Kịch tương tác tại truyền hình FPT. Ảnh: fpt.vn |
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
|
Xuất phát từ thế mạnh công nghệ có sẵn, vào cuối tháng 9 vừa qua, truyền hình FPT đã triển khai chương trình kịch tương tác, phát sóng vào 20h00 tối thứ sáu hàng tuần. Theo đó, trong quá trình xem kịch, tại những "điểm nút", khán giả có thể chọn ngã rẽ cho các nhân vật thông qua quan điểm riêng của mình chỉ bằng việc bấm điều khiển TV.
Chương trình được dẫn dắt bởi đạo diễn Đinh Tiến Dũng, giám đốc sáng tạo của Truyền hình FPT, còn được biết đến với cái tên giáo sư Cù Trọng Xoay và là biên kịch của chương trình Táo Quân và nhiều chương trình giải trí khác.
Anh chia sẻ:“Tôi nghĩ rằng để khẳng định về độ hấp dẫn của nó thì phải chờ từ phía khán giả họ cho ý kiến. Còn với quan điểm của người làm chương trình chúng tôi thì có lẽ chúng tôi đang đứng trên vai người khổng lồ vì bản thân những vở kịch đó đã là rất nổi tiếng với các nhà hát rồi, đã được sự đón nhận của khan giả, nên chúng tôi chọn các vở đó để phát thì đương nhiên đã có lợi thế về chất lượng nội dung. Thứ hai nữa chúng tôi dựa vào tính năng tương tác của truyền hình FPT để tạo cho họ những trải nghiệm mới đó là dùng chiếc điều khiển từ xa để tạo ra những hướng đi mới của vở tiểu phẩm đấy theo ý mà họ muốn”
Tham gia vào những số đầu tiên của chương trình này, Nhà hát Tuổi Trẻ đã đóng góp những vở kịch chất lượng như “Soi gương”, “Thử thách tình yêu”. NSƯT Chí Trung, giám đốc của Nhà hát Tuổi Trẻ bày tỏ sự tự tin với sân khấu kịch kiểu mới này. Mặc dù không chắc chắn về thành công dài hạn của chương trình nhưng anh kỳ vọng với cách làm mới, tối ưu hóa chức năng tương tác, dự án đang là cầu nối khán giả hiện đại với sân khấu kịch.
Anh tâm sự: "Bây giờ khán giả là quyền năng tối thượng. Khán giả là thượng đế. Họ có quyền thay đổi bố cục, kết cấu của vở kịch. Từng số phận nhân vật đều có từng ngã rẽ, đó là kịch tương tác, và khán giả chỉ cần sử dụng remote bấm, rẽ phải trái, trên dưới bạn muốn chon ngã rẽ nào. Thậm chí rằng 4 ngã rẽ ấy vẫn chưa được đầy đủ. Tôi vẫn nói trên truyền hình FPT, rất có thể có ngã rẽ thứ 5. Đấy mới là ngã rẽ cho mọi người. Bởi bây giờ là xã hội mở, ai cũng có quyền suy nghĩ, đóng góp, thay đổi cuộc sống và thay đổi chính mình, làm chủ trên một chiếc remote. Đó là kịch tương tác."
Vở kịch "Soi gương" của Nhà hát Tuổi trẻ phát sóng trên Truyền hình FPT |
Qua hơn haitháng phát sóng, qua quan sát trên hệ thống, truyền hình FPT nhận thấy lượng khán giả tăng đều sau mỗi chương trình. Khán giả rất hứng thú với việc lựa chọn hướng đi cho vở kịch, thông qua tính năng tương tác chứ không đơn thuần để cho vở kịch thụ động diễn ra từ đầu đến cuối. Bởi nếu khán giả không bấm tương tác, vở kịch sẽ trở về nhánh cũ là phần kịch bản gốc.
Với tính năng tương tác về mặt nội dung, kịch tương tác đem đến điều mà sân khấu truyền thống không thể làm được. Nhưng ngược lại, sự tương tác về mặt cảm xúc vẫn là thế mạnh của kịch nói khi xem trực tiếp. Đó là lí do đạo diễn Đinh Tiến Dũng khẳng định, hai hình thức này đang tương hỗ cho nhau trong thực tế:
“Tôi nhận thấy rằng có khá nhiều khán giả sau khi xem kịch tương tác của chúng tôi đã có thêm động lực để tìm đến để xem nguyên tác tại sân khấu như thế nào. Tôi nghĩ vở kịch muốn sống được phải có khán giả xem và việc đưa lên truyền hình là để có khán giả xem, chưa kể đến việc sau khi đưa lên truyền hình lượng người yêu và xem cũng sẽ tăng lên. Hai cái này tương hỗ cho nhau. Thêm nữa việc đưa kịch lên truyền hình cũng giúp cho gương mặt các diễn viên trở nên quen thuộc với khán giả hơn. Điều đó cũng giúp cho các sân khấu kịch khi các diễn viên này lên diễn cũng có sẵn một hình ảnh trong lòng khán giả”
Việc đưa kịch lên truyền hình không có gì mới mẻ, nhưng việc để khán giả quyết định những tình tiết quan trọng, đặc biệt là cái kết của một vở kịch, là một món ăn tinh thần mới mẻ. Hy vọng với hình thức giải trí mới này, công chúng Việt sẽ gắn bó hơn với bộ môn kịch nói truyền thống.
Ý kiến bạn đọc