Đạo diễn Huỳnh Nga: Cải lương đang rất thiếu chất
Những ngày này, Trung tâm Tổ chức biểu diễn - điện ảnh TPHCM, Hội Sân khấu TPHCM và Đài PTTH Hậu Giang đang tất bật chuẩn bị chương trình tôn vinh NSND - đạo diễn Huỳnh Nga (ảnh) sẽ diễn ra tại Nhà hát Thành phố vào tối 4-4-2013. NSND - đạo diễn Huỳnh Nga đã dành cho PV Báo SGGP cuộc trò chuyện.
* PV: Ông có thể chia sẻ một chút về những ngày đầu mới bước
chân vào nghề đạo diễn?
* NSND - Đạo diễn Huỳnh Nga: Sau
khi đi học khóa đào tạo đạo diễn ở Rumania trở về vào năm 1972, sang năm 1973
tôi dàn dựng vở diễn đầu tiên có tên là Từ Trường Sơn cho Đoàn Kịch nói Hà Nội,
sau đó dựng tiếp vở Tanhia tạo được tiếng vang trong lòng đồng nghiệp và công
chúng. Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, tôi về công tác trong ngành văn
hóa TPHCM. Tôi đến với cải lương cũng rất tình cờ, khi vở Gánh cỏ sông Hàn của
tác giả, đạo diễn Thu An dàn dựng phúc khảo mấy lần chưa được thông qua, nhiều
người đã đề xuất tôi chỉnh sửa để phúc khảo lại. Trước thành ý đó, tôi đã nhận
lời, nhưng trong lòng cũng rất lo trước các tên tuổi cải lương nổi tiếng trong
khi tôi lại chưa biết nhiều về cải lương. Sau đó, Gánh cỏ sông Hàn được duyệt và
thông qua, tôi xem lại thấy cải lương cũng hay hay nên ban ngày tôi đến đoàn cải
lương coi các nghệ sĩ tập ca diễn, đêm đêm lại đến các rạp hát coi nguyên tuồng.
Năm 1976, tôi dàn dựng vở cải lương tố cáo tội ác chiến tranh Tìm lại cuộc đời
cho Đoàn cải lương Sài Gòn 2 rất thành công và sau đó được mời dàn dựng Khách
sạn hào hoa - một vở diễn có sức sống kéo dài đến 13 năm.
* Còn vở
cải lương Đời cô Lựu thành công vang dội trên sân khấu TP và lưu diễn nước
ngoài, hẳn ông cũng có nhiều kỷ niệm?
* Vở Đời cô Lựu tôi dàn dựng
cho Đoàn cải lương 2-84 diễn ở Nhà hát Thành phố vào năm 1984. Tôi nhớ, lúc đó
Ngọc Giàu cũng là một tên tuổi để bán vé của cải lương nhưng khi mời tham gia vở
diễn này lại vào vai Sáu - một người giúp việc - nên ai cũng thấy ngại không dám
nói với Ngọc Giàu. Thế nhưng, khi Ngọc Giàu được mời tham gia tập luyện cho vở
Đời cô Lựu, chị lại làm việc rất nhiệt tình. Tôi còn nhớ, lúc đầu tập, dự tính
đưa động tác chân của cô Sáu có tật, nhưng nghĩ lại thì hình ảnh của nhân vật
trên sân khấu không đẹp, không hay, cho nên mới chuyển sang tay bị tật. Vậy mà
Ngọc Giàu rất tinh ý, làm động tác cái tay cán vá rất có duyên và rồi chuyển
nhân vật này thành Bảy Cán Vá chứ không theo tên lúc đầu là Sáu nữa. Bảy Cán Vá
là nhân vật do chính Ngọc Giàu “đẻ” ra trong Đời cô Lựu chứ không phải của tác
giả, đạo diễn. Từ trường hợp của Ngọc Giàu, tôi nghĩ, trong mỗi vở diễn không có
bất kỳ vai diễn nào nhỏ mà vấn đề là tài năng của mỗi nghệ sĩ thể hiện nhân vật
mà thôi.
* Thời gian gần đây, ông có thường theo dõi cải lương không
và nhận thấy các vở cải lương hiện nay thế nào?
* Có lần, NSƯT Minh
Vương ngồi nói chuyện với tôi ở một rạp hát, Minh Vương bức xúc bảo: “Có nhiều
nghệ sĩ trẻ bây giờ thiếu máu lửa với nghề nên cải lương rất khó có được những
vai diễn hay, vở diễn hay”. Càng xem, càng theo dõi nhiều vở tuồng cải lương,
tôi cảm thấy nhận xét này chẳng sai chút nào. Một vở cải lương muốn hay, đòi hỏi
phải có sự hợp sức sáng tạo của đội ngũ tác giả, đạo diễn và cả diễn viên, danh
cầm… Tôi nhớ, hồi trước khi tập vở Đời cô Lựu có đoạn Diệp Lang đối thoại khá
dài với Bạch Tuyết, tôi đã yêu cầu Diệp Lang nghiên cứu động tác thế nào cho có
hành động, tạo xung đột dễ cuốn hút người xem. Vậy là Diệp Lang nghĩ ra ngay
động tác rớt cây ba-ton, Bạch Tuyết gục xuống… Tất cả những hành động, hình ảnh
đó đã tạo thêm kịch tính cho đoạn đối thoại này. Còn hiện giờ, tôi thấy cải
lương đang thiếu chất lượng trầm trọng.
NSND
Ngọc Giàu sẽ độc diễn Tâm sự Bảy Cán Vá trong đêm tôn vinh NSND - đạo diễn Huỳnh
Nga.* Với đêm diễn 4-4-2013 tại Nhà hát Thành phố, ông
sẽ giới thiệu những gì đến công chúng mộ điệu?* Vừa qua cơn phẫu
thuật nên tình hình sức khỏe của tôi chưa ổn định, vì vậy tôi chỉ gợi ý một số
trích đoạn nổi tiếng để anh em cùng thực hiện. Trong đó sẽ có các trích đoạn:
Tìm lại cuộc đời, Tiếng sáo đêm trăng, Tấm Cám, Đời cô Lựu… Đặc biệt, trong
chương trình này, NSND Ngọc Giàu sẽ độc diễn Tâm sự Bảy Cán Vá do soạn giả -
NSND Viễn Châu viết.
NSND Huỳnh Nga sinh năm 1932 ở huyện Mộc
Hóa, tỉnh Long An. 13, 14 tuổi ông đã làm giao liên cho cách mạng; 15 tuổi vào
Ban Tuyên truyền khu 8. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc. Năm 1956, ông về Đoàn Cải
lương Nam bộ và đến năm 1968 được cử sang Rumania tu nghiệp ngành đạo diễn. NSND
Huỳnh Nga đã dàn dựng trên 240 vở cải lương, kịch nói cho sân khấu, trong đó có
rất nhiều vở được xem là kinh điển của sân khấu Việt Nam.
Đỗ Hạnh (SGGP)
Ý kiến bạn đọc