Gặp GS-TS Trần Quang Hải trong những ngày về quê hương theo lời mời của Viện Âm nhạc Việt Nam, đứng lớp giảng dạy 2 khóa đào tạo sinh viên, học sinh yêu thích kèn (đàn) môi và nghệ thuật gõ muỗng. Vẫn nhanh nhẹn, hoạt bát, vẫn khôi hài duyên dáng, ông cho biết mình chưa bao giờ yếu đuối trước những biến cố ập đến với đời mình. Khi biết mình bị bệnh ung thư, GS-TS Trần Quang Hải đã quyết định dành phần đời còn lại của mình cho quê nhà.
Làm ngay những điều có ích
« Tôi chỉ mới biết mình bị ung thư máu cách đây 2 tháng khi đi khám sức khỏe. Bác sĩ chuyên khoa về huyết học bảo tôi có thể sống 2-5 năm nếu kiên trì xạ trị chiếu điện và theo dõi bệnh thường xuyên. Còn nếu không kiên trì thì vài tháng tôi sẽ ra đi. Bác sĩ chuyên khoa đã hỏi tôi chọn cách nào? Tôi đã nói mình không muốn nằm trên giường bệnh 2 đến 5 năm, sống như thế chẳng có ích gì, nếu chỉ còn vài tháng thì hãy để tôi làm ngay những điều có ích cho mình, cho quê hương mình. Tôi nghĩ sống là phải cho đi, cái mình giữ lại cho đời chính là công việc hữu ích mình đã làm » – GS-TS Trần Quang Hải nói.
Từ khi biết mình bị bệnh ung thư máu, ông suy nghĩ ngay đến việc quay về quê nhà, tham gia giảng dạy những lớp căn bản về kèn môi và gõ muỗng. Hiến tặng những tư liệu quý của các công trình nghiên cứu về âm nhạc dân tộc thông qua Viện Âm nhạc Việt Nam. « Tôi nghĩ đó là những việc làm hữu ích để giúp những sinh viên yêu thích âm nhạc dân tộc Việt Nam và thế giới muốn tìm hiểu, nghiên cứu có thể sử dụng những tài liệu quý này. Tôi đã làm công việc mà ba tôi đã từng trao gửi, để góp phần với quê hương, để lại những gì tốt đẹp nhất cho âm nhạc dân tộc thông qua những công trình nghiên cứu của tôi ».
Quả thật, ông không bi quan và đã nhận lời về tham gia giảng dạy, đồng thời hiến tặng những tư liệu quý, những công trình nghiên cứu của ông cho quê hương. Trên suốt chặng đường học tập, giảng dạy và nghiên cứu của mình ở nước ngoài, ông không dừng lại ở âm nhạc dân tộc Việt mà đi xa hơn khi nghiên cứu thêm về âm nhạc các dân tộc ở châu Phi, châu Úc và châu Mỹ. « Tôi làm những điều có ích trước hết cho bản thân, cho công việc nghiên cứu và cố gắng làm được càng nhiều những công trình nghiên cứu âm nhạc các nước mà cha tôi đã từng khao khát nhưng quỹ thời gian của ông đã không cho phép. Nhờ vậy, hơn 40 năm qua, ngoài âm nhạc truyền thống Việt Nam, tôi còn bước vào thế giới của những người trẻ với các thể loại nhạc: techno, hip hop… để biết rằng giới nghiên cứu chúng tôi không già nua mà đang tiếp cận một cách rất trẻ trung với khả năng thích ứng, cảm thụ và chơi được nhiều thể loại nhạc hiện đại » – GS-TS Trần Quang Hải chia sẻ.
GS-TS Trần Quang Hải giới thiệu về những tư liệu quý mà ông hiến tặng cho Viện Âm nhạc Việt Nam
Ảnh: Đặng Hoài Thu
(online) GS-TS Trần Quang Hải trình diễn cùng cha, cố GS-TS Trần Văn Khê trong một buổi sinh hoạt định kỳ tại ngôi nhà 32 Huỳnh Đình Hai, Bình Thạnh Ảnh: Thanh Hiệp
Những ai đã từng tiếp xúc với GS-TS Trần Quang Hải đều biết đến sự tinh thông của ông, như một pho tự điển về âm nhạc và văn hóa nghệ thuật, chẳng thua kém gì cha của ông – cố GS-TS Trần Văn Khê. Bởi ông đã hấp thụ từ cha những tinh hoa và tinh thần giáo dục của gia đình có truyền thống nhiều đời theo đuổi âm nhạc cổ truyền và văn hóa nghệ thuật châu Á. Hơn 40 năm tiếp nối con đường nghiên cứu cổ nhạc dân tộc mà người cha từng theo đuổi, ông đã cố gắng làm những công việc để tránh không là cái bóng của cha mình.
Trong chuyến đi Pháp năm 2015, tôi đã có dịp dạo quanh Paris cùng ông, được nghe ông kể về những công trình nghiên cứu và việc tiếp cận, truyền dạy, trình diễn hơn 3.500 buổi tại 70 quốc gia trên thế giới. Sự hữu ích mà ông hướng đến theo bước chân của cha mình chính là giới thiệu những nhạc cụ độc đáo của Việt Nam ra thế giới. Hãnh diện vì là con nhà nòi nhưng niềm hạnh phúc lớn hơn của ông là tiếp nối được truyền thống vẻ vang từ cha mình. Qua những chuyến đi khắp thế giới, nơi nào có người Việt sinh sống, ông tiếp tục ươm mầm say mê âm nhạc Việt, âm thầm làm công việc giữ gìn, nhen nhóm những đam mê cho thế hệ trẻ sinh ra và lớn lên tại các nước có đông kiều bào sinh sống.
