Họ rất vui mừng và hãnh diện khi có con cháu là nghệ sĩ cải lương tài giỏi. Nghệ sĩ Trương Hoàng Long tên thật là Lý Thành Long, sanh năm 1945, quê quán ở xã Đôn Châu, quận Trà Ôn, tỉnh Trà Vinh, ông nội của anh là người Hoa, từ bên Tàu sang Việt Nam sinh sống. Cha anh cũng nối nghề thương mãi trong giới thương buôn người Hoa nhưng ông mê xem hát cải lương và thường tham gia những tổ chức dờn ca tài tử ở địa phương.
Nhạc sĩ Bảy Bá
Ông rất mê tiếng đờn tranh của nhạc sĩ Bảy Bá, xin thọ giáo ông thầy nhạc sĩ trẻ Bảy Bá nhưng ông không có khiếu âm nhạc nên ông nghĩ đến việc cho con ông học đờn.
Nghệ sĩ Bảy Bá vì có máu giang hồ, anh không thể ở Đôn Châu, một làng quê bé nhỏ yên tỉnh nên ông đi lưu lạc lên Saigon, tìm nơi phồn hoa đô hội, tìm cách sinh sống trong giới ca nhạc sĩ ở SÁI Thành hoa lệ. Nhạc sĩ Bảy Bá được mời đàn cho quán cổ nhạc Đức Thành Hưng sau chợ Sàigòn. Anh cũng đờn cho Đài Phát Thanh Pháp Á. Sau đó nhạc sĩ Bảy Bá được đoàn Việt Kịch Năm Châu thu nhận vào Ban cổ nhạc đờn cho gánh hát Năm Châu khi đoàn hát đi lưu diễn ở HàNội.
Nhạc sĩ Bảy Bá đờn cho đoàn hát và anh cũng soạn tuồng nổi danh với nghệ danh là soạn giả Viễn Châu.
Năm 15 tuổi, em Lý Thành Long mê ca hát quá nên được cha dẫn lên Saigon ký thác cho bạn đồng hương Bảy Bá dạy ca cổ. Em được cha đóng tiền học và tiền ăn ở tại nhà của nhạc sĩ Bảy Bá, em siêng năng, dễ dạy, được Bảy Bá xem như con ruột nên anh tận tâm chỉ dạy cho em ca rành rẽ ba Nam, sáu Bắc, bảy Bài và vọng cổ.
Năm 1960, Nhạc sĩ Bảy Bá đặt nghệ danh cho Lý Thành Long là Trương Hoàng Long và giới thiệu với soạn giả Điêu Huyên cho em đi hát với đoàn cải lương Sài Thành để tiếp tục học về diễn xuất và vũ đạo tuồng cổ.
Trên sân khấu đoàn cải lương Sài Thành, Trương Hoàng Long ca cổ nhạc chắc nhịp, hơi rông, hát thành công trong các vai kép ba, kép nhì trong hai năm.
Sau đó Trương Hoàng Long đi hát đoàn Thái Dương – Út Trà Ôn, đoàn hát Thành Được - Út Bạch Lan, đoàn Xuân Liên Hoa của đội nghệ sĩ Thanh Điền – Thanh Kim Huệ…Trương Hoàng Long diễn xuất rất đặc sắc trong vai Võ Đại Lang, tuồng Ai Bán Ân Tình tức tuồng Võ Tòng Sát Tẩu, vai Hoàng Tử Vương Trúc trong tuồng Tiếng Hát Rừng Hoang. Đó là hai vai tuồng mà Trương Hoàng Long được khán giả yêu mến nhiều nhất.
