\n
Đang truy cập : 34
•Máy chủ tìm kiếm : 1
•Khách viếng thăm : 33
Hôm nay : 7087
Tháng hiện tại : 166887
Tổng lượt truy cập : 18017148
Tận dụng thế mạnh của phim ảnh màn ảnh rộng thời 4.0 với hình ảnh, cảnh trí, âm thanh ánh sáng, kỷ xảo, hiệu ứng, góc quay mà sân khấu thiếu...ngoài ra phim được công chiếu được PR vào hệ thống rạp rộng khắp, với những buối ra mắt hoành tráng ..Phim cải lương có cứu được cải lương hay thổi vào đó những làn gió mới hay không qua hơn 10 năm nhìn lạ
Nhà văn Nguyễn Khắc Phê
Đến khi trực Tết, đợi khách thăm, mở cuốn sách anh Phê tặng ra đọc. Và tôi đã giật mình: Đây là cuốn ký sự hấp dẫn vì nó được viết từ những trang nhật ký từ 56 năm trước! Thế là tôi bị cuốn hút theo từng trang nhật ký ấy…
Là nhà văn, tôi hiểu tầm quan trọng của vốn sống. Có vốn sống phong phú nhà văn mới viết văn được. Vốn sống có nhiều dạng: đi thực tế (ghi nhật ký) và đọc. Nhiều nhà văn ghi nhật ký hàng ngày. Thậm chí nhà thơ Mai Văn Hoan còn ghi "nhật ký kể về những giấc mơ đêm qua". Nhưng ghi nhật ký trong chiến tranh bom đạn ngút trời, rồi tìm mọi cách lưu giữ tới 56 năm, để hôm nay làm tư liệu viết sách như anh Nguyễn Khắc Phê thì chắc ít người làm được. Đúng là một sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho văn chương!
Từ ngày 31-7-1959, mới 20 tuổi, tốt nghiệp khóa 8, Trường Trung cấp Giao thông vận tải ra trường cho đến kết thúc chiến tranh năm 1975, anh đã ghi tới 11 cuốn nhật ký dày cộp, chữ li ti. Và tất cả đều được bảo quản nguyên vẹn cho tới hôm nay, dù "nhiều chỗ đã bị nhòe mờ theo thời gian".
Đọc Những người mở đường ngày ấy, lần đầu tiên tôi biết con mắt bên phải của anh Phê bị mất thị lực từ đầu năm 1961 trong một vụ tai nạn ôtô do đội trưởng Đội Cầu 1 Nguyễn Hàn (đơn vị của anh lúc đó) lái, xe lao xuống bờ đê sông Đáy. Anh Phê phải bị "thoát huyết đáy mắt". Bây giờ mắt phải của anh thị lực vẫn chỉ 0/10. Nhìn lờ mờ thấy được ngón tay mình cách quá nửa mét. Thế mà gần chục năm trong chiến tranh, ngày đêm anh vẫn lụi cụi ghi nhật ký, ghi cả ban đêm dưới ánh đèn dầu hạt đỗ!
Nhà văn Nguyễn Khắc Phê sinh năm 1939. Nghĩa là năm nay tuổi mụ anh đã 78. Cuối năm 2015, anh bị tai biến suýt "đi họp" (chữ của Tô Nhuận Vỹ). Anh đã xuất bản hơn 20 đầu sách. Năm 2012, anh được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Đó là sự thẩm định tài năng và cống hiến cho sự nghiệp văn chương nước nhà của anh.
