Đang truy cập : 255
•Máy chủ tìm kiếm : 66
•Khách viếng thăm : 189
Hôm nay : 23544
Tháng hiện tại : 2198262
Tổng lượt truy cập : 88504863
Tối 29-9, vòng chung kết xếp hạng cuộc thi "Chuông vàng vọng cổ" 2024 đã diễn ra với phần tranh tài của 3 thí sinh là: Dương Thị Mỹ Nhung, Nguyễn Hùng Vương, Lê Hoàng Nghi tại Nhà hát Truyền hình HTV.
NTMN
Hỏi: Nói đến nghệ thuật sân khấu cải lương và nhà hát Trần Hữu Trang, chị đã từng giảng dạy về ngành ca cổ tại đây sau năm 1975, thời gian ấy chị dạy khóa nào và học trò thành danh của chị có những ai?
Đáp: Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang là một nhà hát lớn sau 75 của miền Nam, lấy tên từ một tác giả, soạn giả của vở cải lương “Đời Cô Lựu”. Nhà hát đồng thời cũng là trường đào tạo nghệ sĩ sân khấu cải lương. Khóa đầu trường đào tạo những nghệ sĩ như Thanh Thanh Tâm, Thái Ngân, Thái Châu, Chí Linh, Vân Hà, khóa kế có Thoại Mỹ, Ngọc Huyền, Kim Tử Long. Ngày mới về trường tôi lãnh dạy khóa 3 và khóa 4. Những diễn viên thành danh trong khóa 3 và 4 có Hữu Quốc, Mỹ Hằng, Tấn Giao, Minh Cường, Thanh Lựu, Điền Dũng Sơn, Mai Khôi… sau này có những bạn như Tâm Tâm. Có người thực hiện được nhiều hoạt động mạnh mẽ như Hữu Quốc. Cũng có những người trở thành đào chánh bên cải lương. Tuy nhiên càng về sau, ngành này càng khó khăn hơn để có thể sống được. Do đó, mỗi khi trường Sân Khấu có khoa tuyển sinh, có năm chỉ có 1 hoặc 2 em. Số lượng người theo đuổi ngành này rất gay go. Tôi nhớ lúc tôi được tuyển vào dạy khóa 4, có em đậu vào ngành cải lương và một số trường du lịch ngoại thương này nọ. Các em có thanh sắc rất tốt, tôi đến nhà năn nỉ, mà gia đình các em không chịu cho các em học sân khấu cải lương mà chọn trường ngoại thương cho các em vì họ thấy an tâm hơn.
(Trên) Nghệ Sĩ Hữu Quốc bên tay phải Nguyễn thị Minh Ngọc trong lớp dạy cải lương Khóa 3
(Dưới) Họp mặt Cải Lương Khóa 4 – 2017 có Tâm Tâm và Mỹ Hằng (áo đỏ)
Hỏi: Xin cho biết thêm về giáo trình và phương pháp giảng dạy của trường.
Đáp: Trước khi tôi dạy có những người như cô Bảy Phùng Há, Kim Cúc là những tiền nhân bậc thầy của những cô Thanh Nga, Phượng Liên, Thành Được là các nghệ sĩ thành danh. Xưa hơn nữa có chú Năm Châu, Ba Vân là những người dạy theo lối truyền nghề và giảng dạy theo phương pháp phân tích tâm lý. Riêng cô Bảy Phùng Há dạy thường hơn vì cô biết diễn những bộ của Tàu. Cô hay diễn ra bộ, bẻ tay, bẻ chân, cho học trò nhái theo những bộ đó. Trường cũng có những phương thức sư phạm gốc từ hệ thống Stanislavski. Stanislavski là một nhà biên kịch người Nga. Ông nổi tiếng với những nguyên tắc trong hệ thống Stanislavski về kỹ thuật đào tạo diễn viên, chuẩn bị và diễn tập. Ông có người học trò nổi tiếng là tài tử kiêm đạo diễn Lee Strasberg mở lớp dạy diễn xuất ở New York và Cali được nhiều diễn viên lừng danh theo học như James Dean, Marilyn Monroe… Cô Nguyễn Tường Trân (quá cố), thầy tôi, là học trò ruột của bà Knheben, cũng là một học trò của Stanislavski, nên tôi được giảng dạy trực tiếp theo hệ thống này. Khi tôi về giảng dạy tại trường Trần Hữu Trang tôi cũng áp dụng phương pháp ấy để dạy cho sinh viên. Đồng thời tôi may mắn được ngồi cùng bàn với cô Bảy Phùng Há giảng dạy, nên hai bên cùng lấy sở trường của mình bổ sung cho những em học viên của trường. Tôi nhớ lại, thấy khoảng thời gian ấy với tôi rất hạnh phúc. Cô Phùng Há đã lớn tuổi khoảng tám mươi mấy vẫn còn cầm thương múa, làm tôi sợ lỡ cô vấp ngã, có chuyện gì tôi sẽ bị khiển trách, vì khi đó cô đã là báu vật của quốc gia rồi.
Nguyễn thị Minh Ngọc với cô Bảy Phùng Há và GS Trần Văn Khê
Hỏi: Nếu có thể, theo chị làm sao phát triển và hay vực hoặc làm sống dậy ngành cải lương sắp chết?