Giọng ca chân phương
Năm 1968, nghệ sĩ Trương Hoàng Long theo đoàn hát Kiên Giang của ông bầu Hoàng Mật đi lưu diễn một thời gian dài ở miền Trung. Lúc đó trong đoàn hát Kiên Giang, Trương Hoàng Long kết bạn thân thiết với các nghệ sĩ Trường Ninh, Minh Viễn, Thanh Hiền, Hữu Lộc, soạn giả Hoa Phượng, họa sĩ Phan Phan và chuyên viên ánh sáng Chín Siểng. Những người bạn nghệ sĩ nầy bồi dưỡng cho khả năng diễn xuất ngày một tinh tế của nghệ sĩ Trương Hoàng Long.
Nghệ sĩ Trương Hoàng Long cộng tác với đoàn Kiên Giang, một đoàn hát bực trung nên Trương Hoàng Long được nhiều dịp hát vai kép chánh và được hát tuồng của soạn giả Hoa Phượng nên anh tiến bộ rất nhanh. Anh nổi tiếng qua các tuồng Đời Luận Anh Hùng, Giữa Chốn Bụi Hồng, Tần Nương Thất…
Tuy nhiên nghệ sĩ Trương Hoàng Long thành công nhiều nhất không phải là vai kép mùi hát cặp với đào mùi, mà anh thành công trong các vai từ sồn sồn đến vai lão, mà phải là vai lão mùi, vai lão hiền, trung thần nghĩa khí chớ không phải các vai lão độc, lẵng hay lão ác, vai nịnh.
Nghệ sĩ Trương Hoàng Long có giọng ca chân phương, trầm ấm, khoẻ khoắn với âm vực rất rộng, nghe sang sảng như chuông ngân nhưng gương mặt của anh rất hiền, có vẻ trung hậu, mắt luôn nhìn thẳng, thái độ trầm tỉnh, từ tốn. Đó là phong cách của Trương Hoàng Long ở cuộc đời thường nên đã ảnh hưởng đến phong cách trình diễn của anh trên sân khấu.
Nhân đây, tưởng cũng nên nhắc qua những trường hợp của các nghệ sĩ người gốc Hoa như các anh Ba Xây( tên Tất Xây), Hoài Trúc Phương,… các anh cũng có giọng ca chân phương, trầm ấm và diễn xuất rất hay nhưng lại không được Tổ đải như nghệ sĩ Út Trà Ôn. Các nghệ sĩ gốc Hoa: Ba Xây, Hoài Trúc Phương, Trương Hoàng Long đều thủ diễn các vai lão trung thần, thuộc dạng kép nhì hoặc kép ba chớ không thể trở thành kép mùi được. Đó là chuyện khó hiểu, chưa có người quan tâm phân tích và lý giải.
Quá trình nghệ thuật
Sau năm 1975, nghệ sĩ Trương Hoàng Long trở về quê hương Trà Ôn một thời gian. Đến năm 1976, Trương Hoàng Long hát chánh cho đoàn cải lương Tiền Giang trong suốt 10 năm, từ năm 1976 đến năm 1986.
Ở sân khấu đoàn cải lương Tiền Giang, Trương Hoàng Long có những vai diễn thành công như vai Trương Định trong vở tuồng Bình Tây đại nguyên soái của soạn giả Nguyễn Thành Châu do nữ nghệ sĩ tiền phong Phùng Há đạo diễn, Trương Hoàng Long được huy chương vàng diễn viên trong Hội Diễn Sân Khấu Cải Lương toàn quốc năm 1980.
Năm 1986, Trương Hoàng Long về hát cho đoàn hát Phước Chung, anh thủ vai Thạch Sanh, vai chánh trong tuồng Thạch Sanh Lý Thông.
Năm 1988, Trương Hoàng Long cũng đã để nhiều ấn tượng tốt qua các vai lão trong tuồng Bài Ca Tìm Mẹ, Trả Lại Tình Xưa, Võ Tòng Sát Tẩu, Xác Quỷ Tình Người…
Sau đó, sân khấu cải lương ngày bị thu hẹp đất diễn, nhiều rạp hát đổi thành vũ trường, quán ăn ca nhạc hoặc thành những địa điểm dành cho đám cưới, tiệc tùng, còn lại ít rạp hát cải lương và khán giả ngày một thưa vắng, nghệ sĩ Trương Hoàng Long cũng như các nghệ sĩ bạn xoay qua kiếm sống bằng cách đóng các vai tuồng trong các video cải lương.
