Đang truy cập : 241
Hôm nay : 21551
Tháng hiện tại : 2196269
Tổng lượt truy cập : 88502870
Tối 29-9, vòng chung kết xếp hạng cuộc thi "Chuông vàng vọng cổ" 2024 đã diễn ra với phần tranh tài của 3 thí sinh là: Dương Thị Mỹ Nhung, Nguyễn Hùng Vương, Lê Hoàng Nghi tại Nhà hát Truyền hình HTV.
Hát bội miền Nam và hát bội miền Trung
Từ trước năm 1940 trong chương trình phát thanh tiếng Việt của đài phát thanh Sài Gòn (thời Pháp) đã có những xuất hát của “Ban Nghệ Thuật Hát Bội Sài Gòn”, đó là những xuất hát không định kỳ, mỗi tháng có đôi ba lần do nhạc sĩ Sáu Vững phụ trách.
Do ảnh hưởng cuộc Thế Chiến Thứ Hai, các cuộc vui chơi giải trí bị đình chỉ suốt thời gian dài. Mãi đến năm 1948 đài phát thanh Sài Gòn mới phục hồi, và Ban Vân Hạc của nhạc sĩ Sáu Vững chính thức thành lập với những tay nghề từ gánh Bầu Thắng hát thường trực ở Đình Cầu Quan, gần bờ tường rào nhà ga xe lửa.
Theo yêu cầu của đài phát thanh, trình diễn phải có kịch bản đưa trước rồi mới được hát, chứ đào kép không được cương. Vấn đề khó khăn trước mắt là lúc bấy giờ dễ gì kiếm cho ra những vở tuồng có kịch bản văn học hoàn chỉnh, đầy đủ các vai từ chính đến phụ. Cũng may, kép Thành Tôn từ tỉnh lên Sài Gòn, vốn là người có ăn học lại có óc cầu tiến, từng sao chép được nhiều tuồng xưa, lại thêm thông hiểu cấu trúc hành văn, đã nghiễm nhiên trở thành soạn giả thường trực của Ban Vân Hạc.
Vấn đề khó khăn thứ hai là thu nhận đào kép, bởi diễn viên thời đó rất nhiều người có tài, hát hay diễn giỏi, ngặt nỗi hiếm ai đọc được Quốc ngữ. Chọn mãi rồi cũng phải có, do sáu đào kép bắt đầu học quốc ngữ, và sáu người này trở thành nòng cốt của ban suốt thời gian dài, đó là các nam như nghệ sĩ: Ba Út, Hai Nhỏ, Ba Sáng, Chín Luông, Hữu Thoại, Thành Tôn là những diễn viên tài giỏi, yêu nghề nên dễ dàng thành công khi diễn trên đài phát thanh.
Cái hay của Ban Vân Hạc là tại phòng thu thanh của đài, các nghệ sĩ chỉ hát trước máy theo tiếng nhạc của đờn, trống, kèn... tức là ngồi một chỗ chứ đâu có ra bộ tịch, đi đứng múa may như trên sân khấu, cũng không có áo mão, cờ quạt gì hết. Vậy mà thính giả nghe Radio họ vẫn hình dung được nhân vật ấy ở sân khấu với trang phục và đang làm gì, có nghĩa là họ vẫn hiểu được câu chuyện, xúc động với từng sự kiện, dù chỉ nghe thôi.
Chương trình hát bội Ban Vân Hạc có đều hàng tuần trên đài phát thanh Sài Gòn. Về tuồng tích hầu hết được viết theo truyện Tàu: Thuyết Đường, Tiết Nhơn Quí chinh Đông, Tiết Đinh San chinh Tây, Phản Dường, Tam Quốc, Chung Vô Diệm,... người ta vẫn mở Radio nghe tuồng nối tiếp từ hồi nọ đến hồi kia, có nghĩa là một buổi hát chỉ vài đoạn nào đó trong bộ truyện mà thôi.
Từ đầu thập niên 1960 trở về sau, diễn viên Ban Vân Hạc nhiều người già không còn hát nổi nữa, cũng như đã có những người qua đời.
Ở trong Nam với những đoàn hát bội chuyên hát cúng đình cúng miễu, và hàng tuần trên đài phát thanh, đài truyền hình cũng có chương trình hát bội Đinh Bằng Phi, hát bội Ban Vân Hạc.
Song song đó thì ở ngoài Trung cũng có nghệ thuật hát bội mà người ta gọi nôm na là “Hát Bội Bình Định”, cả hai môn nghệ thuật đặc thù trên đã một thời được khán giả mến chuộng.
