Vậy mà anh vẫn nói, vẫn cười, thong
dong gánh đời, gánh nghiệp trên vai. Giờ anh không còn sợ, không còn
khóc, cũng khó lòng mà buồn hơn được nữa. Và diễn là để khóc cười cho
chính bản thân.
Anh ngồi đốt thuốc, kể chuyện vui buồn
nhẹ tênh. Như khói thuốc tan nhanh chiều nhiều gió, mơ hồ, mỏng mảnh mà
nghe xót đến váng vất đầu.
1. Đời
tôi là những chuỗi ngày mất mát triền miên. Cái chết cứ như con thú dữ,
chực chờ sẵn ngoài kia để rồi bất giác vồ tới, cướp mất từng người,
từng người một trong gia đình tôi. Đau là, không ai kịp mở môi để lại
một lời trăng trối…
Tôi sinh ra trong một đại gia đình
nổi tiếng ở đất Sài Gòn. Bà nội tôi – bầu Thơ là chủ đoàn hát Thanh Minh
– Thanh Nga. Ba má tôi là đào, là kép, cô dì chú bác ai cũng gắn đời
với đàn hát xướng ca. Năm bà nội trúng số độc đắc, lại lập thêm đoàn Dạ
Minh Châu. Hai đoàn hát ngày càng có tiếng, kể từ đó bà nội nổi danh là
“bầu của các ông bà bầu đoàn hát cải lương”. Tôi lớn lên trong sự sung
túc khó ai bì kịp. Chỉ có điều, nhà không có bóng người lớn, ngó bên này
là thằng nhóc con dì, bên kia là nhỏ con cô. Chúng tôi lủi thủi chơi
với nhau tối ngày, rồi tự dặn nhau là phải thật ngoan để ba má mau về.
Đoàn hát mà, rày đây mai đó, có khi ba má về thì cả đám đã co tròn ngáy o
o. Chập chờn trong cơn ngủ tuổi thơ là bàn tay má mát rượi nhỏ nhẻ vuốt
đầu, là tiếng ba nựng nịu thầm thì, hơi ấm phả nhẹ vào tai, … Mở mắt ra
lại thấy yêu thương còn vương vít.
Năm ấy gia đình tôi suy sụp, gánh hát
không còn, nhà cửa cũng không. Cái chết đầy oan khiên của cô Thanh Nga
như báo hiệu cho chuỗi định mệnh nghiệt ngã ám vào vận số của cả gia
đình. Một năm sau, anh trai tôi đột ngột mất trên đường lưu diễn. Thân
xác đành gửi lại nơi đất lạ quê người. Tang anh còn nặng cả đỉnh đầu,
vong linh anh chưa kịp tan trong cơn chiêm bao thảng thốt thì đến lượt
ba lại ra đi bất đắc kỳ tử. Mẹ còn trẻ măng, xỉu lên xỉu xuống bên quan
tài. Tôi năm ấy 15 tuổi, mơ hồ nhận ra nhà chỉ còn mình là trụ cột.
Bà nội kể, má mê hát, mang bầu tôi tới
tháng thứ 6 mà nịt bụng gọn ơ, lên sân khấu ca nghe mướt rượt. Mắt có
đuôi, môi cắn chỉ, ba thương cái sắc, mến cái tài nên cưới. Vậy mà phần
số nổi nênh lại đẩy má tôi dạt ra lề đường, dầm nắng, dãi sương bán từng
ly cà phê, từng ca nước mát, nhặt nhạnh từng đồng… Tôi đi học về thường
nép một góc đằng xa nhìn má lui cui dọn mấy bình trà, khom lưng lau
bàn, quét bụi… lặng nghe đắng nghẹn ở đâu về đầy ứ. Có khi xe cà phê
vắng khách, má ngồi bần thần lẩm nhẩm vài câu hát cũ. Nhìn má héo hắt
như chiếc lá khô gió thổi bạt lề đường còn cố xạc xào cho tròn một kiếp
lá. Cho đến giờ tôi mới biết, nghệ sĩ mà tự mình hát tự mình nghe thì
còn nỗi đau xót nào hơn.
Rồi bà nội, không chịu nổi những cú
sốc lớn cũng đột ngột mà đi. Bà nội là người mạnh mẽ. Ông nội, cô Thanh
Nga, ba tôi, anh tôi, những người thân thương nhất của bà cứ thế bỏ đi
không lời trăng trối mà bà không hề khóc. Còn tôi, hay vùi đầu vào bụng
bà khóc cho đã thì thôi. Mỗi lần như thế, bà nội thường vuốt đầu rồi
nói: “Mình là trụ cột gia đình thì cố để mà không khóc, vì ai cũng khóc
thì ai biết dựa vào ai để nguôi ngoai”. Đến lượt bà nội cũng đi, thì tôi
không còn khóc nữa.
