Những giai thoại ly kỳ
Hằng năm, cứ đến giữa tháng 8 âm lịch, sân khấu các nơi lại rộn ràng cúng tổ. Trong ngày này, nghệ sĩ thường gác lại mọi công việc, chia thành từng đoàn, đi hết sân khấu này đến sân khấu khác, rạp này đến rạp khác để thắp hương, dâng lễ. Tuy nhiên, khi được hỏi tổ nghiệp là ai thì mỗi người lại kể một cách khác nhau...
NSƯT Kim Tử Long cho biết: "Từ khi bước chân vào nghệ thuật, hầu như người nghệ sĩ nào cũng luôn tin rằng trên đầu có thần linh. Mặc dù đến giờ, vẫn chưa biết chính xác tổ nghiệp của ngành sân khấu là ai, chỉ biết rằng đó là đấng linh thiêng, luôn theo "độ" cho sân khấu. Nghệ sĩ cảm thấy tin tưởng và thờ cúng. Lớp nghệ sĩ trẻ thì chưa đi sâu vào vấn đề này nhưng thế hệ trước, những người lớn tuổi thì rất tin tưởng và coi trọng, trước khi lên sân khấu luôn phải thắp nhang, khấn tổ".
Cứ đến giữa tháng 8 âm lịch, sân khấu các nơi lại rộn ràng cúng tổ |
Trong những giai thoại về ông tổ ngành sân khấu, giai thoại mà chúng tôi được nghe nhiều nhất là về hai vị hoàng tử mê coi hát đến mức kiệt sức, ôm nhau chết. Linh hồn của họ thường xuyên hiện lên coi hát nên người trong nghề bèn lập bàn thờ, phụng kính là tổ. Ngày hai vị hoàng tử qua đời cũng trở thành ngày giỗ tổ hằng năm của ngành sân khấu.
NSND Đinh Bằng Phi, người có nhiều năm nghiên cứu về hát bội nói riêng và sân khấu nói chung, cho biết truyền thuyết này còn có thêm câu chuyện rằng xưa có một nhà vua không có con nên thường xuyên làm lễ cầu xin trời phật ban phúc. Mỗi khi làm lễ, có một người giả làm thần múa hát, bay lên trời dâng sớ. Sau này, hoàng hậu hạ sinh được hai vị hoàng tử. Cả hai lớn lên đều rất mê ca hát.
Một hôm, hai vị hoàng tử lén vua cha đi xem hát rồi say mê đến nỗi quên ăn, quên ngủ, kiệt sức, ôm nhau chết. Từ đó, nghệ sĩ thường thấy hai hoàng tử hiện về xem hát nên lập bàn thờ phụng, gọi là tổ. Bởi thế, trên bàn thờ trong các đoàn hát thường có đặt hai cốt gỗ nhỏ như búp bê, tượng trưng cho hai vị hoàng tử.
Ông tổ cũng là... ăn cướp, ăn mày
Nói về "ông tổ" ngành sân khấu, còn có nhiều giai thoại khác, trong đó có cả chuyện "ông tổ" xuất thân từ ăn cướp, ăn mày... Bởi thế, nghệ sĩ rất kiêng kỵ cho tiền ăn xin vì cho rằng như thế là xúc phạm tổ nghiệp.
Nghệ sĩ Thiên Kim cho rằng có lẽ cũng vì ông tổ xuất thân từ ăn mày nên đã là nghệ sĩ, ít nhiều gì cũng có lúc lang thang, khốn khó nhưng không ai dám trách tổ vì tổ đã cho nghệ sĩ cái nghề, nhận về thế nào là do phần số.
Đến nay vẫn lưu truyền nhiều giai thoại khác nhau về tổ nghiệp sân khấu |
Theo NSND Đinh Bằng Phi, những giai thoại này được đặt ra thực chất là để tạo sự tin tưởng. Tất cả những người làm sân khấu đều coi mình là con cháu của "ông tổ".
Ông lý giải: "Ông cha ta đặt ra những giai thoại này vừa dựa trên thực tế, vừa mang tính hoang đường, rồi truyền miệng từ đời này truyền sang đời khác. Ví dụ, giai thoại hai vị hoàng tử là hai vị hoàng tử nào đó, đâu rõ đời nào đâu. Còn nếu nói ông tổ là ăn mày thì là do người hát luôn tôn kính tất cả các nghề, vì nghề nào cũng có đóng góp cho sự nghiệp sân khấu cả. Tại sao ăn mày được cho là ông tổ? Vì khi diễn nhân vật ăn mày, nghệ sĩ cũng phải học nghề ăn mày. Để nhớ ơn, sau này, họ liệt những người có đóng góp cho sân khấu đều là tổ. Ăn mày là một cái nghề mà người hát học được để diễn trên sân khấu, cũng giống như thợ may, thợ rèn, thầy thuốc... thậm chí là ăn cướp".
