Góp phần thành công cho số đầu tiên- năm thứ 4 Giọt Nắng Phù Sa phải kể
đến:
* Người chơi dễ thương và hát ca cổ hay đến bất ngờ
Anh Lê
Hoàng Dũng là chủ quán cà-phê tên Mộc ở huyện Bình Chánh, muốn tham gia chương
trình Giọt Nắng Phù Sa phải nhờ đến chú Năm ở cùng xóm giúp anh làm quen cách
giữ nhịp đàn. Và chú Năm cũng giống như bao nông dân khác khi thấy người xung
quanh mình muốn "lên truyền hình" đã vậy còn "thi thố" nữa, nên vừa "chê" và
"kích" thật đáng yêu: "Mày mà thi gì, mày ơi" và ra điều kiện "mày chật một nhịp
là mời một ly cà-phê", làm cho anh Dũng "tự ái" hát cho chú Năm nghe một bài ca
cổ, hát xong chú Năm cười khoái chí:"Tao canh cho rớt (nhịp) mà mày không rớt",
như vừa mừng cho anh Dũng có cơ hội "thi thố", dù vậy vẫn được mời uống cà-phê
bởi sự phóng khoáng của anh Dũng ... "ca cũng được và chơi cũng được". Cô Đặng
Thị Út bán bún thị nướng ở chợ Bàn Cờ (Q3/TP.HCM), hay em Nguyễn Ngọc Quỳnh Trân
dù là một vận động viên khiếm thị từng đoạt 2 huy chương của môn điền kinh, đều
rất thích hát ca cổ.
Bước sang năm thứ 4-Giọt Nắng Phù Sa, người chơi vẫn
phải đối mặt với 4 vòng thử thách: Thử làm nghệ sĩ, Ai biết hơn ai, Bứt phá và
Tỏa sáng cùng nghệ sĩ.
Ở tiết mục "Thử làm nghệ sĩ", Nguyễn Ngọc Quỳnh
Trân đã thể hiện bài ca cổ Thoại Khanh-Châu Tuấn (tg:Viễn Châu) đã nhận được
nhiều tràng pháo tay từ khán giả. Thạc sĩ/nhạc sĩ Huỳnh Khải đã nhận xét: "Nghe
Quỳnh Trân ca tôi cảm thấy xúc động, em có một cách ca rất là đặc biệt, biết
sáng tạo nét giai điệu riêng cho mình", "Sự xuất hiện của bạn đã đem đến cho
khán giả sự đồng cảm và yêu hơn nữa bài vọng cổ qua cách thể hiện rất da diết,
trữ tình và đầy tình cảm"- Nhà báo/đạo diễn Thanh Hiệp chia sẽ. Anh Lê Hoàng
Dũng với bài ca cổ Nhớ anh chiều Bến Dược (tg:Hồ Trung Chánh) đã làm cho NSƯT
Kim Tiểu Long phấn khích: "E rất ngưỡng mộ giọng hát của anh, anh có giọng hát
mạnh, hát rất là cao và rất ngọt". Hay như Cô Đặng Thị Út hát bài ca cổ Nhớ Cha
trong mùa phượng đỏ (tg:Dương Thị Thu Vân) dù hơi run nhưng vẫn được nghệ sĩ Lý
Nhơn Hậu nhận xét: "Dù cô không luyện hát nhiều, nhưng cô biết yêu mến-am hiểu
về cải lương, thể hiện rõ đam mê".
Ở các tiết mục "Ai biết hơn ai", "Bứt
phá". Người chơi bên cạnh phần thể hiện khả năng và kiến thức ca cổ, dù không
tuyệt đối nhưng người chơi qua chương trình cũng tìm hiểu thêm được thông tin về
nghệ sĩ mà mình yêu quý và các kiến thức khác.
*Khách mời gần gũi và đồng
điệu với người chơi
Khi có nhiều khán giả thông qua MC để đặt câu hỏi
thắc mắc: "Vì sao nghệ sĩ Nhơn Hậu (vốn quen thuộc khán giả) lại lấy nghệ danh
mới là Lý Nhơn Hậu?". "Là do khi đi hát, nhiều bạn bè đồng nghiệp và khán giả
nói tên Nhơn Hậu giống tên một tổ chức làm từ thiện, nhưng lúc Ba của Nhơn Hậu
còn sống vẫn khuyên không nên đổi tên khác vì đó là tên Ba Mẹ đặt cho. Sau này
có thời gian đi hát chung với Kim Tiểu Long, "Rồng nhỏ" cũng góp ý vì nghe cái
tên cũng thấy... thiếu thiếu. Thế là cả hai "quyết định" vẫn giữ tên Nhơn Hậu
nhưng thêm chữ Lý phía trước, đơn giản vì Nhơn Hậu vừa đi hát vừa còn học Đại
học Luật, và "luật" là "lý""- Cách giải thích đầy ngẫu hứng của NSƯT Kim Tiểu
Long và Lý Nhơn Hậu thật dí dỏm.
