Tối 29-9, vòng chung kết xếp hạng cuộc thi "Chuông vàng vọng cổ" 2024 đã diễn ra với phần tranh tài của 3 thí sinh là: Dương Thị Mỹ Nhung, Nguyễn Hùng Vương, Lê Hoàng Nghi tại Nhà hát Truyền hình HTV.
Xem tiếp...
Bài học lịch sử sống động, dễ nhớ
Câu chuyện anh hùng Trần Quốc Toản và lá cờ thêu sáu chữ vàng vốn rất quen thuộc trong bài học lịch sử của khán giả nhí. Hình ảnh vị anh hùng nhỏ tuổi và những sự kiện có liên quan ở thế kỷ XIII đã được tác giả - đạo diễn Bạch Long (Đoàn cải lương tuồng cổ Ánh Dương - Bạch Long) đưa lên sàn diễn khá sống động và gần gũi với tâm hồn trẻ thơ bằng vở cải lương Tiểu anh hùng Nam quốc.
Dàn diễn viên (dv) đều còn rất trẻ, đa phần các “tiểu” nghệ sĩ (NS) chỉ xấp xỉ độ tuổi của khán giả - đây là một trong những điều thú vị, mang đến sức hấp dẫn riêng cho vở diễn. So với vở diễn đầu tiên Hầu nhi cứu chủ, ra mắt vào tháng 6/2012, khả năng ca diễn của các DV nhí đã có sự tiến bộ vượt trội ở Tiểu anh hùng Nam quốc. Giọng ca trẻ thơ không điêu luyện, chưa giỏi luyến láy nhưng hồn nhiên, trong vắt và cách diễn hết mình mang lại cho người xem những xúc cảm rất lạ. Điều lo lắng nhất của khán giả khi xem tuồng cổ là các động tác vũ đạo của DV đã nhanh chóng được “hóa giải” chỉ sau ít phút vở diễn mở màn. Hầu hết các DV đã thực hiện được những động tác khá đẹp mắt, nhanh gọn, thể hiện quá trình luyện tập nghiêm túc và niềm say mê với loại hình nghệ thuật truyền thống này. Tiểu anh hùng Nam quốc - bài học lịch sử về anh hùng Trần Quốc Toản gần gũi và dễ nhớ Diễn xuất đôi chỗ còn non nớt của các DV nhí có lúc lại trở thành “lợi thế” giúp vở diễn gần gũi, dễ cảm hơn với tuổi thơ. NS Bạch Long cũng đã chứng minh sự năng động, khéo léo của mình khi kết hợp giữa truyền thống và hiện đại trong dàn dựng cải lương cho thiếu nhi. Có lẽ đó là những kinh nghiệm anh tích lũy được khi làm việc với nhóm đồng ấu Bạch Long trước đây, cộng thêm khả năng “cập nhật” cách làm sân khấu cho thiếu nhi và “gu” thưởng thức của khán giả nhí khi tham gia chương trình Ngày xửa ngày xưa của SK Idecaf. Không sử dụng nhiều mảng miếng, không khô cứng hoặc cường điệu hóa tính cách nhân vật, tất cả diễn ra trên sân khấu rất gần gũi, rất đời thường như chính cuộc sống và những con người các em vẫn gặp hàng ngày. Là một vị anh hùng nhỏ tuổi của dân tộc, nhưng hình ảnh Trần Quốc Toản được đạo diễn Bạch Long đưa lên sàn diễn rất đời thường, cũng nghịch ngợm, bướng bỉnh… như tất cả những cô cậu tuổi vị thành niên đang ngồi ở khán phòng. Là vở diễn thiếu nhi nhưng phần phục trang nhân vật vẫn được chăm chút cẩn thận. Trang phục đẹp, nhiều màu sắc nhưng không quá xa lạ với những hình ảnh các em vẫn thường thấy trong sách giáo khoa, truyện lịch sử… Không đặt yêu cầu quá cao, đạo diễn Bạch Long đã thành công khi chuyển tải đến thiếu nhi những sự kiện, cột mốc đáng nhớ trong lịch sử dân tộc. Ít nhất, khi bước chân ra về, các em vẫn có thể nhớ tên hội nghị Bình Than và lá cờ thêu sáu chữ vàng Phá cường địch, báo hoàng ân của người anh hùng nhỏ tuổi Trần Quốc Toản trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên. Vở diễn có sự tham gia của các DV: Bạch Vân Thanh, Khánh My, Khánh Quang, Kim Nhuận Phát, Ái Vy, Tài Nhân, Chấn Cường, Tiến Phước, Khánh Phương, Bạch Luân… Luân phiên biểu diễn trong chương trình Cầu vồng tuổi thơ tại Nhà hát Thành phố. THẢO VÂN
Tác giả bài viết: tuyetmai
Ý kiến bạn đọc