Đang truy cập : 188
•Máy chủ tìm kiếm : 1
•Khách viếng thăm : 187
Hôm nay : 22070
Tháng hiện tại : 2196788
Tổng lượt truy cập : 88503389
Tối 29-9, vòng chung kết xếp hạng cuộc thi "Chuông vàng vọng cổ" 2024 đã diễn ra với phần tranh tài của 3 thí sinh là: Dương Thị Mỹ Nhung, Nguyễn Hùng Vương, Lê Hoàng Nghi tại Nhà hát Truyền hình HTV.
Cần Thơ
Nằm ở trung tâm TP năng động và phồn vinh nhất miền Tây là Cần Thơ, Nhà hát Tây Đô - rạp hát duy nhất của thủ phủ miền Tây - nhiều năm nay rơi vào tình trạng vắng khách, thậm chí không có buổi diễn nào suốt năm.
Chỉ là nơi diễn tập
Năm 2007, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) TP Cần Thơ thành lập Nhà hát Tây Đô (số 105 Trần Hưng Đạo, phường An Phú, quận Ninh Kiều) trên cơ sở sửa chữa, nâng cấp rạp Hậu Giang cũ với kinh phí khoảng 7 tỉ đồng. Rạp có 550 ghế, diện tích khoảng 1.000 m2, gồm 2 đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp là Đoàn Cải lương Tây Đô và Đoàn Ca múa kịch Lưu Hữu Phước. Chức năng của nhà hát là tổ chức các loại hình nghệ thuật chuyên nghiệp, như: cải lương, ca múa nhạc, kịch nói; đào tạo, truyền nghề, nghiên cứu, bảo tồn đối với các loại hình nghệ thuật dân gian, như: Dân ca Nam Bộ, nhạc lễ Nam Bộ, hát bội... Sự ra đời của Nhà hát Tây Đô thời điểm này đã nhen nhóm cho hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp của TP Cần Thơ nói riêng và vùng Tây Nam Bộ nói chung.
Nhà hát Tây Đô với mặt tiền ngán ngại đối với nhà tổ chức
Tuy nhiên, ông Hồng Quốc Khánh, Giám đốc Nhà hát Tây Đô, giãi bày: “Hồi mới thành lập, nhà hát còn có 1-2 suất diễn/tháng. Tuy nhiên, khoảng vài năm trở lại đây, các chương trình cứ thưa dần, thỉnh thoảng mới có suất diễn, phần lớn nhà hát chỉ để là nơi tổng duyệt chương trình của đoàn cải lương, ca múa nhạc hoặc làm nơi cho diễn viên, nghệ sĩ đến đây tập dượt”.
Một trong những hạn chế lớn nhất là nhà hát này chỉ thiết kế có 550 ghế, quá ít ghế và sân khấu nhỏ nên khó tổ chức các chương trình nghệ thuật có bán vé. Muốn bán vé chương trình phải mời nghệ sĩ tên tuổi từ
TP HCM xuống biểu diễn. “Nhưng ca sĩ như Mỹ Tâm, Lệ Quyên, Đàm Vĩnh Hưng... nếu mời họ xuống Cần Thơ biểu diễn thì tiền cát-sê lên đến hàng trăm triệu đồng cho mỗi đêm diễn nên cần khán phòng rộng, có chỗ ngồi vài ngàn ghế mới thu đủ bù chi. Do đó, mỗi lần họ xuống đây thì chỉ biểu diễn ở nhà thi đấu đa năng hoặc sân vận động Cần Thơ. Ngoài ra, mỗi cặp vé bán ra nếu có những ngôi sao này phải từ 3 triệu đồng trở lên, nếu biểu diễn trong nhà hát, ghế ít sẽ không thu lại được tiền để trả cho ca sĩ” - ông Khánh nói.
Một nghịch lý khác là Nhà hát Tây Đô không có chỗ để xe nên các đơn vị muốn thuê để tập dượt, biễu diễn phải cân nhắc. Nhà hát này nằm ngay con lươn, phía trước đường Trần Hưng Đạo có phần lề đường chỉ dựng được vài chiếc xe máy. Ông Khánh phản ánh: “Mỗi khi có chương trình, chúng tôi phải nhờ công an, dân phòng phường đem xe qua gửi ở con hẻm chỗ Ban Quản lý các KCN-KCX cách đó vài trăm mét. Nếu mấy sô diễn có nghệ sĩ nổi tiếng, chắc chắn sẽ thu hút nhiều khách thì phải thuê chỗ gửi xe khách ở đường Châu Văn Liêm, cách đó 2 km. Chính điều này mà nhà hát vuột nhiều sô tổ chức sự kiện, hội diễn”.
