Bản Sắc Dân Tộc - cailuongvietnam.com

Tin Tức Hậu Trường Sân Khấu

DUY TRÌ TRANG WEB CLVN

Một thời gạo chợ nước sông. Tình cảm lứa đôi qua câu hát huê tình. Câu hát huê tình miền sông nước Hậu Giang.

Chủ nhật - 03/08/2014 17:56

Tác giả & NS Kim Nguyên tại San Jose - 2014



CLVNCOM - Tôi theo nghề hát cải lương từ năm 1948, lúc đó gánh hát Tiếng Chuông của Bầu Cang di chuyển bằng ghe chài nhỏ, do một chiếc tàu chạy bằng máy dầu kéo nên phải mất cả ngày lẩn đêm mới di chuyển được từ tỉnh này qua tỉnh khác.

Đó là một thời kỳ mà các nghệ sĩ cải lương sống đời “ gạo chợ nước sông “ “ăn quán ngủ đình”. Chúng tôi có nhiều dịp tiếp xúc với người địa phương, nơi gánh hát biểu diễn. Chúng tôi được biết một số phong tục tập quán của địa phương, thưởng thức những câu hò giọng hát, các điệu hát trên sông nước, các câu hò cấy lúa, giả gạo, các câu ca dao của người Việt, người Miên, người Tiều…

Gánh hát Tiếng Chuông hát nhiều tháng ở các tỉnh Hậu giang, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Trà Vinh nên tôi  ghi chép được nhiều dân ca của người Khmer, người Tiều và như câu hò đối đáp của người Việt trên sông hồ.

Riêng về dân ca của người Miên, tôi thấy: lời văn mộc mạc nhưng rất trữ tình, có lẽ vì người Miên cũng sống bằng nghề nông, cày cấy, chăn nuôi và sống gần sông nước như người Việt nên những bài ca tỏ tình giữa trai và gái cũng man mác hình ảnh và âm hưởng như dân ca Việt Nam.

Vì vợ tôi quê ở xã Phú An, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng, khi có chiến tranh thì về ở xã Vũng Thơm, nơi này có rất nhiều dân người Miên và người Tiều chung sống với dân Việt Nam.. Khi tôi nghe các cô bác người Miên hát một bài hát, người giúp việc cho cha vợ tôi là Miên lai, ông ta dịch lại cho tôi ghi chép và ông viết luôn chữ Miên để cho tôi nếu có dịp thì nhờ người biết chữ Miên xem lại coi ông ta dịch có đúng hay không.

Khi đi định cư ở Canada, tôi mang hết những quyển bút ký, những quyển sổ ghi chép trong thời gian tôi hành nghề soạn giả, vì vậy bây giờ tôi mới có các bài dân ca Miên và có chữ Miên kèm theo.

Một bữa trưa nắng đổ lửa, ông tư Khừng ngồi bên hông lẩm lúa sau nhà tía vợ tôi, ông kéo đờn cò, hát một bài dân ca Miên, ông dịch ra tiếng Việt:

Anh cùng em bơi thuyền

Vô đồng bưng hái sen,

Bùn lầy mà vẫn thơm,

Em và hoa đẹp lắm!

Bài dân ca Miên này cũng có nội dung giống như bài ca dao Việt Nam:

Trong đồng gì đẹp bằng sen,

Lá xanh bông trắng lại chen nhụy vàng,

Nhụy vàng bông trắng lá xanh,

Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.

Và đây bài ca Nàng Rot, một cách tỏ tình của chàng trai:

Nàng Rot giống như nguyệt thực

Đi tìm ai giữa ban ngày

Nếu anh có cánh anh bay

Tít trên trần mây xanh thẳm

Giá như anh được bồng ẵm

Vầng trăng giữa đám mây kia

Nhưng nguyệt thực chỉ mờ mờ,

Còn anh thì không có cánh.

Và cô gái rất yêu chàng trai nên hát đáp lại:

Bòn ơi! Em vẫn rất thương anh,

Em lấy tóc buộc

Một vầng mây trắng

Để mây đưa em trôi ngược

Về nơi anh đứng

Về nơi anh đang chờ!

Với người Việt thì đôi trai gái yêu nhau thì:                                                                                  

Thương nhau mấy núi cũng trèo,

Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua.

