Bản Sắc Dân Tộc - cailuongvietnam.com

Tin Tức Tìm Hiểu Nghệ Thuật

DUY TRÌ TRANG WEB CLVN

Game Show Cải Lương : Lợi Hay Hại?

Thứ tư - 07/12/2016 12:41

6 thí sinh

Sự xuất hiện của gameshow môn nghệ thuật cải lương đã tạo “một luồng gió mới” cho khán giả trong nước.


Image
Dàn giám khảo của chương trình “Đường đến danh ca vọng cổ”.

Khi gameshow ca nhạc, hài giải trí gây bão hòa khán giả truyền hình, sự xuất hiện của gameshow môn nghệ thuật cải lương đã tạo “một luồng gió mới” cho khán giả trong nước.

Gameshow cải lương có chiêu trò?

Những ngày qua, thông tin nghệ sĩ Ngọc Huyền về nước làm giám khảo một chương trình truyền hình thực tế sau 14 năm sinh sống tại hải ngoại, được khán giả đặc biệt quan tâm. Nữ nghệ sĩ cải lương nổi tiếng một thời trở thành huấn luyện viên của chương trình Đường đến danh ca vọng cổ, cùng NSƯT Kim Tử Long và NSƯT Thoại Mỹ.

Và sự xuất hiện của nghệ sĩ Ngọc Huyền phần nào đã thu hút sự chú ý của khán giả vào chương trình Đường đến danh ca vọng cổ. Đây là chương trình tìm kiếm, đào tạo các tài năng trong lĩnh vực cải lương, vọng cổ. Trải qua ba tập phát sóng, chương trình gây bất ngờ khi thu hút lượng người xem đông đảo không kém cácgameshow ca nhạc, hài kịch khác. Trên Youtube, lượng người xem mỗi tập lên tới hơn 1 triệu lượt, riêng tập 1 (phát sóng ngày 19/11) đạt gần 2,7 triệu lượt xem. Điều này gây bất ngờ với một chương trình về nghệ thuật truyền thống.

Bà Thanh Nga, đại diện truyền thông của Đường tới danh ca vọng cổ khẳng định, ban tổ chức muốn thực hiện chương trình bằng cả sự tâm huyết dành cho nghệ thuật cải lương, muốn thu hút khán giả bằng chính chất lượng thí sinh, chương trình chứ không đưa những yếu tố câu khách. “Khán giả đón nhận bằng giọng hát của các thí sinh. Huấn luyện viên nhận xét chuyên môn nhiều chứ không phải những lời nói sáo rỗng. Giám khảo và MC chỉ tạo những tình huống vui nhộn, thú vị trên sân khấu để thêm tính giải trí hiện đại, mới mẻ cho chương trình chứ không nhằm mục đích câu rating”, bà Thanh Nga nói.

Nghệ sĩ Kim Tử Long cho biết, anh đã nghiên cứu kỹ format mới tham gia chương trình, vì muốn cải lương đến gần với khán giả. Anh bộc bạch: “Mỗi gameshow đều phải có chiêu trò là điều đương nhiên, nhưng có làm giảm chất lượng nghệ thuật cải lương hay không mới là điều đáng nói. Đến giờ phút này, tôi chưa thấy có gì gây ảnh hưởng xấu tới cải lương cả”.

Tranh cãi tính nghệ thuật và giải trí

NSƯT Triệu Trung Kiên, Phó giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam vui mừng khi một chương trình gameshow tiếp cận với nghệ thuật cải lương lại được nhiều người yêu thích. Anh chia sẻ, dàn giám khảo uy tín là những nghệ sĩ được công chúng yêu mến. Với con mắt nghề nghiệp, năng lực của giám khảo có thể tìm ra được những thí sinh tài năng. Tuy nhiên, nghệ sĩ Trung Kiên băn khoăn khi thấy có những gương mặt từng đoạt giải trong cuộc thi Chuông vàng vọng cổ cũng tham dự. Bởi lẽ, Chuông vàng vọng cổ là cuộc thi ít nhiều mang tính chính thống, có uy tín, được những người làm nghệ thuật cải lương và khán giả công nhận. Do đó, những nghệ sĩ đã được vinh danh trong một cuộc thi chính thống, giờ trở thành thí sinh của một gameshow không chính thống, gây nhiều nghi ngại.
 