Không chỉ là khách mời của chương
trình, Kim Tiểu Long và Lý Nhơn Hậu cũng đã dành nhiều thời gian để tập dợt các
trích đoạn trước với ba người chơi, hướng dẫn người chơi cách ca-diễn để hóa
thân vào nhân vật đến mức tốt nhất. Mà hai nghệ sĩ còn gần gũi, động viên họ cố
gắng, hòa nhập để biểu diễn như diễn viên thực thụ trên sân khấu, để cùng nhau
tỏa sáng.
Hấp dẫn nhất là tiết mục "Tỏa sáng cùng nghệ sĩ" khi hai người
chơi còn lại sẽ biểu diễn trích đoạn cải lương với hai nghệ sĩ khách mời. Nghệ
sĩ Lý Nhơn Hậu biểu diễn trích đoạn Bên cầu dệt lụa (tg:Thế Châu) với anh Lê
Hoàng Dũng và NSƯT Kim Tiểu Long với Nguyễn Ngọc Quỳnh Trân trong trích đoạn Trà
Hoa Nữ (phỏng theo tiểu thuyết cùng tên của Alexandre Dumas), đã mang lại cho
khán giả tại nhà hát HTV và khán giả xem đài nhiều cung bậc cảm xúc, bởi sự đồng
điệu trong ca-diễn thật ăn ý.
*Và...
Số đầu tiên-năm thứ 4 Giọt
Nắng Phù Sa đã diễn ra hơn nữa tháng. Nhưng ở thời điểm này nếu có dịp về miền
Tây Nam Bộ, bà con xem đài vẫn "xôn xao" bàn tán về chương trình Giọt Nắng Phù
Sa tháng 11/2013, nhiều khán giả cho rằng chương trình rất hấp dẫn, lôi cuốn
người xem và qua chương trình đã định hướng được người xem (nhất là các bạn trẻ)
hiểu và trân trọng, rồi yêu thích bài bản cải lương và âm nhạc dân
ca.
Ban cố vấn là những người có nghề, không chỉ am hiểu niềm đam mê
người chơi, lại ăn mặc đẹp (có cả áo dài, áo dài khăn đống xen với những trang
phục veston hiện đại) mà còn đưa ra những lời góp "vừa đủ" xem ra rất văn minh.
Như Thạc sĩ/nhạc sĩ Huỳnh Khải sau khi nhận xét đã đưa ra lời góp ý với Nguyễn
Ngọc Quỳnh Trân-"Quỳnh Trân có cách xếp văn rất là hồi hộp nghe như là sắp sửa
ca trước, nhưng rồi lại giữ nhịp lại nên cho thấy Quỳnh Trân biết nghe đờn và
nhịp rất là chuẩn. Mặc dù vậy cách giữ hơi của bạn chưa có kinh nghiệm lắm, điều
này có thể khắc phục được" rất nhẹ nhàng. Nhà báo/đạo diễn Thanh Hiệp cũng góp ý
về Quỳnh Trân rất chân thành-"Mặc dù có những khuyết điểm, những cái hạn chế,
nhưng mà sự xuất hiện của bạn đêm nay là một sự tỏa sáng đáng quý để chúng ta có
thể ngưỡng mộ hơn với niềm đam mê này". Hay như NSƯT Kim Tiểu Long góp ý với
người chơi Lê Hoàng Dũng ân cần-"Em thấy giọng hát của anh như vậy là đã hay,
cần một điều nhỏ thôi khi phát âm chữ v với chữ d cho rõ thì sẽ hay hơn". Nghệ
sĩ Lý Nhơn Hậu sau khi nhận xét giọng ca của cô Đặng Thị Út vẫn gửi lời yêu
thương đến cô-"Cô Út bán bún thịt nướng hôm nay rất là đẹp. Con nhất định sẽ đến
ủng hộ quán bún của cô".
Khi khách mời là những nhà chuyên môn giỏi, là
nghệ sĩ nổi tiếng được người chơi và khán giả hâm mộ và yêu quý. Lại gần gũi, dí
dõm, không tạo khoảng cách, đồng điệu với niềm đam mê thì hỏi sao chương trình không
hấp dẫn người xem.
Ý kiến bạn đọc