Nếu như ở trong Nam có những nghệ sĩ hát bội vang bóng một thời như kép Thành Tôn, đào Ba Út, Năm Đồ, Năm Nhỏ... thì hát bội Bình Định cũng có đào kép lừng danh là đào Ngọc Cầm, Thu An, và kép Long Trọng... Thế nhưng, trong thời kỳ cải lương xuống dốc thì hát bội Nam Phần lẫn hát bội Bình Định cũng xuống theo, mà còn trầm trọng hơn nhiều, gần như tê liệt.
Chính quyền thời kỳ trước 1975 đã có nhiều biện pháp nhằm cứu vãn hai thành phần hát bội này để không sớm bị mai một. Cụ thể là vào khoảng đầu năm 1972, phủ Quốc Vụ Khanh đặc trách văn hóa đã tổ chức 3 đêm trình diễn hát bội tại Trường Quốc Gia Âm Nhạc Sài Gòn, gọi là “đối chiếu nghệ thuật hát bội hai miền Nam và Trung”.
Đêm đầu là vở hát “Ngũ Hổ Bình Tây” do nghệ sĩ Bình Định, kịch đoàn Tây Sơn, Hội Khổng Học trình diễn. Đêm thứ hai cũng vở hát “Ngũ Hổ Bình Tây” do nghệ sĩ miền Nam, Hội Khuyến Lệ Cổ Ca trình diễn. Và đêm sau cùng thì nghệ sĩ Bình Định trở lại trình diễn vở tuồng “Tiết Cương tế Thiết Khưu Phần”. Khán giả trong lúc xem một số người nói rằng hát bội Bình Định thì rất nghề, nhưng thiếu phần huê dạng như hát bội trong Nam.
Thời điểm 1972 ấy hát bội miền Nam sống không ra sống, chết không ra chết. Vậy hát bội miền Trung– hát bội Bình Định thế nào?
Nhờ cái hôm trình diễn đối chiếu hát bội Nam–Trung này, người ta mới gặp lại cặp tài danh hát bội Bình Định là Long Trọng–Thu An. Hỏi dạo này “Ý Hiệp Ban”, tức ban hát bội nổi tiếng một thời ngoài Trung có còn hoạt động hay không, thì nghệ sĩ Long Trọng lắc đầu chán nản đáp: “Dạo này hát khó sống cho nên vợ chồng tôi đây đã mở quán cà phê hủ tiếu để kiếm ăn, thỉnh thoảng có lễ hội mời thì vợ chồng tôi mới hát thôi”.
Người ta lại hỏi thăm cô đào tài sắc của miền Trung là Ngọc Cầm thì cặp Long Trọng–Thu An cho biết cũng mở quán phở như vợ chồng anh thôi. (Thu An ở đây là đào hát bội Bình Định, chớ không phải soạn giả Thu An).
Nếu như người ta ngược thời gian trở về thời thập niên 1940, dài cho đến những năm đầu của thập niên 1950 gánh hát bội Tấn Thành Ban, một trong những đoàn danh tiếng thời bấy giờ do ông Huyện Trần Khiêm Cung làm bầu gánh.
Hằng năm cứ sau Tết Nguyên Đán từ tháng Hai Âm Lịch trở đi là gánh hát bội của ông Bầu Cung liên tục bán giàn, được mời đi hát cúng Kỳ Yên ở các đình làng quanh tỉnh Gia Định, và đôi khi cũng đi hát ở Biên Hòa, Thủ Dầu Một, hoặc quê hương của ông ở Cần Đước, Long An.
Khi hết lễ cúng Kỳ Yên rồi thì gánh Bầu Cung đi hát quanh quẩn vùng Chợ Lớn, Tân Định, Bà Chiểu... và thường hay về nằm ở tại đình Cầu Muối ở đường Cô Giang. Tuy khán giả không đông đảo như hát ở đình làng, nhưng đêm nào cũng có số khán giả mua vé, nếu không lời thì cũng đủ sở hụi chi phí trả lương đào kép, công nhân.
Thời điểm này khán giả đi coi hát bội còn nhiều, đào kép có thể sống với nghề được. Thế nhưng, đến gần cuối thập niên 1950 thì số người coi hát bội ngày một giảm sút. Và theo như nhận định của những người am tường vấn đề thì số khán giả lớn tuổi lần lượt trước sau qua đời, hoặc già yếu không đến rạp được. Còn khán giả trẻ thì phần lớn đã chuyển sang đi coi cải lương, để thưởng thức tuồng tích mới lạ, thay vì coi hát bội chỉ hát đi hát lại mãi những tuồng dựa theo truyện Tàu.
