Tối 29-9, vòng chung kết xếp hạng cuộc thi "Chuông vàng vọng cổ" 2024 đã diễn ra với phần tranh tài của 3 thí sinh là: Dương Thị Mỹ Nhung, Nguyễn Hùng Vương, Lê Hoàng Nghi tại Nhà hát Truyền hình HTV.
Xem tiếp...
NS Hữu Chiêu
Sau Đà Lạt, đoàn Thanh Minh hát một tuần ở Di Linh, rồi tuần sau ở Blao. Nghệ sĩ chúng tôi được người mua dàn hát dẫn đi thăm vườn trà, xưởng chế biến trà, đi viếng thác Đam Ri và khu vườn thú hoang dã. Nghệ sĩ thất tình Hữu Chiêu không đi chơi, ở ru rú một mình dưới hầm sân khấu, em viết thơ, sống âm thầm cô lẻ, mất tính hồn nhiên như khi mới gia nhập đoàn hát.
Một sáng sương mù dầy đặc, Hữu Chiêu thay y phục, mặc thêm blouson, đội nón sùm sụp, mở cửa phòng rón rén đi ra. Vì quan tâm đến em, tôi lặng lẽ theo sau xa xa. Đến nhà thờ, Hữu Chiêu nhìn lại phía sau, sương mù mờ mịt, tôi đang ở góc phố, Hữu Chiêu không thấy có ai theo nên em yên tâm, vô nhà thờ. Tôi chờ một lúc lâu không thấy Hữu Chiêu ra nên tôi cũng vô theo, tôi thấy Hữu Chiêu đang qùy cầu nguyện, tôi ra ngoài, đứng chờ.
Một lúc lâu sau, các người đi lễ về, Hữu Chiêu ra đến cửa gặp tôi, em ngạc nhiên hỏi :« Ủa ! Chú Ba cũng đi nhà thờ à ?»
- Tao định viết một tuồng về một mối tình trắc trở như chuyện « Lan và Điệp ». Cô gái bỏ nhà vô chùa tu là một kiểu viết tuồng cũ xưa nay, mô típ nầy đã nhàm rồi, nên tao định cho cô gái bị tình duyên dang dở vô tu trong nhà nguyện, khấn hứa trọn đời. Bởi vậy tao quan sát sinh hoạt và đi lễ nhà thờ của những người có đạo để viết cho nó đúng. .. Ủa ! Mà mầy theo đạo Công Giáo từ lúc nào vậy ?. Minh đi hát là thờ Tổ nghiệp, cúng đình, cúng chùa chớ đâu có đi nhà thờ !»
Hữu Chiêu không trả lời, lặng im theo tôi. Tôi dẫn Hữu Chiêu ra chợ, uống cà phê, ăn sáng. Ăn uống xong, em ngập ngừng nói :« Chú Ba, con nhờ chú giúp con chuyện này được không ?»
- Chuyện gì ?
- Nhờ chú viết dùm con bốn câu vọng cổ, đựa theo bài thơ này hoặc lấy nguyên văn bài thơ này viết thành vọng cổ.( Hữu Chiêu đưa tôi xem bài thơ : )
- Người ở bên trời, ta ở đây
Chờ mong phương nọ, ngóng phương này
Tương tư đôi chốn, tình ngàn dặm
Vạn lý sầu lên, núi tiếp mây.
Nắng đã xế về bên xứ bạn,
Chiều mưa lên bãi, nước sông đầy
Trông vời bốn phía không nguôi nhớ
Dơi động hoàng hôn thấp thoáng bay.
Cơn gió đìu hiu buồn tiễn biệt
Xa nhau chỉ biết nhớ vơi ngày
Chiếu chăn không ấm người nằm một
Thương bạn chiều hôm, sầu gối tay.
- Bài thơ hay quá, tác giả là ai ?
- Con không biết ! Thấy đăng báo, con chép vì nó giống tâm trạng của con. Con muốn dùng bài thơ này viết thành bài vọng vổ để hát cho đở buồn.
- Không biết tên tác giả thì tao không thể lấy ý đó mà viết vọng cổ. Mầy cũng biết cái chuyện đạo văn đạo thơ là cấm kỵ trong cái nghề viết lách. Mây muốn có vọng cổ thì tự mà viết lấy.
- Hữu Chiêu im lặng, lấy lại bài thơ. Tôi gạ hỏi : « Mày nói thật đi…mày thương cô Hương ở tiệm cà phê TÙng, phải không ? Mày thương cô gái trồng hoa hồng ở thung lũng xanh ! Nghe thơ mộng lắm nhưng mà… mày với cô ta đã tiến tới đâu rồi ?
