\n
Đang truy cập : 58
•Máy chủ tìm kiếm : 1
•Khách viếng thăm : 57
Hôm nay : 3365
Tháng hiện tại : 163165
Tổng lượt truy cập : 18013426
Tận dụng thế mạnh của phim ảnh màn ảnh rộng thời 4.0 với hình ảnh, cảnh trí, âm thanh ánh sáng, kỷ xảo, hiệu ứng, góc quay mà sân khấu thiếu...ngoài ra phim được công chiếu được PR vào hệ thống rạp rộng khắp, với những buối ra mắt hoành tráng ..Phim cải lương có cứu được cải lương hay thổi vào đó những làn gió mới hay không qua hơn 10 năm nhìn lạ
NSND BẠCH TUYẾT: "Hồn cốt dân tộc làm nên giá trị bền vững của văn hóa Việt Nam"
Nghệ sĩ Bạch Tuyết trong một chuyến lưu diễn tại Mỹ. |
Như một tình yêu mà chị giấu kín bấy nay, TS Nghệ thuật- NSND Bạch Tuyết thích nói chuyện về chèo, ca trù, tuồng cổ, quan họ... Chỉ có trò chuyện với chị mới được nghe những câu chèo ngân nga, lí lơ quan họ, "ứ hự" ca trù. Thật tiếc khi cuộc trò chuyện của chúng tôi lại đi theo vấn đề khác. |
Sân khấu - cuộc đời - Thanh sắc giúp diễn viên lợi thế được giao vai sân khấu, nhất là "sân khấu chính trị" thời phong kiến. Qua đó, có ảnh hưởng đến tâm tư, ý niệm, "được, mất" của chị ngoài đời? Với nghệ thuật, tôi quan niệm, chỉ có sự làm được, làm tới hoặc làm chưa tới, chứ không có sự cân đo được, mất. Với những vai diễn lịch sử như Thái hậu Dương Vân Nga, Lý Chiêu Hoàng, công chúa An Tư... tôi nhận thấy mình may mắn có được những khoảnh khắc suy ngẫm, sáng tạo, thăng hoa tuyệt vời. Tôi tự hào với di sản lịch sử - gia sản nghệ thuật ấy. Những câu chuyện, những chứng nhân, những bài học vọng về từ ngàn năm ấy, chưa bao giờ là "chuyện xưa, tích cũ" với đất nước này, với người dân Việt hôm nay. Tôi cảm thấy công việc tôi làm, chuyên chở cái giá trị lịch sử, nghệ thuật đến người xem, thật sự có ích cho mọi người, mọi thời đại. - Những hình ảnh lẫm liệt, uy nghi, cái tâm thế " vị quốc, vị dân" theo chị đến mọi nẻo đường. Nhưng không phải bao giờ nghệ sĩ cũng được đón nhận? NSND Bạch Tuyết sinh năm 1945 ở Châu Đốc, An Giang, là một nữ nghệ sĩ cải lương danh tiếng, được mệnh danh là "Cải lương Chi Bảo". Ở đâu, ở thời điểm nào, thậm chí ở ngay trong mỗi một con người, tính cực đoan không thiếu. Tôi có thói quen tôn trọng "việc của người khác". Chỉ có điều, khi sự cực đoan đạt tới ngưỡng giới hạn, trở thành một thứ chủ nghĩa bài xích, công kích những giá trị thuộc về lẽ phải, chính nghĩa thì rất khó chấp nhận. Vào thời điểm 2003-2004, khi mầu sắc phản đối, chống đối nghệ sĩ trong nước sang Mỹ biểu diễn còn khá cực đoan, tôi sang và cùng một nhóm bạn trẻ, sinh ra tại Mỹ, sống và lớn lên tại Mỹ; và cả vừa du nhập vào Mỹ chỉ vài năm, lặng lẽ tìm hiểu, lặng lẽ thiết kế một chuỗi công việc. Chương trình Tự tình quê hươngbiểu diễn ngay tại lòng chảo chống đối nhận được sự yêu thương, ủng hộ nhiệt tình, đông đảo của bà con gốc Việt. Nhiều cái lắc đầu, nhiều sự xa lánh trước đó, cuối cùng đã nhập cuộc, cùng đứng chung sân khấu, cùng biểu diễn phục vụ. Tình dân tộc, tình đất nước, tình với cải lương, xóa nhòa mọi sự gay gắt. Tôi tìm thấy họ, cái hồn quê vẫn chân chất, vẫn đau đáu ngay giữa lòng nước Mỹ xa xôi. - Ở nước ngoài, người Việt có tự hào về văn hóa Việt? Năm 1984, khi đoàn nghệ sĩ Việt Nam công diễn bảy nước châu Âu, đó cũng là đoàn nghệ sĩ Việt Nam đầu tiên lưu diễn nước ngoài sau ngày thống nhất, sau đêm diễn Đời cô Lựu, nhiều bà con Việt nấn ná ở lại, bảo các anh chị nghệ sĩ nói chuyện gì đó đi, chúng tôi chỉ cần được nghe tiếng Việt, nghe cái âm điệu tiếng - nước - mình, để thấy quê nhà vẫn còn đây, ngay bên cạnh mình. Bạn thấy đấy, đó cũng là lý do vì sao Chèo, Cải lương, Bài chòi, Xẩm... dù lặng lẽ giữa nhịp sống hiện đại, nhưng đó là hơi thở của dân mình, là nhịp điệu của tiếng mình, là cái "ngũ cung" trong đời sống tinh thần cởi mở, dễ chịu nhưng cũng rất cứng cỏi, vững vàng của người Việt mình. Cuộc đời khi rời sân khấu - "Trăng thề Vườn Thúy", "Má hồng phận bạc", "Cung Thương sầu nguyệt hạ"... từng "làm mưa, làm gió" một thời sân