\n
Đang truy cập : 36
Hôm nay : 7168
Tháng hiện tại : 166968
Tổng lượt truy cập : 18017229
Tận dụng thế mạnh của phim ảnh màn ảnh rộng thời 4.0 với hình ảnh, cảnh trí, âm thanh ánh sáng, kỷ xảo, hiệu ứng, góc quay mà sân khấu thiếu...ngoài ra phim được công chiếu được PR vào hệ thống rạp rộng khắp, với những buối ra mắt hoành tráng ..Phim cải lương có cứu được cải lương hay thổi vào đó những làn gió mới hay không qua hơn 10 năm nhìn lạ
NS Hùng Minh & NS Hoa Lan
*Phóng viên: Cuộc sống của ông hiện nay như thế nào?
- NSƯT Hùng Minh: Tôi đã không còn là anh kép độc sống cô đơn nữa, vì nhiều năm qua đã có người lo lắng cho tôi, đó là nghệ sĩ Hoa Lan, con gái của tác giả Nguyễn Huỳnh – người sáng tác kịch bản cải lương nổi tiếng “Tướng cướp Bạch Hải Đường” và nữ nghệ sĩ Hoài Dung. Về gia cảnh thì tôi vẫn phải ở nhà thuê, sống khá chật vật. Vợ tôi đi làm nhiều việc, từ nhắc tuồng cho đến đài trưởng sân khấu, rồi thư ký trường quay, có khi nhận được vai đóng phim, từ vai quần chúng có vài câu thoại đến vai chỉ ra sàn diễn vài phút, tham gia để phụ tôi trang trải cho cuộc sống. Mừng một điều là sức khỏe tôi rất tốt, ít có bệnh, để vẫn đi "cày" kiếm tiền lo cho mâm cơm gia đình mỗi ngày. Ngoài cải lương, tôi còn tham gia diễn kịch tại sân khấu Phú Nhuận của bà bầu Hồng Vân.
NSƯT Hùng Minh và vợ - NS Hoa Lan
*Nhiều người trong nghề sợ đóng kép độc vì nghĩ hậu vận sẽ khó khá giả?
-Tôi không nghĩ như vậy. Từ khi bà xã tôi – Đệ nhất danh ca Thanh Hương qua đời, tôi sống rất khép kín. Cứ nhớ về cuộc tình cũ, ôm ấp những kỷ niệm của ngày còn sánh bước bên nhau trên sân khấu. Khi gặp Hoa Lan, cô ấy dành hết tình thương yêu, lo lắng cho tôi. Xoa dịu những nặng nề, đau khổ mà tôi cứ ôm khư khư trong lòng. Diễn kép độc mang nhiều tâm trạng, tôi đã đưa tâm trạng của chính mình vào trong từng vai diễn. Khá giả về vật chất không bằng giàu có về mặt tinh thần. Chính vì một số nghệ sĩ sợ vai kép độc nên sàn diễn cải lương ngày càng hiếm nam nghệ sĩ diễn đúng chất kép độc. Hậu vận mỗi người mỗi cảnh, khó tiên đoán, nhưng tôi tin chắc gia tài của tôi trong nghệ thuật rất khấm khá.
*Có bao giờ ông nhớ những bài học của tháng ngày còn gắn bó với đoàn cải lương Thanh Minh- Thanh Nga, nơi đã cho ông nhiều vai diễn nổi tiếng, nhất là vai Mã Tắc trong vở "Tiếng trống Mê Linh"? Tại sao mỗi tiếng rằn giọng, mỗi tiếng cười khàn lại chất chứa sự nham hiểm thâm độc đến ghê sợ như vậy?
- Tôi không cho phép mình quên, bởi đó là những trang nghề rất đẹp của một kép hát chuyên được giao các vai kép độc như tôi. Còn vai Mã Tắc đã có nhiều bài báo nói đến, nhưng có một điều tôi nghiệm ra rằng: “Diễn vai ác, bị ghét chưa hẳn đã thành công, mà cái ghét trong nể phục mới tạo dấu ấn cho người xem”. Chính nhờ những bài học của bao năm lăn lộn trên nhiều sân khấu mà tôi thấm nhuần được nguyên tắc sáng tạo đó.
*Nguyên tắc đó được hình thành cụ thể từ những người thầy nào?
