Đang truy cập : 125
•Máy chủ tìm kiếm : 1
•Khách viếng thăm : 124
Hôm nay : 20057
Tháng hiện tại : 2194775
Tổng lượt truy cập : 88501376
Tối 29-9, vòng chung kết xếp hạng cuộc thi "Chuông vàng vọng cổ" 2024 đã diễn ra với phần tranh tài của 3 thí sinh là: Dương Thị Mỹ Nhung, Nguyễn Hùng Vương, Lê Hoàng Nghi tại Nhà hát Truyền hình HTV.
CT
NS Chí Tâm trong chương trình giao lưu đờn ca tài tử ở trường học
Điều trước tiên người nghệ sĩ có vai diễn nổi tiếng trong tác phẩm "Lan và Điệp" của soạn giả Loan Thảo đề cập là "nhất thiết phải đưa âm nhạc đờn ca tài tử Nam Bộ và sân khấu cải lương vào học đường".
"Tôi đi dự nhiều buổi giao lưu mang tính tự phát của công việc này do các đồng nghiệp đứng ra tổ chức. Tôi cảm nhận mỗi nhóm làm một kiểu, không đúng chuẩn mực. Đây là mấu chốt khiến chiếc thuyền cải lương vốn đẹp nhưng bị sóng dồn dập khiến nó không nguyên vẹn khi đến bờ. Mục đích của các hoạt động này là giúp các em hiểu hơn về cái đẹp của bộ môn cải lương mà nếu lệch hướng thì sẽ không đạt hiệu quả" - nghệ sĩ Chí Tâm nhận định.
NS Chí Tâm giao lưu tại trường THCS Lương Thế Vinh
Cũng theo ông, trong thời lượng 2 giờ của mỗi suất diễn, chương trình sân khấu học đường cần khái quát rõ sự phát triển từ đờn ca tài tử Nam Bộ đến hình thành sân khấu cải lương. Kế tiếp, khi giới thiệu nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ cần giới thiệu các loại nhạc cụ dân tộc để các em hiểu và biết rõ về các loại đàn như: Tranh, bầu, sáo trúc, gáo, song loan, ghi ta phím lõm, kìm, nguyệt, nhị… Sau đó là sự hình thành và phát triển của 20 bản nhạc Tổ để từ đó các thế hệ nghệ nhân phát huy thành kho tàng bài bản, phong phú như hiện nay.
NS Chí Tâm, Hạ Châu và Lê Nga
"Tôi khâm phục tinh thần chịu khó của các nhóm nghệ sĩ làm công việc tự phát này. Nhưng nếu không có bàn tay chấn chỉnh của các ban ngành uy tín, cụ thể là Hội Sân khấu TP HCM, Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật TP HCM để định hướng chuẩn mực thì sẽ nguy hại rất lớn. Bởi vì các em không biết đâu là chuẩn để làm theo. Biết và hiểu đúng mới quan trọng, từ đó tìm hiểu, góp phần nâng niu và yêu thích để học hỏi" - NS Chí Tâm nói.
NS Chí Tâm và vợ
Về Việt Nam tham gia vở diễn "Đường gươm Nguyên Bá" tại Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, nghệ sĩ Chí Tâm cho biết ông quyết định ở Việt Nam đến gần 5 tháng để bôn ba khắp các tỉnh miền Tây, giao lưu đờn ca tài tử. Ông nói mình có chút chạnh lòng khi toàn miền Nam chào đón sự kiện 100 năm nghệ thuật cải lương có phần lẻ mẻ, quạnh hiu nhưng ông tin sức sống mãnh liệt của môn nghệ thuật này hơn bao giờ hết bởi vào thời điểm này sẽ có những tác động để người làm nghề cùng hướng đến tổ nghiệp. Mỗi người sẽ làm điều gì đó bằng khả năng của mình cho sân khấu cải lương.
