Đang truy cập : 212
•Máy chủ tìm kiếm : 1
•Khách viếng thăm : 211
Hôm nay : 21144
Tháng hiện tại : 2195862
Tổng lượt truy cập : 88502463
Tối 29-9, vòng chung kết xếp hạng cuộc thi "Chuông vàng vọng cổ" 2024 đã diễn ra với phần tranh tài của 3 thí sinh là: Dương Thị Mỹ Nhung, Nguyễn Hùng Vương, Lê Hoàng Nghi tại Nhà hát Truyền hình HTV.
* Cảm hứng cho "Hoa trắng thôi cài trên áo tím"
Năm 1958, bài thơ "Hoa trắng thôi cài trên áo tím" của nhà thơ Kiên Giang - một cái tên còn mới mẻ trên văn đàn miền Nam - gây xôn xao dư luận. Câu chuyện tình đầy xúc động của đôi trai gái thuở "binh lửa xóa không gian" đã làm lay động hàng triệu độc giả, và cho đến tận hôm nay. Thông qua một số tài liệu mà cố nhà thơ Kiên Giang đã cung cấp và kể lại cho soạn giả Nhâm Hùng, bài viết "Nhà thơ Kiên Giang và hồi ức Hoa trắng thôi cài trên áo tím" của nhà báo Hà Đình Nguyên (2002), cùng với quá trình tìm hiểu của chúng tôi về nhân vật "nàng thơ" trong bài thơ trên, một câu chuyện tình vừa thực vừa hư của nhà thơ Kiên Giang với cô gái đất Tây Đô được sáng tỏ.
Năm 17 tuổi, nhà thơ Kiên Giang rời vùng quê Đông Thái - Kiên Giang lên Cần Thơ học lớp đệ nhị ở Trường Tư thục Nam Hưng (nền đất cũ nay ở đường Phan Đình Phùng, đoạn UBND phường An Lạc, quận Ninh Kiều). Với tài văn chương, ông được phân công biên tập và trình bày tờ báo học trò chép tay của trường với tên gọi "Ngày xanh". Trong nhóm bút xanh ấy, có cô gái tên Nh., người Cần Thơ, chuyên chép bài vở trong tờ báo vì chữ rất đẹp. Cô theo đạo Thiên Chúa, mỗi Chủ nhật thường đi nhà thờ cầu nguyện nên nhà thơ cứ theo sau ngắm người đẹp mỗi khi tan lễ:
"Thuở ấy anh hiền và nhát quá
Nép mình bên gác thánh lầu chuông
Để nghe khe khẽ lời em nguyện
Thơ thẩn chờ em trước thánh đường"
Và theo xác nhận của nhà thơ Kiên Giang với ông Nhâm Hùng, nhà thờ ấy là nhà thờ Chánh Tòa Cần Thơ (hiện nằm ở đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận Ninh Kiều).
Cuộc kháng chiến 9 năm chống Pháp (1945-1954), việc học hành bị gián đoạn, nhà thơ Kiên Giang tham gia kháng chiến. Theo bút tích của nhà thơ Kiên Giang trong một bản in bài thơ tặng cho ông Nhâm Hùng xác nhận, bài thơ được sáng tác vào năm 1958 tại hồ Chung Thủy (Bến Tre). Cũng theo soạn giả Kiên Giang, sau khi chia tay xóm đạo và cô bạn học "Hoa trắng cài duyên trên áo tím", ông có gặp lại cô 2 lần tại Sóc Trăng và Cần Thơ. Khi ấy, mỗi người đều có gia đình riêng và ai cũng cố lãng quên thuở học trò. Ông Nhâm Hùng kể lại, hơn chục năm trước mỗi lần về Cần Thơ, nhà thơ Kiên Giang đều mua bó hoa trắng viếng mộ "nàng thơ" (bà Nh. mất năm 1998). Phải chăng, nhà thơ hào hoa ấy muốn làm đúng với những vần thơ của chính mình:
"Anh kết vòng hoa màu trắng lạnh
Từng cài trên áo tím ngây thơ
Hôm nay vẫn đóa hoa màu trắng
Anh kết tình tang gởi xuống mồ"
Từ cảm hứng cô gái đất Tây Đô, nhà thơ Kiên Giang đã cảm tác nên "Hoa trắng thôi cài trên áo tím" và trở thành một nhà thơ tên tuổi. Cái duyên với Cần Thơ còn ở chỗ, bài thơ sau đó được nhạc sĩ Huỳnh Anh - một người con đất Cần Thơ - phổ nhạc và vang danh cả nước (nhạc sĩ Huỳnh Anh là tác giả các bài hát: "Mưa rừng", "Rừng chưa thay lá"…, là con trai nhạc sư Sáu Tửng và là anh của nghệ nhân ca tài tử Bạch Huệ).
