\n
Đang truy cập : 100
•Máy chủ tìm kiếm : 1
•Khách viếng thăm : 99
Hôm nay : 6381
Tháng hiện tại : 196513
Tổng lượt truy cập : 17657986
Tận dụng thế mạnh của phim ảnh màn ảnh rộng thời 4.0 với hình ảnh, cảnh trí, âm thanh ánh sáng, kỷ xảo, hiệu ứng, góc quay mà sân khấu thiếu...ngoài ra phim được công chiếu được PR vào hệ thống rạp rộng khắp, với những buối ra mắt hoành tráng ..Phim cải lương có cứu được cải lương hay thổi vào đó những làn gió mới hay không qua hơn 10 năm nhìn lạ
AV
Từ bé cho đến năm 1990 hai chữ vượt biên là của ai đó chứ không phải của tôi. Cho đến lúc chui qua bức tường Berlin sang Tây Berlin tôi vẫn quá ngỡ ngàng khi biết rằng mình đã vượt biên. Một cái gì vừa thật lớn vừa thật kinh khủng ngoài sức tưởng tượng. Vượt biên những năm 80 là việc làm cực kì nguy hiểm vì phạm pháp, dù rất muốn nhưng tôi không dám nghĩ tới. Ngay khi chàng Tập Hai gợi ý: “Đi hát nước ngoài thì trốn đi”. Quả thật, tôi vẫn nghĩ đó là chuyện của ai đó, chắc chắn không phải chuyện của tôi.
Năm 1987 tôi sang Đức biểu diễn hơn một tháng, Ban tổ chức biểu diễn có hỏi tôi: “Nguyện vọng Ái Vân muốn thế nào?” Được lời như cởi tấm lòng, tôi nói ngay: “Tôi muốn được đi học đạo diễn sân khấu ca nhạc.” Nguyện vọng rất thật, tôi mơ ước làm đạo diễn sân khấu nhạc lâu rồi. Ngoài nguyện vọng thật này tôi còn “ủ mưu” thoát khỏi chàng Tập Hai vài năm (tức ly thân), sau đó muốn li dị cũng dễ. Ban tổ chức biểu diễn phía Đức ghi nhận. Bên Đức họ vẫn tổ chức các khóa học cho đạo diễn sân khấu tạp kĩ. Không định kỳ mà thỉnh thoảng mới có thôi. Cứ vài năm thấy đủ lớp họ mới tổ chức. Tôi được Đức ưu ái vì có giải thưởng ở Đức.
Cuối năm 1988 bên Đức báo sang đồng ý cho Ái Vân sang học. Khóa học này sẽ bắt đầu từ năm 1990. Tôi mừng hết lớn. Cuối 1989 Đại diện Bộ Văn hóa Đức sang Việt Nam làm một số việc, trong đó có việc kí kết cho tôi đi học. Ông Đình Quang (tôi gọi bằng cậu, ông là em ruột mẹ già Tân Ninh) lúc đó là thứ trưởng Bộ Văn hóa. Cậu vốn đi học ở Đức về nên mọi chuyện liên quan tới Đức cậu đều trực tiếp giải quyết, chính cậu trực tiếp kí kết với phía Đức trường hợp của tôi. Mừng vô cùng.
Tôi lên Sở công an Hà Nội gặp chú Lê Nghĩa hỏi về trường hợp li dị của tôi với chàng Tập Hai. Chú Nghĩa nói cách nhanh nhất để li dị là phải li thân. Nếu li thân 6 tháng, làm đơn li dị thì automatic đơn li dị có hiệu lực. Tôi khấp khởi mừng thầm, nếu được đi Đức học thì việc li thân của tôi sẽ thuận lợi, và vì thế li dị cũng dễ dàng.
Thế rồi tháng 11.1989 bức tường Berlin đổ. Tôi lo quá. Không biết việc đi học của mình có ảnh hưởng gì không. May bên Đức người ta không thay đổi, việc đi học được ấn định là đầu tháng 1 năm 1990. Tôi đã cầm vé máy bay và hộ chiếu rồi. Khấp khởi chờ mong từng ngày một. Bốn ngày trước giờ bay, anh Thanh cán bộ vụ tổ chức của Bộ văn hóa bất ngờ tới nhà, nói: “Vân ơi… Vân đưa cho mình xin lại vé máy bay với hộ chiếu.”- “Sao thế hả anh?” . Ngần ngừ giây lát, anh Thanh nói: “Bây giờ Đức lộn xộn quá, phải hoãn em ạ”.
Tôi thấy không xong rồi. Nhất định có người phá hỏng chuyến đi này của tôi. Tôi hỏi chàng Tập Hai (lúc này đang là chồng tôi): “Có phải anh chủ mưu phá không?” Chàng cự lại ngay: “Làm gì có chuyện đấy. Tôi mà phá, nói thật nhé, chỉ một cú ngã xe là xong.” Nhưng sau đó tôi biết, chàng đưa tôi đi chào mấy ông lãnh đạo Bộ Văn hóa, chở tôi về nhà là chàng quay lại ngay nói với các vị đó: “Đừng cho Vân đi học, cô ấy đi là sẽ vượt biên qua Tây Đức.”