khấu miền nam. Theo NS Bạch Tuyết, đó là những tài năng "nhân duyên khởi tầm" hay còn một lý do nào khác? Những ý đồ nghệ thuật, những phong cách sáng tạo chưa bao giờ làm thỏa mãn những người trẻ tuổi chúng tôi thời điểm đó; vì vậy tôi và anh Hùng Cường cùng có ý định lập gánh. Tại sao chúng tôi không chọn những vở diễn khác mà lại chọn nguyên tác Truyện Kiềucủa Nguyễn Du để làm một chuỗi tác phẩm trên sân khấu Bạch Tuyết- Hùng Cường. Bởi ở đấy, chúng tôi bày tỏ cái nỗi niềm thế sự "mười năm gió bụi" của Nguyễn Du tiên sinh; được bày tỏ cái "dọc ngang nào biết trên đầu có ai" của Từ Hải... - Sau đó do "nhạt duyên sân khấu" hay "tình không chung đường" mà gánh hát Bạch Tuyết - Hùng Cường tan rã? Là nghệ sĩ biểu diễn, cái chất sáng tạo lẫn tính bốc đồng nó khác xa cái vị trí "bầu đoàn", đòi hỏi óc tổ chức, tính kỷ cương tới mức độc đoán, sự tính toán chi li... Chúng tôi chỉ biết lao vào vở tuồng, biểu diễn, cho nên cuối cùng không thể duy trì đoàn hát. Ngay cả sau này, khi nhiều nơi đặt tôi viết tuồng, tôi chỉ chập chững vài ba vở, hoặc nhiều hơn chút ít, rồi cũng...buông bút bởi đơn giản, đó không phải là chánh nghiệp của tôi. - Và đó là lý do khiến nghệ sĩ Bạch Tuyết "lánh đèn" vào... trường đại học? Hồi đó, nhà tôi bảo, mình phải biết làm đầy kiến thức để không phụ lòng cái vị trí mà công chúng đã cho mình. Tôi đã suy nghĩ nhiều và quyết định quay lại với môi trường thầy - trò. Học để biết, học để thấy ngày hôm nay đỡ hơn ngày hôm qua tí xíu... Tôi không muốn làm nghệ thuật theo kiểu cảm hứng, bất chừng. Thời đại khác xưa nhiều, con người ngoài tài năng bẩm sinh: năng khiếu, cần liên tục học hỏi, nâng tầm những kiến thức cơ bản để có điều kiện cộng sinh với sự phát triển chung của toàn thể xã hội, họa may mới tránh được phần nào sự chệch hướng, lạc thời, trong tư duy, hành động. - Là Tiến sĩ nghệ thuật đầu tiên của Việt Nam, tận mắt chứng kiến sự nhạt nhòa dần của nghệ thuật cải lương trong đời sống hiện đại, chị cảm nhận ra sao? Tôi tốt nghiệp ngành nghệ thuật học. Tôi có thể ứng dụng, tìm tòi, xử lý vào trong nghệ thuật cải lương, chứ bản thân tôi không phải là tiến sĩ cải lương. Gần 60 năm trong nghề, tôi cảm nhận rõ, mình vẫn ngu ngơ lắm nỗi. Cái thiếu thì đủ cả, cái yếu cũng rất rõ ràng, còn cái đủ để chúng tôi làm nghề tử tế thì... heo hút quá! Nhưng tôi không thích than vãn. Làm được gì, chúng tôi kết nối, bắt tay cùng làm. Sức cạnh tranh của các phương tiện đó là quy luật. Nhưng liệu chừng trong cái quy luật, nghĩa là mang tính khách quan ấy, những yếu tố mang tính chủ quan của con người - con người quản lý, con người tổ chức, con người sáng tạo, và cả con người tiếp nhận (khán giả - báo chí) có gánh một phần trách nhiệm to lớn khi năng lượng làm nghề, năng lực sáng tạo cứ mài mòn dần, cứ "tha hóa" dần ? - Có ý kiến cho rằng: Sân khấu không phát triển theo cùng xã hội và do đưa quá nhiều thứ tuyên truyền, sân khấu bị lợi dụng khiến khán giả quay lưng? Bản thân loại hình văn nghệ tuyên truyền có cái hữu ích, lôi cuốn riêng của nó, đừng xem đó như là một đối lập của nghệ thuật chuyên nghiệp. Tôi chưa bao giờ tách bạch cái gọi là "vị nghệ thuật" hay "vị nhân sinh", mà thật sự đó là mục đích "hai trong một" của bất kỳ tác phẩm nghệ thuật nào. Chỉ có điều, khi "làm chưa tới", cái sản phẩm "nửa vời" ấy đã vội vàng được đưa ra, thậm chí là chủ đạo, là "vai trò trung tâm" thì quả thật, rất tội cho công chúng. - Xin cảm ơn nghệ sĩ Bạch Tuyết! |
Nam Tư, Ninh Nguyễn (Thực hiện) |
tình yêu, nghệ thuật, bạch tuyết, nói chuyện, ca trù, quan họ, trò chuyện, ngân nga, vấn đề
Mã an toàn:
Tận dụng thế mạnh của phim ảnh màn ảnh rộng thời 4.0 với hình ảnh, cảnh trí, âm thanh ánh sáng, kỷ xảo, hiệu ứng, góc quay mà sân khấu thiếu...ngoài ra phim được công chiếu được PR vào hệ thống rạp rộng khắp, với những buối ra mắt hoành tráng ..Phim cải lương có cứu được cải lương hay thổi vào đó những làn gió mới hay không qua hơn 10 năm nhìn lạ
Ý kiến bạn đọc