Bút tích của nhà thơ Kiên Giang gửi soạn giả Nhâm Hùng. Ảnh: DUY KHÔI
* Nặng lòng với Cần Thơ
Lần giở những bút tích, kỷ vật mà nhà thơ Kiên Giang trao truyền, soạn giả Nhâm Hùng rưng rưng cảm xúc vì sự ra đi quá đột ngột của ông. Ông Nhâm Hùng kết thân với nhà thơ Kiên Giang cách đây gần 20 năm trước khi ông thực hiện chương trình "Giai điệu đồng bằng" cho Đài PT-TH Cần Thơ (cũ). Như một căn duyên, vào đúng ngày 28-10-2014, tức ngày soạn giả Kiên Giang đột quỵ và hôn mê sâu, ông Nhâm Hùng cùng nhà thơ vô tình gặp gỡ trong trạm dừng chân của chuyến xe đi TP Hồ Chí Minh. Hỏi ra mới biết, đọc báo thấy tin một sản phụ bị tai nạn thai nhi rớt ra ngoài đang nguy kịch, nhà thơ Kiên Giang ở tuổi 87, từ Long Xuyên tất tả lên TP Hồ Chí Minh quyên tiền giúp đỡ cháu bé. Nhưng tâm nguyện chưa kịp thực hiện, ông đã hôn mê sâu…
Nhắc lại thuở làm "Giai điệu đồng bằng", ông Nhâm Hùng xúc động: "Nghe dân Cần Thơ là chú nhiệt tình, lôi hết tài liệu, trí nhớ mà chia sẻ". Từ những soạn giả kinh điển như: Hà Triều - Hoa Phượng, Vĩnh Điền, gặp gỡ NSND Bảy Nam, NSND Kim Cương… đều được nhà thơ Kiên Giang dẫn tới nhà giới thiệu với lời nhắn nhủ: "Tụi nó từ Cần Thơ lên đó nghe, ráng giúp để anh em hoàn thành nhiệm vụ". Chính nhà thơ Kiên Giang đã phát hiện ra "cha đẻ" vở cải lương kinh điển "Tiếng trống Mê Linh" - soạn giả Vĩnh Điền là người con Hậu Giang - Cần Thơ và sau này được tôn vinh xứng đáng.
