Bản Sắc Dân Tộc - cailuongvietnam.com

Tin Tức Hậu Trường Sân Khấu

DUY TRÌ TRANG WEB CLVN

LẤY SÂN KHẤU LÀM THÁNH ĐƯỜNG

Thứ năm - 14/07/2016 12:52

SG Nguyễn Thành Châu

NSND Năm Châu (tên thật là Nguyễn Thành Châu) không chỉ là một diễn viên trọn đời sống vì nghệ thuật mà còn là một đạo diễn kỳ tài, một soạn giả có công trong việc khai sáng và vun bồi nền nghệ thuật cải lương Nam bộ. Là con gái út của cố NSND Năm Châu, đạo diễn Nguyễn Hồng Dung - Phó Chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM đã có cuộc trò chuyện với chúng tôi như một dịp để nhớ về người nghệ sĩ tài ba qua kỷ niệm của gia đình.

PV: Thưa đạo diễn, là người con trong gia đình có nhiều kỷ niệm về người cha thân yêu của mình, chị có thể kể một vài kỷ niệm sâu sắc nhất về thân sinh của mình đối với con cháu?

Đối với ba, chúng tôi có quá nhiều kỷ niệm có thể kể hoài mà không hết được. Từ trong gia đình ra tới ngoài đường, ở nơi nào cũng sâu đậm những kỷ niệm thật sâu sắc. Nhưng ký ức khó phai nhất đó là những bữa cơm gặp mặt đông đủ mọi người nhất là bữa cơm chiều. Vì giờ đó ba nghe chúng tôi kể những việc đã xảy ra trong ngày ở trường học hay công sở để từng thành viên gia đình cùng nghe ba phân tích và cho những lời dạy dỗ hữu ích. Ba không thích vắng mặt của bất cứ ai trong những bữa cơm gia đình ấy. Và nó đã trở thành một cái nếp mà tôi cố giữ cho đến bây giờ.

Những tác phẩm của soạn giả Năm Châu có tiếng vang lớn trong thời kỳ cải lương định hình và phát triển. Chị có thể cho biết hoàn cảnh sáng tác một vài tác phẩm của thân sinh?

Hẳn nhiên là mỗi vở diễn đều ra đời trong những hoàn cảnh khác nhau nên không thể kể hết vì quá nhiều giai thoại chung quanh các tác phẩm. Nhưng tôi nhớ là ông thường có thói quen viết vào giờ sáng sớm vì thế ông đi ngủ rất sớm và sáng mai cũng dậy rất sớm để làm việc. Việc thai nghén một tác phẩm của ông có khi kéo dài hàng năm, không biết bao nhiêu bản thảo đã được ông ghi chép, sau đó rất nhiều lần bàn thảo và nghe ý kiến đóng góp của bạn hữu. Nhưng khi đã ngồi vào viết thì chỉ trong một tuần hay vài ngày là xong. Khi viết thì gần như ông “bế môn” không cho ai làm phiền kể cả gia đình. Những ngày đó là chúng tôi không bao giờ được bén mảng tới bàn làm việc của ba cũng như không được xê dịch bất cứ vật gì trên bàn làm việc cho đến khi ông buông bút và gọi người chị thứ ba lên giao cho việc đánh máy kịch bản. Hầu hết các kịch bản đều ra đời như thế.

Vừa là diễn viên, vừa soạn giả vừa chủ gánh hát nghệ sĩ Năm Châu đã phải lao động như thế nào để có được những thành quả to lớn trong việc đóng góp cho nghệ thuật cải lương Nam bộ phát triển, thưa chị?

Có lẽ cả đời ông đã dành cho sân khấu, trong đó cải lương đã ăn vào máu và thấm vào da thịt của ông. Ông là hiện thân của sự chăm chút và phát triển của nghệ thuật cải lương. Cả đời ông đã trăn trở và tìm cho cải lương một con đường phát triển khoa học và có lý luận cho nên ông miệt mài lao động từ những kinh nghiệm bản thân kết hợp với những điều học hỏi từ sách vở nước ngoài. Có vốn ngoại ngữ nên ông tiếp cận được những kiến thức bên ngoài sâu rộng và tìm cách áp dụng những kiến thức ấy vào sân khấu cải lương hòng dẫn sân khấu cải lương đến một con đường sân khấu riêng cho Việt Nam.