- Dạ ! Đâu có tới đâu đâu chú ! Con thương cổ vì thấy cổ có hiếu với má cổ, chịu thương chịu khó đi làm mướn, về nhà còn phụ trồng hoa, gánh hoa đi bán, một cô gái nết na, hiền thục.
- Mày thương cổ, còn cô ta đối với mày thì sao ?
- Thì chú coi mấy câu thơ này, chú đoán được tâm trạng và hoàn cảnh của con…« Người ở bên trời, ta ở đây, Chờ mong phương nọ, ngóng phương này. Tương tư đôi chốn, tình ngàn dặm, Vạn lý sầu lên, núi tiếp mây!»
- Hát ở Đà Lạt, mày có đi viếng thung lũng tình yêu, đồi thông hai mộ không ? Chuyện tình của mày chắc sẽ tạo thêm một thiên tình sử Hai mộ nơi thung lũng xanh !
- Chú nói gì nghe ghê quá vậy ?
- Thì giống như chuyện anh Tâm, sinh viên sĩ quan Đà Lạt, yêu cô giáo Thảo, bị ngăn cách vì hai người theo hai đạo khác nhau, gia thế giàu nghèo khác nhau nên mới có chuyện chia ly ngăn cách. Cô Giáo Thảo chết trước, mồ chôn trên đồi thông ở thung lũng tình yêu, sau đó anh Tâm chết trước mộ cô giáo Thảo nên được chôn gần bên ngôi mộ của người yêu. Đây, mấy đoạn thơ của thi sĩ Thanh Tâm về chuyện tình Đồi Thông Hai Mộ :
Từ ấy rừng thông rộn nắng vàng,
Trong lòng cô giáo buổi xuân sang
Thương người lính trận phong sương ấy,
Bên dãy đồi thông gió bạt ngàn.
Rồi những hoàng hôn mây tím bay,
Những đêm ngồi dưới ánh trăng đầy,
Lắng nghe đôi nhịp tim thổn thức,
Thắm lạnh sương về trong ngất ngây.
Rồi tiếng đoàn quân bước dập dồn
Ngậm ngùi lệ tiễn đến cuối thôn,
Ôm nhau ước hẹn bao dâu bể,
Nguyện giữ lời thề, dạ sắt son.
Nào biết rồi đây mãi lỡ làng
Mấy mùa thu chết, mấy xuân sang
Bóng người con gái hao gầy quá,
Bên dãy đồi xưa sắc võ vàng.
Dưới cội thông già ánh trăng tan
Ngồi bên mà lệ thảm tuôn tràn,
Được tin người lính nghe cha mẹ
Cưới vợ giàu sang, nỡ phụ phàng !
Ôm mối tình đầu khóc trái ngang,
Trăng về đưa tiễn mãnh hồn oan,
Đồi thông chôn xác người trinh nữ,
Mới chớm vào yêu đã vội tàn.
Được tin nàng mất lúc đông sang,
Người lính ngày xưa đến mộ nàng,
Quỳ ôm đất lạnh, than khóc mãi,
Theo mối tình xưa xuống suối vàng.
Chôn người lính trẻ cạnh bên nàng
Bên hồ Than Thở chút khói nhang,
Đồi thông hai mộ ghi chứng tích,
Một mối tình son trót lỡ làng.
Hữu Chiêu, rất buồn, cố nắm níu hy vọng:« Hai đứa con đều nghèo, đều mồ côi cha, tuy cô ấy theo đạo Chúa, cháu theo gánh hát thờ Tổ nghiệp nhưng cháu chịu theo đạo Chúa, chịu rửa tội thì đâu còn có trở ngại gì đâu chú ?»
Trong chuyến lưu diễn miền Trung này, đoàn hát hai lần hát ở Đà Lạt, vài lần ở Di Linh, Blao, nhờ đó Hữu Chiêu có nhiều dịp gặp cô Hương. Chúng tôi xem chuyện đó bình thường vì các cô gái mến nam nghệ sĩ thì ở địa phương nào cũng có và đó chỉ là những chuyện tình cảm bâng quơ, ít khi có kết quả thành vợ thành chồng. Và cũng chưa bao giờ có chuyện người này yêu người kia đến độ quyên sinh hay đau tương tư mà chết.
