Đang truy cập : 162
•Máy chủ tìm kiếm : 40
•Khách viếng thăm : 122
Hôm nay : 19854
Tháng hiện tại : 2194572
Tổng lượt truy cập : 88501173
Tối 29-9, vòng chung kết xếp hạng cuộc thi "Chuông vàng vọng cổ" 2024 đã diễn ra với phần tranh tài của 3 thí sinh là: Dương Thị Mỹ Nhung, Nguyễn Hùng Vương, Lê Hoàng Nghi tại Nhà hát Truyền hình HTV.
hđ
Sau gần 4 tháng thanh tra dự án này, ngày 11-7-2016, Thanh tra TP HCM đã có kết luận và được UBND TP đồng thuận.
Thiết kế sai quy chuẩn
Đúng như những gì Báo Người Lao Động đã thông tin trong bài viết “Nhà hát chưa dùng đã gây bức xúc (số ra ngày 8-4-2015), Trung tâm Nghệ thuật Cải lương Hưng Đạo (được xây dựng trên nền rạp hát Hưng Đạo - số 136 Trần Hưng Đạo, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, TP HCM) dự kiến bàn giao cho Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang quản lý và sử dụng từ ngày 10-4-2015 để kịp làm lễ khánh thành vào ngày 18-4. Tuy nhiên, đơn vị này không chịu nhận vì quá nhiều lỗi trong thiết kế, xây dựng, không phù hợp với nhu cầu biểu diễn của sân khấu cải lương hiện đại như tiêu chí đặt ra. Vì thế, công trình này đã “trùm mền” hơn 1 năm.
Thành ngữ Việt Nam có câu “Lấy thúng úp voi”, dự án công trình Trung tâm Biểu diễn Nghệ thuật Cải lương Hưng Đạo làm ngược lại là “đặt voi vào thúng”, thể hiện qua việc thực hiện thiết kế và công tác thẩm định, phê duyệt dự án.
Theo kết luận thanh tra, trong quá trình triển khai thực hiện dự án, do năng lực của chủ đầu tư (Ban Quản lý xây dựng công trình - Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TP HCM, nay là Sở Văn hóa - Thể thao TP; Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang) và một số đơn vị tư vấn yếu kém, chưa có nhiều kinh nghiệm đối với loại hình đặc thù về nghệ thuật cải lương nên đã xảy ra nhiều sai phạm.
Tại thời điểm ban đầu lập dự án, về quy mô số lượng chỗ ngồi khán giả theo thiết kế là 628 ghế. Với số lượng ghế ngồi này đòi hỏi diện tích khuôn viên đất cần phải có tối thiểu là 3.768 m2. Tuy nhiên, diện tích khu đất sử dụng cho dự án chỉ 929 m2 là không bảo đảm so với quy chuẩn quy định. Dự án trung tâm nghệ thuật cải lương là công trình văn hóa có quy mô cấp 2 nên không phải thi công kiến trúc cơ sở theo quy định tại Thông tư 05 ngày 12-4-2005 của Bộ Xây dựng.
Chủ đầu tư Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang giai đoạn từ 2008 đến 2012 đã chọn đơn vị tư vấn không đủ năng lực, kinh nghiệm để lập dự án, điều chỉnh các nội dung so với thiết kế cơ sở như lối đi - hành lang độ dốc khán phòng, cao độ sàn tầng trệt... Nhà hát thiếu kinh nghiệm, không có năng lựcquản lý dự án đầu tư xây dựng, không giám sát đơn vị tư vấn thiết kế dẫn đến việc triển khai kéo dài, gây lãng phí thời gian và kinh phí đầu tư. Dự án đã được phê duyệt từ tháng 8-2009 nhưng nhà hát chậm trễ trong việc thực hiện công tác thiết kế - tổng dự toán, tổ chức đấu thầu thi công, triển khai thi công chậm và không phù hợp quy định.