Lễ vật do nghệ sĩ dâng lên cúng tổ |
Xuất phát từ thực tế, mỗi vai diễn, nghệ sĩ phải học từ cuộc sống, từ người thật, việc thật rồi mới đưa lên sân khấu nên những vị tổ sư của các ngành nghề có liên quan đến vai diễn của nghệ sĩ đều được tri ân, gọi là hậu tổ. Đó có thể là thợ may, thợ mộc, thợ rèn... gọi chung là thập nhị công nghệ.
NSND Đinh Bằng Phi cũng cho rằng dù là giai thoại nào thì cũng thể hiện lòng thành kính và sự biết ơn của nghệ sĩ dành cho những người đã có đóng góp cho ngành sân khấu.
"Ông tổ, với họ, tức là người đã truyền lại cuộc sống, công việc... cho họ. Cúng tổ nghĩa là thể hiện lòng biết ơn đến những người có công đóng góp cho sân khấu. Những câu chuyện không có gì là thực tế nhưng chứng tỏ người nghệ sĩ là người nhớ ơn tất cả, kể cả những người đi theo gánh hát, hậu đài đều được tôn trọng, thờ cúng. Hậu tổ còn bao gồm cả những nghệ sĩ có công với sân khấu, những bậc tài hoa xuất chúng, như ông Cao Văn Lầu, Trần Hữu Trang, NSND Năm Châu, Phùng Há, Năm Phỉ...", NSND Đinh Bằng Phi chia sẻ.
Theo những người làm nghề lâu năm, chuyện thờ tổ xuất phát từ các đoàn hát bội rồi "lan" sang cải lương, kịch nói... Sau này, giới ca sĩ, diễn viên, người mẫu cũng duy trì việc cúng tổ hằng năm và khấn tổ trước khi ra diễn.
Ngoài những giai thoại về "ông tổ", giới nghệ sĩ còn truyền tai nhau những điều kiêng kỵ và cả những câu chuyện về "tổ trác", "tổ độ" vô cùng ly kỳ, khó mà lý giải được... Những chuyện này chúng tôi sẽ đề cập đến trong kỳ sau.
Từ năm 2010, Ban Bí thư T.Ư Đảng đã quyết định chọn ngày 12.8 âm lịch hằng năm (cũng là ngày giỗ tổ truyền thống của ngành sân khấu) làm ngày Sân khấu Việt Nam. |
Thiên Hương
Ảnh: T.L
Hầu hết các nghệ sĩ đều rất tin vào sự linh thiêng của tổ nghiệp, ví như 'nói gở', làm điều sai lập tức sẽ bị 'tổ phạt', còn thành tâm sẽ được 'tổ độ'. Những chuyện ly kỳ cũng từ đó mà ra... "Khó tin nhưng có thật"
Nghệ sĩ cải lương Thanh Hằng đã khẳng định chắc nịch như vậy. Đến bây giờ, chị vẫn còn nhớ như in cái lần đoàn cải lương Bông Sen Vàng gặp nạn khi đi diễn ở tỉnh. Buổi sáng hôm ấy, xe chở cả đoàn đâm thẳng vào gốc cây. Lạ một điều, người trưởng đoàn ôm bức tượng tam vị thánh tổ, ngồi ngang tài xế, lại không hề hấn gì dù tấm kính phía trước bể nát sau cú va chạm mạnh. Các nghệ sĩ trên xe cũng không bị thương tích gì. Họ tin rằng tổ nghiệp đã hiển linh để giúp họ thoát kiếp nạn này.
"Có những chuyện bạn có thể không tin nhưng nghệ sĩ chúng tôi rất tin. Có lần, tôi đi diễn trễ, không kịp khấn tổ đã vội lao ra sân khấu. Vậy là hôm đó dù vai diễn đã diễn rất nhiều lần nhưng tôi lại không tài nào nhập vai được. Ngược lại, khi mình thành tâm khấn, tổ lại hiển linh giúp đỡ. Xưa tôi "chết" vai đào mùi. Sau khi khấn tổ dìu dắt dẫn đường cho mình, để có được diễn những vai khác đa dạng hơn, tôi được giao vai đào độc, đào lẳng, rồi tới diễn hài cũng diễn được luôn", nghệ sĩ Thanh Hằng chia sẻ.
