Đang truy cập : 217
•Máy chủ tìm kiếm : 1
•Khách viếng thăm : 216
Hôm nay : 21134
Tháng hiện tại : 2195852
Tổng lượt truy cập : 88502453
Tối 29-9, vòng chung kết xếp hạng cuộc thi "Chuông vàng vọng cổ" 2024 đã diễn ra với phần tranh tài của 3 thí sinh là: Dương Thị Mỹ Nhung, Nguyễn Hùng Vương, Lê Hoàng Nghi tại Nhà hát Truyền hình HTV.
Phát hiện mới về Đờn ca tài tử
Hơn 100 năm cùng "Vũ khúc Đông Dương"
Bản nhạc tài tử “Vũ khúc Đông Dương” được nhà nghiên cứu Nguyễn Lê Tuyên phát hiện hồi tháng 3 tại Thư viện quốc gia Pháp. Nhạc sĩ Nguyễn Lê Tuyên hiện là giảng viên và nhà nghiên cứu âm nhạc Việt Nam tại Đại học Quốc gia Úc. “Vũ khúc Đông Dương” chính là bản ký âm của ông Julien Tiersot - một nhà nghiên cứu dân tộc học, nhạc học nổi tiếng người Pháp. Năm 1900, ông Julien Tiersot đã ký âm lại bản nhạc này khi một ban nhạc tài tử của Việt Nam sang biểu diễn tại Hội chợ thế giới Paris (Pháp) với tư cách là đại diện cho văn hóa Đông Dương. Khi đó, một cô đào nổi tiếng người Pháp là Cléo de Mérode cũng đã múa trên nền nhạc tài tử của Việt Nam tại sân khấu ở hội chợ này.
Nhạc tài tử Việt Nam trình diễn lần đầu tiên tại Pháp năm 1900 trên sân khấu Nhà hát Đông Dương trong Hội chợ thế giới Paris. Cô đào Cléo de Merode múa ở giữa, bên phải sân khấu là ban nhạc tài tử |
Ngay khi phát hiện, ông Nguyễn Lê Tuyên đã gửi tới nhiều nhà nghiên cứu của Việt Nam như GSTS Trần Văn Khê, GS Trần Quang Hải, nhạc sư Vĩnh Bảo, TS Mai Mỹ Duyên, TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm, nhạc sĩ Huỳnh Khải, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền… để tìm kiếm các ý kiến nhận xét. Và thông tin thú vị về bản nhạc này đã được phục dựng để trình diễn tại hội nghị lần này với sự tham dự của trên 500 nhạc sĩ, nhà nghiên cứu âm nhạc truyền thống đến từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Nghệ nhân dân gian Phạm Công Tỵ (Út Tỵ) cho biết, đây là một bản nhạc hay và lạ đối với nhạc tài tử. “Hầu như rất ít bản nhạc tài tử được dùng để múa. Trước giờ tôi chỉ biết bản Bát Man Tấn Cống là được đờn để múa đèn. Theo tài liệu ghi lại, “Vũ khúc Đông Dương” lại là một bản nhạc đệm cho cô đào người Pháp múa. Tôi nghĩ có thể đây là một tiết mục ngẫu hứng của dàn nhạc tài tử ngày xưa khi đến Pháp giao lưu và trình diễn. Phát hiện này với nhạc tài tử lại càng giá trị và thú vị”.
Nhạc sĩ Huỳnh Khải, Trưởng Khoa Âm nhạc dân tộc Nhạc viện TPHCM, xúc động chia sẻ: “Khi hay tin nhà nghiên cứu Nguyễn Lê Tuyên tìm thấy bản nhạc tài tử cổ xưa này, chúng tôi thật sự vui mừng vì thật ra từ hơn 100 năm trước, thế giới đã biết đến nhạc tài tử của Việt Nam”.
