NSND Diệp Lang hay nhắc với tôi một kỷ niệm về ba của ông, nhạc sĩ Ba Diệp.
Hồi ông cụ còn sống, thấy con trai mon men rớ vô cây đờn kìm của mình, muốn nối
nghiệp cầm đờn, ông cụ đã can ngăn: “Nghề này bạc bẽo lắm con ơi! Thà con làm
nghệ sĩ còn được bước ra sân khấu, ít nhiều người ta cũng biết mặt biết tên, chứ
cầm đờn là suốt đời ở trong bóng tối!”. Thế là Diệp Lang học ca để làm kép hát.
Sau này khi ông cụ bệnh nặng, rời đoàn hát về quê, cũng chỉ có hai bàn tay
trắng. Cho nên, cái đời nhạc công buồn lắm, ai nghe nói cũng thường phân vân
ngao ngán...
Trẻ lâu nhờ... tiếng đàn Nhạc sĩ
Kiều My - Ảnh: do nghệ sĩ cung cấp Nhưng rồi vẫn có những người
“mang lấy nghiệp vào thân”. Và thương hơn nữa khi họ là những nữ nhạc công. Như
nhạc sĩ Mỹ Giàu của mấy chục năm về trước, mới 7 tuổi đã nắn phím buông tơ. Cha
chị là nhạc sĩ Năm Hòa, dân Hồng Ngự - Tam Nông (tỉnh Đồng Tháp), thập niên 50
từng đi theo các đoàn cải lương khắp giang hồ lục tỉnh. Ông nội chị cũng là
thành viên của ban nhạc lễ, dạy nghề cho hai người con trai. Đến lượt ba chị
cũng truyền nghề cho 5 cô con gái, vừa đàn vừa hát những bài bản cải lương. Ông
nói: “Ba nghèo quá, không có tài sản gì để lại cho các con, chỉ để lại cái nghề
cho các con làm kế sinh nhai”. Ông biết đàn rất nhiều loại, như kìm, tranh, cò,
ghi-ta phím lõm, violon, nhưng ông chỉ dạy cho các cô ngón đàn tranh vì ông nói
con gái đàn tranh có tư thế ngồi đẹp hơn cả.
13 tuổi (1977), Mỹ Giàu tham
gia đội văn nghệ Hội Chữ thập đỏ thị xã Sa Đéc, lưu diễn nhiều nơi. 1980, cha
mất, chị lên Sài Gòn lập nghiệp, vào đoàn Sài Gòn 2, rồi vài năm sau tham gia
các đoàn Bông hồng trắng, Hải Đăng, Trung Hiếu. Năm 1993, chị về đoàn Trần Hữu
Trang, công tác đến tận nay.
Nhìn Mỹ Giàu, ai cũng tưởng là đào hát chứ
không phải nhạc công. Chị nhỏ nhắn xinh đẹp, nụ cười chúm chím, má ửng hồng. 46
tuổi mà trông như chưa đầy 40. Chị rụt rè bảo không biết chạy xe gắn máy, đi đâu
phải kêu xe ôm, rất sợ đường phố đông người. Thảo nào năm ấy, khi bà chị thứ hai
định xin cho chị vô đoàn để làm diễn viên, chị lắc đầu: “Cho em đờn thôi. Em
không cạnh tranh nổi đâu. Thà cầm đờn thầm lặng nhưng yên ổn”. Quả thật, cái
tính hiền lành ấy, đứng sau cánh gà là phải! Chị cười buồn buồn: “Nghề này bạc
bẽo thật đó. Có lúc tôi đã nghỉ làm, nhưng rồi mở ti vi ra xem cải lương, lại
nhớ nghề, quay trở lại”. Và một nỗi buồn lớn hơn: “Bây giờ người ta chuộng những
người có học trong trường lớp, còn như tôi học cha truyền con nối thì họ bảo
không có bằng cấp”.
