\n
Đang truy cập : 33
Hôm nay : 3231
Tháng hiện tại : 163031
Tổng lượt truy cập : 18013292
Tận dụng thế mạnh của phim ảnh màn ảnh rộng thời 4.0 với hình ảnh, cảnh trí, âm thanh ánh sáng, kỷ xảo, hiệu ứng, góc quay mà sân khấu thiếu...ngoài ra phim được công chiếu được PR vào hệ thống rạp rộng khắp, với những buối ra mắt hoành tráng ..Phim cải lương có cứu được cải lương hay thổi vào đó những làn gió mới hay không qua hơn 10 năm nhìn lạ
Những bài ca như nước mắt phận người
Nhạc sĩ Trần Tiến
Dăm bài hát ưu tư ít nhiều cho thấy một chân dung Trần Tiến đắm đuối với cuộc sống mến thương!
Con người Trần Tiến là phép cộng của bụi bặm, tài ba, phóng túng và đào hoa. Cuộc đời Trần Tiến nhiều thăng trầm, nhiều cống hiến và nhiều gặt hái, thêm một câu khen hoặc thêm một câu chê thì Trần Tiến vẫn là Trần Tiến. Dễ hòa đồng với thiên hạ, nhưng Trần Tiến vẫn có cái kiêu hãnh và cái tự phụ của riêng mình.
Trần Tiến lớn lên thời đất nước gian lao, phải sớm lăn lộn vỉa hè để mưu sinh, trước khi được đào tạo để làm ca sĩ của Đoàn ca múa Hà Nội. Trần Tiến hát không hay bằng anh trai Trần Hiếu và cũng không hay bằng cháu gái Trần Thu Hà. Thế nhưng, kỹ nghệ hát của Trần Tiến đắc dụng cho công việc sáng tác khi định danh một nhạc sĩ.
Nếu Trần Tiến hát ca khúc của người khác thì sự nghiệp e chừng cũng chỉ bình thường, còn khi Trần Tiến đã chọn lựa hát ca khúc của chính anh thì sừng sững một nhân vật âm nhạc. Trần Tiến hát được và hát tốt là một ưu điểm để ca khúc Trần Tiến bay cao bay xa. Bởi lẽ, lúc viết Trần Tiến đã có thể đắn đo những quãng, những nhịp phù hợp cho sự lan tỏa ca khúc khi biểu diễn.
Nhạc sĩ không biết hát thì ca khúc hoàn thành vẫn phải mong ngóng ca sĩ ưng ý, còn Trần Tiến viết xong hát luôn. Vì vậy, không ca sĩ nào hát ca khúc của Trần Tiến có sức rung cảm bằng… Trần Tiến!
Trần Tiến đã tự hát những ca khúc của bản thân suốt gần nửa thế kỷ qua, để trở thành một tên tuổi lớn trong đời sống văn hóa. Thương hiệu của Trần Tiến là ngẫu hứng. Mặc định như vậy, không chỉ dựa vào những bài hát như “Ngẫu hứng phố”, “Ngẫu hứng sông Hồng” hoặc “Ngẫu hứng lý ngựa ô”, “Ngẫu hứng lý qua cầu”, mà còn dựa vào thói quen ngẫu hứng hát lên một giai điệu nào đó của Trần Tiến.
Chính Trần Tiến thú nhận, phần lớn ca khúc của anh được ngẫu hứng bất chợt, sau đó mới trau chuốt lại tác phẩm trọn vẹn. Tuy nhiên, ngẫu hứng chỉ làm nên những bản tình ca xao xuyến, chứ không thể có được những bài hát thế sự đằm sâu. Trong gia tài âm nhạc của Trần Tiến, có những ca khúc không ngẫu hứng chút nào. Đó là một giá trị, mà những ai tha thiết với tiến bộ xã hội phải nể trọng Trần Tiến.
Giữa đám đông, Trần Tiến có khả năng thu hút bởi sự trình diễn. Trà xanh cũng được, rượu chát cũng được, bia hơi cũng được, chỉ cần vài ly là Trần Tiến hoạt náo lên, hát lên và múa lên. Phải thừa nhận Trần Tiến diễn giỏi, đôi mắt cứ lim dim, đôi tay cứ uốn lượn, khiến lời ca nào bay ra từ đôi môi cũng như có men say ngây ngất.
