Đang truy cập : 265
•Máy chủ tìm kiếm : 61
•Khách viếng thăm : 204
Hôm nay : 23663
Tháng hiện tại : 2198381
Tổng lượt truy cập : 88504982
Tối 29-9, vòng chung kết xếp hạng cuộc thi "Chuông vàng vọng cổ" 2024 đã diễn ra với phần tranh tài của 3 thí sinh là: Dương Thị Mỹ Nhung, Nguyễn Hùng Vương, Lê Hoàng Nghi tại Nhà hát Truyền hình HTV.
LQV
Trong khi ở Hà Nội, kịch Lưu Quang Vũ giúp các nhà hát ăn nên làm ra (vở “Bệnh sĩ” từng được coi là một hiện tượng đặc biệt của sân khấu kịch những năm 1980, vừa được Nhà hát Kịch Việt Nam tổ chức suất diễn thứ 100 của mình) thì sân khấu phía Nam lại dè dặt với dòng kịch này.
Không thể gây cười theo kiểu “game show”
Sau Liên hoan kịch Lưu Quang Vũ tổ chức tại Hà Nội cách đây không lâu, PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái nhận định: “Lưu Quang Vũ đã viết kịch chính luận - trữ tình, đặt được những vấn đề nhân sinh - xã hội trên một trực giác vô cùng bén nhạy của một tác giả có chất thi sĩ. Dùng phương thức kịch, Lưu Quang Vũ cho thấy mình đầy ưu thế, tổ chức xung đột giữa cái mới và cái cũ, cái bảo thủ trì trệ và cái tích cực tiến bộ, như: “Tôi và chúng ta”, “Lời thề thứ 9”, “Trái tim trong trắng”, “Ông không phải là bố tôi”, “Mùa hạ cuối cùng”, “Ai là thủ phạm”, “Khoảnh khắc và vô tận” hay xung đột giữa cái ác, cái thiện, cái đẹp, cái xấu, cái nhân tính và phi nhân tính trong các kịch bản: “Bông cúc xanh trên đầm lầy”, “Người trong cõi nhớ”, “Người tốt nhà số 5”, “Nguồn sáng trong đời”, “Tin ở hoa hồng”, “Vụ án 2.000 ngày”, “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”... Bởi thế, kịch Lưu Quang Vũ rất quyến rũ người xem hiện đại, buộc họ phải nảy sinh tự nhiên nhu cầu xem kịch”.
Do vậy, theo bà Thái, trong tình thế sân khấu Việt hiện đại vẫn chưa ra khỏi cuộc khủng hoảng người xem, những vở kịch Lưu Quang Vũ luôn được dàn dựng mới và biểu diễn, vẫn có ý nghĩa tích cực trong việc níu kéo và hấp dẫn người xem trở lại đối thoại với sân khấu.
Tuy nhiên, NSND Hồng Vân cho rằng vở “Bệnh sĩ” của Lưu Quang Vũ, nếu dựng hài theo kiểu kịch sinh hoạt phía Nam, sa đà vào những chi tiết vụn vặt, tùy tiện thêm thắt những mảng miếng gây cười kiểu “game show”, truyền hình thực tế thì chắc chắn sẽ làm loãng đi tính chất đặc thù châm biếm vốn có của nó.
Theo đạo diễn Vũ Minh, người đã từng dựng 3 kịch bản của Lưu Quang Vũ là “Lời nói dối cuối cùng” (năm 2001), “Người tốt nhà số 5” (năm 2002) và “Bệnh sĩ” (năm 2003), đến thời điểm này, những vấn đề kịch tác gia Lưu Quang Vũ đề cập trong tác phẩm của mình vẫn còn nguyên giá trị, từ chủ đề tư tưởng đến nội dung câu chuyện. Đả phá, châm biếm, lên án những thói hư tật xấu của xã hội, cán bộ nhà nước tha hóa, tư tưởng bảo thủ, trì trệ bằng ngòi bút sắc bén tài tình. “Hiện nay, khó có ai vượt qua được Lưu Quang Vũ trong sáng tác thể tài này” - ông Minh nhận định. Giải thích vì sao nhiều sân khấu phía Nam không còn dựng kịch của Lưu Quang Vũ, đạo diễn Vũ Minh nói: “Thứ nhất, họ nghĩ những vấn đề trong kịch của ông không hợp thời. Thứ hai, vẫn còn tư duy sợ đụng chạm đến những cán bộ nhận hối lộ, tiếp tay con buôn, bao che tội phạm, chạy án...”.