Hôm sau anh tùy viên văn hóa Đức nhắn một người trong Bộ văn hóa: “Vân ra bưu điện chợ Hôm nghe điện thoại.” Hồi đó nhà tôi không có điện thoại, ở đâu gọi đến đều phải nhắn ra bưu điện chợ Hôm. Tôi ra chợ Hôm, anh tùy viên Đức nói: “Tôi vừa biết tin ngày đi của chị bị hoãn. Bây giờ tôi nói cho chị nghe là, chị biết nước Đức của chúng tôi đang lộn xộn như thế, nếu chị không giữ đúng ngày đi thì có lẽ tất cả hiệp định sẽ hỏng hết, chị sẽ không bao giờ đi được đâu.” Tôi sợ quá, hoang mang lắm, không biết thế nào. Tôi chỉ trông vào chuyến này thôi để vừa đi học và giải quyết chuyện gia đình. Tôi định cầu cứu cậu Quang, kẹt vì cậu đi Nha Trang chấm thi xong rồi nhưng chưa ra. Chẳng biết cậu ở đâu để liên lạc điện thoại. Một ngày ròng rã tôi tìm cách liên lạc với cậu Quang nhưng không được. Tuyệt vọng. Tôi nghĩ chỉ có đường chết thôi.
Tôi uống thuốc ngủ. Cũng là cái số. Mọi khi cu Vũ nằm với bà Khanh, bà giúp việc nhà tôi. Tự nhiên hôm ấy cu Vũ muốn vào chơi với mẹ. Nó vào phòng gọi tôi mãi, khóc ầm lên. Rất lâu bà Khanh mới vào và phát hiện ra tôi uống thuốc ngủ, bà hô hoán lên, đem chở đi cấp cứu bệnh việt Việt Nam - Cu Ba để rửa ruột. Tôi sống được. Tỉnh dậy thấy chồng, chàng đưa ra xích lô đi về nhà, ghé tai tôi nói nhỏ: “Sau tự tử nhớ chết luôn đừng vào bệnh viện, bẩn ghê lắm”.
Cả nhà tôi thấy chuyện nghiêm trọng rồi. Ba tôi và anh Văn lúc ấy mới ở Sài Gòn ra tức tốc lên thẳng lên Bộ Văn hóa và đề nghị triệu tập một cuộc họp khẩn. Ba tôi nói: “Con tôi tự tử như thế chỉ vì không được đi học thôi. Bây giờ nếu không cho con gái tôi đi học thì ai đảm bảo con gái tôi không tự tử nữa?” Anh Văn bồi thêm: “Các anh để cho người ta biết Ái Vân tự tử vì không được đi học thế này có phải mất chính trị không?”. Chỉ còn hai ngày nữa đến ngày đi. Cậu Đình Quang ở Nha trang vẫn chưa về, Bộ triệu tập cuộc họp bất thường gồm ông Vũ Khắc Liên thứ trưởng thường trực, Vụ hợp tác quốc tế và Văn phòng Bộ, có ba tôi và anh Văn dự luôn. Cuối cùng quyết định cho tôi đi học nhưng phải làm đơn cam đoan: 1. Không được trốn sang Tây Đức, 2. Không được đón con sang. Tôi đồng ý.
"Thời gian xảy ra việc khiến Vân phải rời bỏ quê hương ra đi đó là thời điểm phải nói là thăng hoa trong nghệ thuật của Vân thế nhưng trong đời tư thì Vân lại gặp rất nhiều bi kịch. Vân nghĩ bi kịch thì gia đình nào cũng có nhưng riêng Vân có thể nói là trên sân khấu tỏa sáng bao nhiêu thì khi trở về nhà, về cuộc đời riêng của mình thì nó lại tăm tối và không có lối thoát bấy nhiêu. Vân không tìm cách để thoát ra khỏi nó nhưng có điều là không ai và không điều gì có thể giúp mình thoát ra được con đường nó bị cụt đi như thế."
Đây là cuộc đi nước ngoài không bình thường, có thể hai năm sau trở về, có thể vĩnh viễn không bao giờ trở về nữa. Để giải thoát cho tình duyên lần hai. Tôi không có lựa chọn nào hơn. Cuộc đi lần này quá nhiều trăn trở. Ba đã già, con còn nhỏ, má thì mắc bệnh. Lúc này má tôi bị mất trí nhớ, bệnh Alzheimer, má không biết gì cả, kể cả con cái má cũng không nhận ra. Buổi sáng trước khi ra đi tôi ôm má tôi khóc, má cười, nói: “Chị này sao khóc? Tôi đâu có giải quyết được gì.” Lúc đó muốn gào thật to: “Má ơi con Ái Vân đây, má không nhớ con sao?” Má tôi ngồi đó cười nói như không. Mọi hạnh phúc hay khổ đau má không còn nhớ nữa, kể cả niềm vui bất tận, đắng cay vô bờ vừa trải má cũng không nhớ.
