NSND Lệ Thủy: - Tôi nghĩ nhiều về mẹ của mình. Giới nghệ sĩ sân khấu thuộc thế hệ vàng của Giải Thanh Tâm cách đây mấy ngày đã dự lễ mừng thọ mẹ của nghệ sĩ Phượng Liên. Chúng tôi xúc động bởi trong giới sân khấu cải lương thuộc thế hệ chúng tôi, chỉ duy nhất chị còn mẹ.
Hôm đó, Phượng Liên đã ca bài ca cổ Lòng mẹ, xúc động nói lời cảm ơn mẹ đã sinh ra, nuôi dưỡng chị cho đến ngày trưởng thành. Tôi bồi hồi nhớ đến mẹ của mình, một người phụ nữ tảo tần hôm sớm, làm lụm để nuôi đàn con. Không đợi gì đến ngày 8-3, mà thâm tâm những người con hiếu thảo, luôn cám ơn mẹ về những tháng ngày nhọc nhằn đã nuôi chúng ta khôn lớn.
Thời gian làm lưng mẹ còng xuống, đôi mắt mẹ thâm quầng vì những đêm không ngủ và những nỗi buồn lo mà mẹ đã từng âm thầm chịu đựng suốt những năm tháng nuôi dạy con. Tôi đã khóc khi nghĩ mình muốn tiếp tục chăm sóc, yêu thương, báo hiếu cho mẹ nhưng trong hiện tại mẹ đã không còn.
*Bà có thể kể một vài điều về mẹ của mình...
- Khi tôi ốm, người ở bên giường bệnh chăm sóc tôi ngày đêm là mẹ. Khi tôi gặp thất bại trên đường đời, người ở bên động viên là mẹ. Và khi tôi buồn vì chuyện tình cảm không suôn sẻ, người an ủi cho tôi vẫn là mẹ… Mẹ chính là người tiếp thêm sức mạnh cho tôi. Khi trở thành một người mẹ, tôi càng hiểu và trân quý hơn những gì mẹ đã dành cho tôi khi còn thơ ấu.
*Trải qua bao thăng trầm của nghề diễn, đến nay đã là một phụ nữ thành đạt, hạnh phúc bên chồng con, bà nghĩ mình thành công nhờ vào yếu tố nào?
- Bên tôi có ông xã luôn cảm thông, chia sẻ, có các con hiếu thảo, ngoan hiền và chăm chỉ học hành, cố gắng là một công dân tốt. Tôi còn có một gia đình mà cha mẹ luôn là tấm gương cho các con. Hãy đi ngược thời gian từ ngàn xưa, các mẹ, các chị đã quá nhiều khổ cực, đắng cay. Cả đời họ chỉ lầm lũi, hi sinh vì chồng, con, vì cả đại gia đình chồng. Từ trong khổ đau, bất hạnh, tâm hồn người phụ nữ vẫn sáng lên lấp lánh.
Tôi mới gặp soạn giả NSND Viễn Châu, ông đã viết một bài ca cổ ca ngợi sư hy sinh thầm lặng của người phụ nữ. Họ thật dẻo dai, sâu nặng và nhân hậu bao dung qua ngòi bút của ông: “Bồng bồng con nín con ơi, dưới sông cá lội, trên trời chim bay.Ước gì mẹ có mười tay, tay kia bắt cá, tay này bắn chim…Nuôi con mẹ không tính tháng tính ngày, miễn sao con khôn lớn nụ cười mẹ nở hoa”.
Ở thời nào cũng vậy, vẻ đẹp của người phụ nữ như một hằng số bất biến theo thời gian. Đó là sự nhẫn nại, cam chịu, là sự thuỷ chung son sắt. Dù bao khổ đau, bất hạnh vẫn không thể vùi lấp được vẻ đẹp đó. Nó như những viên ngọc thô mà thời gian, những bất hạnh khổ đau là chất xúc tác mài giũa, càng ngày càng toả sáng. Tôi nghĩ mình thành công từ những bài học, từ sự nhẫn nại của mẹ tôi.
Hồi năm tôi mới 3 tuổi, nhà tôi ở dưới Vĩnh Long bị cháy, ba mẹ tôi phải bồng bế các con lên Sài Gòn lập nghiệp. Mẹ tôi nấu cơm tháng cho công nhân nghèo, ba tôi làm thợ cắt cỏ cho Thảo Cầm Viên. Nhà ở Khánh Hội, quận 4, ngày ngày tôi còn phụ mẹ đi bán bánh. Cực khổ vậy chứ mẹ tôi có bao giờ than!. Yếu tố thành công với tôi chính là bài học nhẫn nại mà mẹ đã dạy cho tôi và bây giờ tôi dạy cho các con mình.
