Hội Ðồng Giám Sát Thi Cử thành lập xong chưa?
Cuộc thi cổ nhạc giải Phụng Hoàng năm nay đã được mọi giới quan tâm theo dõi, vì có rất nhiều E-mail, điện thoại gọi về ban tổ chức. Có hai vấn đề được nhiều người thắc mắc và đặt thành câu hỏi với ban tổ chức, đó là thành phần ban giám khảo gồm những ai, ở xa hay ở gần? Thứ đến là Hội Ðồng Giám Sát Thi Cử giữ vai trò gì, và những ai đã được mời?
|
Hội Ðồng Giám Sát Thi Cử trong ngày thi sơ khảo giải Phụng Hoàng 2004, tổ chức tại hội trường nhật báo Người Việt. Từ trái, Luật Sư Phạm Văn Phổ, Giáo Sư Nguyễn Thanh Liêm, Nhạc Sĩ Nguyễn Hiền, bà Trương Thị Yến, bà Từ Dung, ông Nguyễn Văn Cất. (Hình: Hội Cổ Nhạc cung cấp) |
Ðể cho mọi giới theo dõi việc thành lập hai thành phần quan trọng này của cuộc thi, nhà văn Ngành Mai, người có trách nhiệm trong việc thành lập cho biết, Hội Ðồng Giám Sát Thi Cử ngoài năm thành viên thường trực, ban tổ chức đã cân nhắc kỹ khi mời thêm khoảng sáu vị thuộc thành phần trí thức, tên tuổi, có uy tín trong cộng đồng.
Công cuộc thành lập sắp hoàn tất, một số vị đã nhận lời tham gia.
Tuy nhiên, con số thành viên được mời tăng cường này có thể tăng lên, bởi vì sau mỗi lần thi (sơ khảo, phúc khảo, chung kết) thành viên tăng cường có thể thay đổi. Nói cách khác là tùy theo tình hình, các thành viên tăng cường, sau phần thi sơ khảo có thể tiếp tục ở kỳ thi chung kết, hoặc có thể không. Riêng các thành viên thường trực thì có nhiệm vụ từ đầu cho đến khi hoàn tất các cuộc thi.
Hội Ðồng Giám Sát Thi Cử là một thành phần trong cơ cấu tổ chức của Hội Cổ Nhạc Miền Nam Việt Nam Hải Ngoại, nhưng trong thi cử, hội đồng làm việc độc lập. Trong suốt thời gian diễn tiến cuộc thi, ban tổ chức ở bên ngoài, chờ biên bản Ban Giám Khảo được hội đồng thông qua, rồi mới công bố kết quả.
Sau cuộc thi nếu có sự khiếu nại nào (có đơn khiếu nại và bằng chứng) ban tổ chức sẽ triệu tập hội đồng họp để giải quyết.
Do tổ chức có quy củ như vậy, nên qua nhiều cuộc thi, giải Phụng Hoàng vẫn đứng vững, càng tăng thêm uy tín cho hội. Và kỳ thi này, trên chiều thuận lợi ngó thấy, ban tổ chức đã nhận được sự hỗ trợ của các mạnh thường quân nhiệt tâm với nền cổ nhạc.
Sở dĩ cân nhắc kỹ lưỡng trước khi mời người tham gia là vì trong quá khứ từng có những thành viên của hội đồng, sau khi có được vài thành tích, đã nhảy ra kêu gọi một số người kể cả các thành viên của hội, tham gia vào tổ chức mới của họ. Ðồng thời tung ra những “quái chiêu” trong ý đồ làm cản trở bước tiến của hội.
Nói rõ hơn là họ từng trưởng thành trong hội cổ nhạc, bởi trước đó có ai biết họ đã có làm gì trong hoạt động cổ nhạc đâu. Rồi giờ đây họ quay lại “oanh tạc” hội. Tốn khá tiền mời họp ăn uống ở nhà hàng nhiều lần với mục đích giúp họ trong việc tổ chức thi, nhưng ăn rồi thì mạnh ai nấy ra về chớ chẳng giúp gì cho việc kêu gọi thí sinh ghi tên dự thi. Thành thử ra tiếng kêu của họ như tiếng gào trong sa mạc, giới biết ca hát cổ nhạc đã thờ ơ.
Có gì đâu, tên tuổi của họ với thành tích ít ỏi về cổ nhạc thì đâu có đủ khả năng, chưa đủ uy tín để tổ chức thi. Do vậy mà trong gần một thập niên, cuối cùng thì chỉ có vài người ghi danh, con số thí sinh đếm trên đầu ngón tay thì thi cử cái quái gì chớ!
Tóm lại là trong suốt gần 10 năm họ chỉ múa rối, cho đến một ngày nọ, nếu tin vào vô vi, có lẽ tổ nghiệp cải lương bắt buộc họ im tiếng, để cho nền cổ nhạc nước nhà không còn bị phá rối, không còn bị thọc gậy bánh xe.
Ý kiến bạn đọc