“Tôi tự hỏi những gương mặt từng đoạt giải đó có đang dễ dãi quá không? Tất nhiên, mỗi người tham gia gameshow đều có mục đích riêng như muốn nổi tiếng, thành công nhưng họ sẽ rất dễ sa vào hư vinh. Hơn nữa, chiến thắng trong một gameshow chưa thể chứng tỏ họ thực sự tài năng và được tôi luyện kỹ càng”, NSƯT Triệu Trung Kiên chia sẻ.

Đường đến danh ca vọng cổ (phát sóng thứ bảy hàng tuần trên kênh HTVC - Thuần Việt) là chương trình tìm kiếm những tài năng trong lĩnh vực cải lương, vọng cổ. Chương trình có ý nghĩa đặc biệt với mục đích tôn vinh, gìn giữ và phát triển loại hình âm nhạc truyền thống của dân tộc. 

Phó giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam phân tích, việc một gameshow đề cập đến nghệ thuật cải lương, về mặt nào đó rất có lợi, các nghệ sĩ tham gia dễ nổi tiếng. Thế nhưng, gameshow thường thiên về yếu tố giải trí, lợi nhuận. Để thu hút khán giả, nhà sản xuất phải có những thủ pháp tác động, khiến quy trình chọn lọc tài năng bị chi phối. Người đoạt giải và sự tôn vinh của chương trình sẽ không theo những quy luật lựa chọn thông thường. “Chương trình có chuẩn mực, tôn trọng luật chơi, cân bằng được những lợi ích và trách nhiệm với nghệ thuật truyền thống thì tôi tin nó sẽ hiệu quả. Nhưng làm được hay không thì phải đặt dấu chấm hỏi”, ông nói.

Chia sẻ với Báo Giao thông, nghệ sĩ Kim Tử Long cho hay, ban đầu anh cũng có chút lo ngại khi thấy nhiều “gương mặt thân quen” đi thi. Nhưng khi nhìn kỹ hướng đi của chương trình, anh thấy đây là sân chơi cho tất cả mọi người yêu thích cải lương, từ không chuyên đến bán chuyên. Các tiết mục đều được chọn lọc, có giá trị nghệ thuật cao chứ không phải một chương trình giải trí xô bồ, nhảm nhí. Nghệ sĩ khẳng định, Đường đến danh ca vọng cổ ngoài tính giải trí vẫn có tính nghệ thuật.

Thực tế, Chuông vàng vọng cổ hay Đường đến danh ca vọng cổ không phải điểm dừng của các thí sinh mà chỉ là bàn đạp, môi trường cọ xát. “Mỗi chương trình có format khác nhau, quan trọng là phải làm sao để chương trình hấp dẫn và đưa cải lương đến với công chúng, vì cải lương không dễ đến với khán giả”, NSƯT Kim Tử Long chia sẻ.

 

Đưa cải lương vào game show: cứu hay giết cải lương?


Mới đây, soạn giả Hoàng Song Việt đăng trên Facebook cá nhân một status đầy nỗi niềm và gút lại chắc nịch: “Tôi không muốn tác phẩm của mình xuất hiện trên game show thêm lần nào nữa”.

Đưa cải lương vào game show: cứu hay giết cải lương?
Sao nối ngôi, một trong những chương trình nhận được thiện cảm từ người xem khi thí sinh đưa cải lương vào thi tài - Ảnh: MINH HIẾU

Đây không phải là lần đầu người làm cải lương bức xúc về việc các tiểu phẩm, trích đoạn cải lương bị sử dụng tùy tiện, cẩu thả trong các game show truyền hình.