NSND Lệ Thuỷ và NSUT Minh Vương
*Chắc hẳn, các con NSND Lệ Thuỷ cũng hiểu và
trân trọng tình yêu thương của bà dành cho...
- Các con tôi luôn mong mẹ mình vui vẻ, hạnh phúc, được công chúng mãi mãi
yêu thương. Và không chỉ riêng trong ngày 8-3 mà tất cả 365 ngày trong năm,
chúng đều mong tôi hưởng trọn niềm vui bên sự nghiệp đã dày công vun đắp.
Trong một bài ca cổ do Dương Đình Trí sáng tác, con trai tôi viết: “Để con
luôn được nhìn thấy nụ cười, ánh mắt, cho con cảm nhận tình yêu thương của
mẹ suốt đời. Bởi nụ cười của mẹ mới cho con hạnh phúc trọn vẹn khi sống trên
đời này. Trong lòng con rất muốn nói yêu mẹ nhưng con chưa từng làm được
điều ấy. Con run sợ nếu một ngày mẹ không còn ở bên con...”. Tôi là một
người mẹ hạnh phúc và chính vì thế tôi rất thích được diễn những vai có đông
con, mang nhiều nỗi niềm và dù có chịu nhiều vất vả, khổ nhọc vẫn lạc quan,
là tấm gương cho đàn con.
*Vậy còn đối với "ông xã", bà thường nhận món
quà gì từ một nửa yêu thương của đời mình?
- Món quà ngày 8-3 của ông xã tôi rất đơn giản, đó là chụp một bức ảnh để
dán vào quyển album của gia đình. Chúng tôi sống giản dị quen rồi. Những
ngày quan trọng của năm, ví dụ ngày 8-3; ngày sinh nhật; kỷ niệm ngày cưới…chúng
tôi thích ở nhà nấu ăn. Tôi thích nấu chè bưởi, làm món ăn ngon, bánh và
cùng ăn với gia đình.
*Có người nói: “Thế giới không có phụ nữ sẽ
nhạt nhẽo tẻ buồn như một vở kịch không có xung đột, như một cái bánh không
nhân, như một giai thoại không có chất dí dỏm ”… Chị nghĩ sao về câu nói này?
- Tôi đồng ý với câu nói trên nhưng chỉ xin bổ sung thêm một ý rằng phụ nữ
là hoa hồng mà hoa hồng thì phải có gai, có khi đầy gai nhọn. Trong tim
người đàn ông lúc nào cũng muốn tuốt gai nhọn để hái cho nhanh những đóa hoa
hồng và càng nhiều càng tốt. Do vậy, ngày 8-3, cánh đàn ông hãy nhớ cho giùm,
càng cố tuốt gai nhọn tay càng chảy nhiều máu và chỉ có lòng chung thủy mới
chiếm được trái tim yêu.
Câu nói trên còn giúp tôi nhớ đến kịch bản “Sông dài” của soạn giả Hà Triều,
Nguyễn Phương. Bà Hai Sa biết chồng mình có thói trăng hoa, mèo mỡ, bà nuốt
nỗi đau vào lòng, tìm cách chặn đứng những cuộc hẹn hò có thể gây hậu quả,
ảnh hưởng đến mái ấm gia đình của mình. Tôi thích vai diễn này và các tình
huống dẫn đến xung đột. Một số người đàn ông vẫn cứ thích hái hoa hồng dẫu
biết lắm gai nhọn trong khi phụ nữ đôi lúc bỏ hết "gai" của mình để bảo vệ
tốt nhất hạnh phúc gia đình.
*Nhưng nếu trái đất này không có đàn ông thì
phụ nữ sẽ làm gì khi mà hoa hồng cứ “mọc thêm gai”?
- Thật đúng là “Nếu trái đất này không có đàn ông” thì “hạnh phúc chẳng bao
giờ có được”. Nhưng cuộc sống của chúng ta cần sự bình đẳng giữa đàn ông và
phụ nữ. Trời sinh hoa hồng có gai thì cũng sinh đàn ông thích cầm dao để
tuốt gai nhọn, sở hữu hoa hồng. Nhưng sẽ thiếu sự công bằng nếu sự chiếm hữu
đó không xuất phát từ sự rung động của con tim.
NSND Lệ Thủy và NSƯT Minh Vương, Hữu Châu, NS Cao Thúy Vy, Võ Minh Lâm, Đại
Nghĩa trong vở Tô Ánh Nguyệt (Sân khấu Vàng)
NSND Lệ Thủy tặng hoa chúc mừng thầy nhân ngày nhà giáo VN - NSND soạn giả
Viễn Châu
Bài và ảnh: Thanh Hiệp
Ý kiến bạn đọc