Trong địa hạt băng tuồng cãi lương, Trương Hoàng Long cũng có những vai tuồng đáng nhớ như vai Ba Mơ trong tuồng Đắng Cay Đời Mẹ, vai Sáu Hảo trong tuồng Nợ Nước Mắt, vai Nguyễn Trung Thành trong tuồng Tần Nương Thất, vai Xuân Lão tuồng Lâm Sanh Xuân Nương, vai thầy giáo trong Lương Sơn Bá Chúc Anh Đài, vai Hoàng Phủ Khánh trong tuồng Mạnh Lệ Quân….
Nối tiếp niềm đam mê của cha truyền lại, Trương Hoàng Long đã thành một nghệ sĩ tài năng như cha của anh mong muốn, như ông thầy Bảy Bá kỳ vọng khi truyền nghề cho anh và chính bản thân của Trương Hoàng Long khi đeo đuổi hơn bốn chục năm theo nghệ thuật sân khấu cải lương, anh rất vui và sống huy hoàng trong thời hoàng kim của sân khấu cải lương và hiện nay anh tuy vẫn theo nghiệp Tổ nhưng trong lòng anh quá nuối tiếc một thời vàng son đã qua chưa biết đến kiếp nào mới phục hồi trở lại.
Trên sân khấu cải lương xưa, khi nhân vật chánh bị chết vì tà ma ngoại đạo thì có thần tiên giáng trần, hóa phép cứu sống. Ngày nay cũng là sân khấu cải lương, cái thời mạt vận của cải lương tới đã lâu, sắp chết rồi, chẳng biết có ông Tiên bà Thánh nào có giáng trần để hóa phép cứu sống cải lương chăng?
SG Nguyễn Phương
NS Trương Hoàng Long: Tài không thắng thời
''Thiệt ra, nói về mình khó quá, nhất là nghệ sĩ nữa, không khéo người ta nói mình khéo vẽ vời, tô điểm. Lúc đương thời cần nói thì lại không nói, nay về hưu kể lại hóa ra mình ôm hào quang quá khứ mà sống. Hơn nữa nghề hát với tôi là duyên nghiệp, mê hát đi hát cho đã được hóa thân vào niềm đam mê của mình thì có gì vui sướng cho bằng, sống ớ đời đâu phải ai ước gì được nấy đâu..."
NS Trương Hoàng Long đã nói với tôi như vậy, anh có ý khước từ không muốn nói về mình. Một lần, hai lần, ba lần... Chúng tôi cứ ''dây dưa'' như vậy đến gần hai năm. Công việc cuốn tôi đi mãi, tình cờ, đầu năm Tết Canh Dần (2010) gặp lại anh, chúng tôi mừng vì gặp nhau, bên ly cà phê đá buổi sáng đầu xuân, bỗng dưng anh cao hứng nói chuyện rất vui... và tôi đã tranh thủ ghi lại trong bộ nhớ của mình.