Ngó lơ tác quyền, hài hóa cải lương kinh điển

Ông Hoàng Song Việt kể các sinh viên chuẩn bị ra trường, hoặc những người trẻ chưa có tên tuổi sử dụng tác phẩm của ông làm bài thi, hát trên sân khấu..., ông vui vẻ đồng ý và chưa từng lấy một đồng tác quyền nào vì tác phẩm được sử dụng đúng chỗ, đúng mục đích.

“Còn trên game show tôi thấy không thích hợp và nhiều lần phiền lòng. Những tác phẩm tôi viết ra phù hợp biểu diễn trên sân khấu chứ không phù hợp với game show... ” - ông Hoàng Song Việt bày tỏ trên trang cá nhân.

 

Một số tác phẩm của các tác giả tiền bối khác cũng bị tùy tiện đưa vào game show. Bà Mỹ Phượng - chánh văn phòng Hội Sân khấu TP.HCM - nói:

“Làm hay còn đỡ, còn bóp méo khiến tác phẩm biến dạng thì tác giả nào không đau lòng”. Bà Phượng chia sẻ đạo diễn Hoa Hạ từng bức xúc kể chuyện kiên quyết từ chối khi các nghệ sĩ tìm đến Hoa Hạ nhờ lấy trích đoạn cải lương kinh điển dàn dựng thành cải lương hài để thi game show.

Chưa kể nhiều chương trình còn ngó lơ việc trả tác quyền. Thường họ lấy lý do không liên lạc được với tác giả, dù nhiều tác giả (hoặc người thân của tác giả) vẫn đang làm nghề và không khó để tìm kiếm!

Bà Phượng cho biết hiếm hoi lắm mới có công ty tìm đến hội nhờ trả giùm tiền tác quyền với số tiền 500.000 đồng/trích đoạn, tiểu phẩm mà không có sự xin phép và 
thỏa thuận trước với tác giả.

Một nỗi lo khác là câu chuyện “hài hóa” các vở cải lương kinh điển. Câu chuyện các nghệ sĩ Ngọc Giàu - Trấn Thành - Anh Đức biểu diễn Tô Ánh Nguyệt Remix (biểu diễn ở hải ngoại) từng gây bức xúc vì làm biến dạng vở cải lương Tô Ánh Nguyệt kinh điển.

Đưa cải lương vào game show: cứu hay giết cải lương?
Trấn Thành trong trích đoạn hài Tô Ánh Nguyệt Remix - Ảnh cắt từ clip

Nghệ sĩ Bạch Long kể NSND Thanh Tòng sinh thời từng từ chối thẳng khi một nghệ sĩ xin lấy tác phẩm của ông thi game show. Bạch Long lắc đầu:

“Ảnh sợ tác phẩm của ảnh bị phá banh. Trong một số chương trình, việc đưa cải lương vào game show có vẻ sai về nhận thức, về cách làm khi một tiết mục phải có chút ca nhạc, chút hài, chút cải lương.

Nguy hiểm hơn là có nghệ sĩ lâu năm thấy mấy em làm bậy mà không nhắc, riết thành thói quen bị hư dây chuyền không cứu vãn nổi!”.

“Hãy làm cái mới”

Giận thì giận, nhưng người làm nghề cũng có cái nhìn thông cảm với lớp trẻ. Như bà Mỹ Phượng nhìn nhận:

“Sân khấu cải lương bây giờ ít đất diễn, sợ khán giả quên nên nghệ sĩ cải lương cũng phải chen chân vô game show. Mà vô đó thì phải tuân thủ luật chơi của người ta. Nhưng trót mang nghiệp vào thân, không tự trọng, ý thức với nghề thì nghệ thuật cải lương sẽ về đâu nếu khán giả không tiếp nhận đúng nét đẹp, cái hay như bản chất của bộ môn nghệ thuật truyền thống này”.

