\n
Đang truy cập : 35
Hôm nay : 3541
Tháng hiện tại : 163341
Tổng lượt truy cập : 18013602
Tận dụng thế mạnh của phim ảnh màn ảnh rộng thời 4.0 với hình ảnh, cảnh trí, âm thanh ánh sáng, kỷ xảo, hiệu ứng, góc quay mà sân khấu thiếu...ngoài ra phim được công chiếu được PR vào hệ thống rạp rộng khắp, với những buối ra mắt hoành tráng ..Phim cải lương có cứu được cải lương hay thổi vào đó những làn gió mới hay không qua hơn 10 năm nhìn lạ
Chuyện đời Bùi Giáng - Kỳ 16: Một bài thơ bí hiểm
|
Trước khi đọc bài đó, chúng tôi muốn cùng bạn đọc nhắc đến câu nói “bí hiểm” của Bùi Giáng qua câu chuyện do anh Phạm Chu Sa - nhà thơ, nguyên là biên tập viên của Báo Thanh Niên - đã kể lúc rảnh rỗi quanh bàn trà tòa soạn. Mới đây, chúng tôi tìm gặp anh Phạm Chu Sa để hỏi lại lần nữa cho chính xác, thì được anh giới thiệu bản thảo chưa xuất bản của cuốn Một vài hồi ức về những văn nghệ sĩ quen biết do anh viết, với đoạn về Bùi Giáng dẫn dưới đây (nguyên văn):
“Hằng ngày Bùi Giáng mang lỉnh kỉnh trên người đủ thứ đồ phế thải mà người ta vất ra đường, từ cái chuồng chim, thùng các tông, tấm áo mưa rách đến cả áo lót phụ nữ ông cũng choàng lên vai, ra đứng giữa đường chỉ trỏ như hướng dẫn xe cộ, có khi ông bị mấy cậu thanh niên đeo băng đỏ túm kéo về phường. Lần đó, đâu khoảng giữa năm 1976, gặp ông mang đủ thứ trên người, đứng giữa đường trước chợ Trương Minh Giảng (sau đổi là chợ Nguyễn Văn Trỗi) múa chân múa tay, tôi chạy đến năn nỉ ông đi với tôi, mãi ông mới chịu đi. Tôi bảo ông vất bớt ba thứ linh tinh đi, nhưng ông nổi giận. Tôi đành chở ông mang theo đồ lỉnh kỉnh ra “văn phòng giao dịch” của tôi ở chợ trời là quán cà phê ở 75 Lý Tự Trọng. Tôi mời ông uống cà phê, ông hỏi tôi “cà phê sữa bao nhiêu?”, tôi bảo hai đồng. Ông nói “Tao không uống cà phê. Tao uống nước trà, mi cho tao hai đồng rứa, hỉ?”. Tôi đưa ông mấy đồng, ông cười hề hề bảo, uống cà phê mà lại có tiền thì tao tới tìm chú mi hoài. Té ra ông già tỉnh như sáo chứ có điên gì đâu! Rồi ông ngồi im lặng ngó ra đường. Chợt thấy tôi cầm cuốn Nam Hoa kinh, bản dịch của Nhượng Tống, mà tôi vừa mua được ở vỉa hè đường Lê Lợi, mắt Bùi Giáng sáng lên. Ông hỏi: Mi đọc Nam Hoa mà mi có biết tại sao “thằng” Trang Tử chửi “thằng” Khổng Tử không? Tôi khá bất ngờ và tính thưa thiệt là không biết, nhưng không chờ tôi nói, ông đã tự trả lời: Bởi “thằng” Trang Tử “nó” quá mê và nể sợ Khổng Tử nên phải chửi thôi! Chửi theo ngôn ngữ của Trang. Ông đã khai sáng cho tôi một điều phải nói là kinh khủng mà tôi nhớ hoài!”. Trong lúc nói về Trang Tử và Khổng Tử với những giải thích “hình nhi thượng”, đôi lúc Bùi Giáng đã giúp người chung quanh đang ngồi nghe bớt phải “nặng đầu” bằng những câu thơ vui vẻ của mình, như bài Tặng bà Khổng Tử: Lòng không lửa tuyết phun hoa/Tàn canh nuôi dưỡng mưa sa nửa dòng (...)/Lòng đi trong cõi người ta/Lòng đi đi mất đi là đi đi. Nối theo bài Con chim: “Con chim người ở giữa trời/Tháng đi theo tháng tìm mồi hắt hiu/Con chim người xuống ban chiều/Cấp ban hôm sớm một triều sóng hoa/Linh hồn mộng mỵ bay xa/Con chim người đã té ra về trời...”.