Kêu gọi xã hội hóa
Theo nhạc sĩ Nguyễn Bá Huy, người nhiều năm gắn bó với Nhà hát Tây Đô, những ngày mới thành lập là thời kỳ sáng đèn nhất của nhà hát. Do thời kỳ này internet, điện thoại di động, truyền hình cáp chưa phát triển mạnh mẽ, người miền Tây cũng đam mê cải lương nên đến nhà hát xem nghệ sĩ biểu diễn là rất “oách”. “Ngày nay, cái gì cũng có trên mạng, thậm chí họ xem xong rồi tải về hoặc thu lại để nghe. Còn cải lương giờ rất ít người xem vì giới trẻ toàn xem ca sĩ trẻ, đẹp nổi tiếng nên nhà hát cứ vắng khách” - nhạc sĩ Bá Huy nói.
Đối với những ca sĩ, diễn viên tên tuổi được trả cát-sê cao nhưng đối với các nghệ sĩ ở Nhà hát Tây Đô, tiền cát-sê mỗi bài hát chỉ hơn 100.000 đồng. Ông Khánh cho biết: “Đối với anh chị em nghệ sĩ cải lương ở nhà hát, chúng tôi không bắt buộc họ làm giờ hành chính. Khi nào tập dượt để biểu diễn thì tập hợp họ lại. Còn ngày thường họ có thể đi hát ở đám, tiệc... để có thêm thu nhập nhưng quy định là không làm mất hình tượng người nghệ sĩ”.
Năm 2014, Bộ VH-TT-DL đã ban hành đề án “Đưa các chương trình hoạt động văn hóa phục vụ vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2014-2020” với mục tiêu giảm khoảng cách chênh lệch thời lượng và chất lượng được thụ hưởng các loại hình và sản phẩm văn hóa, nghệ thuật giữa đồng bào những nơi này với vùng đồng bằng, thành thị... Theo ông Khánh, với chỉ đạo này, mỗi năm Nhà hát Tây Đô phải biểu diễn 100 suất (chia đều cho 2 đoàn nghệ thuật trực thuộc) phục vụ chủ yếu người dân ở vùng ven, những nơi xa trung tâm thành phố, ít có cơ hội tiếp cận với các phương tiện giải trí.
Theo ông Khánh, trong năm 2017 sẽ kêu gọi xã hội hóa để khai thác Nhà hát Tây Đô với thời lượng có chương trình biểu diễn mỗi tháng một lần để nhà hát sáng đèn. UBND TP cũng có chủ trương xây dựng nhà hát lớn thành phố với 1.500 ghế, sân khấu hoành tráng sẽ có nhiều chương trình lớn đến biểu diễn.
Nhà hát hiện đại chỉ có vài buổi diễn
Bạc Liêu xây dựng được nhà hát hiện đại nhất khu vực ĐBSCL: Nhà hát Nón lá. Nhà hát này nằm tại Quảng trường Hùng Vương thuộc địa bàn phường 1, TP Bạc Liêu, có tên chính thức là Nhà hát Cao Văn Lầu và Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Bạc Liêu. Vì được xây dựng theo mô hình 3 chiếc nón lá nên người ta hay gọi là Nhà hát Nón lá.
Hiện tại, nhà hát lớn nhất miền Tây này đang được Ban Quản lý dự án xây dựng dân dụng và công nghiệp tỉnh Bạc Liêu khai thác, sử dụng. Tuy nhiên, từ khi đưa vào sử dụng gần năm nay, nơi đây chỉ mới tổ chức được vài cuộc thi, biểu diễn văn nghệ. Phần lớn công trình chưa được sử dụng hết công năng. “Chúng tôi đang làm tờ trình UBND tỉnh bàn giao công trình nhà hát về Sở VH-TT-DL quản lý, khai thác. Dự kiến, khi tiếp nhận công trình này, chúng tôi sẽ sử dụng khối nhà A với khán phòng hơn 850 ghế để tổ chức biểu diễn các chương trình nghệ thuật truyền thống dân tộc; khối nhà B và C sẽ làm khu trưng bày triển lãm, bảo tàng” - bà Cao Xuân Thu Vân, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Bạc Liêu, cho biết.
