thông Đạt là một trong hai bút danh khác của nhạc sĩ Văn Giảng. Bút danh còn lại là Nguyên Thông, dùng để viết các ca khúc Phật giáo, nổi tiếng với bài Từ Đàm Quê Hương Tôi, ngoài ra còn các tác phẩm khác nổi tiếng khác mà ít ai biết là của ông như Vô Thường, Mừng Đản Sanh, Hoa Cài Áo Lam, Ca Tỳ La Vệ…

 

Danh ca Minh Hiếu: ‘Nàng thơ’ bước ra từ những nhạc phẩm bolero huyền thoại thập niên 1960

Những năm 1975, мột trong nhưng mỹ nhân làng nhạc Việt khiến nhiều người nức lòng chắc chắn là danh ca Minh Hiếu. รở нữu chất giọng đ.ộ.c łạ và nhan sắc mặn mà, dù không xuất thân giàu có nhưng ai cũng phải ví von nhan sắc của bà như Elizabeth Taylor tại Việt หคм.

 

Nghệ sĩ Thanh Thủy: Phụ nữ "giết" đàn ông bằng nước mắt

Tham gia chương trình "Có hẹn lúc 22 giờ" (phát sóng trên kênh HTV9), nghệ sĩ Thanh Thủy khẳng định "phụ nữ giỏi lại còn biết sử dụng nước mắt thì đàn ông chỉ có "chết".

 

Vì sao NSND Hồng Vân rời chương trình "Bạn muốn hẹn hò"?

Người thay thế NSND Hồng Vân tiếp tục cùng MC Quyền Linh dẫn chương trình "Bạn muốn hẹn hò" là diễn viên Ngọc Lan.

 

Cẩm Vân, Phương Thanh, Tóc Tiên… mặc đồ bảo hộ, hát ở bệnh viện dã chiến

Ca sĩ Cẩm Vân, Phương Thanh, Tóc Tiên, Quốc Đại, Lê Minh (nhóm MTV), CeCe Trương... đã có nhiều tiết mục biểu diễn ý nghĩa hát tặng người dân đang điều trị và lực lượng y bác sĩ tại Bệnh viện Dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 11 (phường An Khánh, TP Thủ Đức, TPHCM) vào tối qua, 3-8.

 

Soạn giả Hoàng Song Việt "viết tâm thư" cho cải lương tuồng cổ

Trước thành công ấn tượng của Đoàn Cải lương tuồng cổ Minh Tơ trong lần công diễn khởi động sự trở lại sau 30 năm của một thương hiệu, soạn giả Hoàng Song Việt đã bày tỏ niềm tin yêu dành cho tín hiệu vui này.

 

Lê Phương tái xuất màn ảnh sau 2 năm làm “mẹ bỉm”

Nữ diễn viên Lê Phương tái xuất màn ảnh nhỏ sau 2 năm kể từ khi sinh bé Bông, tròn bổn phận “mẹ bỉm”. Cô trở lại bằng vai diễn đầy nước mắt trong phim “Thương con cá rô đồng” của đạo diễn Hoàng Tuấn Cường.

 

Trăn trở cuộc thi Tài năng xiếc toàn quốc

Cuộc thi Tài năng xiếc toàn quốc 2021 diễn ra từ ngày 22 đến 27-4 tại Liên đoàn Xiếc Việt Nam (67-69 Trần Nhân Tông, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội). Năm nay có hơn 100 diễn viên của 5 đơn vị dự thi 29 tiết mục.

 

Múa bóng rỗi vào mùa

Có sô diễn thì mừng nhưng các nghệ nhân vẫn canh cánh bên lòng nhiều nỗi lo