Đang truy cập : 200
Hôm nay : 21299
Tháng hiện tại : 2196017
Tổng lượt truy cập : 88502618
Tối 29-9, vòng chung kết xếp hạng cuộc thi "Chuông vàng vọng cổ" 2024 đã diễn ra với phần tranh tài của 3 thí sinh là: Dương Thị Mỹ Nhung, Nguyễn Hùng Vương, Lê Hoàng Nghi tại Nhà hát Truyền hình HTV.
Nữ ca sĩ Aí Vân
Hoạt động nghệ thuật sân khấu cải lương ở miền Nam phát triển từ thập niên 1920, với các đoàn hát danh tiếng như Hề Lập, Tiến Hóa, Mộng Vân, Đại Phước Cương... và đến năm 1940 thì ở miền Bắc nghệ sĩ Ái Liên vừa mới 20 tuổi ngoài, đã đứng ra thành lập đoàn cải lương Ái Liên, và mở cuộc lưu diễn khắp Đông Dương.
Trong buổi nói chuyện này tôi nhắc lại thời kỳ huy hoàng của một gánh hát cải lương miền Bắc, đồng thời cũng nói đến một cô đào thinh sắc vẹn toàn, một ngôi sao sáng trên vòm trời nghệ thuật sân khấu, vang bong một thời, đó là nữ nghệ sĩ Ái Liên vang danh từ Bắc chí Nam. Thế nhưng những người ở miền Nam thuộc thế hệ lớn lên sau 1954 thì không hề biết, cũng chẳng hề nghe tên, do bởi sau ngày Hiệp Định Genève 1954 chia đôi đất nước thì Ái Liên ở lại miền Bắc.
Nói đến danh ca Ái Liên thì đa số khách mộ điệu bốn phương đều tỏ lòng ái mộ, cũng như như hầu hết các anh chị em đồng nghiệp có dịp sống gần cô đều chân thành cảm phục và mặc nhiên công nhận Ái Liên như một kỳ tài thiên bẩm. Có thể nói rằng trời sinh ra Ái Liên chính là hóa thân của “nàng nghệ thuật” để hiến vui cho đời, ngõ hầu làm tròn thiên chức tối thượng của người nghệ sĩ trong sự nghiệp cầm ca. Với bản năng thuần hậu, tư cách và hạnh kiểm đài trang đoan chính, với sắc lịch kiêu sa, diễm lệ, Ái Liên rất xứng đáng là một danh ca tài sắc vẹn toàn.
So sánh với các bạn cùng nghề, Ái Liên tương đối có một trình độ học vấn khả quan, biết nhiều ngoại ngữ, xuất sắc nhất là bộ môn ca nhạc. Trong khi trình diễn trên sân khấu, mỗi lúc tạm nghỉ lớp tuồng, cô vào hậu trường là tiến đến dàn nhạc, bất cứ gặp thứ đờn gì, như kìm, cò, sến, độc huyền, thập lục, cô cũng cầm lấy sử dụng ngon lành như một người thiện nghệ, hoặc điều khiển giàn bát tấu, đánh trống, mõ, thanh la v.v... cô đều tinh thông. Hoặc khi nghỉ tuồng cô thường xuống chơi nhạc Tây phương tức dàn nhạc tiền trường (orchestre avant Scène) như dương cầm, vĩ cầm, tây ban cầm, hạ uy cầm, cho cả đến đánh trống Jazz cô cũng thông thạo. Cho nên anh chị em trong nghề cũng như khán giả đã mệnh danh Ái Liên là một thiên tài ca nhạc, hay là con chim họa mi bốn mùa của sân khấu kịch trường. Vậy trước khi đề cập đến đoàn hát, tôi cũng nói sơ qua vài nét về người nữ nghệ sĩ thiên tài miền Bắc.
Danh ca Ái Liên tên thật là Lê Thị Liên, sinh năm 1918 tại Hải Phòng, nữ sinh của trường Đức Trí ở đường Cát Giải, Hải Phòng. Thân phụ làm nghề mại bản trên chiếc tàu chạy đường Hải Phòng – Hương Cảng, và đã đưa Ái Liên sang Hồng Kông học các lớp sinh ngữ, do đó cô nói thông thạo nhiều thứ tiếng: Anh, Pháp, Trung Hoa, Nhật và dĩ nhiên tiếng Việt Nam.
Năm 16 tuổi Ái Liên trở về Hải Phòng và chỉ qua một thời gian ngắn học ca hát là cô tham gia các đêm trình diễn từ thiện ở Hà Nội, Nam Định với danh nghĩa tài tử, và sau đó thì được “Hội Kịch Bắc Kỳ” mời cô làm đào chánh thức.
