Bản Sắc Dân Tộc - cailuongvietnam.com

Tin Tức Đời Thường Nghệ Sĩ

DUY TRÌ TRANG WEB CLVN

Nặng gánh áo cơm vào vai diễn: Bươn bả làm nghề! Mơ ngày mai tươi sáng

Thứ ba - 20/05/2014 19:36

Nặng gánh áo cơm vào vai diễn: Bươn bả làm nghề! Mơ ngày mai tươi sáng




Họ lăn lộn, rong ruổi, nỗ lực từng ngày trong vòng xoáy mưu sinh nhiều cơ cực; đôi khi chấp nhận cả những vai diễn không phù hợp, không tròn trịa

11  năm nay, diễn viên Quang Tèo phải nuôi cả gia đình 1 vợ, 2 con. Lấy vợ muộn nên dù đã bước qua tuổi 53, 2 đứa con sinh đôi của anh nay chỉ mới 11 tuổi. Trước đó, vợ anh làm ở xí nghiệp may, dù tiền lương ít ỏi nhưng cũng phụ chồng lo tiền chợ. Kể từ khi chị sinh, phải nghỉ việc, ở nhà chăm sóc con, gánh nặng kinh tế bắt đầu đè nặng lên vai anh.

Chăm chỉ “cày”

Quang Tèo cho hay: “Khi vợ sinh con, tôi định thuê người giúp việc để cô ấy đi làm trở lại nhưng tính ra tiền thuê cũng mất 3 triệu đồng/ tháng mà vợ đi làm cũng chừng ấy tiền. Vậy nên thôi, để vợ ở nhà chăm sóc các con, mình tôi đi làm cũng được”. Bạn bè cùng trang lứa với anh, ai cũng có cuộc sống không quá vất vả vì không phải một thân một mình nuôi cả gia đình như vậy. Có người cho rằng nên kinh doanh để kiếm tiền phụ thêm nhưng anh bảo: “Tôi không có máu kinh doanh. Vả lại, không có vốn liếng nên không dám liều. Thấy nhiều người kinh doanh bị thất bại, tôi sợ. Thôi thì chăm chỉ làm nghề vậy!”.

Nghệ sĩ Quang Tèo (trái) trong một vở hài kịch Ảnh: NVCC
Nghệ sĩ Quang Tèo (trái) trong một vở hài kịch Ảnh: NVCC

Hơn 10 năm nay, mọi chi phí trong gia đình đều dựa vào tiền đi diễn của nghệ sĩ Quang Tèo và bài toán chi tiêu càng lúc càng khó có đáp án. “Tiền ăn uống, sinh hoạt, học hành các con… tôi không sao xoay xở kịp. Con càng lớn càng phải lo nhiều thứ. Có khi nhận tiền cát-sê về đóng tiền học cho con, đưa vợ đi chợ là hết nhẵn” - anh thở dài. Là người duy nhất làm ra tiền, anh chạy sô diễn khắp nơi để kiếm thêm thu nhập. Dù đôi lúc thấy vai trĩu nặng nhưng vì vợ con, nghệ sĩ Quang Tèo cố gắng chèo chống con thuyền gia đình vượt qua sóng gió.

Ngoài việc phải tham gia các vở diễn của Nhà hát kịch Quân đội, Quang Tèo luôn tranh thủ nhận thêm các vai diễn bên ngoài. Có thời gian rảnh, anh tìm kịch bản, tìm bạn diễn, tập luyện để có dịp đi diễn. Công việc bận rộn cuốn anh đi về như con thoi, chuyện vắt chân lên cổ mà chạy là bình thường. Anh kể: “Có lần đi diễn ở tỉnh này xong là đã 12 giờ đêm, tôi phải chạy xe máy mấy chục cây số về một tỉnh khác để kịp quay vào sáng mai. Mới hôm rồi, tôi đi diễn ở Ninh Bình xong lại chạy về Thanh Hóa diễn tiếp”.