Theo lời kể của Thanh Hằng, danh hài Hoài Linh cũng là người rất tin vào sự linh thiêng của tổ nghiệp. Những năm sống tại Mỹ, có thời điểm Hoài Linh không có lấy một show diễn, vậy là anh khấn tổ: "Con không có tiền đóng tiền nhà, thanh toán bill (hóa đơn - PV), cầu mong tam vị thánh tổ thương, phù hộ cho con". Ngay sau đó, bầu show liên tục gọi cho Hoài Linh.
Hằng năm, các nghệ sĩ đều nhớ đến ngày giỗ tổ sân khấu 12.8 âm lịch |
Nghệ sĩ Thoại Mỹ cũng kể với PV Thanh Niên rằng có lần chị bị té gãy chân, vì lo lắng sẽ ảnh hưởng đến diễn xuất nên "nói gở". Vậy là sau đó, chị ra sân khấu nhưng đều hát không được như mong muốn, lần nào cũng chạy vào trong khóc.
"Sau này, gặp anh Vũ Linh, anh ấy khuyên tôi đi nên thắp nhang chuộc lỗi. Tôi và anh ấy thắp 3 cây nhang, chờ đến khi nhang tàn mới thôi. Quả nhiên, sau đó tôi ra sân khấu hát được ngay", nghệ sĩ Thoại Mỹ chia sẻ.
Theo NSƯT Kim Tử Long, những chuyện "tổ độ", "tổ phạt" thì "không tin không được". Thường xuyên nhất là những khi nghệ sĩ gặp vấn đề sức khỏe, khan tiếng, mất giọng... cứ thành tâm khấn tổ là hát được ngay.
Những điều kiêng kỵ trong giới sân khấu
Cũng từ những câu chuyện có thật nhưng khó lý giải như vậy mà nghệ sĩ rất tin vào sự hiển linh và quyền năng của ông tổ. Thậm chí, chuyện "chìm" hay "nổi" của nghệ sĩ cũng được cho là do tổ nghiệp quyết định tất cả. Bởi thế mới có những cách nói như tổ trác, tổ phạt, tổ hành, tổ lấy nghề... và những điều kiêng kỵ mà nghệ sĩ phải biết để tránh gặp xui xẻo.
Theo tương truyền, trái thị là loại trái cây cấm kỵ, bất cứ ai cũng không được mang vào hậu trường, kể cả khán giả đi xem hát. "Người ta cho rằng tổ nghiệp vốn là hai vị hoàng tử nhỏ tuổi nên nếu ngưởi được mùi thơm của trái thị sẽ xao nhãng, không tập trung phù hộ cho nghệ sĩ nữa", nghệ sĩ Thanh Hằng tiết lộ.
Trong hậu trường các chương trình luôn có bàn thờ để nghệ sĩ khấn tổ trước khi ra diễn |
Tuy nhiên, theo NSND Đinh Bằng Phi, tác giả của nhiều đầu sách nghiên cứu về sân khấu, những chuyện kiêng kỵ đa phần đều có thể lý giải từ thực tế. Việc không mang trái thị vào rạp hát là để nghệ sĩ không bị phân tâm bởi mùi thơm của nó mà quên thoại, quên vai. Hay chuyện không mang guốc vông vì cho rằng gỗ cây vông đẽo thành tượng tổ nên mang vào sẽ "phạm thượng", thực tế thì ngày xưa nghệ sĩ thường đi chân đất, lúc diễn mới mang hia, hài, guốc, nên tiếng cồm cộp của guốc vông có thể làm diễn viên mất tập trung.
Bên cạnh đó, còn khá nhiều kiêng kỵ như không được cười đùa giỡn, nói năng thô tục, huýt sáo... trong giờ hóa trang, nếu vi phạm sẽ bị tổ phạt. Đó cũng là một yêu cầu chính đáng để diễn viên có thể có sự chuẩn bị chu đáo trước khi ra diễn.
Việc không được đụng đến trống chiêng vì cho rằng trống là bộ phận trong cơ thể ông tổ, cũng chỉ là một cách lý giải tâm linh cho việc giữ gìn đạo cụ sân khấu bởi nếu trống hỏng thì rất khó sửa chữa, nhất là đang lúc biểu diễn hoặc đang ở vùng xa xôi.