Tỏa sáng qua nhiều vở diễn trước đây như: "Nhất kiếm bá vương", "Băng Tuyền công chúa", "Nhạn về xóm liễu", "Hán đế biệt Chiêu Quân", "Nắng thu về ngõ trúc"…, đặc biệt với 2 vai: Điệp trong vở "Lan và Điệp" và vai Thiền sư trong vở "Đường gươm Nguyên Bá", Chí Tâm là nghệ sĩ ca diễn nhưng chơi giỏi các loại nhạc cụ dân tộc. Ông cho rằng mình may mắn có đủ duyên được thọ giáo những thầy đờn giỏi như: Tứ Quốc, Năm Đờn, Năm Hí, Y Sơn… Nhờ đó, ngoài ca diễn, ông còn là nhạc sĩ cổ nhạc chơi giỏi nhiều loại nhạc cụ trong dàn cổ nhạc: guitar phím lõm, tranh, bầu, sến, sáo trúc… "Xa quê hương, tôi còn sống bằng nghề dạy đờn, dạy ca cho thanh thiếu niên sinh ra và lớn lên tại Mỹ yêu thích cải lương. Chủ yếu dạy và học qua mạng internet" - nghệ sĩ Chí Tâm cho biết. Vì thế, ông tự tin nói rằng: "Nghệ sĩ ca diễn đơn thuần sẽ có tuổi hưu, còn tôi có thêm nghề đờn, nghề dạy cổ nhạc chắc không bao giờ về hưu".
Chí Tâm và Ngọc Đợi trong vở diễn "Đường gươm Nguyên Bá"
Sáng tác cũng là một nghề của ông sau gần 60 năm gắn bó với sân khấu. Ông có hàng trăm bài ca cổ, bài bản đờn ca tài tử và kịch bản cải lương được nhiều thế hệ nghệ sĩ thể hiện thành công.
"Có lẽ tổ nghiệp bắt tôi phải thích nghi với môi trường sống. Vì xa quê nhà nên buộc lòng phải viết bài hát để ca. Mỗi ngày tôi đều dành 4 giờ ngồi vào bàn làm việc, không viết thì đọc, nghiên cứu, tìm hiểu. May mắn là ở Mỹ có chương trình "Tiếng tơ đồng" để tôi giới thiệu về đờn ca tài tử hằng tuần. Chương trình định kỳ này ngốn lượng bài ca rất lớn nên càng thúc đẩy tôi sáng tác" - nghệ sĩ Chí Tâm cho hay.
Qua vở "Đường gươm Nguyên Bá" dựng mới, hỏi ông "nhận xét thế nào về sự tiếp nối của thế hệ diễn viên trẻ, theo ông, họ có đủ sức gánh vác sứ mệnh bảo tồn ngôi nhà sân khấu cải lương sau cột mốc 100 năm", ông tâm sự: "Chúng ta đang đặt trên vai các em gánh nặng quá sức. Lỗi của người đi trước là chưa hết lòng, chưa toàn tâm. Các em có khả năng ca diễn tốt lắm. Nhờ chất xúc tác từ nhiều loại hình nghệ thuật khác và được công nghệ định hướng nên các em cập nhật nhanh, tự lược bớt những rườm rà, lê thê làm cho cải lương sang đẹp, đầy tiết tấu. Qua vở "Đường gươm Nguyên Bá" dựng lại hiện nay, khán giả đến xem rất đông, các suất diễn đều nhận được phản hồi tích cực. Tôi thấy vui vì điều này và hứa mỗi năm dành thời gian về Việt Nam tham gia cùng các em. Tôi nghĩ trọng trách gìn giữ sự tử tế cho cải lương không chỉ ở các em trẻ mà còn là của thế hệ nghệ sĩ chúng tôi".
chí tâm, lan và điệp, bảo tồn, nghệ thuật cải lương, đờn ca tài tử, học đường
Mã an toàn:
Tối 29-9, vòng chung kết xếp hạng cuộc thi "Chuông vàng vọng cổ" 2024 đã diễn ra với phần tranh tài của 3 thí sinh là: Dương Thị Mỹ Nhung, Nguyễn Hùng Vương, Lê Hoàng Nghi tại Nhà hát Truyền hình HTV.
Ý kiến bạn đọc