Bươn bả theo những chuyến đi diễn khắp nơi, thời gian Quang Tèo dành cho vợ con rất ít. Anh khoe: “Mới hôm rồi tôi có sô diễn ở Lai Châu nên đưa vợ con theo. Một phần vì đi xa, để vợ con ở nhà không yên tâm, phần nữa là muốn cô ấy biết công việc của chồng vất vả như thế nào và tiện cả nhà đi tham quan cho biết đó biết đây”.

Nỗ lực bền bỉ

Thời gian gần đây, tên tuổi nghệ sĩ Phi Phụng được khán giả biết đến, sô diễn cũng đều đặn. Nhưng suốt mấy chục năm theo nghề, chị cũng mang trên vai gánh nặng áo cơm. Theo nghiệp diễn của ba (nghệ sĩ Phi Thoàn), những năm mới vào nghề, nghệ sĩ Phi Phụng gặp nhiều trắc trở, có lúc phải về học may. Khi trở lại sân khấu, chị có chồng, sinh con và đi tấu hài kiếm sống. “Tôi đi tấu hài ở những tụ điểm, tiền chẳng có là bao. Trong khi đó, cuộc sống gia đình khó khăn tứ bề, tôi phải đi bán yaourt để có thêm tiền trang trải” - chị bộc bạch. Nếu hình ảnh người nữ diễn viên không ngại chạy xe máy đến phim trường quay phim, đi diễn kịch, tấu hài… quen thuộc với đồng nghiệp thì hình ảnh người đàn bà tất tả đội nón ra chợ bán buôn như người bình thường cũng trở nên quen thuộc với người dân. “Dẫu biết cái nghề này thu nhập bấp bênh nhưng từ trước đến nay, tôi vẫn xác định sẽ chăm chỉ đi diễn, đi bán chỉ mong có cuộc sống đầy đủ hơn xưa” - nghệ sĩ Phi Phụng chia sẻ.

Diễn viên Quang Tèo cho biết có rất nhiều nghệ sĩ tại các nhà hát ở Hà Nội phải vất vả mưu sinh, xoay xở đủ nghề để kiếm sống. NSƯT Tiến Mộc (Nhà hát Quân đội) đã có thời gian rong ruổi theo đoàn làm phim với cái xe máy cà tàng còn phải phụ vợ bán cơm bụi. Nghệ sĩ Hồng Tuyến, nghệ sĩ Trọng Vinh (Nhà hát Cải lương Hà Nội) gần 20 năm gắn bó với nghề vẫn “kẹp bên nách” cái nghề chạy xe ôm phòng thân. Nhiều nghệ sĩ ở Nhà hát Tuổi Trẻ như Mai Huê, Hoàng Hường, Quách Thu Phương… đã rẽ sang con đường khác để kiếm sống vì đồng lương nghệ thuật không nuôi sống nổi họ và gia đình.

 

Sống chết với nghề

Nghệ sĩ Lê Bình có một cuộc đời như chính gương mặt phảng phất sự buồn khổ từ ánh mắt, nụ cười đến dáng đi của mình. Gắn bó với nghệ thuật hơn 30 năm, điều ông tự hào nhất không chỉ là những vai diễn trên sân khấu, màn ảnh in đậm trong lòng khán giả mà còn là cái nghề giúp ông nuôi sống gia đình. Người trong giới ai cũng bảo ông may mắn vì có vai diễn liên tục, vai này chưa xong vai khác đã tới nhưng lý do ông lao theo công việc ấy còn vì cả một áp lực mưu sinh ở phía sau. Lang lạt khắp nơi theo đoàn làm phim với chiếc xe 2 bánh, ông chỉ mong có thể lo cho gia đình êm ấm, bình yên. Thế nhưng, số phận nghiệt ngã đã không cho ông yên bình. Kinh tế khó khăn đã đành, con cái hư hỏng khiến ông buồn và vất vả hơn.

Cả một đời vất vả nhưng ông vẫn đầy lửa đam mê với nghề. Ông quả quyết: “Tôi đã đi qua quãng đời cơ cực, dốc lòng làm nghề vì gia đình, bây giờ dẫu có ra sao cũng quyết tâm sống chết với nó”.