Với cương vị là người giảng dạy sân khấu truyền thống, nghệ sĩ Nguyễn Thành Châu đã có những lứa học trò nào thành đạt?

Không chỉ có những học trò ở trường mà ba tôi còn đào tạo ngay trên các sân khấu khác mà ông cộng tác với tư cách là người viết và tập tuồng. Chính nhờ vậy mới có những tài năng Thanh Nga, Thành Được, Ngọc Giàu, Thanh Tú, Thanh Thanh Hoa, Mỹ Châu, Tài Lương, Đỗ Quyên… một thế hệ vàng của loại hình sân khấu truyền thống dân tộc.

Theo chị, những ai đã có nhiều công sức cho sự nghiệp sáng tác và đạo diễn cho nghệ sĩ Năm Châu lúc đương thời?

Có thể lúc khởi nghiệp cho đến thành danh ba tôi đã được tiếp sức rất nhiều của những bạn hữu mê văn chương và ủng hộ ông. Lúc đương thời nổi tiếng là những đồng nghiệp chung chí hướng. Nhưng đến bây giờ thì tôi thấy chính má tôi, nghệ sĩ Kim Cúc mới là người đã góp nhiều công sức cho sự nghiệp của ba tôi. Nhờ bà bây giờ tôi mới nghe và hiểu được từng tác phẩm mà ông đã dày công tô điểm.

Những tình cảm mà ông đã dành cho đồng nghiệp, bạn bè đặc biệt là gia đình, vợ con, anh em cho đến nay vẫn đáng trân trọng. Có những kỷ vật nào mà gia đình vẫn còn giữ được đến bây giờ?

Những kỷ vật về nghề thì sau khi ba mất má tôi đã gửi tặng cho Viện Nghiên cứu cải lương như cây gậy và chiếc mũ nỉ mà ba tôi đã từng đội để diễn trên sân khấu trong nhiều vai tuồng nổi tiếng như Năm Bình trongMen rượu hương tình, vai Minh trong Vợ và tình, Già Bạch trong Khi người điên biết yêu… Tôi thường giở ra xem những quyển tập chép bản thảo tuồng viết của ông để như nhìn thấy ba lúc nào cũng ở rất gần. Đó là kỷ vật quý nhất của ba còn để lại cho gia đình.

Cảm nghĩ của chị về một thế hệ vàng của nghệ thuật cải lương như nghệ sĩ Ba Vân, Ba Du, Phùng Há, Năm Phỉ, Bảy Nam… trong đó có nghệ sĩ Nguyễn Thành Châu.

Giá như có thuốc trường sinh để các vị ấy sống đời mà chăm lo cho nghệ thuật cải lương nhỉ? Tôi đã từng nhìn thấy những người nghệ sĩ ấy quây quần bên nhau tìm ý tứ, tìm hứng khởi, tìm chất liệu, tìm những nhân tố mới để làm giàu cho sân khấu. Cho nên tôi rất trân trọng và quý những người nghệ sĩ đồng nghiệp đã cùng với ba tôi từng viết nên những trang sử vẻ vang cho sân khấu cải lương nước nhà.

Xin cảm ơn đạo diễn!

Quang Phan (thực hiện)

Nguồn tin: tcgd theo GDTPHCM

Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa:diễn viên, đời sống, nghệ thuật, kỳ tài, soạn giả, khai sáng, nam bộ, chủ tịch, sân khấu, trò chuyện, nghệ sĩ, tài ba, kỷ niệm

Bình luận mới

Gửi bình luận của bạn

Tên của bạn Email Nội dung Mã an toàn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

DUY TRÌ TRANG WEB CLVN