Từ lâu, tôi thích giọng ca mùi mẫn của anh, không giống ai, rất riêng của anh, nhất là lối sắp nhịp điêu luyện, tinh quái. Anh không ca ào ạt mà ca như ru, thì thầm nhỏ nhẹ. Theo lời anh Phương Tùng (đoàn Long An) ngày trước NS Thành Được rất thích giọng ca của Trương Hoàng Long, bấy nhiêu cũng đủ bảo chứng tài nghệ một nghệ sĩ, theo chủ quan của tôi, là có tài mà không gặp thời. Anh Trương Hoàng Long mến tôi vì công việc sáng tác, vì tánh tình vui vẻ cởi mở. Chúng tôi từng là hàng xóm với nhau gần bảy tám năm trời, nhà đối diện nhau, ở hai bên bờ con kinh nước đen ở bến Phú Lâm. Và xa hơn, năm 1978 chúng tôi cùng dự Liên hoan SKCN phía Nam tại Tiền Giang, anh hát chánh đoàn Tiền Giang, thủ vai Trương Công Định trong vở Ngọn cờ đầu (Bình Tây Đại Nguyên Soái) của tác giả NSND Nguyễn Thành Châu (Năm Châu) còn tôi hát chánh đoàn Tây Ninh, thủ vai Lê Trung Hiệp trong vở Trăng sáng làng Kha của tác giả Thanh Hiền - Xuân Phát, Hoa Phượng chấp bút và đạo diễn. Quen thân vậy, nhưng thời gian trò chuyện riêng với nhau rất ít, gặp nhau qua công việc thì nhiều, kể cả lần tâm sự này của anh với tôi cũng qua công việc. Tôi biết anh rất rành qua sân khấu, còn một chút riêng tư của anh thì tôi không biết gì. Anh kể ...
TRÀ VINH NƠI CÓ TRUYỀN THỐNG HÁT CẢI LƯƠNG
Tôi sinh năm 1945, tại xã Lương Hòa - huyện Châu Thành - tỉnh Trà Vinh. Tên thật là Lý Thành Long. Cùng quê quán với NS Đặng Vinh Quang (Viễn Trình), lúc ở nhà chúng tôi là bạn thân từng đi chơi đờn ca tài tử với nhau, theo nhạc sư Hai Phát, ông Tám Tảo, ông Sáu Vĩnh, ông Bảy Hoa giao lưu khắp Anh Long, Trà Vinh, Sa Đec. Ba tôi quen thân với soạn giả Viễn Châu. Thấy tôi có khiếu văn nghệ, mà nhà tôi, quê hương tôi, bà con ai cũng mê ca vọng cổ. Ba tôi quyết định dẫn tôi lên Sài Gòn gởi cho soạn giả Viễn Châu dạy cho tôi ca hát cứng hơn, có đủ bản lĩnh để trở thành một nghệ sĩ hẳn hoi. Soạn giả Viễn Châu thương tôi nên chỉ dạy rất tận tình, đồng thời ông còn lấy họ Trương của mình đặt nghệ danh cho tôi là Trương Hoàng Long. Đối với soạn giả Viễn Châu, ngoài tình thầy trò, ông còn là người cha đỡ đầu cho tôi trên bước đường đi theo nghệ thuật. Cho đến hôm nay, đã mấy mươi năm qua, tình nghĩa thầy trò, cha con càng thêm sâu đậm và trong thâm tâm tôi đã xem ông như cha ruột của mình. Tôi tự hào vì được ông cho họ Trương để có một Trương Hoàng Long ngày hôm nay. Tôi chính thức rời nhà ba Bảy (soạn giả Viễn Châu, còn có nghệ danh khác rất nổi tiếng, khi ông thủ cây đờn tranh, danh cầm Bảy Bá, nên mọi người vẫn gọi ông là anh Bảy, chú Bảy, bác Bảy, hay ba Bảy) gia nhập vào đoàn Sài Thành Ca Kịch của soạn giả Điêu Huyện vào năm 1960, bắt đầu một cuộc đời mới trên SK Cải lương.