Và nếu xét cho cùng, lòng thờ kính của nghệ sĩ dành cho tổ nghiệp cũng như niềm tin vào sự linh thiêng của ông tổ cũng xuất phát từ lòng biết ơn, sự kính trọng của những người đi hát đối với tổ nghiệp của mình cũng là thể hiện truyền thống "uống nước nhớ nguồn", "ăn quả nhớ người trồng cây" của cha ông ta mà thôi...
Thiên Hương
Ảnh: T.L
Nghệ sĩ khấn gì trước khi ra diễn?
Xuất phát từ các đoàn hát bội, trong hậu trường sân khấu thường có một bàn thờ tổ. Mỗi khi đào, kép chuẩn bị bước ra sân khấu thì sẽ đến khấn tổ để cầu cho việc hát xướng thuận lợi.
Theo NSND Đinh Bằng Phi, việc thờ cúng tổ xuất phát từ giai thoại về hai vị hoàng tử mê xem hát đến kiệt sức, ôm nhau chết. Lý giải cho việc không thờ một nhân vật rõ ràng, NSND Đinh Bằng Phi cho rằng: "Thực tế, ông tổ sân khấu là ông tổ vô danh. Người xưa đặt ra giai thoại về hai vị hoàng tử là để thần thánh hóa lên. Thờ ông tổ là thờ đứa bé mê hát bội. Họ coi ông tổ như đại diện cho khán giả. Đó cũng là cách biết ơn của nghệ sĩ đối với những người nuôi sống họ hằng đêm, không có gì phải giải thích theo kiểu thần thoại, hoang đường cả".
Cũng theo NSND Đinh Bằng Phi, việc chọn thờ hai vị hoàng tử không rõ thời nào chỉ mang tính tượng trưng. "Ngày xưa, các đoàn hát đi diễn, mang theo một bức tượng thì sợ rớt dọc đường nên phải làm thêm một tượng nữa để "sơ cua". Người xưa cho rằng hai ông cùng là hoàng tử, ngang hàng nhau nên không ai tranh giành với ai", NSND Đinh Bằng Phi cho biết.
Được biết, ngày trước mỗi lần diễn đến cảnh có trẻ sơ sinh thì cô đào lại "thỉnh" một trong hai bức tượng ông tổ ra sân khấu vì ngày xưa chưa có búp bê. Trước khi đưa ra sân khấu, cô đào xá "ông tổ" ba xá để mời tham gia vở diễn. Làm như thế không bị cho là "phạm thượng" mà trái lại, người ta cho rằng "ông tổ" vốn là trẻ con, rất ham vui, thích được ra sân khấu.
Ca sĩ Thanh Duy dâng lễ cúng tổ trong ngày giỗ tổ sân khấu |
Ngoài việc thờ tổ nghiệp là hai vị hoàng tử, một số nghệ sĩ, đặc biệt là nghệ sĩ cải lương, còn thờ những nghệ sĩ có công với sân khấu, những bậc tài hoa xuất chúng, như ông Cao Văn Lầu, Trần Hữu Trang, NSND Năm Châu, Phùng Há, Năm Phỉ... Trong lời khấn của nghệ sĩ cũng thường nhắc đến những người có công ơn với họ là các bậc Thánh, Hiền, Tổ, Sư, Thập nhị công nghệ, những nhân tài xuất chúng... Nghệ sĩ cải lương Thanh Hằng cho biết: "Trước khi ra sân khấu, nghệ sĩ phải khấn tổ, cũng giống như bước vào nhà thì mình phải thưa ông bà, cha mẹ vậy thôi".
Nội dung lời khấn cũng là mong vở diễn được suôn sẻ, nghệ sĩ làm tròn vai. Nghệ sĩ Thoại Mỹ tiết lộ: "Thường trước khi ra sân khấu, tôi sẽ khấn hôm nay mình thể hiện vai gì và cầu cho tổ độ lúc nào cũng có sắc có hương, có danh có diện, để thể hiện tốt vai diễn của mình".
Ngoài việc khấn tổ, một số nghệ sĩ còn đặt phấn son và những đồ dùng liên quan đến sân khấu lên bàn cúng tổ rồi khấn vái, sau đó mang về sử dụng như một cách để xin "lộc tổ". Trong ngày giỗ tổ sân khấu hằng năm, nghệ sĩ thường cúng hoa quả, gà, heo quay... Riêng heo cúng, sau khi dâng lên tổ thì phần lưỡi sẽ được chia ra mỗi người một miếng ăn để "lấy giọng".
