Với NS Hòai Thương
CLVNCOM - Thời thơ ấu, mỗi chúng ta điều mơ ước cho mình một thần tượng để sống và phấn đấu vươn lên. Riêng gia đình tôi chỉ có tôi và anh ba lại đam mê skcl vô cùng. Tuổi thơ của anh em tôi ngoài việc phụ gia đình lo công việc đồng áng sau những vụ mùa lúa chín. Trên những cánh đồng lúa bạt ngàn, vàng rực cả một khoảng không tạo nên một phong cảnh thật nên thơ và lãng mạn. Những dãy lúa vàng óng ả tôi say mê gặt hái thì văng vẳng bên tai là ca cổ “Dòng sông quê em” do nghệ sĩ Tấn Giao trình bày.
Với giọng hát chân phương mộc mạc thổi vào lòng tôi nhiều niềm cảm xúc lạ. Có
ai biết được chiếc radio mà anh Ba tôi xin từ nhà bà ngoại mang về sửa chữa,
ấy vậy mà hôm nay anh mang theo ra đồng và từ đó tôi được thưởng thức giọng
hát của anh. Các bạn biết không đối với những người nông dân miền quê thì việc
có chiếc radio là rất quý để thư giãn sau những giờ lao động mệt nhọc. Vì vậy,
chiếc radio được anh em tôi gìn giữ nâng niu như một báu vật. Thật tình cờ sau
lần nghe bài ca cổ đó, tôi lại cảm mến giọng hát của anh.
Năm 1995, một người chị gần xóm - chị là công nhân của một công ty ở Sài Gòn,
mang về quê cả đóng báo Sân khấu TPHCM cũ. Trong mớ báo đó, tôi tìm thấy bài
viết , hình ảnh về anh. Tôi xin chị ấy những quyển báo có liên quan đến anh.
Từ đó, tôi nâng niu trân trọng từng tấm ảnh trên báo dù đó chỉ là những bức
hình đen trắng. Kể từ đó, tôi là người bạn thầm lặng đồng hành cùng anh trên
những bước nghệ thuật.
Năm 1996 lối rẽ đến với gia đình, anh ba tôi lên đường theo chân đoàn hát. Thế
là kể từ đây, tôi không còn ai để chia xẻ và nhận xét, bàn luận về những giọng
hát. Còn tôi, theo chân chị gái về TPHCM để lo việc học vấn cho tương lai.
Giữa Sài Gòn nhộn nhịp – hoa lệ và năng động, với hệ thống thông tin cập nhật
nhanh đến chóng mặt nên việc tôi tìm kiếm tin tức về anh không khó. Từ đó, báo
sân khấu luôn là người bạn thân đồng hành cùng tôi trong việc tìm hiểu về anh.
Tôi may mắn được xem anh dự thi giải Trần Hữu Trang năm 1996 với trích đoạn “
Hàn Mặc Tử”. Anh đã chinh phục trái tim tôi và biết bao khán giả mộ điệu khác
qua nét diễn tinh tế, giản dị. Một nhà thơ trẻ tuổi sống thiết tha, tận tuỵ
với tình yêu văn chương và hào hoa – lãng tử trong tình yêu trai gái nhưng lại
mang trong người căn bệnh quái ác. Anh ca diễn đỉnh đạc và mang về cho hành
trang nghệ thuật của mình HCV Trần Hữu Trang năm đó.
Từ đó, tôi lại còng lưng tìm kiếm thông tin về anh trong những chuyến theo
chân cùng Đoàn xung kích Trần Hữu Trang phục vụ bà con vùng sâu, vùng xa , hải
đảo xa xôi.. Thế hệ diễn viên trẻ của các anh, chị: Tấn Giao, Hữu Quốc, Ngọc
Tuyết, Nguyệt Hồng, Hồng Yến…sống và diễn hết mình với nghề. Đi đến đâu anh
chị cũng được bà con yêu mến và trân trọng. Tôi có dịp xem anh diễn qua những
vai: Kỹ sư trong “Bản tình ca quê mẹ”, Tân trong “ Tô Ánh Nguyệt”, Hai khờ
trong “Vợ là tất cả”…Nhưng vai diễn anh làm trái tim tôi cùng đồng cảm và rung
động có lẽ là vai: ông Tâm trong “Nhảy múa với quỹ dữ” - một ông Tân sống hết
mình với lý tưởng cách mạng với quê hương và chân thành với tình bạn lúc còn
trẻ cũng như xế chiều. Hay vai Quân trong “Rừng xưa” - một hình tượng người
chiến sĩ sống thanh cao, anh dũng, sống trải lòng mình với tình yêu quê hương
và động đội. Tuy về già, bị mù hai mắt do chiến tranh cướp đi, nhưng anh vẫn
nuôi dưỡng đứa con đồng đội nên người. Một cử chỉ hy sinh thiêng liêng và đáng
tự hào của người chiến sĩ năm xưa vẫn sống hết mình với màu áo xanh người lính.
Rồi vai hoạ sĩ Phan – thanh niên trẻ với biết bao tương lai đang chờ đón, vậy
mà vì ;dục vọng đã đốt cháy đời mình trong ma tuý. Với vai Phan trong “Trái
tim em nói thế” anh đã làm khán giả phải rung động, phiêu lưu theo những nấc
thang diễn xuất của anh. Vai diễn rất xứng đáng để anh nhận chiếc HCV diễn
viên tại Hội diễn SKCNTQ 2005. Tôi mến mộ anh ở tài và đức cùng cái tâm với
nghề.Tôi cất công sưu tầm anh qua hệ thống video cải lương nhưng chỉ là những
vai diễn nhỏ li ti. Có lẽ anh không có duyên mặn mà với video cải lương. Nhưng
điều làm tôi vui sướng khi trên sóng các đài truyền hình anh lại chiếm vị trí
không nhỏ và xuất hiện trên nhìêu vở cải lương, ca cổ. Những lần anh xuất hiện
tôi điều theo dõi, góp nhặt vai diễn của anh để khu vườn sưu tập của tôi đa
dạng hơn.
Những gì tôi sưu tầm về anh tuy không nhiều so với các bạn khác. Nhưng đối với
tôi đó là một công trình vĩ đại mà tôi đã làm được về anh - người nghệ sĩ mà
tôi mến mộ. Tôi muốn viết lên đây để khu vườn sưu tập nghệ sĩ có thêm nhiều
bông hoa, tràn ngập những sắc màu lung linh huyền ảo. Cũng là dịp để tôi cảm
ơn anh - người nghệ sĩ, người chiến sĩ vẫn chung thuỷ với áo xanh người lính.
Ý kiến bạn đọc