-Tôi may mắn được gần gũi với ba người anh, người thầy rất giỏi trong việc sáng tạo ra những phương thức đóng vai kép độc. Ngoài người anh nuôi là Huỳnh Lân, người nổi tiếng với vai phù thủy RaPhê trong vở “Trộm mắt Phật”, tôi còn được học lóm những ngón nghề qua hai nghệ sĩ Trọng Lang và cố NSƯT Trường Xuân. Cả ba ông có những kinh nghiệm rất quí về cách diễn xuất các vai độc có tính cách. Nếu NS Huỳnh Lân với cách thể hiện gương mặt lạnh như tiền, diễn độc mà không thấy độc, cái độc được che đậy bên trong vẻ nho nhã thư sinh, nhưng đến lúc tuông rơi mặt nạ, cái lạnh đó có thể hốt hồn người xem từ cái nhìn đầu tiên. Anh Trọng Lan thì giấu cái độc bên trong vẻ hào hoa, si tình. Nụ cười anh có thể đánh thức hoặc khơi dậy khát vọng của người xem về một kẻ hiếu thắng, muốn chinh phục. Riêng anh ba Trường Xuân thì luôn trung thành với "gu" diễn tiết tấu, bốc lửa qua những vai độc nham hiểm mà có thể làm trẻ con khiếp sợ đến phát khóc khi anh nổi cơn thịnh nộ. Mỗi anh tôi học lóm một chút và xem đó là căn bản để hình thành cơ sở cho nguyên tắc sáng tạo sau này.
* Về sau này dường như ông chỉ toàn đóng vai phụ, mà số phận của những vai phụ trên sân khấu thật là mong manh, ngắn ngủi?
- Đúng, người nghệ sĩ khi nhận vai phụ giống như người diễn viên xiếc đã tự chọn cho mình một chỗ đứng rất khiêm nhường trên sợi dây thăng bằng lực, chông chênh, sụp đổ trong gang tấc. Tôi chấp nhận diễn vai phụ là vì đã hơn 70 tuổi rồi còn gì. Hơn nữa, được diễn vai phụ là được dịp bùng nổ sáng tạo trong một không gian rất hạn hẹp của sân khấu. Ở đó, nếu biết làm đầy ắp sàn diễn bằng sự xanh tươi của từng chi tiết hành động thì vai diễn sẽ tạo được ấn tượng.
* Ông nhận xét thế nào về sàn diễn cải lương gần đây của một số nghệ sĩ đứng ra thực hiện với phương thức xã hội hóa?
- Tôi đặt niềm kỳ vọng vào thế hệ trẻ của sân khấu cải lương. Chính sân khấu của những người trẻ hiện nay như: Kim Tử Long, Quốc Kiệt, Tú Sương, Lê Hoàng, Nguyễn Quang…sẽ là nơi hội tụ những thế hệ nghệ sĩ còn yêu nghề và tâm huyết thể nghiệm những sáng tạo mới. Tôi tin rằng nỗ lực của các bạn trẻ sẽ giúp cải lương đến được gần hơn với công chúng. Có thể nói các bạn diễn viên kịch đã tiếp thu điều đó trước chúng tôi, khi mạnh dạn cải tiến nhiều hình thức mới để áp dụng và bắt buộc người diễn viên phải tuân thủ các qui định về diễn xuất tinh tế, bởi bên trong khán phòng của sân khấu nhỏ, từng hơi thở, từng cơ mặt co giãn theo tâm trạng nhân vật phải được diễn thật sinh động. Có mài giũa sáng tạo trong môi trường khắc nghiệt đó, nghề của các diễn viên trẻ mới tấn tới được.
*Ông nhận xét thế nào về các diễn viên cải lương trong 10 năm trở lại đây, theo ông đâu là điểm khuyết và đâu là thế mạnh của họ?
- Trong tình hình sân khấu hiện nay, có trách các em đó cũng như không. Vì nỗi lo chung của cả giới là thiếu một đoàn hát nghiêm túc để ràng buộc trách nhiệm với nhau. Các ngôi sao sẽ không thể sáng nổi khi một đêm chạy đến hai chỗ, nơi nào cũng đóng vai chánh. Ngay cả quay phim cũng thế, đến “ nhép miệng” cho lẹ, rồi chạy qua chỗ khác ráng khóc một chút thì làm sao hay. Bao giờ mà các em diễn viên trẻ không còn bị mắc cái bệnh diễn tùy hứng, thì các em sẽ có ưu thế tiến xa trong nghề. Tuy nhiên, trong các gương mặt kép, tôi đánh giá cao các em bước ra từ cuộc thi "Chuông vàng vọng cổ" và giải thưởng HCV Trần Hữu Trang, họ đã biết khắc phục sự hời hợt trong diễn xuất, càng ngày càng nghiêm khắc với chính mình trong từng vai diễn.
Mã an toàn:
Tận dụng thế mạnh của phim ảnh màn ảnh rộng thời 4.0 với hình ảnh, cảnh trí, âm thanh ánh sáng, kỷ xảo, hiệu ứng, góc quay mà sân khấu thiếu...ngoài ra phim được công chiếu được PR vào hệ thống rạp rộng khắp, với những buối ra mắt hoành tráng ..Phim cải lương có cứu được cải lương hay thổi vào đó những làn gió mới hay không qua hơn 10 năm nhìn lạ
Ý kiến bạn đọc