\n
Đang truy cập : 63
Hôm nay : 6668
Tháng hiện tại : 166468
Tổng lượt truy cập : 18016729
Tận dụng thế mạnh của phim ảnh màn ảnh rộng thời 4.0 với hình ảnh, cảnh trí, âm thanh ánh sáng, kỷ xảo, hiệu ứng, góc quay mà sân khấu thiếu...ngoài ra phim được công chiếu được PR vào hệ thống rạp rộng khắp, với những buối ra mắt hoành tráng ..Phim cải lương có cứu được cải lương hay thổi vào đó những làn gió mới hay không qua hơn 10 năm nhìn lạ
Ước mơ cuối đời của Nguyễn Ánh 9
Trước khi bị gục ngã bởi thời gian, ông muốn tổ chức một đêm nhạc của riêng mình, tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Căn bệnh nghẹt thở mãn tính đã khiến sức khỏe nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 giảm sút rõ rệt thời gian này. Giữa cuộc trò chuyện với các phóng viên về live show mang tên Kỷ niệm sẽ diễn ra vào hai ngày 16 và 17-5 tại Hà Nội của mình, giọng ông đôi khi bị lạc đi vì sức khỏe không cho phép nói nhiều. Đôi lúc tác giả của ca khúc “Cô đơn” phải lại chờ dứt những cơn ho rồi mới tiếp tục trò chuyện.
Ước mơ cháy bỏng trên đất thủ đô
Thói quen hút thuốc lá từ thời trẻ bắt đầu hành hạ ông cách đây 3 năm, khi những cơn khó thở kéo đến. Nhạc sĩ phải dùng thuốc thường xuyên và liều thì càng ngày tăng để chống chọi với bệnh tật. Chỉ trong vòng 6 tháng, trọng lượng cơ thể ông sút 6 kg, sức khỏe xuống đi rất nhiều. “Nhìn bề ngoài tôi yếu lắm rồi nhưng chỉ cần ngồi bên piano, sức khỏe tự dưng trỗi dậy, bao nhiêu mệt mỏi cũng tan biến. Nhưng lúc đàn xong, tôi mới thấy mình xuống sức quá nhanh, có thể chết lúc nào không hay. Người nghệ sĩ là vậy, sống với âm nhạc và chết cũng với âm nhạc” - ông tâm sự trước live show để đời của mình. Ông bảo không biết mình sẽ sống được bao lâu nữa nhưng chỉ cần còn tồn tại trên đời là vẫn gắn bó với cây đàn piano, say sưa cùng âm nhạc và muốn được cống hiến nhiều hơn cho khán giả. Live show tại Hà Nội là mơ ước cháy bỏng của ông, vì chính ở đây, nhạc sĩ được “hồi sinh” khi tưởng như mình gục ngã.
Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 Ảnh: Việt Khôi
Là danh cầm nổi tiếng thập niên 1960, 1970, Nguyễn Ánh 9 từng đệm đàn cho rất nhiều diva ca nhạc miền Nam thời ấy như Thái Thanh, Khánh Ly, Lệ Thu… nhưng những năm 2000, ông rơi vào tình trạng khủng hoảng khi các sân khấu Sài Gòn nở rộ trào lưu nhạc điện tử, một nghệ sĩ piano như ông mất dần đất diễn. “Tôi làm gì có đất diễn khi họ không còn muốn nghe tiếng đàn dương cầm. Vì vậy, tôi quyết định bỏ nghề, không đi diễn nữa” - nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 nhớ lại. Nhưng chỉ một năm sau đó, khi có dịp cùng ca sĩ Ánh Tuyết ra biểu diễn ở Hà Nội, những tràng vỗ tay của khán giả thủ đô, đặc biệt là sự có mặt của vợ cố nhạc sĩ Văn Cao, đã khiến ông xúc động nghẹn ngào. Ông bảo biết mình đã sai và có tội với công chúng. “Âm nhạc là cả cuộc sống của tôi và chính người Hà Nội đã giúp tôi lấy lại cảm xúc, sức mạnh để không từ bỏ niềm đam mê lớn nhất đời mình” - nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 xúc động.
