“Tôi chọn cách im lặng vì muốn bảo vệ bố mình”

Con gái ruột thứ 2 của nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý – nghệ sỹ piano Thái Linh nói rằng: “Bao nhiêu năm nay, tôi chọn cách im lặng vì muốn bảo vệ bố mình. Tôi sẵn sàng chịu những điều tiếng của người đời, vì tôi nghĩ, nếu mình làm được điều đó cho bố mình thì cũng bình thường thôi, chẳng có gì to tát cả. Ơn sinh thành, cao như núi. Đằng nào, mình mang tiếng cũng vài chục năm rồi, giờ mang tiếng thêm cũng chẳng sao cả”.

Nghệ sỹ Thái Linh chia sẻ tiếp: “Sự vụ đã xảy ra bao nhiêu năm rồi, nay tôi chỉ mong sao bạn đọc, đặc biệt những người mến ngộ ông được hiểu rõ vấn đề hơn. Bố tôi nay đã già, trên 90 tuổi rồi, không còn nhận thức được nhiều trong hành động, luôn có sự tác động nhất định của những người đang sống bên ông”. 

 
Nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý kể ông sống nghèo khổ, bị bỏ rơi lúc cuối đời.

Gần 20 triệu một tháng, sao lại sống chật vật, nghèo khổ?

Trên một vài tờ báo, ngoài thông tin bị con cái phụ bạc, cũng có thông tin nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý kể rằng, tỉnh Hà Tĩnh từng hứa biếu ông 5 triệu đồng mỗi tháng cho tới khi ông mất nhưng chẳng thấy đâu. 

Đồng chí Hà Văn Thạch, Trưởng ban Tổ chức tỉnh ủy Hà Tĩnh cho biết, với người Hà Tĩnh, nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý giống như một người cha già, ai cũng yêu mến, thương ông. Gần như Tết nào, tỉnh Hà Tĩnh cũng đều cử người vào thăm và chúc Tết ông. Cách đây mấy năm, ngoài số tiền 50 triệu đồng biếu nhạc sỹ, tỉnh Hà Tĩnh cũng quyết định từ nay cho tới khi ông mất, đều sẽ gửi ông 5 triệu đồng hằng tháng để dưỡng già. Ngoài ra, vì biết sức khỏe nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý yếu, lẫn tính nên tỉnh đã có lời mời cụ ra Hà Tĩnh để chăm sóc, khi cụ mất đi, sẽ chôn ở Kẻ Gỗ. Khi thì cụ đồng ý, khi thì không.

Nói về một số bài báo gây xôn xao dư luận trong thời gian qua, đồng chí nói rằng, phóng viên nên tìm hiểu cặn kẽ, khách quan. Câu chuyện liên quan tới ứng xử văn hóa của không chỉ gia đình, tỉnh Hà Tĩnh mà còn cả đất nước, với một người nổi tiếng như nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý. 

 
Nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý ký nhận tiền tác quyền. 

Anh Trúc, người đang công tác tại một hãng hàng không, cũng là người thay mặt tỉnh ủy Hà Tỉnh hằng tháng đến gửi ông số tiền 5 triệu đồng cho rằng, câu chuyện này nhỏ nhưng thực ra, lại là lớn. Nhỏ là vì số tiền 5 triệu đồng quả thực không lớn nhưng lại cực lớn so với tình nghĩa của nhân dân Hà Tĩnh dành cho cha đẻ ca khúc “Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh”. 

Anh Trúc là người trực tiếp nhận tiền từ  Hà Tĩnh gửi vào, cũng là người trực tiếp đi gửi tận tay ông. Sau này, trên một số bài báo, có viết, nhạc sỹ kể rằng Hà Tĩnh hứa mà không cho – từ đó, mỗi lần sang gửi tiền cho ông, anh Trúc rủ thêm vài người bạn đi cùng, nhờ người ở cùng ông kí vào, chụp ảnh ghi lại, nhỡ có ai hỏi, còn biết đường mà báo cáo. 

Trước thông tin nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý sống nghèo khổ, chật vật lúc cuối đời, dư luận hoài nghi và đặt ra nhiều câu hỏi đối với VCPMC trong vấn đề thanh toán phí bản quyền ca khúc. Liên lạc nhạc sỹ Đinh Trung Cẩn, Giám đốc văn phòng phía Nam VCPMC, thì được nhạc sỹ cho biết, một năm có 4 quý, quý nào, Trung tâm cũng trả tiền tác quyền cho nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý đầy đủ. Theo một phiếu chi mà phía Trung tâm đưa ra, tiền tác quyền của ông trong quý IV năm 2016 đã hơn 26 triệu đồng rồi.

 
Phiếu chi được VCPMC chụp lại. 

Vì điều kiện sức khỏe không cho phép, nên hằng quý, VCPMC đều cho người mang tiền đến tận nhà. Nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý là một tên tuổi của âm nhạc Việt Nam, lại còn được giải thưởng Hồ Chí Minh nên VCPMC rất thận trọng trong câu chuyện tác quyền.

Theo tìm hiểu của PV, trung bình hằng tháng, ít nhất, nhạc sỹ được nhận gần 20 triệu đồng (tiền tác quyền ca khúc trung bình 3-4 triệu/tháng, tiền tỉnh Hà Tĩnh biếu mỗi tháng cho tới khi ông mất 5 triệu đồng, tiền lãi tiết kiệm hơn 4 triệu đồng, 1,5 triệu từ Hội Nhạc sỹ… Chưa kể những khoản khác). Với số tiền này, vì sao một người già cả như nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý lại không đủ? Còn điều gì khuất tất ở đây chăng?

Đậu Dung

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý: Dư âm một thời và những "nốt trầm"

 

Nếu tính bài hát "Ai xây chiến lũy" viết năm 1949 là tác phẩm đầu tiên của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, thì tới năm 2003, ca khúc "Mối tình câm" coi như là giai điệu cuối cùng sau hơn nửa thế kỷ hoạt động âm nhạc của ông. Nói vậy, bởi từ đó đến nay, do tật bệnh ông không viết được nữa.