Sau một lần mất mát, bữa cơm lại thiếu
đi một cái chén, một đôi đũa, lặng bớt một tiếng cười. Cái cảm giác ước
ao về một phép màu mà chính bản thân cũng biết là nó hoàn toàn không có
thật, lạ lùng thay lại luôn thường trực. Như mình đang thương lượng với
sự tuyệt vọng, như khi ăn hết chén cơm rồi mà chén của nội, của ba, của
anh vẫn nằm đó, nguội trơ.
2.
Thuở ấy hầu như cả ngày chỉ được ăn một buổi. Mà cũng hiếm khi có cơm,
thường là tô cháo đậu xanh ăn với đường tán. Có lần đói quá, bủn rủn tay
chân, tôi xỉu ngay trên sân khấu. Anh Mai Sơn, Thanh Tùng đỡ vào trong,
tỉnh dậy đã thấy trên tay có bịch sữa ai đó nhét sẵn vào. Rồi đến đợt,
gạo thì có, mà thịt cá thì không. Hôm nào cũng vậy, má con tôi thay nhau
dậy sớm, đến tiệm mỳ Trường Thạnh xin tóp mỡ người ta bỏ đi, rồi đem về
kho lên ăn với cơm. Hai đứa em tôi coi đó là thịt, ngấu nghiến ngon
lành, má và tôi nhìn nhau, nghe vị mặn kho se sắt trong cuống họng. Lại
có lần, má bị cụt vốn, sáng hôm đó hai má con không biết làm cách nào để
có tiền mua cà phê pha đem bán. Mà không bán thì nhịn đói là cái chắc.
Lúc đó, thằng Hữu Lộc, nhà tôi kêu là thằng Trum, không biết đi đâu về
mà có được 500 đồng, nó lận kỹ vào áo. Đang chơi chơi thì nó làm rớt,
thấy vậy tôi nháy mắt má, má hiểu ý lấy chân đạp lên, tôi vờ “đánh lạc
hướng” nó, má liền cúi xuống, lượm 500 nhét trong lưng quần rồi đi mua
cà phê. 500 cà phê pha ra cũng được mấy ly, rồi lại lấy tiền người ta
trả, đi mua thêm về bán tiếp. Lúc thằng Trum khóc um lên vì mất tiền, má
dỗ hứa cho lại, rồi ái ngại nhìn tôi, hai má con cười, nụ cười đắng
đót.
Tôi học xong đi diễn, nhà vẫn nghèo xơ
xác. Tôi trở thành danh hài, mẹ vẫn phải đẩy xe cà phê đều đều mỗi
sáng, giọng ca ngày nào theo gió vỉa hè bạt đi xa hút. Tôi hết buồn, chỉ
lo làm kiếm tiền để phụ má nuôi hai đứa em. Nhớ có lần tôi cùng Hữu
Nghĩa rủ nhau ra bến tàu cưa cây cho người ta đặng kiếm ít đồng gọi là
tiền chợ trưa. Sáng ra bến tàu, tối lại về đi diễn. Đến bữa thứ ba thì
bị tụi con nít nó nhận mặt. Chúng nó reo hò: “Ông Hữu Châu, Hữu Nghĩa
nè”, rồi bu đen bu đỏ, làm hai thằng mắc cỡ quá, bỏ việc luôn. Tôi đi
hát lô tô, bơm xe, mở quầy báo, … biết là không làm gì sai, nhưng ngậm
ngùi cứ chảy re rắt trong lòng.
3. Khốn
khó rồi cũng qua, tôi lo cho hai đứa em thành gia lập thất. Bản thân
cũng đeo đuổi được chút tiếng tăm. Thằng Trum hồi nhỏ làm biếng học lắm,
toàn trốn đi chơi bị tôi đánh hoài. Nó sợ tôi một phép, phần tôi, sợ em
hư nên hơi quá khắt khe. Vậy mà lớn lên nó lại giỏi, chắc giống bà nội,
nó tính toán, sắp xếp diễn viên, tuồng nào vở nấy gọn ơ. Vậy mà chưa gì
nó cũng theo cha, theo anh đi mất.
