\n
Đang truy cập : 36
•Máy chủ tìm kiếm : 1
•Khách viếng thăm : 35
Hôm nay : 6814
Tháng hiện tại : 166614
Tổng lượt truy cập : 18016875
Tận dụng thế mạnh của phim ảnh màn ảnh rộng thời 4.0 với hình ảnh, cảnh trí, âm thanh ánh sáng, kỷ xảo, hiệu ứng, góc quay mà sân khấu thiếu...ngoài ra phim được công chiếu được PR vào hệ thống rạp rộng khắp, với những buối ra mắt hoành tráng ..Phim cải lương có cứu được cải lương hay thổi vào đó những làn gió mới hay không qua hơn 10 năm nhìn lạ
Chuyện đời Bùi Giáng - Kỳ 8: Với Thanh Tuệ và NXB An Tiêm
|
Đấy là bốn câu trích từ bài thơ của Bùi Giáng tặng ông Thanh Tuệ (hai chữ thanh tuệ viết thường) in trong cuốn Sa mạc phát tiết ấn hành tại Sài Gòn năm 1969 bởi NXB An Tiêm. NXB này đã in nhiều sáng tác, dịch thuật, biên khảo của Bùi Giáng và do Thanh Tuệ sáng lập điều hành từ năm 1965, nhà văn Tuấn Huy ghi: “Dạo đó tôi thường gặp Bùi Giáng ở nhà Thanh Tuệ sát cạnh nhà tôi, trong một hẻm nhỏ đường Lý Thái Tổ. Ngôi nhà lầu ngăn đôi, bên này một mình tôi mướn lại của nhà văn Song Linh, bên kia Thanh Tuệ thuê, vừa làm NXB An Tiêm vừa ở đó với mấy người bạn. Một lần, đang nằm ở bên này, tôi nghe tiếng bước chân xầm xập lên chiếc cầu thang gỗ. Rồi tiếng Bùi Giáng ồn ào cười nói. Có khi ông đọc thơ. Có khi ông chuyện trò với Thanh Tuệ và những người khác, bằng cái giọng vừa ồm ôm, vừa chọ chẹ. Một lúc huyên náo như thế, rồi bặt im, không một tiếng động nào nữa. Những căn nhà san sát mê thiếp dưới ánh nắng xế và lớp gió chiều quấn lộng... Tôi bước sang đẩy cánh cửa khép hờ, thấy Bùi Giáng đang ngồi ngủ gục trên một chiếc ghế. Thanh Tuệ thì nhẹ nhàng ý tứ xếp lại những chồng sách mới in. Tôi cũng nhẹ nhàng ý tứ đến gần bên Thanh Tuệ, nhặt một cuốn sách lên, để mùi thơm của giấy mới loãng tan trong khứu giác. Thanh Tuệ ngó Bùi Giáng, cười. Nụ cười tươi tắn và hồn hậu. Tôi khẽ gật đầu. Chúng tôi để yên cho nhà thơ chúng tôi ngủ”.
|
Đến 1981, Thanh Tuệ sang Pháp, tiếp tục hoạt động xuất bản ở Paris, đặt văn phòng liên lạc tại số 3 đường Vincent Van Gogh. Mùa thu 2004, để chuẩn bị thêm tài liệu kỷ niệm 40 năm thành lập NXB An Tiêm (1965 -2005), Thanh Tuệ đến Mỹ lưu lại mấy tuần tại San Jose, rồi đến Nam Cali, ở tại chùa Liên Hoa do hòa thượng Thích Chơn Thành trụ trì và đột ngột lâm bệnh phải đưa vào Bệnh viện Garden Grove cấp cứu. Song ông đã qua đời lúc 7 giờ 30 tối 16.8 năm ấy, thọ 69 tuổi. Bấy giờ đời sống gia đình ông ở Pháp rất đạm bạc, ngặt nghèo, vợ ông là bà Đỗ Ngọc Lệ cùng trưởng nữ Thu Hương và hai cháu ngoại Hoàng Minh và Hoàng Bảo phải mượn tiền mua vé máy bay qua Mỹ. Tiền nhà thương, tiền nhà quàn, tiền hỏa táng lên tới hàng chục ngàn USD...