Âm nhạc chất chứa những nỗi buồn
Bắt đầu tập piano và bị cây đàn “hành hạ” từ những năm còn học trung học, Nguyễn Ánh 9 đã vấp phải sự phản đối quyết liệt của cha mẹ. Chính vì cây đàn, ông đã kiên quyết rời khỏi ngôi nhà thân thương, tương lai xán lạn và cả mối tình đầu dang dở để theo đuổi niềm đam mê. “Cha tôi nghiêm khắc nói rằng nếu lựa chọn cây đàn, làm ơn hãy bước ra khỏi nhà. Ý nghĩ của thằng con trai 18 tuổi học trường Tây khi ấy là mình có thể tự lập, tại sao lại phải sống nhờ vào gia đình, nghe theo ý kiến và sự sắp xếp của họ. Đàn piano có gì xấu đâu, nó là một môn nghệ thuật cơ mà!” - nhạc sĩ của ca khúc “Buồn ơi chào mi” kể lại. Nhờ quen biết với nhạc sĩ Hoàng Nguyên, Nguyễn Ánh 9 được nhạc sĩ này dìu dắt trong nghề để dần có chỗ đứng vững chắc. Một vài năm sau khi trở thành nhạc công, Nguyễn Ánh 9 có dịp đệm đàn cho Khánh Ly hát ở Nhật Bản. Khi nữ danh ca trò chuyện về mối tình đầu của ông, Nguyễn Ánh 9 đã ôm đàn guitar và bật ra những giai điệu, ca từ của bài “Không” :“Không! Không! Tôi không còn, không còn yêu em nữa...”. Sau này, Khánh Ly đã yêu cầu ông hoàn thiện bài hát và đây cũng là sáng tác đầu tiên giúp chàng nhạc công Nguyễn Ánh 9 trở thành nhạc sĩ, tác giả của những ca khúc vượt thời gian: “Ai đưa em về”, “Buồn ơi chào mi”, “Cô đơn”, “Tình khúc chiều mưa”, “Tình yêu đến trong giã từ”…
Tự hào về cuộc hôn nhân hạnh phúc với người bạn đời là bà Ngọc Hân, một vũ công thiết hài (tapdance: bộ môn sử dụng hình thể và những bước di chuyển bằng gót, mũi, bàn chân tạo ra âm thanh sôi động qua một miếng kim loại gắn ở mặt đế chiếc giày), nhưng những bài tình ca của Nguyễn Ánh 9 đều đượm nỗi buồn man mác như “Cô đơn”, “Buồn ơi chào mi”, “Ai đưa em về”, “Chia phôi”, “Lời cuối cho em”... Khi hỏi về điều này, ông cười nói mỗi ca khúc là một câu chuyện cuộc đời của bản thân ông và cả những người bạn xung quanh. Ông bảo rất nhiều người cũng nghĩ ông đào hoa nên mới viết được các bài hát như thế nhưng thực ra không phải vậy. Nguyễn Ánh 9 cũng có những mối tình nhưng đều diễn ra trước khi ông kết hôn năm 22 tuổi, còn những bóng hồng thì toàn là của người ta chứ đâu phải của ông. Mỗi sáng tác trong sự nghiệp của Nguyễn Ánh 9 được ví như cuốn nhật ký nhỏ ghi chép lại những rung động hằng ngày của người nghệ sĩ về tình yêu. Với Nguyễn Ánh 9, tình yêu đẹp khi còn dang dở, thế nên hầu hết các sáng tác của ông đều chất chứa những tâm sự buồn. Ông bảo, cái buồn man mác trong âm nhạc khiến cho cuộc sống nhẹ nhàng hơn. Trong tất cả nhạc phẩm của ông, hầu hết các câu chuyện tình yêu đều không có hậu, toàn là chia ly, đau khổ. “Hạnh phúc ngọt ngào” là ca khúc duy nhất có cái kết đẹp cho đôi tình nhân. “Tôi luôn muốn viết về tình yêu nhẹ nhàng, sâu lắng và đẹp đẽ. Tôi không muốn tình yêu trong âm nhạc của mình quá sỗ sàng” - Nguyễn Ánh 9 tâm sự.
Biểu tượng ký ức một thời
Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 tâm niệm để tác phẩm của mình sống lâu theo thời gian, cảm xúc trong mỗi bài hát dù đơn giản cũng phải xuất phát từ chính trái tim người viết. Vì thế, có những bài hát ông đã mất tới gần 5 năm để hoàn thành như “Cô đơn”. Ông kể một ngày đạp xe đi làm về vào buổi đêm, ông tự ngâm nga: “Người hỡi cho tôi quên đi, bao nhiêu kỷ niệm xa xưa/Người hỡi cho tôi quên đi, bao nhiêu mộng đẹp nên thơ”. Khi về nhà, ông viết thêm được 2 câu: “Tình yêu đã chết trong tôi, nụ cười đã tắt trên môi/Chỉ còn tiếc nuối khôn nguôi cô đơn bơ vơ, tiếng hát lạc loài”. Viết được đoạn kết bài hát, Nguyễn Ánh 9 nghĩ mãi không thể viết tiếp được phần mở đầu nên bỏ dở cho đến khi đi dự đám cưới của một học trò. Nghe được câu chuyện tình yêu đẹp của họ từ lúc còn ngồi trên ghế nhà trường cho đến khi trưởng thành, nhạc sĩ mới chợt nảy ra lời ca cho đoạn mở bài “Hạnh phúc như đôi chim uyên, tung bay ngập trời nắng ấm/Hạnh phúc như sương ban mai, long lanh đậu cành lá thắm”. Ca khúc “Cô đơn” sau khi ra mắt đã được khán giả rất yêu thích vì rất cảm xúc, tình cảm. Và cùng với Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên, Phạm Duy..., Nguyễn Ánh 9 trở thành cái tên quen thuộc, đồng thời là biểu tượng của ký ức một thời.