Bản nhạc tài tử Vũ khúc Đông Dương của Julien Tiersot ký âm |
Tại buổi diễn phúc khảo "Vũ khúc Đông Dương", nghệ sĩ Hải Phượng cho hay: “Bản ký âm của ông Julien Tiersot, được ghi lại theo các nốt nhạc phương Tây, khi hiệu đính, phục dựng lại theo chữ nhạc truyền thống thì mới biết bản nhạc này theo hơi Bắc. Biểu diễn nhạc tài tử nhiều năm nhưng nhóm chúng tôi chưa ai biết qua bản nhạc này. Vì thế lúc vỡ bài để luyện tập, nhóm cũng khá vất vả, nhất là khi muốn trình diễn lại bản nhạc theo đúng phong cách ngẫu hứng của ban nhạc tài tử đã trình diễn tại Pháp vào năm 1900. Qua nghiên cứu và nhiều lần thực nghiệm, cuối cùng chúng tôi đã chọn được cách chơi vừa ý nhất”.
|
Bản tài tử Vũ khúc Đông Dương do nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền hiệu đính |
Cơ hội quảng bá âm nhạc truyền thống Việt Nam
Hòa tấu “Vũ khúc Đông Dương” sẽ được trình diễn cùng với 9 tiết mục gồm: hòa tấu Liên Nam, độc tấu đàn tranh Giang Nam, song ca nam nữ Bến xuân, hòa tấu Phú Lục, tam tấu đàn Đối hạ, đơn ca nữ Dạ cổ hoài lang, tứ tấu Văn thiên tường (lớp dựng), đơn ca Ông thần lu và hòa tấu Vọng cổ tại Hội nghị âm nhạc truyền thống quốc tế ở Thượng Hải, Trung Quốc từ ngày 11 đến ngày 17-7. 10 tiết mục này sẽ được giới thiệu qua 5 suất diễn (mỗi suất 60 phút) trong suốt thời gian diễn ra hội nghị.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Lê Tuyên chia sẻ: “Tôi rất hạnh phúc khi được nghe lại giai điệu này tại quê nhà do các nghệ nhân đờn ca tài tử hàng đầu thể hiện. So với những bản tài tử được ký âm những năm 1910, 1911, thì "Vũ khúc Đông Dương" được coi là phát hiện sớm nhất, từ năm 1900”. Ông cũng cho biết thêm, tại Hội nghị âm nhạc truyền thống quốc tế, ông và GS Trần Quang Hải sẽ tháp tùng cùng đoàn Việt Nam để giới thiệu về bản nhạc này và nghệ thuật đờn ca tài tử của Việt Nam...
Năm 2012, Nguyễn Lê Tuyên từng về nước nghiên cứu về cồng chiêng Tây Nguyên, thực hiện dự án “Giấc mơ cao nguyên - Giao thoa âm và sắc”, trình diễn các bản nhạc do anh sáng tác với cảm hứng chủ đạo và xuyên suốt về núi rừng Tây Nguyên.
Bà Vũ Kim Anh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch TPHCM, cho biết: “Việc chọn giới thiệu bản nhạc tài tử được ký âm được cho là cổ nhất Việt Nam này tại hội thảo của Hội nghị âm nhạc truyền thống quốc tế sắp tới sẽ là một cơ hội tốt để tôn vinh, quảng bá âm nhạc truyền thống của Việt Nam, đặc biệt là nhạc tài tử đến với bạn bè quốc tế. Việc này càng ý nghĩa hơn trong bối cảnh hồ sơ nghệ thuật Đờn ca tài tử của Việt Nam đang trình Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) đề nghị công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”.
MINH AN
Mã an toàn:
Tối 29-9, vòng chung kết xếp hạng cuộc thi "Chuông vàng vọng cổ" 2024 đã diễn ra với phần tranh tài của 3 thí sinh là: Dương Thị Mỹ Nhung, Nguyễn Hùng Vương, Lê Hoàng Nghi tại Nhà hát Truyền hình HTV.
Ý kiến bạn đọc