Nếu bị Trần Tiến chinh phục kiểu ấy, thì không thể nào hiểu hết những chan chứa trong âm nhạc Trần Tiến. Hãy hiểu thêm Trần Tiến khi chàng nhạc sĩ phong trần ngồi rũ rượi lặng im giữa bốn bức tường hoang vu, khoảnh khắc mà Trần Tiến gọi là “Trống rỗng”: “Đôi khi ta muốn lên chơi một ván cờ với Thượng Đế, thua cũng vui. Đôi khi, đôi khi thôi, ta muốn quên con người, trái đất buồn… Rồi lại đi, đi theo dòng người không biết đi đâu. Bánh xe cà tàng quay trong hư không…”.
Nhờ những lúc “trống rỗng”, ca khúc của Trần Tiến mang một màu sắc khác, hướng về những thân phận xung quanh, hát lên nỗi đau đồng loại mình. Vì Trần Tiến mãi rong chơi, không chịu kê biên sáng tác cá nhân, nên khó xác định dòng ca khúc không ngẫu hứng của Trần Tiến được khởi phát từ tác phẩm nào. Tạm dùng cảm nhận giới mộ điệu, thì có thể mường tượng những ca khúc nặng trĩu nhân tình thế thái của Trần Tiến hình thành ngay trong giai đoạn đổi mới, nghĩa là giữa thập niên 80 của thế kỷ trước. Trần Tiến không ngẫu hứng, vì nhận ra những “mặt trời bé con” xung quanh đang cần gì, đang muốn gì: “Trời mưa quá em ơi, bài ca ướt mất rồi, còn đâu . Trời mưa đến bao lâu, mà sao em vẫn chờ vẫn đợi...”.
Giai đoạn đổi mới như một bước ngoặc của văn học nghệ thuật Việt Nam. Sau thời gian dài ngổn ngang và bế tắc, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã quyết định “cởi trói” bằng hiệu lệnh mạnh mẽ “chống lại sự im lặng đáng sợ”. Trần Tiến là nhạc sĩ duy nhất xuất hiện theo cơn thác lũ thức tỉnh của trí thức nước ta. Những sáng tác không ngẫu hứng của Trần Tiến là những tiếng kêu vừa thì thầm vừa dữ dội.
Ca khúc “Trần trụi 87”, Trần Tiến thảng thốt: “Tôi đã thấy bạn tôi đi buôn trên đường phố Nga. Bạn tôi lang thang trên đường phố Mỹ. Bạn bè lừa nhau ngay trên quê hương… Đừng hát, xin đừng mãi ngợi ca, những lời hát nhàm chán ru quê hương ta vinh quang thăng hoa trong bao niềm kiêu hãnh, mà quên đi áo cơm và hoa hồng”.
Bức tranh thời bao cấp tẻ nhạt với những bóng hình khốn khó và lầm lũi được Trần Tiến phản ánh qua ca khúc “Chuyện năm người” đau đáu: “Sớm lại chiều đi lên cơ quan, chiếc xe cà tàng một lon cơm khô. Họ chẳng chết bao giờ, vì có sống bao giờ đâu. Họ chẳng sống bao giờ, thì có chết bao giờ đâu...”. Trần Tiến thực sự nhập cuộc, những lời ca bật ra như nước mắt rơi trên phím đàn. Trần Tiến không chỉ thương những người lớn túng quẫn mà Trần Tiến còn thương hơn những trẻ em bất hạnh.
Làm sao người nghe biết được Trần Tiến đã khóc mấy lần khi viết ca khúc “Sói con ngơ ngác” day dứt: “Một bầy trẻ em lang thang phố lạnh mùa đông. Một bầy mồ côi, đôi tay bé bỏng xin ăn. Một bầy trẻ em, không có ngày mai, không có tuổi thơ như con sói bơ vơ, bơ vơ. Một bầy trẻ em không có tình yêu, không có lời ru, như con sói hoang vu… Xưa, người ta đánh em, em chạy về núp bóng mẹ yêu. Bây giờ, người ta đánh em, em biết chạy về đâu, tìm ai, tìm ai?”.
Dòng ca khúc không ngẫu hứng của Trần Tiến được hát lên từ những chấn thương tâm lý của cộng đồng. Những thứ trật tự cay đắng, những thứ đối đãi bẽ bàng, những thứ ân nghĩa chông chênh, cứ cồn cào, cứ gào thét, cứ giật thót từng hồi run rẩy trong âm nhạc Trần Tiến.