Nhớ nước mắt hạnh phúc của cha
Các công trình nghiên cứu của GS-TS Trần Quang Hải đều được viết bài giới thiệu, công bố với thế giới trong suốt quá trình làm việc tại Pháp.
Ông nhớ như in cái ngày bày tỏ ý định học âm nhạc dân tộc Việt Nam với cha. Ông kể: « Ba tôi đã khóc và ôm tôi vào lòng. Tôi nhiều năm là học trò của GS Đỗ Thế Phiệt với việc chơi đàn vĩ cầm và các nhạc cụ Tây phương. Khi đó, cha tôi đang ở Pháp và ông đưa tôi đến gặp một giáo sư dạy violin nổi tiếng trên thế giới, đồng thời cũng là bạn của ông. Tôi nhớ sau bữa ăn, vị giáo sư ngỏ ý muốn tôi chơi violin bằng cây đàn trị giá 1 triệu USD mà ông đang sở hữu. Lần đầu tiên chơi đàn trước nghệ sĩ bậc thầy, tôi run lắm nhưng cố lấy tinh thần chơi liền mấy bản nhạc. Sau khi nghe xong, vị giáo sư nói rằng với khả năng của tôi, nếu được đào tạo tốt có thể trở thành một giáo sư violin giỏi nhưng những người như thế tại Pháp đã có hàng chục ngàn người. Nước Pháp không cần thêm một nghệ sĩ violin mà cần một chuyên gia về âm nhạc cổ truyền dân tộc Việt Nam ».
Câu nói của vị giáo sư làm ông Hải suy nghĩ, cảm thấy may mắn vì có người cha là sư tổ về âm nhạc dân tộc Việt Nam. Vậy cớ sao không quay về cội nguồn, nối tiếp con đường của cha đã đi? « Cái ôm thật chặt của ba tôi và những giọt nước mắt hạnh phúc của ông đã là động lực thúc đẩy tôi phấn đấu suốt 10 năm để học với ba tôi về âm nhạc dân tộc Việt Nam » – GS-TS Trần Quang Hải xúc động kể lại.
Ông cho biết mình đi theo con đường này giúp ông hiểu hơn về tâm nguyện của cha mình. « Sau này tôi biết được chính cha tôi đã nhờ vị giáo sư đó khuyên tôi. Với tuổi trẻ, ba tôi biết khó mà ép buộc. Chính vì thế, trong việc giảng dạy của mình hiện nay, tôi vẫn áp dụng một nguyên tắc là phải làm sao để giới trẻ cảm thấy cái hay, cái đẹp, sức hấp dẫn có thật của âm nhạc cổ truyền để tìm đến, ngồi nghe mà không phải bắt ép ».
GS-TS Trần Quang Hải đi theo phương pháp giáo dục mang tính thân thiện, chia sẻ những kinh nghiệm như người thân trong gia đình. Học trò của ông rất đông, họ thành danh trên mọi lĩnh vực nhưng yêu quý âm nhạc dân tộc Việt Nam, đồng thời sẵn sàng tiếp nối ông làm công việc ươm mầm để âm nhạc dân tộc Việt Nam mãi trường tồn. Chính tinh thần đó đã cho ông sự lạc quan, bất chấp đau bệnh…
Quan trọng là làm được gì cho quê hương
« Dẫu biết một cánh én chẳng thể làm nên mùa xuân nhưng khi quyết định mang tư liệu quý hiến tặng quê nhà, tôi muốn mình sẽ cộng hưởng, chia sẻ thêm những hiểu biết về âm nhạc thế giới với tất cả mọi người. Tại Viện Âm nhạc thuộc Học viện Âm nhạc quốc gia, sẽ có những người thay tôi chia sẻ những công trình nghiên cứu của mình, bảo tồn nó để không bị mai một hay thất lạc » – GS-TS Trần Quang Hải tâm sự.
Ông cũng cho biết nước Pháp cũng ngỏ ý mua lại những tài liệu nghiên cứu này và thành lập trung tâm nghiên cứu âm nhạc dân tộc Việt Nam tại Paris, đổi lại, ông sẽ được cấp nhà, khoản tiền khá lớn nhưng ông đã từ chối. « Vì tôi nghĩ đến ba tôi, dù sống bên Pháp nhưng ba tôi vẫn giữ quốc tịch Việt Nam. Tôi đã có hơn 55 năm sống tại Pháp nhưng dòng máu đang chảy trong tôi là dòng máu Việt Nam. Bao nhiêu tiền cũng sẽ tiêu xài hết. Quan trọng là khi nhắm mắt xuôi tay, mình đã làm được điều gì có ý nghĩa cho quê hương » – GS Hải nói.
Hình tượng sáp TRẦN QUANG HẢI được trưng bày tại rạp HÒA BÌNH , TP HCM , VIETNAM trong khung cảnh 100 người nghệ sĩ của Việt Nam
Hình tượng sáp TRẦN QUANG HẢI được trưng bày tại rạp HÒA BÌNH , TP HCM , VIETNAM trong khung cảnh 100 người nghệ sĩ của Việt Nam
Hình chụp ngày 7 tháng 5, 2017 .
Ý kiến bạn đọc