Tối 29-9, vòng chung kết xếp hạng cuộc thi "Chuông vàng vọng cổ" 2024 đã diễn ra với phần tranh tài của 3 thí sinh là: Dương Thị Mỹ Nhung, Nguyễn Hùng Vương, Lê Hoàng Nghi tại Nhà hát Truyền hình HTV.
Xem tiếp...
NSUT TUYẾT NGÂN Lớn lên từ con nhà nòi.
NSƯT Tuyết Ngân là một trong những cô đào thương vào nghề lúc còn rất trẻ và sớm trưởng thành trên Sân khấu Cải lương của tỉnh nhà – Bến Tre. Tuyết Ngân – một gương mặt quen thuộc, được khán giả Cải lương ở miền Tây Nam bộ mến mộ. Hơn hai năm hát chánh cho nhiều đoàn, năm 20 tuổi Tuyết Ngân đã đoạt HCV (Hội diễn SKCN 1990), 23 tuổi cô tiếp tục giành cho mình HCĐ (Hội thi Giọng ca Cải lương Giải Bông lúa vàng TP.HCM – 1993).
Tuổi thơ ấu, Tuyết Ngân đã sống với Sân khấu Cải lương cùng mẹ phiêu bạc khắp
nơi với đoàn hát. Cô từng sống cảnh ăn chợ ngủ đình bên ánh đèn sân khấu. Trong
những giấc ngủ say, Tuyết Ngân đã được mẹ ru bằng giọng hát Cải lương nên với
cô, Cải lương đã nhiễm vào máu thịt.Năm 3 tuổi, hằng đêm bé Tuyết Ngân ngồi
trong cánh gà sân khấu xem mẹ diễn, rồi với giọng trẻ con còn ngọng nghịu, bé
tập ca nhái theo và tập diễn vai công chúa. Năm sáu tuổi bé Tuyết Ngân được mẹ
dạy ca một số bài bản nhỏ, lên 10 bé đã ca rành các bài: Bắc – Nam – Oán và Vọng
cổ. Sau đó mẹ cô tiếp tục truyền nghề, kỹ thuật ca diễn và năm 12 tuổi bé Tuyết
Ngân chính thức bước lên sân khấu.
Tuyết Ngân tên thật là Lê Thị Như
Tuyết, sinh năm 1970 tại thị xã Bến Tre trong một gia đình ca nhạc Tài tử - Cải
lương. Mẹ Tuyết Ngân là nghệ sĩ Kim An nổi danh cùng thời với nghệ sĩ Kim Chưởng
trước năm 1975. Tuyết Ngân cùng ba chị em gái nối nghiệp mẹ theo Cải lương. 17
tuổi cô hát đào chánh qua các đoàn: Văn Công An Giang, An Giang Khánh Hồng, Tháp
Mười, Nhạn Trắng, Thanh Nga, Bông Dừa Trắng và về đoàn Long An từ năm 1996, hát
đào chánh gần 10 năm rồi về lại Đoàn CL Bến Tre cho đến nay. Nhờ có chất giọng,
làn hơi thiên phú, ca Vọng cổ ngọt ngào mùi mẫn, dù sắc vóc ở dạng trung bình,
nhưng gương mặt tươi tắn hiền dịu, nên cô dễ gây thiện cảm với mọi người. Cô có
duyên sân khấu, cái mà người trong nghề cho là Tổ đãi.Mặc dù sở trường của Tuyết
Ngân là đào thương – mùi, nhưng cô rất thích diễn những vai có đời sống phức
tạp, tính cách đa chiều. Cô đã đóng chánh nhiều vở ở các đoàn, những vai mà cô
tâm đắc nhất và được sự đồng cảm của khán giả nhiều nhất là: Mỹ Châu trong
Sóng tình trong thành nội (TG: Thanh Huyền, ĐD: Nguyễn Mỹ), Nhung
trong Đèn đêm nhỏ lệ (TG: Thạch Tuyền, ĐD: NSND Trần Ngọc Giàu), Hiền
trong Sau cơn mê (TG: Kha Tuấn – Hữu Lộc, ĐD: NSND Trần Ngọc Giàu). Đặc
biệt là vai Thu Trang trong vở Tình ca đêm chơi vơi (TG: Ngô Hồng
Khanh, ĐD: NSND Nguyễn Đình Nghi),
Tuyết Ngân diễn cùng với các nghệ sĩ
tài danh như: Thanh Tuấn, Diễm Ngọc, Giang Châu. Mặc dù hát vai phụ nhưng cô đã
dồn hết sức mình và mọi tâm huyết cho vai diễn và cô đã thành công rực rỡ. Vở
này dự Hội diễn SKCN toàn quốc năm 1990, Tuyết Ngân đoạt HCV
cùng với các tài danh trong Đoàn Cải lương Sông Hậu II.
