Đang truy cập : 221
Hôm nay : 20923
Tháng hiện tại : 2195641
Tổng lượt truy cập : 88502242
Tối 29-9, vòng chung kết xếp hạng cuộc thi "Chuông vàng vọng cổ" 2024 đã diễn ra với phần tranh tài của 3 thí sinh là: Dương Thị Mỹ Nhung, Nguyễn Hùng Vương, Lê Hoàng Nghi tại Nhà hát Truyền hình HTV.
NS Thạch Sỹ Long
1 . "Bắn!". Tiếng súng thất thanh. Người mẹ trúng đạn nhưng vẫn hiên ngang nhìn thẳng mặt quân thù. Mẹ chỉ ngã vào vòng tay đồng đội của con mẹ.
Cảnh kết bi hùng khép lại vở diễn "Bông mận trắng" của Đoàn Cải lương Tây Đô, đẩy cảm xúc của khán giả lên đến tột cùng. Tiếng vỗ tay như những đợt sóng dâng trào trong khán phòng Cuộc thi nghệ thuật cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 2015 ở Bạc Liêu. NSND Trần Ngọc Giàu chỉ nói súc tích: "Đẹp! Đây mới đúng là vẻ đẹp của cải lương". Trong đêm trao giải cuộc thi, tên Đoàn Cải lương Tây Đô được xướng danh 5 lần: 1 lần cho vở diễn đoạt giải Bạc, 2 lần Huy chương Vàng và 2 lần Huy chương Bạc. Đúng như kỳ vọng của những nghệ sĩ và cả người mộ điệu, "Bông mận trắng" đã tỏa hương…
Đây không phải là lần đầu tiên Đoàn Cải lương Tây Đô chọn đề tài lịch sử cách mạng để dựng vở dự thi. Thế nhưng, "Bông mận trắng" mang đến cho anh em nghệ sĩ thật nhiều cảm xúc bởi một kịch bản đầy kịch tính, cung bậc, cách dàn dựng kỹ lưỡng, công phu. NSƯT Thảo Vân, vốn "đóng đinh" với các vai người mẹ kháng chiến, tay nâng niu chiếc Huy chương Bạc, trải lòng rằng, chị "ám ảnh" vai diễn suốt nhiều tháng liền bởi đồng cảm với nỗi khổ, niềm thương và những mất mát của nhân vật người mẹ trong "Bông mận trắng". Còn với cô đào trẻ Hồng Thủy, chiếc Huy chương Vàng ở sân chơi chuyên nghiệp của cải lương được chị nâng niu như báu vật. Hồng Thủy cùng với Hoàng Khanh đã làm thăng hoa mối tình thật đẹp của những đôi trẻ thời chiến: trong sáng, cao cả và "khi Tổ quốc cần, họ biết sống xa nhau…".
Các nghệ sĩ Đoàn Cải lương Tây Đô trong vở “Bông mận trắng”. Ảnh: DUY KHÔI |
2 . Hẹn gặp đạo diễn Kiều Mỹ Dung chiều cuối tuần để "hàn huyên tâm sự". Chạy thẳng lên khu hậu cứ của Đoàn cải lương Tây Đô (chỗ cũ ở phường Trà An, quận Bình Thủy) thấy cảnh "vườn không nhà trống", vội gọi điện hỏi chị. Chị Kiều Mỹ Dung nói như reo: "Chị quên, anh em về Mỹ Khánh rồi em ơi. Chỗ ở ngon hơn nhiều!".
Đón tôi trong căn hộ mới ở khu hậu cứ, chị Kiều Mỹ Dung nắm chặt tay khách, rồi chị giơ 3 ngón tay lên mà giọng đầy xúc động: "37 năm rồi nghe em, 37 năm chị theo cải lương rồi đó. Bây giờ mới có chỗ ở khang trang như vầy. Ngày đầu về ở đây, có chợp mắt được đâu, mừng mà thao thức mãi". Ngôi nhà nhỏ của chị ngày cuối năm lũ khũ dưa hành, củ kiệu, bánh mứt. Cái Tết đầu tiên về nhà mới, chị Dung như cố vun vén, tươm tất mọi sự để vui hưởng mùa xuân an cư.
Dân gian thường nói: "An cư lạc nghiệp". Nhưng với nghệ sĩ Đoàn Cải lương Tây Đô từ nhiều năm qua, dù căn hộ cũ mục ruỗng, dột nát, không "an cư" nhưng vẫn cứ "lạc nghiệp", vẫn rút ruột tơ lòng. Giờ, điều kiện khang trang, ai cũng tự nhủ sẽ cống hiến nhiều hơn nữa. Công trình trụ sở làm việc và khu hậu cứ Nhà hát Tây Đô, tọa lạc ở đường Nguyễn Văn Cừ, xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, được đưa vào sử dụng vào cuối tháng 9-2015. Với các hạng mục khá quy mô như trụ sở làm việc, khu hậu cứ, khu tập diễn, nhà kho, nhà xe… công trình có tổng mức đầu tư trên 23 tỉ đồng, giúp anh em nghệ sĩ có nơi sinh sống, tập luyện, chuyên tâm với nghề. Nơi trang trọng nhất trong ngôi nhà mới, nghệ sĩ Thảo Vân dành treo Bằng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú do Chủ tịch nước phong tặng. Thảo Vân nhẹ nhàng: "Nghệ sĩ được nhà nước quan tâm thế này thì chẳng phải lo gì nữa ngoài chuyện làm nghề, mang đến sức sống mới cho cải lương Cần Thơ". Nói rồi, cô đào mùi tài sắc của Đoàn Cải lương Tây Đô ngước mắt nhìn lên bàn thờ gia tiên với hoa quả, khói hương thơm lừng ngày Tết hòa quyện trong mùi sơn còn chưa phai, nhoẻn nụ cười viên mãn.