Nhà thơ Kiên Giang người miệt thứ Kiên Giang nhưng có nhiều năm gắn bó với miệt Hậu Giang, Cần Thơ nên ông dành nhiều tình cảm. Bài thơ "Đẹp Hậu Giang" của ông sáng tác năm 1955 được nhà văn Sơn Nam chọn in trong quyển khảo cứu "Tìm hiểu đất Hậu Giang" - vinh dự mà ít nhà thơ nào có được. Những vần thơ về Cần Thơ của ông đẹp tựa ca dao:
"Vú sữa Cần Thơ căng ý mọng
Sầu riêng Long Mỹ nhớ mang mang"
Riêng bài thơ "Tình trắng" (trong tập "Hoa trắng thôi cài trên áo tím", đề "Kính tặng thầy Tam X. Riêng dâng anh hồn của Ngọc Hạnh - Trường Nam Hưng Cần Thơ") lại là những ký ức rất đẹp của nhà thơ Kiên Giang về mảnh đất Tây Đô. Đó là những nẻo đường, con phố in dấu chân qua và ghi khắc hoài niệm thuở thiếu thời:
"Ngã tư Tham Tướng im chân mộng
Đôi guốc mòn luyến cát Tây Đô
Hàng bã đậu che cao mái nắng
Ngồi bên đường đợi tiếng trống vô"
Thơ của ông giàu hình ảnh và đậm chất dân gian:
"Tàu chạy Phong Điền nhớ Cái Răng
Khói vườn xanh thẳm gợi sông trăng
Câu hò Vàm Xáng thương Ba Láng
Rạch Giá phải lòng gái Sóc Trăng"
Nói về nhà thơ Kiên Giang, nhà văn Sơn Nam viết đề từ trong tập "Hoa trắng thôi cài trên áo tím" rằng, trải qua bao sóng gió làm thơ, viết tuồng, "nhà thơ đã thành công, ít ra cũng để lại cho đời vài câu tuyệt vời mà nhiều nhà nghiên cứu ngỡ là… ca dao Nam bộ":
"Đói lòng ăn nửa trái sim
Uống lưng bát nước đi tìm người thương"
Hay:
"Ong bầu đậu đọt mù u
Lấy chồng càng sớm, tiếng ru càng buồn"
Riêng với tôi, khoảng giữa năm 2014, khi thực hiện bài viết về các nghệ sĩ cải lương đất Cần Thơ, tôi muốn tìm đến ông nhờ cung cấp thông tin nhưng vì sức khỏe và bận công việc nên hẹn dịp khác. Ông hẹn gặp ở "Tum Lưu niệm" (chữ dùng của nhà thơ Kiên Giang) đặt trên đường Tú Xương, TP Long Xuyên, An Giang để luận bàn thơ văn, sân khấu. Tấm danh thiếp gửi bằng hữu của ông cũng thật đặc biệt, một mặt ghi địa chỉ của "Tum Lưu niệm", một mặt ghi 4 câu thơ:
"Sửa phòng trọ thành "Tum Lưu niệm"
Công cháu ngoại, tấm lòng mẹ con
Gom mảnh sống đời văn nghệ sĩ
Viết xong, trao gởi lại tâm hồn"
Là vậy đó, ông luôn hàm ơn, tri ân những người sống nhơn nghĩa, kể cả con cháu mình!
* * *
Nhà thơ Kiên Giang - soạn giả Hà Huy Hà, một nghệ sĩ sống ân tình đã dành cho mảnh đất Tây Đô nhiều tình cảm. Có lẽ chẳng có lời kết nào đẹp hơn mấy câu nhận xét của người bạn đồng hương Sơn Nam dành cho ông: "Một cuộc đời lăn lóc, chẳng bao giờ khấm khá, về già làm giàu chuyện ái hữu, tương tế, quả là thành đạt, không xấu hổ đất nước. Đây là một người bạn cùng xóm, cùng làng, cùng xứ U Minh mà tôi lấy làm tự hào và thật lòng ca ngợi".
Đăng Huỳnh
Nhà thơ Kiên Giang tên thật là Trương Khương Trinh, quê ở làng Đông Thái, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang.
Ngoài làm thơ, ông còn là soạn giả cải lương nổi tiếng với bút danh Hà Huy Hà. Một số tuồng tiêu biểu của ông như: "Áo cưới trước cổng chùa", "Người vợ không bao giờ cưới" (tức "Sơn nữ Phà Ca"), "Lưu Bình - Dương Lễ"… và các bài ca cổ: "Trái gùi Bến Cát", "Hương cau quê ngoại"… Trong đó, vai diễn sơn nữ Phà Ca do ông sáng tạo đã giúp cô đào trẻ Thanh Nga được trao giải Thanh Tâm năm 1958 và bước lên ngôi vị "Nữ hoàng sân khấu". Ông cũng chính là thầy của cặp đôi soạn giả tài danh Hà Triều - Hoa Phượng.
Mã an toàn:
Tối 29-9, vòng chung kết xếp hạng cuộc thi "Chuông vàng vọng cổ" 2024 đã diễn ra với phần tranh tài của 3 thí sinh là: Dương Thị Mỹ Nhung, Nguyễn Hùng Vương, Lê Hoàng Nghi tại Nhà hát Truyền hình HTV.
Ý kiến bạn đọc