Kỷ niệm
đầu đời thường khiến cho người ta nhớ mãi không thể nào quên. Dù đã hơn hai mươi
mấy năm trôi qua, Tuyết Ngân vẫn nhớ hoài vai diễn đầu tiên khi cô bước vào sân
khấu. Đó là vai giả kép con, nhân vật Thắng là một bé trai mồ côi, đi ăn xin
trong vở Cây dừa đỏ (TG: Lê Huỳnh, ĐD: Hồ Bảy - Đoàn CL Bến Tre). Thắng
sống bụi đời lang thang, được chị Thắm là một cán bộ cách mạng hoạt động bí mật
cứu vớt, nuôi dạy và giác ngộ Cách mạng cho làm giao liên. Nhiệm vụ của Thắng là
chuyển giao tài liệu mật cho các cơ sở Cách mạng, về việc thống nhất ngày giờ
”Đồng Khởi – Bến Tre”.Nhưng Thắng bị bọn mật thám theo dõi và bắt được. Thắng
thủ tiêu tài liệu bí mật và tuyệt đối giữ bí mật Cách mạng. Giặc hành hạ, tra
tấn dã man, Thắng kiên quyết không khai báo điều gì, cuối cùng giặc thiêu sống
Thắng.
Qua hình tượng Thắng, một em bé gan dạ, hy sinh anh dũng, Tuyết
Ngân đã thể hiện vai diễn xuất thần, sự hy sinh dũng cảm của em bé giao liên đầy
xúc động đối với người xem. Vai diễn của Tuyết Ngân lần đầu tiên được đạo diễn
hết lời khen ngợi, các nghệ sĩ đàn anh mến phục và làm biết bao người chị, người
mẹ rơi nước mắt. Lúc đó Tuyết Ngân 12 tuổi, sau đó vở này được chọn phục vụ Đại
hội Đảng toàn quốc lần thứ V – 1982 tại Hà Nội.
NSUT Tuyết Ngân có phong
cách ca diễn đằm thắm, cô thường diễn ở trạng thái nội tâm hơn là ngoại hình,
nhất là biểu hiện ở ánh mắt. Cô có thể sử dụng ánh mắt để biểu đạt trạng thái:
vui buồn, giận dữ, tình tứ… đi vào chiều sâu tính cách nhân vật. Nét tiêu biểu
của Tuyết Ngân là bộc lộ tính cách sâu lắng của những nhân vật nữ có số phận
nghiệt ngã. Bên cạnh đó cô còn đảm nhận vai nhân vật lịch sử, cô ca diễn nghiêm
trang, hùng mạnh hơn, điển hình vai bà Định trong ”Quê dừa thao thức” của Đoàn
CL Bến Tre, nữ tướng Trưng Trắc trong ”Tiếng trống Mê Linh”, và trong trích đoạn
này cô đã đoạt HCV giải Triển vọng Trần Hữu Trang năm 2001 (lúc ở Đoàn CL Long
An).