VUI VỚI CUỘC ĐỜI RÀY ĐÂY MAI ĐÓ
Hát ở đoàn Sài Thành được mấy năm, đến 1964, soạn giả Điêu Huyền đau nặng phải về Sài Gòn chữa trị, đoàn Sài Thành tan rã, tôi qua hát cho đoàn Lan Hương - Hoàng Mật, đến năm 1968 thì tôi theo soạn giả Hoa Phượng về hát đoàn Hoa Phượng cho tới năm 1970, đoàn Thái Dương của bà Tiêu Thị Mai mời soạn giả Hoa Phượng về phụ trách nghệ thuật. Anh Hoa Phượng đã đưa tôi về hát đoàn Thái Dương 1 chung với các nghệ sĩ như cậu Mười - út Trà ôn, Ngọc Bích, Minh Đức... Tưởng đã yên, cuộc đời tôi sẽ lên hương khi về hát ở một đại bang lớn nhất Sài Gòn thời đó. Bất ngờ bà Tiêu Thị Mai bị kẻ cướp sát hại, bà mất, đoàn Thái Dương tan rã, soạn giả Hà Triều - Hoa Phượng mướn lại xác gánh của đoàn lập đoàn Tân Thái Dương - Hà Triều - Hoa Phượng, tôi được lăng-xê cho hát kép chánh. Những vai tôi tâm đắc như Liễu Khánh Nhạc trong vở Trường tương tư, Lê Long Hồ trong Tuyệt tình ca, Kiều Quế Phương Trong sương mù trên non cao... Tôi biết viết tuồng, biết dàn dựng và nắm được một số mấu chốt của sân khấu là nhờ thời gian này được gần gầi, nhận được sự chỉ dạy tận tình của hai đàn anh tài năng bậc thầy. Năm 1972, đoàn hát chúng tôi về diễn tại Phan Rang, tôi và nghệ sĩ Nam Bình bị bắt quân dịch, không có người hát, buộc lòng anh Hoa Phượng cho rã gánh. Trong trại lính tôi tìm cách uống thuốc phá phổi, nên khi khám sức khỏe thấy phổi tôi không ổn họ chê, rồi tôi được cho ra quân. Sau đó, tôi gia nhập đoàn Thành Được - út Bạch Lan (đoàn út Bạch Lan - Thành Được được thành lập sau đoàn này). Đoàn hoạt động một thời gian thì NS Thành Được rời đoàn, buộc đoàn phải đổi bảng hiệu là đoàn Kim Thanh. Lúc đó, anh Thành Được là ngôi sao ăn khách nhất của SK Cải lương. Tại đây tôi gặp lại ba Bảy Viễn Châu đờn cho đoàn, tôi diễn thay vai anh hai Thành Được trong vở Ai bán ân tình.
Rồi đoàn Kim Thanh cũng ngưng hoạt động, tôi được ông bầu Hai Xe, người ở NhaTrang cùng với NS Tư Giò mời về đoàn Hùng Vương tập tuồng ở miếu Ngũ Hành. Tôi với NS Hà Bửu Tân là đôi bạn thân cùng tuổi, khi ấy Hà Bửu Tân lấy nghệ danh là Tấn Bửu...