Thờ tổ tại nhà
NSƯT Kim Tử Long cho biết cứ đến ngày giỗ tổ sân khấu (12.8 âm lịch), nghệ sĩ thường đi thành từng đoàn, đến các rạp, các sân khấu để thắp nhang, khấn tổ. Tại nhà riêng, nhiều nghệ sĩ cũng đặt bàn thờ tổ để bày tỏ lòng thành kính của mình.
Nghệ sĩ Thanh Hằng dù đã có 15 năm định cư ở Úc nhưng không ngày nào chị quên thắp nhang cho ông bà ngoại (cũng là nghệ sĩ sân khấu) và bà ngoại Bảy (cách Thanh Hằng gọi nghệ sĩ Phùng Há). Với chị, họ chính là tổ nghiệp, là người đã soi đường dẫn lối cho mình.
"Người Việt định cư ở Úc không nhiều, nói chi đến nghệ sĩ nhưng tới ngày giỗ tổ hằng năm, chúng tôi vẫn tập trung lại, dâng lên bàn thờ tổ những nén nhang, những mâm hoa quả để bày tỏ lòng thành", Thanh Hằng chia sẻ.
Tại nhà riêng của mình, nghệ sĩ Thoại Mỹ không thờ "cốt ông" mà chỉ lập bài vị, đề chữ Tổ nghiệp để thờ. Theo chị, điều cốt lõi nhất vẫn là lòng thành của nghệ sĩ dành cho những người đi trước, những người đã có công ơn với ngành sân khấu.
Cùng quan điểm này, nghệ sĩ hài Thúy Nga cho rằng quan trọng vẫn là sự thành tâm và người nào có tài, có đạo đức thì sẽ được "tổ" đãi mà thôi.
Thúy Nga cúng tổ tại nhà riêng ở Mỹ |
Những ngày qua, việc danh hài Hoài Linh xây dựng nhà thờ tổ sân khấu tại Q.9 (TP.HCM) cũng đã thu hút sự quan tâm của khán giả lẫn giới nghệ sĩ. Dù gặp vướng mắc về thủ tục pháp lý nhưng việc danh hài tự dốc tiền túi xây dựng một nhà thờ tổ khang trang, rộng rãi đã nhận được sự ủng hộ rất lớn của anh chị em đồng nghiệp.
"Không bàn đến những vấn đề khác, riêng chuyện Hoài Linh biết nghĩ đến tổ nghiệp, nghĩ đến ân trên, có tình có nghĩa là điều rất đáng quý", NSND Kim Cương chia sẻ.
Nghệ sĩ hài Thúy Nga cũng cho biết thêm: "Từ trước đến nay, chưa có nghệ sĩ nào đứng ra xây dựng một nhà thờ tổ hoành tráng đến vậy. Anh Linh làm được là điều rất đáng ngưỡng mộ. Có nhà thờ tổ, sau này nghệ sĩ lại có thêm một nơi để tề tựu. Anh Linh cũng rất thận trọng, nhiều người xin đóng góp nhưng ảnh không nhận. Bản thân tôi cũng từng xin ảnh được góp một phần nhỏ, mãi sau đó ảnh mới đồng ý cho tôi góp một ít cây xanh, ghế đá trong khuôn viên".
Theo NSND Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội sân khấu TP.HCM, Hội cũng có Ban ái hữu là nơi tổ chức giỗ tổ hằng năm nhưng nơi đó không lớn. Việc Hoài Linh xây dựng nhà thờ tổ để các nghệ sĩ ở nhiều lĩnh vực có thể tìm về cội nguồn, tìm về tổ nghiệp và gặp gỡ, trò chuyện với nhau để tăng sự thân tình, theo ông đó là điều đáng quý.
Tuy vậy, vì vướng những vấn đề pháp lý nên hiện tại dự án nhà thờ tổ của Hoài Linh dù sắp sửa được hoàn thành nhưng đã bị đình chỉ thi công. Theo nguồn tin của PV Thanh Niên, hiện Hoài Linh đã sang Canada cùng đoàn phim Dạ cổ hoài lang (đạo diễn: Nguyễn Quang Dũng) để thực hiện các cảnh quay ở đây, và theo lịch anh sẽ về Việt Nam vào ngày 5.3.
Về phía cơ quan chức năng, UBND quận 9 cho biết sẽ xem xét công trình này có đủ điều kiện tồn tại hay không đồng thời phối hợp với đại diện nghệ sĩ Hoài Linh xác định chính xác diện tích có thể chuyển đổi mục đích sử dụng từ nông nghiệp sang đất ở là bao nhiêu rồi mới xem xét việc xử lý vi phạm.
Thiên Hương
Ảnh: T.L
Ý kiến bạn đọc