Năm 1937 Ái Liên từng chiếm chức tại hội chợ tơ lụa Hà Đông, rồi cùng thân mẫu (Bà Hai) thành lập gánh hát “Liên Hiệp”. Lúc ấy ở Hà Nội có hai gánh hát lớn đóng đô vĩnh viễn rạp Quảng Lạc, chuyên diễn các vở tuồng Tàu cổ điển, và rạp Hiệp Thành sở trường về loại tuồng ca kịch xã hội. Còn ở Hải Phng thì có gánh Ứng Lập Ban cũng đóng đô tại khu phố Tam Gian. Vì thế gánh Liên Hiệp của Ái Liên không có đất đứng, phải đi diễn khắp các tỉnh miền Bắc, rồi cũng do thiếu kinh nghiệm điều hành nên rã gánh.
Đến cuối năm 1937 thì có gánh hát Đại Phước Cương từ Nam ra Bắc lần thứ hai với thành phần nghệ sĩ trứ danh như: Năm Châu, Từ Anh, Bảy Nhiêu, Năm Phỉ, Ba Vân, Kim Cúc, Kim Lan và Ái Liên xin gia nhập gánh hát này. Sau thời gian ba tháng trình diễn quanh các thành phố lớn ở Bắc Hà, đoàn Đại Phước Cương về Nam thì Ái Liên cũng cùng thân mẫu đi theo đoàn vô Nam.
Nhờ thu thập được một số kinh nghiệm về cải lương, năm 1940 nghệ sĩ Ái Liên trở về Bắc thành lập đoàn Ái Liên, đoàn đã tập dượt thành thuộc 6 vở hat: Tiếng Chuông Chùa, Bóng Người Trong Sương, Ái Tình và Nghệ Thuật, Đời Cô Yến, Chân Ái Tình và Cô Gái Mường. Hầu hết là tuồng xã hội mà vào thời đó người ta gọi là “tuồng Tây” để phân biệt với “tuồng Tàu”, tức tuồng màu sắc lịch sử Trung Hoa như: Phụng Nghi Đình, Lưu Kim Đính, Phàn Lê Huê...
Gánh hát Ái Liên bắt đầu vô Nam với chương trình lưu diễn khắp Đông Dương, đây là lần đầu tiên gánh hát cải lương với thành phần nghệ sĩ toàn là người Bắc ra mắt khán giả trong Nam. Tuy rằng trước đó đã có gánh đồng ấu “Nhật Tân Ban” vào Nam trình diễn rồi, nhưng chỉ với lối ca ngâm theo điệu Phước Châu, Hồ Quảng qua các vở tuồng Tàu cổ điển chớ không phải cải lương.
Trên đường “Nam tiến” đặc biệt này, trước khi vào Sài Gòn, đoàn dừng lại hát ở các thành phố lớn như Nam Định, Thanh Hóa, Huế, Nha Trang, Phan Thiết... và khi gánh hát vào tới miền Nam đã gây nhiều luồng dư luận, nhứt là Hội Ái Hữu Bắc Kỳ đã không khỏi lo âu hồi hộp khi thấy người đồng hương đem chuông đi đánh “xứ người”. Thế nhưng, rất may đoàn Ái Liên trong suốt hai tuần trình diễn tại nhà hát lớn Sài Gòn đã thành công mỹ mãn.
Sau đó theo chương trình ấn định, đoàn đi Lục Tỉnh trình diễn tại Cần Thơ 10 đêm, kế đến là Bạc Liêu và tuần tự đến các tỉnh khác, chỗ nào cũng thành công tương đối. Tiếp đó thì thuê tàu ngược dòng sông Cửu Long lên xứ Chùa Tháp Cao Miên, lúc ấy vào năm 1941.
Gánh hát Ái Liên sang Nam Vang vừa hát được ba đêm tại rạp hát ở đường Boong, thì nhận được tin Hoàng Gia Cao Miên mời vô trình diễn trong Hoàng Cung để Quốc Vương ngự lãm. Buổi hát đặc biệt ấy được tổ chức tại dinh Dạ Lạc Đài (Palais de Fête), nơi đây với kiến trúc khá mỹ quan, hội trường có sân khấu cao, xung quanh toàn là cửa sổ lồng kiếng, đèn thắp sáng trưng, từ ngoài trông vào đúng là một buổi dạ hội hoa đăng tưng bừng, ngoạn mục.
Buổi hát trọng thể đó, Thái Tử Norodom Sihanouk với viên đại úy Pháp tùy tùng (sĩ quan tùy viên) cùng các vị triều thần và hoàng thân quốc thích, song tuyệt nhiên không có bóng một phụ nữ. Đứng trên sân khấu trông ra phía ngoài rất đông người đứng coi tại hành lang các dãy nhà xung quanh.