Trai gái Khmer thương nhau, cô gái không phải lội sông lội suối mà cô dùng một phương cách táo bạo hơn, trữ tình hơn: đó là lấy tóc buộc mây lại để nhờ mây bay đưa cô gái đến với người yêu!

Mái tóc cũng là  một biểu tượng của tình yêu giữa hai bạn tình Khmer, xin hãy lắng nghe bài Cắt Tóc, thay lời tỏ tình của chàng gởi đến nàng:

Bởi vì em yêu anh

Nên anh yêu em mãi

Muốn tình yêu chung thủy

Em cắt tóc tặng anh.

Hỡi em yêu hiền lành

Mái tóc mềm đen nhánh

Anh mong điều may mắn

Trong chiếc kéo trên khay.

Em hãy ngồi xuống đây

Dưới làn cây so đũa,

Mái tóc em buông xỏa

Thay lời em yêu anh.

Người Khmer dùng hình tượng Con Ong Bầu (  Konloong xat ),  hoặc đóa hoa Kroong ( phka kroong ), hoặc Tiếng gà gáy( Mon Rua Ngiêu ) , Tiếng sấm đầu mùa ( Phkua đơm ehhnam )… để diễn đạt tình yêu giữă gái và trai, Bài dân ca Hoa Kroong :

Hoa Kroong nở trong bờ dậu

Nên anh chẳng ngửi mùi thơm

Anh đưa tay đụng tìm hương

Nhưng lại sợ hoa kia nhột!

Làm sao cho anh thơm được

Hỡi em đứng trong bờ rào

Làm sao để được gần nhau

Hỡi hoa Kroong trong bờ dậu?

Bài dân ca : Tiếng Gà Gáy.

Tiếng gà gáy giữa rừng sâu

Hay là chàng gọi từ đâu, hỡi chàng ?

Tiếng gà vượt qua đại ngàn,

Gây cho em nỗi bàng hoàng nhớ ai.

Hay là giọng chàng thanh bai

Và lời ngọt dịu bên tai thuở nào.

Tiếng gà gáy từ núi cao

Theo cơn gió mát ngọt ngào gọi em.

Nửa lừng có một cánh chim

Đừng sà xuống trộm mối tình của tôi.

Hỡi tiếng gà bên kia đồi

Đuổi con chim lượn trên trời bay xa.

Và đây Sấm đầu mùa, ( phkua đơm chhnam ) một hiện tượng thiên nhiên cũng là cái cớ để trai gái Khmer tỏ tình cùng nhau:

- Đàn ong rủ nhau nhả mật

Dẫu nghe tiếng sấm đầu mùa

Còn em dẫu phải dầm mưa

Em cũng băng qua đầm vắng

Em kêu anh ngoài đồng trống

Không có tiếng vọng lại trả lời

Em thuộc về người khác rồi

Và anh cũng không hề đáp!

- Người tình tôi không ôm ấp

Tôi không bồng bế trên tay

Chiếc váy em thuộc về ai

Mà trái tim tôi tan nát.

Vì yêu tôi em khóc

Chịu cho cha mẹ đánh đòn

Ngoài rừng tràn đầy mật ong

Bầu trời rền vang tiếng sấm.

- Anh ơi! đừng nên yên phận

Đợi  cho tới rầm tháng ba

Đàn ong lìa tổ bay ra

Em sẽ thả hồn trong mật.

Anh yêu đi vào chỗ khuất

Và hãy hứng đầy mật thơm

Đừng lấy chén hứng tình thương

Hãy hứng ngay vào trong miệng!

 

Thật là tình tứ hết biết, Nàng thì chờ đàn ong lìa tổ bay ra để thả hồn trong mật. Và nhắc chàng hãy hứng đầy mật thơm, không phải lấy chén hứng tình thương mà là hãy hứng ngay vào trong miệng!

Mộc mạc, chân tình, hình ảnh đưa ra rất đơn sơ bình dị mà thấm đượm biết bao chân tình!