 

MINH NGA

Nặng gánh áo cơm vào vai diễn: Mơ ngày mai tươi sáng

 

Trút bỏ được gánh nặng áo cơm để sống trọn với nghề, cống hiến hết mình cho nghệ thuật là mong ước của những người đang đeo đuổi nghiệp diễn như một nghề mưu sinh

Nhiều nghệ sĩ vất vả làm nghề nhưng “ráo mồ hôi là ráo tiền”. Dẫu biết rằng khi hóa thân vào vai diễn là phải gác hết mọi buồn phiền, lo toan thường nhật qua một bên, không đặt nặng vấn đề tiền bạc nhưng thật khó để vứt bỏ nỗi lo áo cơm. Họ đành phải chấp nhận những vai mà mình diễn không trọn vẹn.

Phải bỏ sĩ diện nghề nghiệp

Diễn viên Quang Tèo nói rằng đúng chất nghệ sĩ phải là không van xin, không cầu cạnh ai nhưng họ dường như không có lựa chọn nào khác. Không ít người buộc phải ký “hợp đồng” với một hãng phim với mức cát-sê thấp, đổi lại, có vai diễn nào cũng được mời.

“Nghệ sĩ ngoài Bắc không có nhiều cơ hội chạy sô như ở miền Nam, tôi may mắn được nhiều đoàn biết đến, thỉnh thoảng có lời gọi đi sô nhưng bản thân tôi cũng phải vất vả tìm kiếm sô diễn khắp nơi” - nghệ sĩ Quang Tèo cho hay. Những nghệ sĩ như anh, mỗi ngày trôi qua là một trăn trở, mỗi ngày mới bắt đầu là thêm nỗi lo. Vậy nên với anh, đi diễn bây giờ để mưu sinh là chủ yếu. “Nghệ thuật với những người đầy đủ về cuộc sống vật chất là niềm vui, thỏa mãn đam mê nhưng với tôi, diễn để tìm niềm vui chỉ một phần nhỏ, còn quan trọng là mưu sinh” - nghệ sĩ Quang Tèo thổ lộ.

Nghệ sĩ Nguyễn Hậu trong phim Đồng quê Ảnh: NVCC
Nghệ sĩ Nguyễn Hậu trong phim Đồng quê Ảnh: NVCC

Diễn viên Trần Lũy cho biết: “Tại sao khán giả thấy diễn viên hóa thân đa dạng, từ vai già đến vai trẻ, từ vai nghèo đến vai giàu. Ngoài lý do thử thách với nghề, cái chính là họ không cho phép mình từ chối vai diễn dù thấy không phù hợp”. Ông bảo không biết từ bao giờ, mình không từ chối bất cứ lời mời nào, dù thấy vai diễn đó không hợp cũng ráng làm bằng mọi cách. Diễn viên Nguyễn Hậu cũng nói thật: “Có nhiều vai diễn tôi không muốn nhận một chút nào vì không hợp với mình nhưng buộc phải nhận, phải làm để kiếm tiền. Đôi khi vì áp lực đồng tiền, người nghệ sĩ phải bỏ sĩ diện nghề nghiệp sang một bên. Nếu “kén cá chọn canh”, tìm vai diễn phù hợp thì sẽ đói dài dài”.

Ai cũng cho rằng Kiều Trinh yêu nghề đến bỏ quên những khổ ải của đời tư nhưng chị cũng thừa nhận: “Hễ có vai diễn là tôi nhận, không quan tâm nhân vật ra sao, thù lao ít nhiều vì chỉ muốn kiếm tiền nuôi con”. Bởi chị hiểu rằng con đường đến trường của con sẽ gập ghềnh thế nào nếu không có khoản thu nhập từ công việc đóng phim. Dù có lúc tiền cát-sê chị nhận được không tương xứng với sức lao động bỏ ra nhưng đó là nguồn thu nhập duy nhất thì phải cắn răng chịu đựng. “Áp lực đồng tiền rất khó để nghệ sĩ sống trọn với nghề. Tôi đi diễn bây giờ chỉ để kiếm tiền nuôi bản thân và gia đình chứ chẳng mong có được vai diễn hay nữa” - diễn viên Lê Quang từng bày tỏ.