Đơn vị tư vấn quản lý dự án thiếu năng lực, kinh nghiệm; không làm tròn trách nhiệm tư vấn điều hành quản lý dự án cho chủ đầu tư, làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện. Đơn vị tư vấn lập dự án nhưng khảo sát hiện trạng không chính xác, lập báo cáo hiện trạng không phù hợp với thực tế. Đơn vị tư vấn thiết kế trong quá trình lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật thi công, dự toán công trình đã thay đổi so với kết quả thẩm định thiết kế cơ sở và quyết định phê duyệt dự án của Sở Xây dựng TP HCM là thực hiện chưa đúng quy định.
Đơn vị thẩm tra hồ sơ thiết kế kỹ thuật thi công, dự toán công trình đã không yêu cầu chủ đầu tư cung cấp đầy đủ hồ sơ pháp lý liên quan để tiến hành so sánh đối chiếu hồ sơ thiết kế kỹ thuật thi công với hồ sơ thiết kế cơ sở được duyệt.
Từ năm 2012, chủ đầu tư là Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình - Sở Văn hóa - Thể thao TP HCM phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công và tổng dự toán, thay đổi thiết kế so với kết quả thẩm định thiết kế cơ sở và quyết định phê duyệt dự án của Sở Xây dựng TP là không thực hiện đúng quy định. Chủ đầu tư chưa xác định rõ trách nhiệm của các đơn vị tư vấn trong việc tính toán phương án móng, công suất trạm biến áp, máy phát điện dự phòng, quy mô số lượng chỗ ngồi khán giả không bảo đảm... dẫn đến phải điều chỉnh thiết kế, thời gian thực hiện dự án và tổng mức đầu tư, kéo dài thời gian thực hiện từ tháng 11-2007 đến tháng 3-2015.
Đấu thầu không đúng quy định
Theo kết quả thanh tra, việc thực hiện đấu thầu các gói thầu trong dự án có nhiều sai phạm. Dự án có 13 gói thầu thực hiện theo hình thức chỉ định thầu, trong đó 10 gói thầu có giá trị dưới 500 triệu đồng. Ban quản lý dự án thực hiện hình thức đấu thầu rút gọn. Tuy nhiên, có 6 gói thầu không thực hiện thương thảo hợp đồng là không đúng quy định.
Về việc xây dựng hồ sơ yêu cầu của gói thầu tư vấn giám sát thi công xây lắp, ban quản lý dự án lập hồ sơ không yêu cầu về năng lực tài chính của nhà thầu; việc kiểm tra hồ sơ đề xuất của Công ty CP Thành Trung chưa chặt chẽ, hợp đồng kinh nghiệm không đính kèm biên bản thanh lý hợp đồng, không có tài liệu xác định cấp công trình, do đó không thực hiện đúng quy định lập hồ sơ mời thầu mua sắm hàng hóa.
Gói thầu tư vấn lập thiết kế kỹ thuật thi công và tổng dự toán công trình, ban quản lý dự án tiếp tục ký thêm 2 phụ lục là thực hiện không đúng quy định về hợp đồng.
Về gói thầu trạm biến áp 800 KVA, nhật ký công trình ghi chép sơ sài, không thể hiện đầy đủ quá trình thi công, xây dựng, nghiệm thu. Tháng 4-2015 mới có kết quả thí nghiệm nhưng các biên đã ký biên bản nghiệm thu hoàn thành công trình đưa vào sử dụng từ ngày 31-3-2015 là không đúng trình tự.
Về gói thầu ghế khán phòng, hồ sơ thiết kế không phù hợp với tiêu chuẩn yêu cầu là so le vị trí giữa các hàng ghế, dẫn đến việc thi công đã hoàn chỉnh theo thiết kế phải chỉnh sửa, tháo dỡ lưu kho 22 ghế nên gây lãng phí; không bố trí nơi dành cho người khuyết tật.
Đối với gói thầu thiết bị âm thanh, ánh sáng, phông màn, sàn nâng sân khấu, Công ty Tư vấn thiết kế xây dựng M.E.C.C tư vấn lập hồ sơ mời thầu không yêu cầu nhà thầu bảo đảm có hợp đồng cung cấp hàng hóa tương tự với hàng hóa của gói thầu đang xét về chủng loại, tính chất và quy mô. Ba hợp đồng của Công ty CP Lê Bảo Minh đưa vào hồ sơ dự thầu đều chưa đạt điều kiện tiêu chuẩn đánh giá về năng lực và kinh nghiệm nhà thầu; thực hiện không đúng trong việc lập và phê duyệt hồ sơ mời thầu theo quy định.