Cuộc đời trai tráng khi đó thật bấp bênh, tôi bị bắt quân dịch lần thứ hai tại Sài Gòn, lại khám sức khỏe thấy không tốt, họ lại cho tôi ra quân, lúc ấy tôi được NS Thanh Điền mời về hát đoàn Xuân Liên Hoa, đứng nhì bên cạnh Dũng Thanh Lâm. Có lần, trong đêm diễn của đoàn, tôi bị bệnh tưởng chết phải rời bỏ sân khấu trong một thời gian dài là do hậu quả của lần phá phổi trước, vết thương ấy bất ngờ quật lại tôi. Trong khi Tây Y bó tay, tôi tưởng mình vắn số xong đời, mai nhờ có anh Hải chồng chị Hồng Hoa quen biết một ông thầy thuốc nam đã cho tôi uống thuốc và tận tình chạy chữa, tôi không ngờ mình được cứu sống. Tôi luôn nhớ ơn ông thầy thuốc nam, vợ chồng anh Hải, chị Hồng Hoa, anh Phương, chị Liên Chi. Tình nghĩa nghệ sĩ sao mà ấm áp, thân thuộc. hơn cả người thân của dòng họ, gia đình. Vậy là tôi lại được tiếp tục nghề hát... Niềm vui nhân đôi, lúc sức khỏe bình phục cũng là lúc đất nước hết chiến tranh, thống nhất Tổ quốc. Tôi đi hát cho đoàn Tân Dạ Lý cùng với Vũ Linh tạo thành một bộ đôi rất ăn khách. Suốt thời gian ấy, đoàn Tân Dạ Lý diễn tới đâu được bà con ở đó ủng hộ nhiệt tình. Một thời gian sau, tỉnh Tiền Giang có chủ trương nhập bốn đoàn cải lương Tân Dạ Lý, Hoàng Ngọc Ân, Hương Xuân - Trọng Nghĩa, Hoa Anh Đào - Kim Lệ Thủy để thành lập đoàn Cải lương Tiền Giang. Tôi vẫn là kép chánh và còn được anh em bầu vào Ban lãnh đạo đoàn, tôi đã hát và làm việc tại đoàn cải lương Tiền Giang đúng 10 năm... Trở về TP HCM: SK Cải lương ở các tỉnh có nhiều biến động, đoàn CL Tiền Giang không tránh khỏi quy luật chung. Nhiều nghệ sĩ tài năng rời khỏi đoàn, lãnh đạo Sở Văn hóa có chủ trương thành lập đoàn nghệ thuật tổng hợp ca múa nhạc - cải lương. Sau mười năm từ diễn viên rồi làm lãnh đạo đoàn, tôi cảm thấy mệt mỏi và không phù hợp với môi trường hoạt động mới nên đã xin rời đoàn, tiếp tục cuộc phiêu lưu mới của người nghệ sĩ biểu diễn trên sân khấu TPHCM. Năm 1985, tôi được ban phụ trách đoàn Phước Chung mời về hát chia với NS Minh Phụng.
Đến năm 1988, NS Minh Phụng rủ tôi cùng về hát chung ở nhà hát CL Trần Hữu Trang, đây là nhà hát mà tôi có thời gian hoạt động lâu nhất. Có nhiều vai diễn hay, cho đến năm 2005, thì tôi được nghỉ hưu, tạm chấm dứt 45 năm đi hát liên tục của mình. Thỉnh thoảng, tôi lại xuất hiện trên màn ảnh truyền hình cho đỡ nhớ nghề.
HÀNH TRANG CỦA 45 NĂM ĐI HÁT
Kể ra tôi cũng gặp nhiều may mắn trên con đường ca hát của mình. Nhờ có giọng ca lạ, được mọi người khen là sâu lắng, tướng tá cao ráo, gương mặt dễ coi mà tôi đã nhanh chân bước lên sân khấu nhận những vai diễn chánh. Được sự chỉ dạy của NSƯT Đoàn Bá, NSND Huỳnh Nga, NSUT Trần Ngọc Giàu, NSUT Hoa Hạ... lại được hát chung với những nghệ sĩ tài danh như út Trà Ôn, Thành Được, Dũng Thanh Lâm, Minh Phụng, Vũ Linh... nên học được rất nhiều từ những bậc thầy, đàn anh và cả những sáng tạo mới của đàn em. Với tôi, đó là thứ gia sản quí báu nhất mà mình may mắn có được nhờ đi theo SK Cải lương. Cũng có thể đúc kết lại những vai diễn mà khán giả biết đến tôi, nhất là sau ngày thống nhất. ở đoàn CL Tiền Giang, tôi được nhận giải xuất sắc do Bộ Văn hóa cấp trong Liên hoan SK chuyên nghiệp TC 1980 tổ chức tại Cần Thơ với vai Trương Định trong vở Ngọn cờ đầu (Bình Tây Đại Nguyên Soái). Vai diễn này tôi được đồng nghiệp đánh giá rất cao, riêng tôi cũng thấy hài lòng, bao nhiêu năm đi hát mới có được một vai diễn lớn, đây là vai diễn hay nhất, thành công nhất trong sự nghiệp của tôi và có lẽ chỉ thăng hoạ ở đoàn CL Tiền Giang, vai diễn đúng lúc, đúng thời và được sự đầu tư chăm chút của cả một tập thể từ lãnh đạo tỉnh, ngành văn hóa và một ê-kíp tác giả đạo diễn tài năng cùng một dàn diễn viên trẻ đang hồi sung sức.
