Tối 29-9, vòng chung kết xếp hạng cuộc thi "Chuông vàng vọng cổ" 2024 đã diễn ra với phần tranh tài của 3 thí sinh là: Dương Thị Mỹ Nhung, Nguyễn Hùng Vương, Lê Hoàng Nghi tại Nhà hát Truyền hình HTV.
Xem tiếp...
Soạn giả Yên Lang
Sau khi lớp soạn giả tiền phong như Mộng Vân, thầy của các nghệ sĩ Bảy Cao, Năm Nghĩa, Ba Khuê qua đời, còn các ông Năm Châu, Năm Nở, Tư Chơi cũng gần như rửa tay gác kiếm. Nhóm soạn giả kế tiếp nổi danh trước năm 60, soạn giả Thu An nắm đoàn Thủ Đô của bầu Ba Bản, với sự hỗ trợ của các soạn giả Thiếu Linh, Thành Phát, Phong Anh. Đoàn Thanh Minh có soạn giả Hoàng Khâm với vở tuồng Người đẹp Bạch Hoa Thôn, và sau khi đoàn Thúy Nga tan rã, bà bầu Thơ đã tăng cường thêm cặp Út Bạch Lan, Thành Được. Đồng thời ký công tra thường trực với 2 soạn giả Hà Triều, Hoa Phượng cho ra mắt tại rạp Nguyễn Văn Hảo, kịch bản tâm lý xã hội Nửa đời hương phấn, thu hút thật đông đảo khán giả, gây một tiếng vang lớn lúc bấy giờ.
Đoàn Việt Hùng - Minh Chí có soạn giả Mộc Linh, tung ra các tuồng Đường lên xứ Thái, Tình tráng sĩ, Nhớ rừng rất ăn khách trên đường lưu diễn. Sau khi Út Trà Ôn và Hoàng Giang rời đoàn Thủ Đô thành lập đoàn Thống Nhất, rồi Mộc Linh về nắm sân khấu và đã khai trương kịch bản Tiếng hát Muồng Tênh tại rạp Thanh Bình. Như vậy các đoàn đại bang đã chia nhau hùng cứ ở các rạp lớn ở Sài Gòn và mỗi đoàn đều lần lượt tung ra các kịch bản mới để lôi cuốn một số khán giả riêng về mình. Phải xác nhận giai đoạn này là giai đoạn cực thịnh của cải lương, mỗi tuồng mới được khai trương trên sân khấu mỗi đoàn, đều được hát liên tục ít nhất là một tuần lễ, và số khán giả đều đông cứng mỗi đêm. Về phần khán giả kịch trường sân khấu, cũng làm việc không ngừng, hết sang đoàn này đến đoàn kia để viết bài phê bình tuồng mới, hoặc giới thiệu tìm khuôn mặt nghệ sĩ của các đoàn. Đặc biệt trong giới soạn giả chưa bao giờ nghe soạn giả này phê phán đến tuồng tích của soạn giả kia, nhưng mặc nhiên địa vị và chỗ đứng của mỗi soạn giả đã được âm thầm khẳng định. Ký giả Hoài Ngọc trên trang kịch trường của báo Tiếng Dội đã viết một bài tổng kết về thành tích của các soạn giả, được đánh giá qua những kịch bản đã trình diễn. Rồi không biết ông có lấy ý kiến của khán giả hay không, trong một bài báo ông đã hết lời ca ngợi các soạn giả Thu An, Hà Triều, Hoa Phượng, Mộc Linh và Hoàng Khâm, đồng thời phong tặng 5 soạn giả này là “Võ lâm ngũ bá”. Thật ra lời khen tặng này cũng không có gì quá đáng, tuồng tích của họ đã được chứng minh một chuỗi dài trên các sân khấu lớn. Thu An với những kịch bản Sầu quan ải, Cây quạt lụa hồng, Hai chiều ly biệt. Hà Triều - Hoa Phượng với một loạt tuồng xã hội Con gái chị Hằng, Nỗi buồn con gái, Mưa rừng. Mộc Linh với Đường lên xứ Thái, Tiếng hát Muồng Tênh, Mùa trăng nhiều nước mắt. Hoàng Khâm với Lỡ bước sang ngang, Bông hồng cài áo, Thảm kịch tuổi xanh … Sau 60 năm, một vài đoàn này rã thì có vài đoàn khác thành lập, luân chuyển không ngừng, ngoài các đoàn hát lớn ở Sài Gòn, còn có hàng chục đoàn trung bang, tiểu bang lưu diễn ở các tỉnh miền Tây và miền Trung. Do nhu cầu sân khấu hàng loạt diễn viên trẻ được đưa lên thể nghiệm đã lần lượt thay thế những vai quan trọng. Cùng lúc các soạn giả trẻ chưa tên tuổi cũng nổi rộ lên, tung tuồng vào các sân khấu lớn nhỏ. Yên Lang - Văn Thiên Tư ra mắt kịch bản Nước chảy qua cầu trên sân khấu Út Bạch Lan và Thành Được. Yến Linh - Dạ Lý tuồng Tóc rối người yêu cũ. Yên Ba - Loan Thảo tuồng Tiếng hạc trong trăng cùng trên sân khấu Thanh Minh. Riêng Yên Lang lúc đầu về Kim Chung với vở Manh áo quê nghèo, sau viết chung với Nguyên Thảo các vở : Người phu khiêng kiệu cưới, Tâm sự loài chim biển, Bão biển trên các đoàn Kim Chung 3, 4 và 5. Ngoài ra còn các soạn giả khác như Thể Hà Vân, Điền Long, Trung Nguyên, Thiên Lý, Nguyễn Liêu, Phi Hùng, Yên Hà, Ngọc Điệp, Vân An, Nguyễn Ngọc lần lượt có tuồng trên các sân khấu lớn nhỏ. Riêng hai soạn giả Tuấn Khanh và Mộng Vân Tử mất lúc còn rất trẻ.
Tác giả bài viết: tancogiaoduyen
Nguồn tin: numberone - CLVN
Ý kiến bạn đọc