Hay tin, từ nước Đức, Thái Kim Lan viết những dòng “ai điếu” Thanh Tuệ qua bài Đi tìm dấu vết An Tiêm gặp Bùi Giáng, nhắc lời dịch giả Bửu Ý từng sống với Thanh Tuệ trong những năm mới thành lập An Tiêm: “thời ấy anh Thanh Tuệ thấy quyển sách nào trình bày đẹp, nhất là sách ngoại quốc từ Pháp, từ Mỹ, từ Đức, từ Ý trong các hiệu sách là anh mua về cho anh em đọc, rồi cắt bìa giữ lại làm tư liệu cho những cuốn sách mà anh sẽ hư cấu, chọn bìa, chọn giấy thích hợp với nội dung” để in. Trong 10 năm (1965 - 1975) NXB An Tiêm mở rộng cửa đón nhận nhiều tác phẩm danh tiếng trên thế giới, qua các bản dịch bởi Bửu Ý (chẳng hạn: Vườn đá tảng của Nikos Kasantzakis - 1967; Đứa con đi hoang trở về của A.Gide - 1967; Văn học thế giới hiện đại của R.M.Alberes - 1973), và các tác phẩm khác của Phạm Công Thiện, Vũ Khắc Khoan, Tuệ Sỹ... có hình bìa hoặc phụ bản của Đinh Cường, Hiếu Đệ, Trịnh Cung. Giáo sư Lê Văn Lợi nhắc: “Nguyễn Hiến Lê - dịch giả tác phẩm Chiến tranh và hòa bình của Leon Tolstoi 4 tập dày cộm (gồm 3.000 trang) - rất ít khen ai và tự xuất bản sách của thầy, lại hết lời cảm phục tài năng và tấm lòng Thanh Tuệ với văn chương chữ nghĩa”... Rõ nét nhất là các tác phẩm của Bùi Giáng do NXB An Tiêm in, mà nhà văn Nguyễn Mộng Giác ở hải ngoại đã đề cập đến vài hôm sau ngày Thanh Tuệ mất: “có thể nói hầu hết những tác phẩm quan trọng của Bùi Giáng đều do anh Thanh Tuệ in, dù NXB biết không thể lấy lại vốn in đã bỏ ra (...) Một nhà thơ lớn (như Bùi Giáng) đẩy thơ vào một cuộc chơi lớn, thì ngay lập tức cũng có một NXB “chịu chơi” có đôi mắt xanh sẵn sàng bỏ công bỏ sức ra in thành quả khác thường của cuộc chơi ấy (...). Tôi tin chắc rằng anh Thanh Tuệ kiếp trước cũng là một nhà thơ. Không, tôi lầm. Không cần phải đi ngược lên kiếp trước. Ngay trong phút này, anh “đã là” một nhà thơ. Thi nghiệp của anh là An Tiêm (...) anh đứng đợi Bùi Giáng vào lúc, vào chỗ thích hợp nhất, để hai người sánh vai thực hiện một cuộc hành trình mới vào thơ”. Còn Bùi Giáng trong “thơ điên” của mình vẫn nhắc: “Tuy nhiên xuất bản một thầy/Tu hành thanh tuệ còn ngây thơ cười” - cười thanh thản, vì đã góp tay mở được một cánh cửa mới và đầy “màu hoa trên ngàn” cho khu vườn văn học miền Nam, đưa An Tiêm vào huyền thoại đẹp của ngành xuất bản Sài Gòn một dạo (còn nữa).
Giao Hưởng
Mã an toàn:
Tận dụng thế mạnh của phim ảnh màn ảnh rộng thời 4.0 với hình ảnh, cảnh trí, âm thanh ánh sáng, kỷ xảo, hiệu ứng, góc quay mà sân khấu thiếu...ngoài ra phim được công chiếu được PR vào hệ thống rạp rộng khắp, với những buối ra mắt hoành tráng ..Phim cải lương có cứu được cải lương hay thổi vào đó những làn gió mới hay không qua hơn 10 năm nhìn lạ
Ý kiến bạn đọc