Tôi đã gặp thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Suốt nhiều năm liền, khi nhớ lại vai Trương Định, tôi cứ nghĩ đến là một giấc mơ tuyệt đẹp. Người anh hùng của đất nước đã chiến đấu hy sinh oanh liệt ngay trên mảnh đất Tiền Giang nhân nghĩa, anh cùng. Nhiều khán giả đã quen gọi tôi là Trương Định. Cũng ở đoàn CL Tiền Giang, năm 1982, tôi được đoàn cử tham gia cuộc thi Tiếng hát sân khấu do Bộ Văn hóa tổ chức tại phía Nam, được giải B. Sau đó, trên sân khấu nhà hát Trần Hữu Trang, năm 1995, tôi nhận HCB vai ông Dương trong vở Giấc mộng không tên của tác giả Hoàng Song Việt, đạo diễn NSUT Đoàn Bá, cùng lực lượng của đoàn 1 nhà hát Trần Hữu Trang như Cẩm Tiên, Linh Tâm, Phương Quang, hề Vũ Đức tham dự Liên hoan Hội diễn toàn quốc. Và vai diễn sau cùng tôi tham dự Hội diễn SK chuyên nghiệp TQ năm 2009 được HCB làvai người cha trong vở Sau lũy tre làng của tác giả Lam Tuyền, đạo diễn NSUT Đoàn Bá ở SKCL Hoàng Anh Tú. Thời mình được hát kép thì ít được lên truyền hình, hay video cải lương, đến khi bước vào tuổi trung niên chuyển qua hát dàn bao, hình ảnh quen thuộc của tôi mà khán giả thường thấy là những vai lão nông hiền lành, chân chất, gặp nhiều bất trắc trong đời.
TUỔI XẾ CHIỀU THANH THẢN NHỚ NHỮNG BẠN DIỄN XƯA
Nhiều năm liền tôi và anh Đặng Vinh Quang thường có mặt song đôi trên sân khấu âu cũng là cái duyên. Hồi nhỏ chúng tôi cùng đi đờn ca tài tử ở miệt vườn quê nhà, lớn lên mỗi người mỗi ngã hát kép chánh ở một số đoàn, khi xế chiều lại tụ hội sân khấu nhà hát trần Hữu Trang, trên màn ảnh truyền hình, tình bạn đồng hương, tình bạn nghề và tình bạn những vai diễn trên sân khấu tự lúc nào đã gắn bó chúng tôi, chia sẻ bổ sung cho nhau từ nghệ thuật đến cuộc sống bình thường. Bây giờ hai chúng tôi đầu nghỉ hưu nhưng vẫn thưởng gặp nhau bên ly rượu, chung trà cùng vài người bạn già tiếp tục đờn ca, vui vầy với nhau. Tuy tôi và anh Quang mỗi người có chút bệnh của người già như suy tim, huyết áp, nhưng chính niềm vui trong cuộc sống không bận bịu lo toan cũng là liều thuốc giúp cho chúng tôi tiếp tục thanh thản, dù cuộc đời đã trải qua biết bao nhiêu lần sóng gió, sự nghiệp, tình trường và những căn bệnh hiểm. Bây giờ chúng tôi mới hiểu rằng, sự thanh thản, bình an quí giá biết chừng nào, mà tiền bạc và cuộc sống vật chất đủ đầy cũng không sao sánh nổi.