D.Nhân
Tại TP HCM, Nhà hát Thành phố, Nhà hát Hòa Bình, Trung tâm Ca nhạc Lan Anh, Nhà hát Bến Thành… được xem là những nơi “chuyên dụng” cho hoạt động biểu diễn ca nhạc. Tần suất sáng đèn của những địa điểm này phản ánh rõ nét bộ mặt của thị trường biểu diễn. Hiện nay, hiếm hoi mới có một chương trình biểu diễn nghệ thuật, lịch biểu diễn của các nhà hát này gần như trống trơn.
Ảm đạm
Đó là cách nói thậm xưng của người trong giới khi đề cập tình hình biểu diễn của các nhà hát hiện nay. Thi thoảng, lịch diễn nhà hát được đánh dấu với sự kiện là chương trình tri ân khách hàng của một nhãn hàng hay lễ phát bằng cho học viên của một trường đào tạo nào đó.
Nhà hát Hòa Bình gần như là địa điểm duy nhất có 1-2 live show ca sĩ diễn ra xen kẽ với vài hoạt động sự kiện của các nhãn hàng. Live show “Dòng sông lơ đãng” của nhạc sĩ Việt Anh vào tháng 6 vừa qua diễn ra hiếm hoi giữa các hoạt động lễ tốt nghiệp, chung khảo khu vực miền Nam cuộc thi Hoa hậu Việt Nam hay chương trình ca nhạc truyền hình định kỳ. Còn lại các tháng 7, 8 và 9, lịch diễn của nhà hát này hầu như trống trơn ngoài vài sự kiện lễ phát bằng, tri ân khách hàng hay hội nghị ngành thuế.
Đến tháng 10, Nhà hát Hòa Bình mới có live show ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng“mở hàng” cùng vở nhạc kịch “Chuyện tình nàng Giáng Hương” đã lên kế hoạch từ lâu. Đến tháng 12, Nhà hát Hòa Bình mở màn trở lại với 2 live show 5 đêm diễn của Quang Lê và Chí Tài.
Lịch diễn của Nhà hát Hòa Bình cho thấy nơi đây còn sống lay lắt. Trong khi đó, Trung tâm Ca nhạc Lan Anh hoàn toàn vắng bóng các chương trình biểu diễn nghệ thuật. Nhà hát Thành phố từ nhiều năm nay vốn là nơi chủ yếu diễn ra những chương trình biểu diễn định kỳ phục vụ du khách nên ổn định hơn. Riêng Nhà hát Bến Thành bây giờ gần như trở thành sân khấu kịch.
Khán giả quay lưng
Một trong những lý do khiến các nhà hát rất ít khi sáng đèn là sự quay lưng của khán giả. Đạo diễn Trần Vi Mỹ bày tỏ: “Người làm nghề thực sự đau lòng khi chứng kiến đến 70% anh em làm những công việc liên quan đến thị trường biểu diễn đang rơi vào tình trạng thiếu việc làm, thậm chí thất nghiệp”.
Theo nhạc sĩ Lê Quang, khi được truyền hình “phục vụ tận giường ngủ”, khán giả không còn nhu cầu phải đến nhà hát. Thậm chí, nếu muốn xem miễn phí nghệ sĩ biểu diễn, khán giả có thể trực tiếp đến trường quay các chương trình truyền hình giải trí. “Các chương trình truyền hình hiện nay, ở trong thế cạnh tranh khắc nghiệt, cũng tăng dần mức độ thu hút sự chú ý của công chúng nên ở đó, khán giả được gặp toàn những ngôi sao hàng đầu mà chẳng mất tiền” - nhạc sĩ Lê Quang cho biết.
Thực tế, giá thuê nhà hát để tổ chức các chương trình biểu diễn đã giảm so với nhiều năm trước đây. 130 triệu đồng bao gồm cả thời gian để chuẩn bị, lắp ráp sân khấu, tập chương trình và đêm diễn là giá hợp lý, thậm chí rẻ của Nhà hát Hòa Bình. Trong khi đó, giá thuê sân khấu ca nhạc Lan Anh chỉ còn 55 triệu đồng (trước đây là 70 triệu đồng), gồm cả thời gian ráp sân khấu, chạy chương trình và đêm diễn.