|
Đọc đoạn trên, chúng tôi về nhà, giở phần phụ lục cuốn Tư tưởng hiện đại của Bùi Giáng xem lại, thấy ông khen Nhượng Tống đã dịch hai cuốn Nam Hoa kinh (Trang Tử) với lời bàn giải của Lâm Tây Trọng và Tây Sương ký (Vương Thực Phủ) với lời phê bình của Kim Thánh Thán, rằng: “Đặt vào trong toàn thể tư tưởng Đông Phương, hai cuốn sách (dịch) của ông (Nhượng Tống) và cuốn Nho giáo của Trần Trọng Kim đã thừa sức tẩy trừ bao nhiêu những sách vở nhảm nhí của bọn học giả hiện đại từ Việt Nam đến Trung Hoa, Ấn Độ, Nhật Bản. Đó là điều mà bọn trí thức rởm sẽ không sao hình dung được”. Tiếp đó Bùi Giáng nhận định đoạn Mở Níp (khư khiệp) trong Nam Hoa kinh đã “mang một ẩn ngữ đồ sộ ở phía sau những điều Trang Tử trực tiếp nói ra (…). Suốt bài, Trang Tử đẩy Đạo Chích ra giảng giải về “Đạo ăn trộm”. Đạo Chích giảng giải một cách rắn rỏi nghiêm mật dị thường. Không cách gì bắt bẻ được. Nhưng tại sao càng không bắt bẻ được, thì cái chân lý hiện ra ở phía sau ngôn ngữ Đạo Chích lại toàn thị hiện là một chân lý ngược lại hẳn cái chân lý mà Đạo Chích nói ra”. Căn cứ đó, anh Phạm Chu Sa và chúng tôi “hiểu” câu nói “bí hiểm” của Bùi Giáng về việc Trang Tử “chửi” Khổng Tử chính là để “khen” vậy - nhưng đó là cách khen không giống với thường nhân. Cũng từ đó, chúng tôi liên tưởng đến bài thơ “bí hiểm” khác của Bùi Giáng, đọc thấy trong cuốn Lời cố quận và lễ hội tháng ba (NXB An Tiêm, Sài Gòn 1972, tr.192), như sau: “Như thị, thị như, như thị thị/Thị như, như thị, thị như như/Thị như, như thị, như như thị/Như thị, thị như, thị thị như/Hiển thể thị như như hiện thể/Sơ đầu thị hiện thị nhiên như”.
Còn hai câu nữa: “Xưng danh nhứt xuất do thy sĩ/Sạ hiện tức hình hiện thể như”, nhưng sa môn Huệ Thiện bảo ngang bốn câu “như thị” đó là đã đầy đủ lắm rồi. Giải mã bài thơ ấy ra sao, xin hẹn một kỳ sau. (còn nữa)
Giao Hưởng
Mã an toàn:
Tận dụng thế mạnh của phim ảnh màn ảnh rộng thời 4.0 với hình ảnh, cảnh trí, âm thanh ánh sáng, kỷ xảo, hiệu ứng, góc quay mà sân khấu thiếu...ngoài ra phim được công chiếu được PR vào hệ thống rạp rộng khắp, với những buối ra mắt hoành tráng ..Phim cải lương có cứu được cải lương hay thổi vào đó những làn gió mới hay không qua hơn 10 năm nhìn lạ
Ý kiến bạn đọc