Phương thức cứu nguy
Đạo diễn Vũ Minh cho biết năm 2015, Hà Nội đã tổ chức liên hoan các vở kịch của Lưu Quang Vũ. Đó là việc làm rất thiết thực để giới thiệu đến công chúng trẻ những tác phẩm xuất sắc của Lưu Quang Vũ, dòng kịch đã “làm mưa làm gió” trong suốt những thập niên 1980 và 1990 của thế kỷ XX.
Theo đạo diễn Vũ Minh, thời gian tới, ông sẽ dàn dựng lại một số vở của Lưu Quang Vũ cho Sân khấu Kịch Idecaf và đặc biệt dành đất diễn cho lực lượng diễn viên trẻ của sân khấu này để họ có được những vai diễn chuẩn mực trong hàng loạt tác phẩm kịch nói của tác giả Lưu Quang Vũ.
Đạo diễn Lê Nguyên Đạt nhận định “Lời thề thứ 9”, “Ai là thủ phạm”, “Mùa hạ cuối cùng”, “Nàng Sita”… là những tác phẩm sân khấu vẫn còn mang tính thời sự - xã hội “nóng hổi”, ám ảnh người xem. “Tôi có khao khát chuyển thể sang cải lương kịch bản “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” để dàn dựng cho sân khấu Sen Việt” - ông Đạt bày tỏ.
Đạo diễn Ngọc Hùng, người phụ trách nghệ thuật của Sân khấu Thế Giới Trẻ, cũng công nhận đến nay, những tác phẩm của Lưu Quang Vũ vẫn còn giá trị về mặt tư tưởng. “Để dàn dựng lại, đạo diễn cần có sự thấu hiểu để chuyển tải và làm cho vở diễn có hơi thở của cuộc sống hôm nay. Quan trọng là đạo diễn có dám đi đến tận cùng những vấn đề mà Lưu Quang Vũ đã gửi gắm trong tác phẩm của ông” - ông Hùng nói.
Theo đạo diễn Chánh Trực, làm mới kịch Lưu Quang Vũ bằng cách chuyển tải hơi thở cuộc sống hiện đại vào kịch của ông không phải không được. “Tôi khao khát được làm những điều đó nhưng vấn đề đang phụ thuộc vào việc có mạnh dạn của các “bầu sô” sân khấu hay không. Tôi tin trong tình hình khan hiếm kịch bản như hiện nay, việc dựng lại kịch của Lưu Quang Vũ sẽ là một phương thức cứu nguy” - ông Trực khẳng định.
Khó được chuộng trong tâm thế làm kịch giải trí
Đạo diễn - NSƯT Trần Minh Ngọc cho rằng khủng hoảng lớn nhất của sân khấu Việt hiện nay là người xem đang rời xa bản chất là loại hình nghệ thuật đặc thù, tác phẩm kịch được viết bằng phương thức đối thoại nhằm thể hiện xung đột từ đời sống... “Thế nhưng, các sân khấu xã hội hóa phía Nam làm kịch chạy theo cái chuẩn tự đặt ra là phải lấy mảng miếng ăn khách trong các game show truyền hình thì cái chuẩn từ tư duy, tính châm biếm thẳng thừng của kịch Lưu Quang Vũ khó mà được chuộng trong tâm thế làm kịch giải trí hiện nay” - ông Ngọc nhận định.
Mã an toàn:
Tối 29-9, vòng chung kết xếp hạng cuộc thi "Chuông vàng vọng cổ" 2024 đã diễn ra với phần tranh tài của 3 thí sinh là: Dương Thị Mỹ Nhung, Nguyễn Hùng Vương, Lê Hoàng Nghi tại Nhà hát Truyền hình HTV.
Ý kiến bạn đọc