Ông Tất My Long, cựu quản lý Nhà hát Hòa Bình, khẳng định: “Tình hình kinh tế khó khăn là nguyên nhân khiến thị trường biểu diễn vốn đã buồn bã càng thêm ảm đạm”.
Nhiều ý kiến cho rằng muốn kéo được khán giả đến nhà hát đòi hỏi phải có những chương trình thật sự thu hút. Thế nhưng, trong tình hình hiện nay, đòi hỏi đó đối với các nhà hát và giới tổ chức biểu diễn là “lực bất tòng tâm”.
“Nhìn khắp TP HCM, có nhà hát nào ra hồn đâu? Nhà hát Thành phố bảo đảm được chất lượng nhưng sức chứa quá nhỏ, trong khi những nơi khác cơ sở vật chất quá cũ kỹ, lỗi thời so với tiến độ phát triển về công nghệ hiện nay. Vậy nên, nghệ sĩ có muốn làm chương trình sáng tạo, giới kinh doanh muốn làm chương trình bán vé cũng không biết làm chỗ nào” - nghệ sĩ Hữu Luân, Giám đốc Trung tâm Tổ chức Biểu diễn và Điện ảnh TP HCM, băn khoăn.
Một đạo diễn tên tuổi cho biết Nhà hát Hòa Bình chỉ là giải pháp tạm chấp nhận khi tổ chức chương trình có đầu tư lớn. “Nhưng làm ở đây, những người tổ chức rất đau đầu khi phải tính toán cân bằng giữa chi phí đầu tư với chất lượng của chương trình. Chất lượng tạm ổn thì không đáp ứng được yêu cầu của khán giả, còn đầu tư cao thì thu không đủ bù chi” - đạo diễn này phân tích.
Riêng Trung tâm Ca nhạc Lan Anh, giới làm sô đã “chạy dài” vì “dớp” ế vé. Ông bầu Quang Chí lý giải: “Trước đây, Lan Anh thường là địa điểm mà các nhãn hàng lựa chọn để tổ chức các chương trình tri ân khách hàng, tức là chương trình không bán vé, điều đó đã thành nếp trong suy nghĩ của khán giả. Nhiều chương trình được tổ chức ở đây đã phải hủy bỏ vì quá vắng khán giả. Vì vậy, sân khấu này đã bị loại khỏi danh sách lựa chọn điểm diễn của các đơn vị tổ chức chương trình có bán vé”.
Theo những người làm nghề, khi khán giả không đến nhà hát, giới kinh doanh nghệ thuật cũng không đủ can đảm đầu tư liều lĩnh. Nhà hát không đủ sức tự kinh doanh tổ chức biểu diễn nên phải đóng cửa, tối đèn là điều tất yếu.
Tự cứu mình
Về giải pháp cứu nguy nhà hát, ông Hữu Luân nhìn nhận: “Chỉ có thể dựa vào chính mình khi văn hóa chưa được nhà nước ưu tiên đầu tư như hiện tại”. Cách làm của Nhà hát Thành phố là tận dụng lợi thế địa điểm trung tâm TP HCM để tập trung xây dựng các chương trình phục vụ du khách nước ngoài như: múa rối nước, biểu diễn tạp kỹ trống Việt Nam, hát bội - tuồng - ca trù, múa “Lục cúng hoa đăng”, biểu diễn đàn đá, cồng chiêng, bộ gõ Tây Nguyên, nhã nhạc cung đình Huế, ca múa nhạc dân tộc độc đáo, cải lương... hay chương trình múa đương đại.
Với nhiều nhà hát khác, do lâu nay chỉ hoạt động theo hình thức kinh doanh địa điểm là chính nên không thể tự đầu tư kinh doanh chương trình biểu diễn trong tình hình khán giả quen xem miễn phí, như bày tỏ của người quản lý những nơi này.
Mã an toàn:
Tối 29-9, vòng chung kết xếp hạng cuộc thi "Chuông vàng vọng cổ" 2024 đã diễn ra với phần tranh tài của 3 thí sinh là: Dương Thị Mỹ Nhung, Nguyễn Hùng Vương, Lê Hoàng Nghi tại Nhà hát Truyền hình HTV.
Ý kiến bạn đọc