Giấc mơ gia đình
Ở tuổi 75, Nguyễn Ánh 9 tâm sự, niềm vui giản dị của ông bây giờ là tận hưởng thời gian cuối đời bên người thân. Hai con trai ông đều có gia đình riêng, thậm chí ông đã lên chức cụ nội nên cứ vào cuối tuần, vợ chồng Nguyễn Ánh 9 lại đi thăm các cháu. “Tôi thấy mình có lỗi với vợ con nhiều lắm bởi tôi làm âm nhạc vì đam mê chứ không vì tiền. Thời trẻ tôi chưa nghĩ được như thế, cứ mải miết đi biểu diễn xa mà không màng tới chuyện nhà. May mắn là vợ tôi hiểu đó là tính nghệ sĩ trong tôi. Thi thoảng, để bù đắp cho vợ, tôi đưa bà ấy đi chơi, tặng bà ấy một món quà, nhưng rồi sau đó lại tiếp tục xa nhà”.
Nguyễn Ánh 9 ấp ủ một giấc mơ mà có lẽ không bao giờ ông thực hiện được, đó là đàn cùng hai con trai - nhạc sĩ Nguyễn Quang và nhạc sĩ Nguyễn Đình Quang Anh để vợ nhảy thiết hài. Tuy nhiên, vợ ông bị ngã một vài lần, chân đã yếu nên không thể nhảy được nữa. Trong hai đêm nhạc của chồng ở Hà Nội, bà Ngọc Hân cũng không thể ra thủ đô để ủng hộ ông.
Bằng lòng, nhẫn nhịn
Nhỏ nhẹ, hiền lành, chân thành, bất cứ ai từng trò chuyện với Nguyễn Ánh 9, dù chỉ một thời gian ngắn, đều cảm nhận được sự tử tế nơi ông. Những tâm sự, ước mơ, ám ảnh dường như đã trút hết cả vào âm nhạc, trên những phím dương cầm, Nguyễn Ánh 9 có lẽ là một trong những nhạc sĩ hiền lành nhất tôi đã gặp. Cảm giác nơi ông là một sự bằng lòng, nhẫn nhịn của một tâm hồn mong manh như tơ, không thể nghĩ xấu chứ đừng nói đến hành động xấu với người khác. Mọi đúng sai của người đời, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 đều sẵn sàng bỏ qua. Thế nhưng mấy năm gần đây, Nguyễn Ánh 9 luôn vướng vào thị phi của showbiz với những phát ngôn làm ông buồn lòng. Tâm sự về những cái tít trên mặt báo liên quan đến phát ngôn “có tiền cũng không mời Khánh Ly” tham gia live show mới đây, Nguyễn Ánh 9 cười buồn, cho biết ông không hiểu tại sao mình lại cứ vướng vào những thị phi như thế. “Ý tôi là tôi không có tiền. Mà có tiền, tôi cũng muốn dành đất cho những gương mặt mới” - nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 chia sẻ. Ông buồn, tâm hồn mong manh thêm một lần đau vì những cái tít giật gân trên mặt báo…
“Người nghệ sĩ là vậy, sống với âm nhạc và chết cũng với âm nhạc” - nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 tâm sự khi nói về niềm đam mê của mình
Mã an toàn:
Tận dụng thế mạnh của phim ảnh màn ảnh rộng thời 4.0 với hình ảnh, cảnh trí, âm thanh ánh sáng, kỷ xảo, hiệu ứng, góc quay mà sân khấu thiếu...ngoài ra phim được công chiếu được PR vào hệ thống rạp rộng khắp, với những buối ra mắt hoành tráng ..Phim cải lương có cứu được cải lương hay thổi vào đó những làn gió mới hay không qua hơn 10 năm nhìn lạ
Ý kiến bạn đọc