Công ty CP Lê Bảo Minh cung cấp các thiết bị âm thanh có sai lệch ký mã hiệu gồm 11 hạng mục hàng hóa với tổng giá trị đã bao gồm thuế là hơn 2 tỉ đồng; sai lệch xuất xứ, nguồn gốc của 24 thiết bị đèn với giá dự thầu là hơn 1,1 tỉ đồng.
Chi phí giám sát lắp đặt và kiểm tra hệ thống, đào tạo, hướng dẫn sử dụng và chuyển giao công nghệ với tổng giá trị hơn 959 triệu đồng, hồ sơ không thể hiện cụ thể về chương trình đào tạo và kết quả công nhận trình độ chuyên môn của người được đào tạo theo nội dung hợp đồng.
Công ty CP Thành Trung thực hiện công tác tư vấn giám sát thi công nhưng thiếu trách nhiệm, để cho nhà thầu thi công (Công ty CP Lê Bảo Minh) đưa các thiết bị vào công trình (chưa lắp đặt) có sai lệch ký mã hiệu gồm 11 mục hàng hóa thiết bị âm thanh và sai lệch xuất xứ, nguồn gốc của thiết bị 24 đèn.
Hiện nay, do vị trí lắp đặt một số trang thiết bị chưa đạt yêu cầu của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang nên chủ đầu tư thực hiện chỉnh sửa, chưa bàn giao công trình để đưa vào sử dụng. Do đó, tiến độ thực hiện dự án không đúng theo chỉ đạo của UBND TP HCM.
Không mang lại hiệu quả đầu tư
Theo kết quả thanh tra, việc thiết kế một số hạng mục chưa phù hợp với mục đích sử dụng cho loại hình sân khấu cải lương. Sàn diễn sân khấu chính thiết kế miệng sân khấu 10 m là chưa bảo đảm theo tiêu chuẩn quy định. Vị trí lắp đặt hệ thống âm thanh, đèn, ghế ngồi khán giả, bàn điều khiển âm thanh, ánh sáng tại khán phòng chính chưa phù hợp theo yêu cầu của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang.
Đáng nói, dự án thay đổi tổng mức đầu tư từ hơn 59 tỉ đồng lên hơn 132 tỉ đồng là do thay đổi quy mô, bổ sung khối lượng diện tích sàn xây dựng, sai sót trong quá trình thực hiện hồ sơ thẩm định thiết kế cơ sở của chủ đầu tư và việc thẩm định, phê duyệt dự án ban đầu của Sở Xây dựng TP HCM, thay đổi bổ sung một số trang thiết bị chuyên dụng và điều chỉnh chi phí nhân công, ca máy, trượt giá nguyên - vật liệu xây dựng…
Do dự án thực hiện kéo dài dẫn đến yếu tố trượt giá vật tư xây dựng qua các năm, làm thay đổi chi phí tổng mức đầu tư được duyệt; quy đổi chỉ số giá năm 2012 so với chỉ số giá năm 2009 là 140,2% làm tăng chi phí 23,856 tỉ đồng, gây lãng phí ngân sách nhà nước.
Việc thay đổi tổng mức đầu tư không chỉ do thay đổi về giá mà còn vì thay đổi nội dung của thiết kế cơ sở do năng lực chủ đầu tư, đơn vị tư vấn lập dự án yếu kém, làm cho dự án kéo dài, không mang lại hiệu quả đầu tư.
Kỳ tới: Xử lý trách nhiệm thế nào?
năng lực, đơn vị, thiết kế, tư vấn, giám sát, cơ quan, quản lý, trách nhiệm, dự án, nhà hát, hiệu quả
Mã an toàn:
Tối 29-9, vòng chung kết xếp hạng cuộc thi "Chuông vàng vọng cổ" 2024 đã diễn ra với phần tranh tài của 3 thí sinh là: Dương Thị Mỹ Nhung, Nguyễn Hùng Vương, Lê Hoàng Nghi tại Nhà hát Truyền hình HTV.
Ý kiến bạn đọc