Hữu Chiêu ngoài việc học tuồng, học hát, em để nhiều thì giờ viết thơ gởi cho cô Hương, mượn địa chỉ quán cà phê Tùng. Mỗi lần đến một bến diễn mới, một huyện nhỏ hay tỉnh thành, Hữu Chiêu viết thơ cho cô Hương kể lể về việc hát hò của mình và không quên kể dự tính tương lai của Chiêu và Hương một khi Hữu Chiêu ký được contrat một hai trăm ngàn đồng như các ký giả kịch trường đã lăng xê trên báo.
Hữu Chiêu ráng học ca, học hát với hy vọng sẽ được ký contrat với một số tiền lớn để cưới vợ. Hữu Phước gia công dạy kỹ thuật ca vọng cổ cho H. Chiêu và anh nhờ tôi viết tuồng lăng xê H. Chiêu.
Tôi viết các tuồng Cánh Bườm Lửa, Nẽo Tắt Hoành Sơn, Bóng Chim Tăm Cá, Chén Trà Của Quỷ, mỗi tuồng đều có một vai dành cho H. Chiêu, có nhiều lớp xúc động và nhiều câu vọng cổ. H. Chiêu gây được tiếng vang khi hát ở miền Trung và khi diễn ở rạp Hưng Đạo, nhiều ký giả kịch trường vào hậu trường phỏng vấn và viết báo khen Hữu Chiêu. Nhân dịp đó tôi đề nghị bà Bầu Thơ ký contrat với các nghệ sĩ trẻ Hữu Chiêu, Quang Nhiều, Kiều Lệ Tâm để giữ nghệ sĩ danh ca cho sân khấu Thanh Minh Thanh Nga nhưng khi bà Bầu Thơ hỏi ý kiến ký giả Ngọc Linh thì anh nói : « Đoàn Thanh Minh Thanh Nga đang có các danh ca Hữu Phước, Thành Được, Thanh Tú, Út Bạch Lan, Ngọc Giàu, Thanh Nga, ký contrat các nghệ sĩ trẻ tốn tiền vô ích. Các em đó đang muốn ở đoàn mình để học nghề, không cần ký contrat các em đó vẫn bám theo đoàn hát của chị mà !» Vì lời bàn của ký giả Ngọc Linh mà bà bầu Thơ không tăng lương và ký contrat với Hữu Chiêu.
Thêm một chuyện không may là mẹ của Hữu Chiêu mất vì bịnh ung thư phổi. Hữu Chiêu xin nghĩ hát vài hôm để lo an táng mẹ em, sau đó Hữu Chiêu nghĩ hát luôn. Tôi mến tiếc một tài năng trẻ nên tôi đến nhà Hữu Phước để gặp H. Chiêu. Đến nơi thì thấy em đang thu dọn đồ đạt cá nhân để rời khỏi nhà, Hữu Phước giận vì cho là Hữu Chiêu vong ân, ký contrat với đoàn Kim Chung mà không hỏi ý kiến anh. Hữu Chiêu nói :« Ký giả Ngọc Linh nói với bà Bầu là đoàn TMTN có nhiều danh ca, bọn nghệ sĩ trẻ chúng con bao giờ mới có vai tuồng hay để hát. Bao giờ mới được tăng lương, bao giờ mới có ký contrat ? Bởi vậy khi ông bầu Long liên lạc với con, cho ký contrat 60.000 đồng về hát cho Kim Chung, lương đêm 150 đồng, cháu không thể bỏ lỡ cơ hội này.»
Nghệ sĩ Hữu Chiêu về đoàn Kim Chung, đóng vai kép nhì, được hai nghệ sĩ tài danh Mỹ Châu và Minh Phụng dạy thêm nghề nên em tiến bộ nhanh, được khán giả và báo chí ngợi khen.