Nhìn nhận giá trị của cải lương hài, ông Trần Ngọc Giàu - chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM - nhấn mạnh: “Làm cải lương hài rất khó. Trong các tác phẩm sân khấu cải lương hiếm có kịch bản nào mà hài từ đầu đến cuối như vở Đi biển một mình, Ngao Sò Ốc Hến...

Nhiều đài mong muốn đưa cải lương vào game show để tôn vinh nghệ thuật dân tộc. Nhưng chúng ta muốn đưa nghệ thuật dân tộc vào thì phải hết sức cẩn trọng và làm cho đúng nghĩa, nếu không, tưởng cứu hóa ra lại đang giết cải lương”.

Từ nhìn nhận đó, ông Giàu gợi mở: “Làm cải lương hài đưa vào game show đừng lấy tác phẩm sân khấu cũ, tác phẩm kinh điển. Hãy làm cái mới, cái khác. Có thể sử dụng kịch bản kịch nói hài chuyển thể sang cải lương như các sân khấu làm với vở Ra giêng anh cưới em.

Các nhà đài có lòng với cải lương là tốt, nhưng cần làm với cái tâm và trách nhiệm. Chẳng hạn, trong một chương trình đang “hot” cho xen lẫn một tiết mục cải lương thật hay, thật mẫu mực để khán giả cảm nhận cải lương hay, đẹp thế nào”.

Kiều Nguyệt Nga như thể Thị Mầu...

Cách đây không lâu, màn ảnh nhỏ dậy sóng khi trong đêm chung kết chương trình Gương mặt thân quen, Bạch Công Khanh hóa thân thành NSND Bạch Tuyết với trích đoạn cải lương Kiều Nguyệt Nga và đoạt giải quán quân. Phần lớn khán giả đều thất vọng bởi “Xem Kiều Nguyệt Nga mà như thể Thị Mầu bị... chuốc rượu”.

Trong khi đó ở đêm chung kết cuộc thi này hai năm trước, Hoài Lâm đã chọn hình ảnh nghệ sĩ Thanh Nga để hóa thân trong trích đoạn Tiếng trống Mê Linh được khán giả mê quá xá và đoạt giải quán quân.

Dạo một vòng truyền hình có thể thấy bên cạnh các cuộc thi chuyên về cải lương như Chuông vàng vọng cổ, Ai rành sáu câu, Hò xự xang xê cống, Tài tử tranh tài... thì các game show như Làng hài mở hội, Cười xuyên Việt, Cùng nhau tỏa sáng, Hội ngộ danh hài, Sao nối ngôi... cũng tràn ngập trích đoạn từ những vở cải lương nổi danh một thời.

Nhiều trích đoạn cải lương trong các chương trình này tạo được tiếng cười cho khán giả. Trong tập thứ 9 của Cùng nhau tỏa sáng năm 2015, tiết mục Quán tơ lụa Quỳnh Nga (một trích đoạn trong vở cải lương nổi tiếng Bên cầu dệt lụa) do Hoàng Mập, Phi Thanh Vân, Tuyền Mập trình diễn khiến khán giả cười không dứt khi Hoàng Mập hóa thân thành công chúa Bích Vân. Và khi Tuyền Mập - vai Quỳnh Nga - lý giải tình yêu, cô cất cao lời bài hát Ôi tình yêu: “Khi tình yêu đến, dẫn ta đến bờ bến lạ”, nhiều khán giả và giám khảo bật cười. Nhưng không ít khán giả yêu cải lương và thích vở cải lương kinh điển này đã 
không khỏi nhăn mặt! (HOÀNG LÊ)

 
LINH ĐOAN

Nguồn tin: duyenclvn - tcgd theo BGT & TTO

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa:GAMESHOW, CẢI LƯƠNG, LỢI, HẠI, TÍNH NGHỆ THUẬT

Bình luận mới

Gửi bình luận của bạn

Tên của bạn Email Nội dung Mã an toàn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

DUY TRÌ TRANG WEB CLVN