Đáp: Bây giờ tôi đã định cư ở Mỹ, có lẽ làm gì cũng khó. Tôi biết tình hình bi đát và khó khăn lắm vì kịch bản cũ cứ tái diễn lại, kịch bản mới thì không có, túng quá phải dùng kịch bản cũ rồi diễn trích đoạn. Tuổi thọ của một vở cải lương làm ra ngắn dần, nên người ta không muốn đầu tư nữa. Một khi bỏ tiền vào rồi, diễn chỉ được khoảng 10 xuất, rồi rút xuống 5, bi thảm đến độ nhiều vở chỉ diễn có 1,2 xuất thôi, như vậy thì khổ lắm vì làm một vở rất công phu.
Nguyễn thị Minh Ngọc và Nghệ sĩ Điền Dũng Sơn
Hỏi: Họ diễn ở đâu?
Đáp: Diễn ở rạp Hưng Đạo, mà rạp đó cũng bị nhiều dư luận lên án vì tiêu tốn cả trăm tỉ mà không dùng được. Nếu dùng được thì chỗ ngồi ít mà rất thấp, không thích hợp với lối diễn sân khấu. Khán giả càng không đến xem. Ngoài ra cải lương còn bị sự cạnh tranh của điện ảnh và phim bộ. Có thời gian cải lương phát triển vào các quán đờn ca tài tử.
Hỏi: Xin lỗi chị về một câu hỏi có chút riêng tư, chị có thể trả lời nếu không ngại. T nghe đồn, trước năm 75 chị có một mối tình thơ mộng với nhà văn Hoàng Ngọc Tuấn (quá cố). Chuyện tình này đã là cảm hứng bất tận cho ông viết nên các tác phẩm như Thư về đường Sơn Cúc và Tôi và em làm xao xuyến bao độc giả trẻ một thời, phải không chị?
Đáp: Sau 75, khi đi giao lưu với khán giả, người ta hay hỏi “Tôi thấy chị không lấy chồng, anh Tuấn không lấy vợ, mà sao hai người không lấy nhau?”. Trước 75, tôi viết cho tờ Tuổi Ngọc, tòa soạn nằm ở dưới lầu, trong khi tòa soạn tờ Văn nằm trên lầu. Anh Tuấn viết cho Bách Khoa và tờ Văn. Tôi có đọc văn anh Tuấn, quý văn tài của anh và làm quen. Anh đã lượm nhiều thư của tôi viết cho anh, xếp lại như thơ và bỏ vào cuốn Thư về đường Sơn Cúc, cho nên có người nói cuốn đó là của Minh Ngọc. Nói cuốn đó là của tôi hay của anh Tuấn đều đúng, vì khi tôi viết thư cho anh thì nó là của anh rồi, nếu anh có muốn biến nó thành một tác phẩm cũng chẳng sao. Tuy nhiên chính nhờ anh làm vậy mà tôi nghĩ tại sao mình không viết truyện trên tờ Văn. Tôi bèn viết thử Trái khổ qua là truyện ngắn đầu tay và Văn đã đăng nó. Hào hứng quá, tôi gởi thêm Trăng huyết cho tờ Thời Tập, rồi Những quốc lộ v.v… Anh Tuấn đã trở thành một bước ngoặt cho tôi chuyển từ viết cho Tuổi Ngọc qua tờ Văn. Tôi rất vui và hạnh phúc vì tôi đến với anh Tuấn trong quan hệ rất trong trẻo. Hai anh em tung tăng dẫn nhau đi coi phim Love Story ở Sài Gòn (tôi vốn ở tỉnh). Anh mua băng nhạc Love Story tặng tôi, làm tôi cảm động. Sau đó tôi có ra Huế thi Y Khoa chơi, nhưng lại đậu. Anh tôi là bác sĩ, rủ tôi ra Huế thi thử, lỡ đậu nên mất hết một năm ở đó, thành ra xa mặt cách lòng. Sau 75, cả hai trôi dạt, lại gặp nhau, tôi hài hước nói với anh “Anh Tuấn, hay là hai đứa mình giả bộ đám cưới đi, chúng ta ít nhất cũng được bà con tặng một số tiền”. Tuy nhiên, không ai có ý định lập gia đình, lâu lâu gặp nhau, rồi thôi.
Đám cưới Nguyễn thị Minh Ngọc, phu quân Nguyễn Văn Hoa và Ông bà họa sĩ Nguyễn Tấn Cương
Có một kỷ niệm cuối cùng trước ngày anh Tuấn mất. Khi anh vào nhà thương, tôi có vào thăm. Dù anh giấu, tôi vẫn tìm đến thăm và anh rất ngạc nhiên. Đêm anh mất, tôi đã xin diễn trước quan tài anh những trích đoạn của vở kịch Cô đào hát, Người lãng mạn cuối cùng, và vài trích đoạn nữa. Tôi vẫn mong có lúc được diễn cho anh ấy coi, ít ra khi ấy, anh nằm đó mà hồn chưa đi nên khi diễn tôi rất hạnh phúc. Cho đến phút ấy, tình bạn và tình yêu của cả hai vẫn còn tinh khiết và trân trọng lẫn nhau.
Mời quý độc giả xem tiểu phẩm “Người lãng mạn cuối cùng” do NT Minh Ngọc độc diễn:
Trịnh Thanh Thủy thực hiện
gần đây, thông tin, thỉnh thoảng, hấp hối, nhà hát, ra mắt, trình diễn, tiếng vang, đặc biệt, công chúng, trong khi, sân khấu, tư nhân, có thể, cầm cự
Mã an toàn:
Tối 29-9, vòng chung kết xếp hạng cuộc thi "Chuông vàng vọng cổ" 2024 đã diễn ra với phần tranh tài của 3 thí sinh là: Dương Thị Mỹ Nhung, Nguyễn Hùng Vương, Lê Hoàng Nghi tại Nhà hát Truyền hình HTV.
Ý kiến bạn đọc