Nhà văn Nguyễn Khắc Phê. |
Riêng về ngành giao thông vận tải mà anh là người trong cuộc, anh đã viết tới 6 cuốn tiểu thuyết, ký sự: Đường giáp mặt trận (1976), Đường qua làng Hạ (1976), Chỗ đứng người kỹ sư (1980); Miền xa kêu gọi (1985); Sự sống con đường (2011) và năm nay là Những người mở đường ngày ấy. Trong cuốn sách mới này, nhà văn bộc bạch, tất cả các nhân vật trong 5 cuốn sách ấy đều lấy từ người thực việc thực được ghi trong các trang nhật ký, chỉ đổi tên. Ở cuốn sách này anh trích rất nhiều trang nhật ký, để mô tả cuộc sống và chiến đấu của “những người mở đường ngày ấy”, nên sự chân thật, sinh động được nâng lên gấp bội.
Trang nhật ký đầu tiên khi anh mới tốt nghiệp ra trường ghi ngày 31-7-1959: "Nhà trường đã cho ra thêm một mẻ thép tốt…". Ngày 5-8-1959, khi anh được phân công công tác lên miền Tây: "…Tàu đến ga Kỳ Lừa đã hơn 1 giờ chiều, nhưng chợ chưa tan, mặc dù trời mưa...". Nhật ký của anh vẫn ghi liên tục suốt cuộc chiến tranh kể từ khi anh được điều động vào xây dựng cầu đường ở tuyến đường 12A, Đèo Mụ Giạ, Quảng Bình khi mới 24, 25 tuổi.
Trong "trận đầu thử lửa" chiến tranh phá hoại miền Bắc ác liệt, ngày 16-4-1965, anh ghi: "… Mấy chiếc T.28 đi trước, lượn một vòng rồi xả một tràng rốc-két. Mình vừa nhào xuống đường thì nghe tiếng nổ, chạy vào gần núi đá thì bom nổ trên đỉnh núi, đá tung xuống rào rào. Một mảnh bom lớn dài hơn một mét rơi đánh thịch bên cạnh…".
Sự khốc liệt trên đường 12A liên miên hàng chục năm như thế, mà anh vẫn ghi đều đặn về những trận đánh, những ngày lấp hố bom mở đường, những ngày đo đạc nghiên cứu làm cầu mới của đơn vị mình, của Thanh niên xung phong (TNXP), trong tiếng máy bay gầm rú và bom đạn khốc liệt.
Cũng có rất nhiều trang nhật ký ghi lại cuộc sống đời thường của cán bộ, TNXP rất thú vị. Đó là chuyện yêu đương, cưới vợ ngay tại mặt trận: Ngày 1-1-1966: "… Về đến công trường bộ, thấy lán mình đang ở được dọn dẹp, trang trí để tổ chức lễ cưới cho V. và Ch… Thằng Mỹ chắc không ngờ giữa rừng sâu, bên con đường mà chúng đánh liên tục, chúng đánh để tiêu diệt mọi sự sống người ta vẫn cưới hỏi đông vui…".
Một trang khác, nhà văn kể chuyện “lá thư tình" rất thú vị, rất hy hữu: "… nghe anh em xung quanh cười rúc rích. Thì ra cô L. vừa nhận thư, bóc ra có hai lá, hai nét chữ khác nhau.
Một lá thư là của người nhà, còn một lá nét chữ cô không biết của ai, nhưng cậu bạn ghé xem nhận ra đó là chữ của anh G. - một vị trong Ban chỉ huy đại đội. Thì ra (vì yêu cô L. - Ngô Minh), anh G đã bóc thư cô, bỏ thêm lá thư của mình với mấy tờ bạc mới 2 hào, 5 hào và một đồng tiền Lào làm kỷ niệm…".
Trên tuyến đường chiến lược 12A khốc liệt, có trận chiến đấu bi tráng ở km 21, trên "đồi 37". Nhật ký Nguyễn Khắc Phê đã ghi rất đậm những "dư âm" sau trận đánh này. Cảm động nhất là thư của cựu TNXP Nguyễn Thị Sâm viết cho nhà văn sau khi đem bài báo của anh đến nhà tặng cho mẹ của liệt sĩ TNXP, anh hùng Nguyễn Thị Thường hy sinh ở km 21, sau đó về nhà thì mơ thấy Thường hiện lên như thật: "…Em về nhà, vài hôm sau thì Thường lại "đến" nhà em. Em hỏi:" Ở mô về đó?".