6 tháng sau, tôi đến đoàn Kim Chung ở rạp Olympic thăm Hữu Chiêu thì anh Ba Truyện, quản lý Kim Chung 3 nói :« Mấy đứa vệ sĩ trong đoàn nói là Hữu Chiêu bị bắt lính, có đứa nói nó gia nhập Biệt Kích Dù. Ông Bầu biểu tôi đi kiếm, tôi lên Trung Tâm 3, đến Quân Vụ Thị Trấn, đến bót Cảnh Sát quận 3 dò hỏi thì bặt vô âm tín. Tôi dò hỏi các đoàn cải lương tỉnh thì cũng không có tin tức gì của nó hết. »
Việc một anh kép trẻ biến mất không ảnh hưởng gì đến sân khấu cải lương, ngoại trừ ông bầu Long mất 60.000 đồng tiền contrat. Các nghệ sĩ cũng không ai quan tâm tìm hiểu Hữu Chiêu đi đâu, làm gì,,,
X X X
Mười năm sau… năm 1971, tôi viết truyện phim Triệu Phú Bất Đắc Dĩ cho hãng phim Mỹ Vân, đạo diễn Lê Hoàng Hoa các chuyên viên quây phim và tôi, lên Đà Lạt, tìm cảnh các đồi dốc để thực hiện phim đó. Tôi đề nghị chọn cảnh con đường từ nhà thờ Domaine de Marie qua xóm Thung Lũng Xanh, đoạn đường đó cua dốc rất gấp và cao, cảnh nhà thờ Domaine de Marie vách tường màu hồng, chung quanh có vườn hoa anh đào và hoa quỳnh, cảnh trí rất thơ mộng. Đạo Diễn Lê Hoàng Hoa đồng ý, anh cùng với tôi và caméraman Trần Đình Mưu đến quan sát và chọn góc độ để quây phim. Đến đây, tôi chợt nhớ gia đình cô trồng hoa hồng nơi thung lũng xanh, chúng tôi bèn đến đó để chọn cảnh quay phim nhân dịp ghé thăm cô Hương.
Ngôi nhà tranh vách đất ở thung lũng xanh đã được xây cất thành ngôi nhà nhỏ xinh xắn, ngói đỏ, tường vôi sơn màu hồng. Vườn hoa hồng trở thành rẫy trồng choux hào, carottes. Chủ nhà tiếp chúng tôi là một cô gái độ hai mươi lăm tuổi, nước da trắng hồng. Đạo diễn Lê Hoàng Hoa hỏi mượn cảnh quây phim, cô do dự, Lê Hoàng Hoa nói tiếp : « Xin cô xem như là chúng tôi mướn địa điểm này để quây phim trong ba ngày, trong ba ngày đó chúng tôi xin cô và người trong gia đình không cắt bắp cải, choux hào hay bông hoa gì trong vườn để cho cảnh trí đừng bị sai lạc trong phim, hãng phim sẽ trả tiền mướn địa điểm quây phim, trả tiền mua hoa màu trong vườn của cô và nếu có làm hư hại gì, chúng tôi sẽ bồi thường.»
Cô chủ nhà : «Tôi không quyết định được, xin các ông bàn với chồng tôi, ãnh đang tưới cây ngoài bờ suối, tôi sẽ gọi chồng tôi vô ngay.» Cô bước ra sau nhà, gọi lớn : « Anh ơi, nhà có khách, anh về ngay nhe anh. » Độ mười phút sau tôi nghe tiếng cô chủ nhà nói chuyện phía sau nhà, kế đó một thanh niên vạm vỡ bước vô : « Chào các ông, tôi nghe vợ tôi nói là các ông dịnh mướn rẫy của tôi làm chổ quây phim ?
Tôi bật đứng dậy, la lên :« Hữu Chiêu ! Hữu Chiêu phải hông ?
n Trời ơi !... Chú Ba… không ngờ gặp lại chú Ba !
Lê Hoàng Hoa ngạc nhiên, hỏi : « Ủa ! anh Phương quen với anh chủ nhà à ?
Hữu Chiêu : « Dạ, hồi trước tôi đi gánh hát Thanh Minh với chú ba Phương. Thôi ! cũng là nghệ sĩ cả, tôi mời các chú ở lại ăn cháo gà, nói chuyện chơi, lâu quá tôi mới gặp lại chú Phương. Còn chuyện quây phim thì mấy chú tính sao thì vợ chồng tôi cũng đồng ý như vậy !»
Đạo diễn Lê Hoàng Hoa và anh caméraman Trần Đình Mưu sau khi ăn cháo gà, uống rượu dâu do ông chủ nhà hiếu khách đãi, hai anh ra rẫy và xuống bờ suối chụp một số cảnh mà anh định thu hình trong phim. Tôi ở lại nói chuyện hàn huyên với Hữu Chiêu.
Hữu Chiêu biết tôi thắc mắc vì cô vợ hiện nay của Chiêu không phải là cô Hương, cô gái bán hoa hồng ngày trước. Chiêu vô trong phòng, bưng ra một cái hộp giấy carton đẹp, mở ra cho tôi thấy một xấp thư của Chiêu gởi từ lâu cho cô Hương nhưng Hương không mở ra đọc và một nhánh hoa bất tử khô. Trên nấp hộp thư, Hương viết bốn câu thơ :
Nhiều thư cũ nhưng tình anh không cũ
Bởi ngày xưa em chưa đọc một lần,
Thư không mở nghĩa là em muốn giữ
Nụ tầm xuân tím mãi với thời gian.