Năm 1983, lần đầu tiên Bộ Văn hóa tổ chức bầu chọn phong danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân và nghệ sĩ ưu tú đợt đầu. Má Ái Liên cũng trong danh sách. Với những cống hiến từng ấy năm cho nghệ thuật má được đề nghị phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân đợt đầu. Ngày Hội đồng xét duyệt họp chuẩn bị cho quyết định cuối cùng, cùng với các nghệ sĩ khác, má cũng tới trụ sở Hội liên hiệp văn học nghệ thuật số 51 Trần Hưng Đạo, Hà nội. Lúc đó còn sớm chưa đến giờ họp, má đang đứng dưới sân thì gặp ông Cù Huy Cận là Thứ trưởng Bộ văn hoá, và là Chủ tịch Hội đồng xét duyệt. Ông Cù Huy Cận tiến tới bảo má: “Chị Ái Liên này, ai cũng biết và đánh giá cao sự cống hiến của chị cho Nghệ thuật, và việc đề nghị phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân cho chị là hoàn toàn xứng đáng. Tuy vậy, chị cũng lớn tuổi rồi, mình nên nhường cho lớp trẻ để khuyến khích họ tiếp tục cống hiến hơn nữa.” Má nghe vậy cũng hơi bất ngờ, chưa biết trả lời thế nào thì cũng vừa lúc giờ họp bắt đầu.
Trong phần phát biểu của mình, trên cương vị là Chủ tịch Hội đồng xét duyệt, ông Cù Huy Cận nói: “Chị Ái Liên xung phong rút danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân để nhường cho lớp trẻ.” Nghệ sĩ tuồng cổ Bạch Trà- người cũng có tên trong danh sách được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân đợt ấy, nghe vậy cũng đứng lên nói: “Nếu chị Ái Liên xin rút nghệ sĩ nhân dân thì tôi cũng đồng ý xin rút.” Ông Huy Cận bảo: “Không, chị ngồi xuống, chị thì không được rút lui.” Vậy là chỉ có mình má bị đưa ra khỏi danh sách Nghệ sĩ nhân dân. Mất nghệ sĩ nhân dân má không đau, đau nhất là má theo Cách mạng bao nhiêu năm để cuối cùng má bị ai đó lừa. Điều đó làm tổn thương và là nỗi đau của má mãi cho đến tận cuối đời.
Tôi thương nhớ má vô cùng. Nhớ tuổi lên ba nằm chờ má đi diễn về, tranh nhau giành má. Nhớ tuổi lên năm má dạy những câu hát đầu tiên. Nhớ tuổi lên mười lần đầu ra sân khấu, má đứng sau cánh gà cho con khỏi run. Rồi những lần hát cho má nghe, những lần được nghe má hát. Má kiên trì uốn nắn cho các con gái của má từ Ái Loan đến Ái Thanh sao cho câu hát được tròn vành rõ chữ. Những đêm đông trời lạnh, mấy má con nằm chung, chăn hẹp phải đắp ngang, đắp ngang cũng không đủ, má nhường chăn hết cho mấy chị em. Hỏi má sao không đắp chăn, má cười, nói: “Má mập, không thấy lạnh!”.
Giây phút chia tay tôi ôm chặt má nghẹn ngào: “Thưa má con đi… con Ái Vân đi nhé má!” Má cười tươi, nói: “Ừ, chị đi nhá, tí về mua bánh giò cho tôi nhá”. Nhớ lại giây phút ấy đến bây giờ hãy còn đau.
(Còn tiếp)
(Trích tự truyện Để gió cuốn đi, First News và NXB Hội Nhà văn ấn hành)
đây là, cuộc đi, nước ngoài, không bình, thường có, thể hai, năm sau, trở về, có thể, vĩnh viễn, không bao, giờ nữa, để giải, thoát cho, tình duyên, lần hai, tôi không, có lựa, chọn nào, hơn lần, này quá, nhiều trăn
Mã an toàn:
Tận dụng thế mạnh của phim ảnh màn ảnh rộng thời 4.0 với hình ảnh, cảnh trí, âm thanh ánh sáng, kỷ xảo, hiệu ứng, góc quay mà sân khấu thiếu...ngoài ra phim được công chiếu được PR vào hệ thống rạp rộng khắp, với những buối ra mắt hoành tráng ..Phim cải lương có cứu được cải lương hay thổi vào đó những làn gió mới hay không qua hơn 10 năm nhìn lạ
Ý kiến bạn đọc