Thường nói:" Ở km 21 chứ mô nữa! Thường đến ngồi sát với em trên giường. Em thì chăm chăm nhìn bạn, còn bạn chẳng nhìn em. Em thấy trong tay Thường cầm tấm vải. Em bảo đưa tấm vải xem có đẹp không? Thường đưa tấm vải cho em thấy nhẹ tâng. Em kêu lên "oa…", mở mắt ra chẳng thấy Thường đâu nữa… Anh Phê ơi, em không hiểu sao ngòi bút của anh thiêng liêng thế…".
Nhật ký Nguyễn Khắc Phê. |
Tôi đã sơ lược vài dòng nhật ký nhà văn ghi trong chiến tranh cách đây 50 năm được trích trong hơn 400 trang sách, chỉ để nói một điều: Chính những trang nhật ký đó đã làm cho cuốn sách sinh động, hấp dẫn. Đọc những trang nhật ký của anh Phê, ngoài hình ảnh bom đạn ngút trời, hình ảnh những anh hùng, chiến sĩ bộ đội, TNXP đi lấp bom mở đường, ta thấy hình bóng nhà văn hiện lên rất rõ từng ngày.
Anh Phê lúc đó là cán bộ kỹ thuật cầu đường, mới bắt đầu sự nghiệp cầm bút bằng những bài báo, bài ký đầu tiên in báo Văn nghệ, mà đã có ý thức lưu giữ những trải nghiệm cuộc sống thực tế bằng nhật ký. Đó là tư chất của một cây bút biết mình trọn đời với văn chương. Hãy đọc thêm vài dòng nhật ký nữa, để hiểu thêm nhà văn của chúng ta sống giữa nguy nan như thế nào.
Ngày 10-4-1965: "Xong trận bom, mình chạy ra, thấy cầu còn nguyên, mừng quá, nhưng phía lán thì khói bốc lên nghi ngút… Phải chạy vội về lán lấy túi tài liệu ở hầm ra. Toàn bộ khu lán đã cháy trụi, chỉ còn cột và các đà ngang đang tiếp tục bị lửa đốt thành than…".
Ngày 25-4-1965, nhật ký dài đến bốn trang sách, có đoạn: "… Mãi đến khi viết những dòng này, mới chợt nhớ hôm nay là ngày sinh nhật thứ 26 của mình… Không nghĩ đến ngày sinh mà có lẽ nghĩ đến ngày tử nhiều hơn!".
Nhà văn Nguyễn Khắc Phê, một cán bộ kỹ thuật giao thông đã trở thành nhà văn trong môi trường gian nguy như thế. Cuốn sách, đặc biệt là những trang nhật ký đầy ắp chi tiết sống, nên tuy thời ấy Nguyễn Khắc Phê chưa định "làm văn", nhưng chính những chi tiết sống động ấy đã tạo nên những trang văn.
Mới hay đã "mang lấy nghiệp", nhà văn dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, phải tỉ mẩn chắt lọc, ghi chép những chi tiết của cuộc sống để làm giàu cho những trang sách của mình và cho cuộc đời. Đó là bài học nghề văn. Tôi yêu mến và mãi kính trọng những nhà văn như thế!
Mã an toàn:
Tận dụng thế mạnh của phim ảnh màn ảnh rộng thời 4.0 với hình ảnh, cảnh trí, âm thanh ánh sáng, kỷ xảo, hiệu ứng, góc quay mà sân khấu thiếu...ngoài ra phim được công chiếu được PR vào hệ thống rạp rộng khắp, với những buối ra mắt hoành tráng ..Phim cải lương có cứu được cải lương hay thổi vào đó những làn gió mới hay không qua hơn 10 năm nhìn lạ
Ý kiến bạn đọc