35 hộ gia đình trong Đoàn Cải lương Tây Đô sống trong ngôi nhà chung mang tên "khu hậu cứ" đang rộn rã đón mùa xuân về. Sau những suất diễn phục vụ bà con thành phố, trong từng ngôi nhà nhỏ của anh em nghệ sĩ lại rộn vang tiếng hát, tiếng đàn, đầm ấm bên ly rượu tách trà ngày xuân thắm tình nghệ sĩ.
3. Trong phòng tập nhỏ của Trường Trung cấp Văn hóa- Nghệ thuật Cần Thơ, nghệ sĩ Thạch Sỹ Long mải mê thị phạm cho các học trò từng động tác của cải lương tuồng cổ. Dáng người nhỏ nhắn nhưng khi nhập vai, Thạch Sỹ Long bước tấn, bước bộ thoăn thoắt. Ông lấy tay đỡ cằm cậu học trò, chỉnh nhếch lên một chút, nhắc: "Mặt vua phải hiên ngang, khí phách!". Say sưa như thể ông đang diễn trên sân khấu. Nói về tình yêu cải lương, ông thật tình: "Biết nói sao bây giờ, chỉ biết mê dữ lắm, mê tới chết mới thôi!". Tại Giải Trần Hữu Trang 2014, nghệ sĩ Thạch Sỹ Long đã một mình tập dượt rồi lo lắng cho cậu học trò mới ra trường Lê Duy tham dự và đã mang về cho đơn vị Cần Thơ chiếc Huy chương Vàng sáng giá. Hình ảnh thầy Long "tay xách nách mang", chăm chút cho học trò từng đường diễn, phục trang khiến nhiều người xúc động. Nhiều nghệ sĩ cải lương nổi danh hiện nay như: Hoàng Khanh, Võ Minh Lâm, Hồng Thủy… đều là học trò được nghệ sĩ Thạch Sỹ Long dẫn dắt từ những ngày đầu tiên với Câu lạc bộ Đồng Ấu- mô hình xã hội hóa thành công nhất, cho tới bây giờ của ngành văn hóa Cần Thơ.
Nghệ sĩ Thạch Sỹ Long trang điểm cho các em học sinh tham gia Dự án Sân khấu học đường trước giờ lên sân khấu. Ảnh: DUY KHÔI |
Năm 2015, Cần Thơ được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chọn triển khai dự án Sân khấu học đường- truyền dạy cải lương cho học sinh Trung học cơ sở. Có hôm 4 giờ sáng, Thạch Chanh đã gọi điện: "Nhà báo rảnh không, vô Mỹ Khánh coi tụi nhỏ diễn tuồng". Vừa tắt máy, điện thoại lại reo vang: "Tui, Sỹ Long đây, sáng nay nhà báo đi Thới Lai coi trích đoạn "Trần Quốc Toản ra quân" đi, hay lắm!". Vậy đó, anh em họ Thạch vẫn thật thà, chân chất và thật tâm với cải lương bằng một tình yêu sâu nặng. Ngày các em tổng kết Sân khấu học đường, hai anh em mỗi người một bên cánh gà Nhà hát Tây Đô, người tô son, người thay trang phục cho diễn viên, mặt nhòe nhoẹt mồ hôi.
Cải lương tồn tại từ những "con người cải lương". Cần Thơ hiện tại đang sở hữu nhiều người như vậy. Đó là ông Năm Quang- một soạn giả ngoài 70 tuổi vẫn gò mình trên từng con chữ để cho ra đời những kịch bản cải lương; là Nghệ sĩ Ưu tú Trúc Linh từng ngày giữ cho Câu lạc bộ Đờn ca tài tử Tây Đô sống hoài, sống mãi; hay soạn giả Trương Huy Hoàng, người chắp cánh cho những bài bản tài tử, vọng cổ vang xa… Cải lương Cần Thơ không ồn ào, không hẳn đã sáng đèn sân khấu hằng đêm nhưng vẫn âm thầm, bền bỉ, như dòng nước ngầm len chảy trong đời sống của người Cần Thơ hôm nay. Để một ngày nào đó, đi dọc đại lộ Hòa Bình hay tìm về vùng ven thành phố, người ta vẫn nghe râm ran câu vọng cổ ngọt lành, mát trong như dòng sông, bến nước.
***
Từ Dự án Sân khấu học đường lần đầu tiên triển khai ở Cần Thơ trong năm 2015, một thế hệ nghệ sĩ nhí mê cải lương đã được mài giũa. Phú Thành, Ngọc Hương, Sĩ Ben… hằng tuần lại hẹn gặp nhau để tập diễn cải lương, hát tài tử. Nghe tiếng hát trong veo, nhìn đôi mắt nhấp nháy đam mê của các em, có thể thấy tương lai xán lạn của cải lương Cần Thơ…
Ghi chép: Đăng Huỳnh
sử dụng, anh em, say sưa, cao hứng, quyến rũ, nụ cười, nghệ sĩ, miệt mài, cống hiến, nỗi niềm, rơm rớm, hồ hởi, cần thơ
Mã an toàn:
Tối 29-9, vòng chung kết xếp hạng cuộc thi "Chuông vàng vọng cổ" 2024 đã diễn ra với phần tranh tài của 3 thí sinh là: Dương Thị Mỹ Nhung, Nguyễn Hùng Vương, Lê Hoàng Nghi tại Nhà hát Truyền hình HTV.
Ý kiến bạn đọc