Hôm nghe tin cha con thằng Trum bị tai
nạn giao thông, nghe nói hai đứa cháu không sao tôi nghĩ nó bị trầy
trụa sơ sơ à. Tôi đi quay ở Tiền Giang về khuya lắc, mệt quá, nên biểu
con Giao là chị thằng Trum chạy vô bệnh viện coi nó sao rồi báo về. Con
Giao rũ rượi về nhà, nhìn mặt nó tôi đã có linh tính không hay, nó nói
không nổi, nghèn nghẹn hồi lâu rồi mới cất tiếng: “Thằng Trum nó bị nứt
sọ rồi anh ơi”. Tôi thấy mình nghẹt thở, trái tim như bị ai nắm trong
bàn tay rồi bóp siết lại. Nghĩ cũng hay, mình nghĩ, mình làm gì cũng do
cái đầu điều khiển mà khi xảy ra chuyện đau thương thì trái tim lại xoi
xói, biểu nó không nhói nữa, nó cũng chẳng chịu nghe. Tôi ráng trấn
tĩnh, bước lên lầu lấy tiền, rồi đón taxi đi một hơi vô bệnh viện. Phẫu
thuật hộp sọ cho Trum xong, bác sĩ ra nói nếu mà không sốt thì có hy
vọng sẽ vượt qua. Nhưng mà, tối đó, nó sốt cao …
Đầu tôi trống rỗng, không có nghĩ được
gì hết, tôi làm cái gì cũng thấy nhẹ tênh. Nhưng đến khi liệm nó thì
tôi bật khóc. Bởi vì, nắp hòm đóng rồi là đời đời kiếp kiếp về sau cũng
không thể nào gặp lại. Hồi nhỏ, Hữu Lộc nó lì, tôi đánh nó nhiều lắm.
Nghĩ sao mà ổng ăn học kiểu gì, lớp 10 ổng học gần 3 năm chưa qua nổi.
Có lần ổng trốn học đi thục “bi – da”, bị thầy cô tới tận nhà méc vốn.
Tôi giận lắm, nhưng mà cứ đi sớm về khuya chưa rầy nó được. Sáng hôm đó
tôi đi tập, run rủi làm sao ngang qua chỗ ổng đang thục “bi – da”, bộ
đồng phục còn mặc trên người. Tôi tức quá, xách ngay cán chổi trong quán
vừa rượt, vừa đánh … Hồi nhỏ, nó sợ tôi đến mức, nó làm gì sai là chẳng
dám lại gần tôi, tôi mới ngó một cái, nó đã bỏ dép chạy mất tiêu. Lúc
nó mới ra đi, tôi hận lắm, tôi hận ông trời sao bắt hết chỉ còn để lại
mình tôi. Giờ tôi hiểu ra đời là vô thường nên không trách cứ điều gì
nữa. Tôi chỉ hối hận là phải chi, có một đôi lần tôi ôm em tôi trong
lòng, xoa đầu nó, nói nhẹ nhàng với nó thì giờ đây tôi không day dứt đến
thế này.
Bây giờ, không điều gì khiến tôi đau
được nữa. Tôi cũng không buồn, và đã thôi nghĩ về những mất mát chực
chờ. Nhiều người thấy tôi mạnh mẽ, cứng rắn quá đâm ra ái ngại, bảo
rằng: “Khóc cho nhẹ đi”, tự nhiên lại nhớ lời bà nội, “khóc rồi, ai dựa
vào ai để nguôi ngoai”. Ông trời cho tôi nghiệp diễn, lên sân khấu tôi
được khóc, được cười, vậy là quá đủ. Tận cùng hạnh phúc là giọt nước
mắt, và tận cùng của nỗi đau lại là nụ cười. Đến cách biểu hiện hai phạm
trù đối lập là hạnh phúc và khổ đau mà con người còn nhập nhằng đến thế
thì tôi … cần chi phải biết là đang khóc cho người hay khóc cho mình.
Tôi sống với má. Nhà bây giờ chỉ có
hai má con, nên tôi về thường xuyên. Cực một nỗi, buồn cứ lẩn khuất đâu
đó trên những con đường dẫn về nhà. Nhiều khi má buột miệng nói: “Nhà mà
còn đủ, chắc giờ vui lắm ha”. Nghe mà bắt thảng thốt theo. Nỗi khát
khao, ước ao về phép màu cải tử, về điều bất ngờ khiến hoàn cảnh này đột
nhiên thay đổi lại ùa về. Nhưng mà, … không có gì hết. Tất nhiên là,
không có gì hết. Cũng như hôm qua, hôm kia tôi xới cơm cho thằng Lộc,
tôi ăn hết hai chén rồi mà chén của nó vẫn nằm đó, nguội trơ…
Theo Hồ Ngọc Giàu. Ảnh: NVCC
Ý kiến bạn đọc