Chị vừa nghỉ việc mấy tháng nay, ở nhà đi sô đám tiệc
và dạy học trò. Chị dạy đàn lẫn dạy ca, mỗi ngày hai buổi sáng chiều, thu nhập
tạm đủ sống, nhưng căn nhà vẫn chưa mua nổi. Chị cũng vừa lên chức bà ngoại mấy
năm nay, cuộc sống càng chật vật. Ngay cả chuyện tình duyên cũng gãy đổ mấy lần.
Thì cái nghề này nó vận vào mình long đong vậy đó. Nhưng chị nói: “Tôi vẫn bằng
lòng với cuộc đời, vì mình có cái nghề mà mình say mê. Thôi thì con tằm phải nhả
tơ, nó không nhả tơ cũng không biết làm cái gì!”. Chị mỉm cười nhắc chuyện hồi
nhỏ nhà nghèo, má chị làm bánh cho lũ con bưng đi bán, mấy bà chị bán hết trơn,
chỉ riêng chị cứ ế dài. Thành ra, chị không dám nuôi mộng kinh doanh, cứ vui với
tiếng tơ tiếng trúc, chắc vậy mà trẻ lâu!
Về chuyện vui buồn trong nghề,
Mỹ Giàu nói tiếng đàn của người nhạc sĩ có nhiệm vụ dìu bước cho tiếng ca của
nghệ sĩ, không được lơ là. Nghệ sĩ ra sân khấu chịu rất nhiều áp lực, bởi vừa
phải ca, vừa phải diễn, vừa vũ đạo, vừa chú tâm nương theo bạn diễn, nhất là với
bạn diễn mới chưa được ăn ý thì càng phải chú tâm. Vì vậy có khi họ ca rớt nhịp,
kể cả ngôi sao cũng bị “tai nạn” như thường. Nhạc sĩ phải lắng nghe họ ca để kịp
“vớt” họ. Nhạc sĩ thường ngồi trước sân khấu (ở bậc thềm thấp hơn) hoặc ngồi xéo
xéo để có thể nhìn thấy khẩu hình của nghệ sĩ mà đàn theo. Những trường hợp
“vớt” không kịp, mà gặp nghệ sĩ nào tánh tình nóng nảy, thì họ la nhạc sĩ một
trận. Nhạc sĩ Khải Hoàn bị mù, không trông thấy khẩu hình được, thì anh ngồi sát
cái loa để dễ nghe tiếng ca. Chưa kể, có những trường hợp ca đâm hơi thì nhạc sĩ
cũng phải đàn theo kiểu... đâm hơi. Nghĩa là tay nghề không chỉ giỏi mà còn phải
biết xử lý tình huống khéo léo, nhanh nhẹn, tung hứng kịp thời.
Hiện nay,
do kinh phí thấp, các ông bầu đã cắt bớt nhạc cụ, chỉ để lại cây ghi-ta phím lõm
là đủ đại diện cho cả dàn nhạc, nên nhạc sĩ đàn tranh như chị thường bị ế sô. Dĩ
nhiên dàn nhạc lúc ấy không còn hay nữa vì thiếu hòa âm, thiếu âm sắc phong phú
của nhiều loại đàn.
Ngoại lệ độc đáoNhạc sĩ Kiều
My là một ngoại lệ độc đáo. Gần như trong làng tài tử cải lương, phụ nữ chỉ cầm
đàn tranh, nhưng duy nhất mình chị là chơi đàn kìm. Cái thứ đàn rất mộc, chỉ có
thể so sánh với đàn bầu. Tôi ấn tượng những đêm dài thả xuồng giữa sông nước Cửu
Long, nhìn xa xa thấy ngọn đèn nhỏ xíu của chiếc xuồng câu, tai vẳng nghe tiếng
đờn kìm buồn não nuột. Tiếng trầm, đục, nhưng ngân lên là trái tim nhỏ máu. Nghe
kỹ sẽ bị ghiền. Và thường đàn ông mới chơi loại đờn này. Ông ngoại và cha của
Kiều My cũng nói vậy. Nhưng chị nhất quyết không nghe, cứ lấy đàn mà vọc. Riết
rồi cha chị phải chiều con, dạy thử. Không ngờ cô bé có năng khiếu, mau chóng
trổ tài làm ông ngoại bất ngờ. Ông vốn là nhạc sĩ Tư Bổn nổi tiếng đất Bình
Dương. Đến con rể lại là nhạc sĩ đàn cho nhiều gánh cải lương, biết đủ thứ nhạc
cụ, nên đẻ ra cô bé Kiều My sẵn mang gien nghệ thuật là lẽ đương nhiên. Ông
ngoại vui vẻ dạy tiếp cho cháu, rồi gởi cháu lên học với danh cầm Ba Tu ở Sài
Gòn. Con đường của Kiều My thẳng băng từ đó.