Không thể phủ nhận, dòng ca khúc không ngẫu hứng của Trần Tiến được hát lên từ những chấn thương tâm lý của cộng đồng. Những thứ trật tự cay đắng, những thứ đối đãi bẽ bàng, những thứ ân nghĩa chông chênh, cứ cồn cào, cứ gào thét, cứ giật thót từng hồi run rẩy trong âm nhạc Trần Tiến.
Hơn ai hết, chính Trần Tiến nghiệm ra “chúng ta hát ca vui như trẻ thơ” chỉ dành cho những ngày nhàn nhã “bao năm dưới mái trường mộng mơ, ta như con sóng nô đùa”. Còn khi xã hội đang trong cơn sốt vỡ da, thì nhân dân cần một loại ca khúc khác, gai góc hơn, quyết liệt hơn và cũng nhức nhối hơn. Trần Tiến dùng tiết tấu sôi động để gửi vào ca khúc “Rock đồng hồ” một tâm tư về những số phận nhỏ bé gieo neo: “Bạn nhìn xem chiếc kim giây, khốn thân cho chiếc kim giây yếu gầy (tung tung, tích tắc).
Chạy loanh quanh suốt tháng năm, chạy như điên cho lũ kim kia nhích dần (tung tung, tích tắc). Nhưng có ai xem đồng hồ, có mấy ai đi xem đồng hồ hỏi giây (tung tung tích, boong). Rồi một hôm chiếc kim giây, chẳng ai chăm, chiếc kim giây yếu dần (tung tung, tích tắc). Chạy loanh quanh đói nhăn răng, chạy như điên cho tới khi kim giây chết dần…”.
Trần Tiến mượn giai điệu lở lơi và bông lơn để gửi vào ca khúc “Lambada quê ta” một lời nhắc nhở nghiêm túc về thực tế phũ phàng: “Quê ta lắm bà già thích nhảy lam ba da. Quê ta lắm ông già yêu điệu lam ba da. Quê ta nhiều Honda, nhiều Coca Cola, nhiều những bữa dưa cà . Quê ta nhiều villa, nhiều xe Toyota, nhiều đứa bé không nhà…”
Khi xuất bản cuốn sách “Ngẫu hứng” dày hơn 250 trang, Trần Tiến không nhắc nhiều đến dòng ca khúc không ngẫu hứng, nhưng những tác phẩm ấy vẫn tồn tại bền bỉ để làm chứng cho hành trình du ca đầy âu lo lương thiện của Trần Tiến qua cõi đời này. Trần Tiến hôm nay đã bước vào tuổi cổ lai hy. Sản nghiệp gần 200 ca khúc của Trần Tiến chắc chắn sẽ còn được nhiều thế hệ sau soi rọi lại, ngẫm nghĩ lại, đồng cảm lại.
Chỉ riêng dòng ca khúc không ngẫu hứng, Trần Tiến đã có vóc dáng của một nhạc sĩ lớn. Dòng ca khúc không ngẫu hứng của Trần Tiến không chỉ gói gọn trong giai đoạn đổi mới, mà còn dư âm sang giai đoạn hội nhập, ví dụ ca khúc “Về đi em” cảnh tỉnh sự ngột ngạt đô thị: “Về đi em làng quê cũ, có con sông xưa vỗ bờ. Về ôm vai mẹ yêu dấu, để được khóc như đứa trẻ thơ. Để quên đi năm tháng bơ vơ, mình em giữa phố đông không nhà. Bủa vây em nghèo đói, xa hoa, dối lừa…”
nhạc sĩ, tên gọi, ngẫu hứng, phù hợp, phong cách, quen thuộc, công chúng, khả năng, thường xuyên
Mã an toàn:
Tận dụng thế mạnh của phim ảnh màn ảnh rộng thời 4.0 với hình ảnh, cảnh trí, âm thanh ánh sáng, kỷ xảo, hiệu ứng, góc quay mà sân khấu thiếu...ngoài ra phim được công chiếu được PR vào hệ thống rạp rộng khắp, với những buối ra mắt hoành tráng ..Phim cải lương có cứu được cải lương hay thổi vào đó những làn gió mới hay không qua hơn 10 năm nhìn lạ
Ý kiến bạn đọc