Hàng năm, trong các dịp lễ  Chol Chnâm Chmây ( hát mừng năm mới ), lễ Dolta ( cúng ông bà tổ tiên ),  lễ Ook Om Bok ( lễ hội chào mặt trăng ) đưa tiễn mùa mưa, chào mùa khô, đua ghe Ngo, đút cớm dẹp cho trẻ nhỏ, ngoài các đêm biểu diễn của đoàn hát Dù Kê, những đêm trăng sáng, thì trong sân chùa thường có những cuộc nhảy múa của thanh niên nam nữ, họ múa điệu Lâm Thôn, múa điệu Lbăm Trroắt và ca như sau:

Điệu múa Khmer thật tưng bừng

Mời thánh thần xuống, hãy vui chung

Kom phloong phloong, trroất trroất

Nào, em có bằng lòng anh không?

Anh từ xa đến, hỡi em yêu

Thấy em xinh đẹp lại diễm kiều

Anh không hề chán, không hề nản

Hãy ngã vào anh, hồn phiêu diêu.

Kom phloong phloong ơi, trroất trroất

Đôi ta vừa múa lại vừa hát

Điệu vũ Khmer thật tuyệt vời

Như niềm vui không bao giờ dứt.

Trai gái Khmer gặp nhau, tỏ tình qua điệu múa Lâm Thôn hoặc các chàng trai biểu dương sức mạnh và lòng dũng cảm để chinh phục trái tim các cô gái qua các cuộc đua Ghe Ngo, mà mỗi chiếc ghe Ngo biểu tượng cho yếu tố tâm linh của một ngôi chùa trong vùng. Ngoài các cuộc đua ghe Ngo, các chàng trai vẫn có dịp cùng người yêu du ngoạn trên sông, hồ qua cuộc Bơi Thuyền Chôôk Chook :

Anh cùng em bơi thuyền Chôôk Chook

Nhổ thật nhiều bông súng, em ơi

Nhưng , thôi thôi không kịp nữa rồi

Mây đen kéo tới chân trời gần lắm.

Anh coi mây mưa, anh nghe tiếng sấm

Anh phải đưa em mau mau trở về

Anh bơi thuyền lẹ hơn cơn mưa

Không cho mưa rơi trúng mình em một hột.

Phải chăng anh chàng thương người yêu quá lắm nên không muốn cho nàng không bị ướt dù chỉ một giọt mưa. Hay là anh chàng ghen, không muốn cho một giọt mưa được hân hạnh chạm tới mình nàng?
Nếu ghen với mưa thì anh chàng này có bà con họ hàng với anh chàng thi sĩ Nguyễn Bính của Việt Na,m.

Nguyễn BÍnh cũng làm một bài thơ Ghen:

Tôi muốn những đêm đông giá lạnh

Chiêm bao đừng lẩn khuất bên cô,

Bằng không tôi muốn cô đừng gặp

Một trẻ trai nào trong giấc mơ.

Tôi muốn làn hơi cô thở nhẹ

Đùng làm ẩm áo khách chưa quen

Chân cô in vết trên đường bụi

Chẳng bước chân ai được dẫm lên!

Qua những câu dân ca trên, ta thấy tâm hồn Khmer hiện lên phong phú, giàu tính trữ tình. Lời thơ chỉ sử dụng những hình ảnh quen thuộc trong cuộc sống hằng ngày, những loài chim, thú như loại gia súc gần gủi của nông thôn, những hiện tượng thời tiết như mây, mưa, sấm chớp để chứa đựng sự nồng nàng thiết tha của tình yêu đôi lứa.

Và chót hết, mấy câu thơ mà tôi nghĩ là rất bình dị nhưng đúng là tuyệt tác để chuyển tải tình yêu trong trắng của những lứa đôi Khmer đang yêu và được yêu:

Những lời ca sau đây trong điệu: Chô – Chtum, điệu múa ném khăn của người Khmer:

Trong vòng vây khép chặt

Bởi cánh tay các cô gái

Là người thua cuộc

Nhưng anh vẫn tự do.

Trong vòng vây khép hở

Bởi tình yêu chỉ một cô gái,

Là người thắng cuộc

Anh lại mất tự do.

 ( còn tiếp )

 

Tác giả bài viết: SG Nguyễn Phương - CLVNCOM

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận mới

Gửi bình luận của bạn

Tên của bạn Email Nội dung Mã an toàn

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

DUY TRÌ TRANG WEB CLVN