Hôm đó gánh Ái Liên trình diễn vỡ “Cô Gái Mường” được hoan nghinh nhiệt liệt. Khi vãn tuồng, viên đại úy Pháp (Capitaine Le Bon) mời ông giám đốc đoàn hát và 5 tài tử chánh đi xuống khán đài yết kiến nhà vua, để lãnh hội những lời ca tụng của bậc Thiếu Quân xứ Chùa Tháp. Vua Sihanouk tặng danh ca Ái Liên tấm huy chương rồng vàng (Médaille Dragon d’or) và 4 tài tử chánh gồm: Anh Đệ, Huỳnh Thái, Lan Phương và Phong Trần Tiến thì được ban thưởng một tấm bằng khen danh dự. Một vị Thượng Thư lão thành chuyển giao tới ông giám đốc đoàn hát một phong bì, dù rằng đã hết sức từ chối, rốt cuộc ông giám đốc vẫn phải nhận số bạc 300 đồng Đông Dương coi như là khoản tiền thù lao nghệ sĩ (300 đồng thời đó mua được 5, 6 lượng vàng).
Cũng cần nói thêm hồi Thái Tử Sihanouk vừa làm lễ đăng quang – nối ngôi Tiên Đế băng hà – bởi tình giao hảo lân bang, Vua Sihanouk qua thăm xã giao Vua Bảo Đại. Khi đó gánh Ái Liên đang ở Huế được mời vào diễn chào mừng tại cung nội, song buổi hát đặc biệt ấy bị hoãn bởi vua Cao Miên đang khi tang chế, không tiện hưởng vui nên có hứa hẹn sẽ mời gánh Ái Liên vào thành diễn khi đoàn qua xứ Chùa Tháp.
Toàn ban Ái Liên ra về với sự hân hoan thích thú, nhất là ông giám đốc tỏ vẻ mãn nguyện với sự thành công của buổi hát được kết quả. Ông dành ra một trăm rưỡi tặng thưởng toàn thể anh chị em trong đoàn, còn lại một trăm rưỡi ông giao cả cho người quản lý tùy quyền chi dụng.
Sau khi đã gạt hái thành công ở xứ Chùa Tháp, đoàn Ái Liên về nước bằng đường thủy qua ngả Châu Đốc và trình diễn vòng quanh các tỉnh Rạch Giá, Long Xuyên trước khi gặp lại khán giả ở Sài Gòn. Thời gian này Hòn Ngọc Viễn Đông đang tổ chức hội chợ tại vườn Bờ Rô, sẵn dịp đoàn Ái Liên hát trong hội chợ. (Vườn Bờ Rô cũng gọi là Vườn Ông Thượng, về sau có tên là Công Viên Tao Đàn).
Lần này trở lại Sài Gòn gánh Ái Liên có thêm một tuồng màu sắc do soạn giả Bảy Muôn viết, dựa theo sử thời Nhà Trần, ấy là tuồng Huyền Trân Công Chúa. Khán giả Sài Gòn từng hiểu rõ kỹ thuật diễn xuất của đoàn Ái Liên chỉ sở trường loại tuồng Tây (tuồng xã hội), tất nhiên vở hát tuồng Tàu duy nhứt này sẽ được khách mộ điệu chú ý (khán giả lúc bấy gờ quen gọi tuồng màu sắc là tuồng Tàu, dù là tuồng viết theo sử Việt Nam).
Buổi diễn tuồng màu sắc đầu tiên ấy Ái Liên đóng vai Huyền Trần Công Chúa, nghệ sĩ Huỳnh Thái vai Thượng Tướng Trần Khắc Chung đã thu hút quá đông khán giả. Có nhiều đào kép gánh hát ở miền Nam cũng tới coi, và vì do rạp chật ních nên mấy người này phải đứng coi tại hậu trường.
Lần đi lưu diễn này, đoàn Ái Liên thành công trên mọi phương diện nên khi trở về Bắc Hà, hầu hết nam nữ nghệ sĩ của đoàn đều mãn nguyện mà còn mang theo nhiều cảm tưởng, kỷ niệm tốt đẹp.
Mã an toàn:
Tối 29-9, vòng chung kết xếp hạng cuộc thi "Chuông vàng vọng cổ" 2024 đã diễn ra với phần tranh tài của 3 thí sinh là: Dương Thị Mỹ Nhung, Nguyễn Hùng Vương, Lê Hoàng Nghi tại Nhà hát Truyền hình HTV.
Ý kiến bạn đọc