Khán thính giả còn biết giọng ca của Tuyết Ngân qua các đài như Đài
TNVN, TNND TP.HCM, HTV, Đài PTTH Long An, Bến Tre, Cần Thơ…, nhiều bài Vọng cổ,
những bài tiêu biểu như: ”Về quê Ngoại” của Nguyễn Minh Tuấn, , ”Chuyện bên bờ
sông Vàm Cỏ” của Trọng Nguyễn, ”Quê ngoại một góc trời thương nhớ” của Lâm
Giang… Bởi NSUT Tuyết Ngân vốn có giọng ”Thổ”, làn hơi dài và đầy đặn, xuất thân
từ nhà nghề nên hơi giọng và nhịp nhàng điêu luyện.Cô xử lý kỹ thuật ngân rung
giọng khá tinh tế, bao giờ cô cũng tiết chế làn hơi vừa đủ âm lượng để ngân rung
những ca từ chính nhịp, nhấn giọng âm khi biểu đạt tình cảm của mình đối với nội
dung lời ca. Đặc biệt với cô, các thanh điệu nào cô cũng có thể ngân nga, nhấn
nhá tùy theo ý nghĩa của từ và âm tiết mang thanh điệu, nhưng có lẽ nổi trội là
dấu sắc: ”Tội cho con lắm ngoại ơi!Con nào
dám nghĩ vậy, mẹ con sinh con ra là con gái
nên tánh nết trầm ngâm nhưng nội, ngoại đều thương…
đồng. Ai nói cháu ngoại thì xa, cháu nội thì gần.Chớ con thì
một lòng thương ngoại, dẫu nhà ngoại nghèo, siêu vẹo ở ven sông. Bờ kinh tắt
Thạnh Lợi mùa này mưa gió trợt trơn, đường về ngoại sáng đi
chiều tới. Công việc bên chồng con phải đảm đương, nên lâu về
thăm ngoại để ngoại buồn ngoại nhớ…
(Vọng cổ câu 1
– Về quê ngoại, những chữ in đậm là thanh sắc, mà Tuyết Ngân thường luyến
nhấn).
Tuy cùng là thanh sắc, nhưng cường độ luyến nhấn của Tuyết Ngân có
khác nhau, sự khác nhau đó là âm tiết nào chính nhịp thì cô nhấn mạnh hơn và dồn
hơi nhiều hơn để ngân âm tiết mang thanh sắc đó; những âm tiết trong lòng câu mà
không phải nhịp chính thì cô lướt nhẹ, nhấn không ngân… Kỷ thuật xử lý ngân
rung, nhấn thanh sắc như vậy tạo cho ngữ điệu giàu sắc thái biểu cảm , nhất là
ca các thể điệu Nam – Oán thì mùi mẫn. Tuyết Ngân lại có giọng ”Thổ” nên cô vận
dụng kỹ thuật này làm cho âm điệu càng đượm buồn hơn, nhất là khi cô vào những
vai diễn có tâm trạng đau buồn và nhân vật có số phận nghiệt ngã…
Sở
trường của Tuyết Ngân là ca mùi, nhưng sở đoản là ca các thể điệu Bắc của cô
chẳng kém. Khi ca ở lĩnh vực Tài tử thì cô ca chân phương rất căn cơ theo phong
cách nhạc Tài tử, nhưng khi ca diễn trong vở diễn thì cô ca với tư cách là tính
cách nhân vật. Cô biểu đạt âm giọng vẫn hùng hồn, xôm tựu tùy theo mỗi nhân vật
và hoàn cảnh kịch đặt ra.
Có thể nói, NSUT Tuyết Ngân là một cô đào
thương ca diễn đồng đều, nghĩa là hai mặt của một vấn đề không mặt nào trội hơn
mặt nào, mà chúng luôn song hành hỗ trợ cho nhau, trong cái này có cái kia và
ngược lại, để rồi cùng gặp ở một mục tiêu là sự thành công trong ca
diễn.
Đỗ Dũng
BÁO SÂN KHẤU số 1131 ra ngày
18-3-2013
Tác giả bài viết: tuyetmai
Nguồn tin: BSK
Ý kiến bạn đọc