Hữu Chiêu kể lại chuyện tình 10 năm trước :
Lần đầu tiên gặp Hương nơi Cà phê Tùng, Chiêu đã yêu mến người con gái có hiếu với mẹ. Để giúp Hương đở mệt nhọc khi tưới hoa, Chiêu đem hết số tiền dành dụm và mượn nợ thêm để mua máy bơm và hệ thống bơm nước đặt trong vườn trồng hoa hồng của Hương. Chiêu và Hương đều cảm mến nhau. Tuần lễ đoàn Thanh Minh hát lần thứ hai ở Đà Lạt, Chiêu đến thăm Hương, hai người nói chuyện tâm tình bên hông nhà thờ Domaine de Marie, Hương cho biết Hương sẽ vào tu viện dòng Thánh Bác Ái Vinh Sơn ở nhà thờ Lãnh Địa Đức Bà và sẽ khấn hứa trọn đời.
Chiêu vẫn không nản lòng, khi đoàn hát dọn đến một địa điểm mới nào, Chiêu cũng viết cho Hương một thư, tỏ lòng thương nhớ, bàn về chuyện Chiêu lo việc xây dựng hạnh phúc cho Hương và Chiêu. Thư gởi đi không có hồi âm.
Sáu tháng sau khi ký contrat với đoàn Kim Chung, nhân dịp Cảnh sát xét tờ khai gia đình trong vùng quanh rạp Olympic, Chiêu mang số tiền ký contrat và quần áo trong ba lô, mua vé xe lô Đà Lạt đi chuyến khuya. Anh định đi thăm Hương vài ba ngày, trực tiếp bàn chuyện hôn nhơn, giúp tiền cho gia đình Hương rồi trở về đoàn Kim Chung, nói láo là bị bắt vì không có tờ khai gia đình nhưng anh lo lót nên trốn về được.
Đến Đà Lạt, Chiêu chỉ gặp mẹ và em gái của Hương. Gia đình có đạo dòng nên mẹ của Hương không cản ngăn khi Hương xin vào tu viện khấn hứa trọn đời. Khi Chiêu đến thăm thì mẹ vủa Hương đang bị bịnh nặng, nằm liệt một chỗ. Cô Thùy, em Hương vừa chăm sóc cho mẹ, vừa lo vườn hoa, cắt hoa đi bán. Nhà thiếu trước hụt sau, không đủ tiền lo thang thuốc cho người bệnh. Chiêu không nở bỏ về, anh giúp tiền bạc lo thang thuốc cho mẹ của Hương và ở lại giúp chăm sóc vườn hoa hồng. Chiêu được cô Thùy dẫn đến nhà thờ Domaine de Marie thăm Hương. Hương biết mẹ bịnh, gặp lại Chiêu, Hương chỉ cúi đầu đọc kinh cầu nguyện Chúa ban phước lành và ân sủng cho người thân, sau đó cô quay lưng, lặng lẽ đi vào hành lang của tu viện.
Nhìn bóng cô sœur mặc áo dòng đen đi khuất sau hành lang, Chiêu nghe đau nhói trong tim. Anh không thể làm cho người yêu trở về cuộc đời thường nhưng anh cũng không thể bỏ về Saigon theo gánh hát vì tim của anh đã gởi lại dốc sương mù nơi xóm nhỏ, có ngôi nhà thân thương của cô gái bán hoa hồng và quan trọng hơn hết là ở nơi đây có nhà thờ của Lãnh Địa Đức Bà, nơi vùi chôn trong nỗi nhớ mối tình đầu của Hương và Chiêu !
Mẹ của Hương mất. Bốn năm sau, Chiêu và Thùy thành hôn, tình chị duyên em, Hữu Chiêu không thành kép chánh danh ca mà cam tâm sống cuộc đời làm rẫy để tương tư mãi mối tình đầu không trọn vẹn với cô gái bán hoa hồng nơi thung lũng xanh.
Trước khi chia tay vợ chồng Chiêu - Thùy, tôi tặng Hữu Chiêu bốn câu thơ cảm hứng về cuộc tình Hương - Chiêu :
Anh là cánh chim trời bạt gió,
Em là chớp sáng giữa ngàn khơi
Đôi ta xa cách… càng xa cách,
Còn nghe đau xót thuở nào nguôi !
Nhớ một đứa em nghệ sĩ lội ngược dòng sân khấu.
Soạn giả Nguyễn Phương 2015
Nguồn tin: SG Nguyễn Phương - cailuongvietnam.com
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://www.cailuongvietnam.com là vi phạm bản quyền
Ý kiến bạn đọc