Tôi đã hát chung với rất nhiều nghệ sĩ nhưng tôi vẫn nhớ nhất những người bạn diễn với tôi thời trẻ, tôi nhớ đến Trang Yến Nga, Kiều Lệ Tâm, Thu Thủy, Kim Loan, Ngọc Bích, Hà Mỹ Xuân, Kim Lệ Thủy, Hà Mỹ Xuân, Kim Lệ Thủy, Kiều Lệ Tâm là nghệ sĩ tên tuổi, số còn lại chỉ là những cô đào chánh của đoàn tỉnh nhưng họ đều để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng tôi những kỷ niệm khó quên từ những sân khấu nhỏ khi lên đồi núi miền Trung, khi xuống sông rạch miền Tây. Lúc chúng tôi xênh xang bước ra sân khấu lớn ở Sài Gòn, ở trung tâm các tỉnh hay những lúc hát đình hát chợ, trốn quân dịch, chui nhủi. Những lúc mưa gió hát ế ẩm cùng heo hút ăn cơm hội, chia nhau những ly cà phê đen rẻ tiền. Vậy mà chúng tôi vẫn gắn bó, yêu thương nhau. Cuộc sống của người nghệ sĩ lúc đó dẫu bấp bênh nhưng trên tất cả vẫn là một chữ tình gắn bó. Bây giờ tôi đã an cư lạc nghiệp bên vợ con, cuộc sống tạm yên ổn, thảnh thơi mà hưởng hết tuổi già, con đường quen thuộc ở bến Phú Lâm bên dòng kênh nước đen ở P.9 - Q6 vẫn gắn bó với tôi đã trên hai mươi năm, và có lẽ còn gắn bó đến hết cuộc đời. Những năm tháng trước đây, tất bật với công việc đi sớm về khuya, tôi không cảm nhận hết những điều xảy ra chung quanh tại căn nhà tôi đang ở. Mấy năm sau này về hưu, tôi mới chợt nhận ra mình đã có một chỗ dựa tinh thần vững chắc từ những bà con xóm giềng chung quanh, nhất là những người thân của tôi đã tạo điều kiện cho tôi được bình yên vui với những ngày xế chiều.
Trong suốt cuộc đời đi hát của mình tôi không có những thành công rực rỡ , những contract bạc triệu hay trở thành một ngôi sao ăn khách ồn ào. Có người an ủi nói tôi có tài mà không gặp thời. Nhưng với tôi như thế đã quá tuyệt vời, bởi hơn ai hết, tôi biết mình có những ưu thế gì và những hạn chế trở thành một ngôi sao lớn. Niềm vui lớn nhất trong đời là tôi đã đi đến cuối con đường đam mê của mình, hành trang là vốn liếng nghệ thuật và những ký ức đẹp mà sân khấu đã ưu ái dành cho tôi. Ngày nay, SKCL đang trải qua những thay đổi, những biến động, có lúc làm cho trái tim những nghệ sĩ những khán giả ái mộ nhói đau. Và với tôi, một nghệ sĩ tuổi đã về chiều, ngọn lửa nghề vẫn còn sôi sục trong tim nhưng lực bất tòng tâm, dẫu có buồn nhưng tôi không bi quan, tôi tin vào lớp trẻ, tôi tin sẽ có cuộc đổi thay lớn để làm mới, làm đẹp hơn khuôn mặt cải lương, phù hợp với nhịp sống của xã hội mới và lớp khán giả mới. Đòi hỏi những tâm huyết mới, tài năng mới, lớp nghệ sĩ già như tôi sẵn sàng làm kho kinh nghiệm để ủng hộ lớp trẻ và hy vọng sau cơn mưa trời lại sáng, bởi sự thay đổi không ở đâu xa mà ở từ trong tim, trong óc của những người nghệ sĩ trẻ, tài năng, chân chính.
Đăng Minh
Ý kiến bạn đọc