Chị tham gia đoàn Văn Công
tỉnh Bình Dương từ 1984, đến 1995 thì nghỉ, ở nhà dạy học trò và đi sô. Chị toàn
đi những chương trình lớn của các đài truyền hình tổ chức, từ TP.HCM, Bà Rịa -
Vũng Tàu, Kiên Giang, Long An, Cần Thơ, Vĩnh Long, Bình Thuận... và tham gia
thường trực cho Đài Tiếng nói Nhân dân TP.HCM trong chương trình Bông lúa vàng,
Giọng ca hay hàng tuần. Chị còn dàn dựng chương trình đờn ca tài tử cho nhiều
đài truyền hình. Có thể nói, chị thuộc hàng “sao” trong giới cầm đàn, với 3 huy
chương vàng độc tấu trong các liên hoan đàn ca tài tử do Bộ VHTT và Sở VHTT
TP.HCM tổ chức năm 2004, 2006, 2007. Chị còn đoạt 1 huy chương bạc thi hát cải
lương tài tử năm 2006. Và chị đang làm hồ sơ để được xét phong danh hiệu Nghệ sĩ
ưu tú. Ai cũng nói chị xứng đáng.
Kiều My cười: “Tôi may mắn có một gia
đình hạnh phúc, một ông xã giỏi giang lo hết gánh nặng gia đình cho tôi rảnh
rang đầu tư vào nghệ thuật”. Bạn bè trêu chị: “Phía sau thành công của người đàn
bà có bóng dáng của người đàn ông!”. Chị gật đầu ngay. Ông xã chị là diễn viên
Minh Ngọc của Đoàn văn công Bình Dương, nay giải nghệ nhưng chuyển sang viết
kịch bản và dàn dựng cho các chương trình của đài truyền hình. Anh vẫn theo sát
vợ, đưa đón khi ban đêm ban hôm, khi lưu diễn tỉnh xa. Anh chị thật hạnh phúc,
khác hẳn cảnh long đong của nghề nhạc công bấy lâu. Cũng có thể nói Kiều My là
một ngoại lệ độc đáo!
Với Kiều My, chỉ có nỗi buồn là đứa con duy nhất
lại không thích nhạc cải lương. Nó chỉ mê nhạc trẻ. Nhà chị ba đời theo nghiệp,
kể cả ông xã, bây giờ chắc... đứt gánh? Chị nói: “Đành chịu! Mỗi người sinh ra
có cái nghiệp riêng”. Hỏi chị đã tìm được nữ đệ tử nào để truyền lại ngón đàn
kìm độc đáo, chị lắc đầu. Học trò của chị bây giờ có năng khiếu ca chút đỉnh chứ
chưa thấy tay đàn nào lóe lên. Nếu có, chị sẵn sàng rút hết ruột gan để truyền
nghề. Bởi không riêng gì giới nữ, nam giới biết đàn kìm cũng không nhiều. Loại
đàn khá kén người nghe, dĩ nhiên không dễ chạy sô như đàn ghi-ta, chỉ trừ là
“sao” như chị. Người cầm đàn không khỏi chạnh lòng!
Hoàng
Kim.
Ý kiến bạn đọc