Những năm hát bội còn thịnh hành thì đào kép đêm hát ngày tập tuồng, dù rằng họ thuộc lòng từng chữ từng câu, từ điệu bộ cho đến đối thoại họ rành như ăn cơm bữa vậy. Thế mà họ lại siêng tập tuồng, họ tập những lớp diễn mà thường hay được thưởng trống chầu và cây quạt giấy kẹp tiền liệng lên sân khấu.
Theo lời ông bầu gánh Trần Khiêm Cung thì lớp tuồng thường hay được vị cầm chầu đánh trống khen tặng, cũng như quạt giấy được quăng lên nhiều nhứt là lớp Khương Linh Tá và Đổng Kim Lân trong tuồng San Hậu. Trong tuồng có lớp linh hồn Khương Linh Tá đưa Đổng Kim Lân qua núi. Kim Lân và Linh Tá phò trợ hoàng tử Tề bang đi lánh nạn. Bọn soán ngôi là anh em Tạ Ôn Đình, Lôi Nhước đuổi theo tìm bắt. Khương Linh Tá chặn đường giặc, Kim Lân ôm hoàng tử thoát thân.
Lớp diễn mà khán giả hồi hộp, tán thưởng nhiều nhứt, cũng như trống chầu đánh liên tục, quạt giấy quăng lên sân khấu không ngớt là lúc Tạ Ôn Đình chém Khương Linh Tá rụng đầu, nhưng khi chúng nhìn thấy Linh Tá mò mẫm tìm kiếm chiếc đầu rơi chụp gắn vào cổ, chúng sợ quá lui binh không dám đuổi theo Đổng Kim Lân. Hồn nghĩa sĩ Khương Linh Tá thương bạn Kim Lân, bèn hóa thành ngọn đèn hồng, đưa đường Kim Lân và hoàng tử qua núi trước khi trời rạng sáng.
Đây là một trong những nét đặc trưng của sân khấu hát bội, đã đem lại sức suy tưởng phong phú đầy thú vị cho khán giả.
Hiện nay ở trong nước hát bội vẫn còn. Hằng năm nhân ngày giỗ Đức Tả Quân Lê Văn Duyệt là có diễn tuồng San Hậu ở Lăng Ông Bà Chiểu. Riêng ở hải ngoại thì Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Mỹ (VAALA) cũng có đào kép hát bội ngày xưa truyền dạy cho lớp trẻ bộ môn nghệ thuật này.
Rõ ràng là nghệ thuật không nuôi sống nổi con người chuyên nghiệp. Ai đã làm cho sân khấu cổ truyền sụp đổ như vậy?
Câu chuyện xảy ra trong làng hát bội. Khoảng đầu thập niên 1970 đoàn hát bội của ông bầu Ba Luông hát tại Lăng Ông Thủy Tướng, thuộc xã Thắng Nhì (Vũng Tàu), và do hát cúng, không bán vé, bà con đi coi đông đảo. Đêm ấy đoàn trình diễn vở tuồng “Triệu Hường Lan Đả Hổ”, có lớp bà mẹ chồng cùng nàng dâu đi xin ăn, sau đó bà mẹ chồng chết dọc đường bỏ lại nàng dâu bơ vơ.
Trong vai mẹ chồng do đào mụ là bà Tám Ngàn thủ diễn, bà hát mấy câu Nam, bi ai thảm thiết làm khán giả xúc động, họ ném tiền lên ào ạt thưởng cho bà. Hát bội thời xưa có thông lệ khán giả thưởng tiền cho đào kép đang hát bằng cách kẹp tiền vào chiếc quạt giấy liệng lên sân khấu, và diễn viên khi hết lớp tuồng thì lượm tiền, cám ơn xong mới đi vô.
Thế nhưng, bà Tám Ngàn chưa kịp lấy tiền, mới vừa hát dứt câu Nam chót, thì bà trợn mắt rồi... đi luôn. Cô đào đóng vai nàng đâu kinh hoàng kêu thét lên:
- Mẹ! Mẹ chết... thiệt sao mẹ?
Khán giả đâu có biết, tưởng lớp tuồng là như vậy, hay quá, nên cứ tiếp tục quăng quạt giấy lên thưởng, cho tới khi cô đào la lên bài hãi:
- Ông bầu ơi, bà Tám chết rồi nè!
Mọi người giựt mình trở về thực tại, bàng hoàng trước cái chết thật của một nữ nghệ sĩ già, lẽ ra chỉ làm bộ chết mà thôi!
Mã an toàn:
Tối 29-9, vòng chung kết xếp hạng cuộc thi "Chuông vàng vọng cổ" 2024 đã diễn ra với phần tranh tài của 3 thí sinh là: Dương Thị Mỹ Nhung, Nguyễn Hùng Vương, Lê Hoàng Nghi tại Nhà hát Truyền hình HTV.
Ý kiến bạn đọc