Theo nghệ sĩ Phi Phụng, ai cũng mong muốn cứ nhẹ nhàng, đam mê đi vào vai diễn, dốc hết lòng để có một vai diễn đáng nhớ, để đời. Thế nhưng vì áp lực mưu sinh, vai diễn của họ sẽ mất đi sự thoải mái. Đôi khi diễn chỉ để cho xong vai, nhận tiền rồi còn chạy đi diễn chỗ khác cho kịp giờ.

Ước mong sống trọn với nghề

Tất nhiên, chấp nhận những vai diễn không tới nơi tới chốn, không trọn vẹn ấy, nghệ sĩ nào cũng cảm thấy áy náy, cảm giác có lỗi với nghệ thuật. Diễn viên Nguyễn Hậu chia sẻ: “Một vai hai gánh, mưu sinh và nghệ thuật, thật khó để chúng tôi có thể làm tốt được cả 2. Tôi chỉ có quyền chọn một, trong khi kiếm tiền nuôi gia đình bao giờ cũng quan trọng hơn hết. Nhưng tôi thường trăn trở mỗi khi xem lại những vai mình đóng chỉ để cho có, cho xong”.

Một diễn viên khác bộc bạch: “Những vai diễn mà tôi cố gồng mình, có thể khán giả nhận ra hoặc không nhận ra sự hóa thân gượng gạo ấy nhưng đã làm nghề, tôi cảm thấy buồn và tiếc nuối lắm!”. Diễn viên Trần Lũy thì chỉ mong sao một năm có được 3 vai diễn, dù vai phụ, cát-sê theo phân đoạn chỉ vài trăm ngàn đồng, còn hơn là không có lời mời nào. “Đi đóng phim không chỉ có được tiền lo cho con mà còn duy trì niềm đam mê” - ông nói.

Thực tế, trong nghệ thuật luôn tồn tại một nghịch lý là những nghệ sĩ vất vả làm nghề chân chính, không bon chen, không màng danh lợi, lại thường có cuộc sống khó khăn, chật vật. Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần nhìn nhận: “Nghệ sĩ ngoài Bắc rất yêu nghề, ai cũng muốn sống với nghề bằng tất cả niềm đam mê, một đời cống hiến nhưng thật tiếc, cơ hội lại không mở ra với họ”. Nghệ sĩ Quang Tèo mong muốn: “Chúng tôi làm nghệ thuật để kiếm tiền nên chỉ mong có nhiều cơ hội đến với mình. Khi áp lực kinh tế bớt đi một phần, chúng tôi cũng bớt áp lực khi bước lên sân khấu, đến phim trường”.

Tiếng thơm còn mãi

Văn Hiệp, Tuấn Dương, Hồ Kiểng, Trịnh Thịnh… là những nghệ sĩ dẫu đã về cõi vĩnh hằng vẫn để lại cho đời tiếng thơm về nhân cách sống, thái độ làm nghề. Đến cuối đời, họ vẫn sống trong những ngôi nhà nhỏ bé, lụp xụp nhưng lại vui vẻ, lạc quan, vắt còm cõi sức lực cho từng vai diễn. Số tiền cát-sê ít ỏi chỉ đủ đắp đổi cuộc sống qua ngày nhưng họ vẫn không màng danh lợi, đua tranh.

Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần trăn trở: “Tôi mong sao gánh nặng cơm áo không đè lên những sáng tạo nghệ thuật chân chính, những nghệ sĩ một lòng cống hiến cho nghề, để họ chuyên tâm làm nghệ thuật bằng đam mê của đời mình”.

 

MINH NGA

Tác giả bài viết: tancogiaoduyen

Nguồn tin: NLĐ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận mới

Gửi bình luận của bạn

Tên của bạn Email Nội dung Mã an toàn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

DUY TRÌ TRANG WEB CLVN