Trong xã hội hiện đại và cơ chế thị trường hiện nay, tuồng không chuyên vẫn có chỗ đứng, khi nhiều nơi còn duy trì nghề tổ, thu hút được sự tham gia biểu diễn của giới trẻ và đông đảo người xem.
Nói về tình yêu và niềm đam mê với nghệ thuật tuồng, dân gian xưa có câu ví von hóm hỉnh: Nghe giục trống chầu, đâm đầu mà chạy/ Nghe rao trống chiến, không khiến cũng đi. Ngủ làm sao được trong những đêm sân đình rộn tiếng trống, điệu đàn và những câu khách, câu nam như hút hồn, như giục giã tận trong tâm thức và trái tim mỗi người dân quê. Vì thế mà xưa có câu: Má ơi, đừng đánh con đau/Để con hát bội, làm đào má coi và Tháng ba ngày tám nằm suông/Nghe giục trống tuồng cố lết đi xem... Người dân quê Việt Nam ở nhiều miền là thế, luôn luôn coi tuồng (hát bội) là “món ăn” tinh thần không thể thiếu và được cung cấp từ những nghệ sĩ không chuyên là chính.
Một cảnh trong vở Chung Vô Diệm do Đoàn tuồng không chuyên
phường Trần Quang Diệu, TP Quy Nhơn, Bình Định biểu diễn.
Những tưởng sức hút mê hoặc ấy của nghệ thuật tuồng đối với người dân Việt Nam đã thuộc về quá khứ của mấy thập niên trước, khi tuồng ở vào thời kỳ hoàng kim. Nhưng không phải thế, tuồng vẫn có một chỗ đứng quan trọng trong đời sống đương đại, nhất là ở những làng quê - đất tuồng. Người dân vẫn say sưa xem tuồng và thuộc tuồng chẳng kém nghệ sĩ đứng trên sân khấu. Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, cả nước không có các đơn vị tuồng chuyên nghiệp, chủ yếu là không chuyên nghiệp. Phần lớn là các nhóm, các gánh tuồng do những nghệ nhân ở làng, xã tập họp lại thành phường, đội, cùng luyện tập, biểu diễn tại địa phương, phục vụ cộng đồng sau những ngày nông nhàn. Cũng có nơi lập thành gánh tuồng, với các thành viên gia đình hoặc một nhóm nghệ nhân đào kép đi lưu diễn nhiều nơi. Thời kỳ này, ngay cả trong cung đình Huế cũng không có đoàn tuồng chuyên nghiệp đúng nghĩa. Mặc dù các nghệ nhân được chọn diễn đều là những người rất giỏi về nghề, song họ không hoạt động giống như các đoàn hay một đơn vị nghệ thuật tuồng chuyên nghiệp. Hiện nay, bên cạnh các đoàn và nhà hát tuồng chuyên nghiệp, có khoảng 80 đội tuồng không chuyên vẫn tồn tại và phát triển ở các địa phương, nhất là ở những nơi có phong trào sáng tác, biểu diễn tuồng với lượng người xem đông đảo. Riêng miền “đất võ, trời văn” Bình Định đang có 20 đội tuồng không chuyên, với tám đơn vị nổi tiếng. Điều đó cho thấy, tuồng không chuyên đã và đang mang một sức sống mới trong giai đoạn hiện nay.
Tuồng không chuyên ở Bình Định được coi là “hiện tượng” bởi sự hát hay, diễn đẹp, thậm chí còn hơn cả tuồng chuyên nghiệp. Sở dĩ như vậy, bởi họ phải tự thân vận động, đổi mới, nâng cao chất lượng biểu diễn để duy trì sự tồn tại cả trong nghệ thuật và đời sống mưu sinh. Theo quy luật thị trường, tập luyện càng nhiều, diễn càng điêu luyện thì các đoàn càng nhận được nhiều lời mời, được nhiều tiền thưởng của người xem. Có những đoàn tuồng không chuyên của Bình Định có ngày phải diễn theo hợp đồng tới hai, ba suất. Ở phía bắc, xứ Đoài (tỉnh Hà Tây cũ, nay thuộc Hà Nội), cũng là địa phương có nhiều đơn vị tuồng không chuyên, phương thức hoạt động khác tuồng không chuyên Bình Định. “Tuồng Hà Tây” biểu diễn không vì doanh thu và các nghệ nhân thật ra không thể sống bằng tiền từ biểu diễn. Họ duy trì các đoàn, nhóm hát và tập luyện để giữ nghề tổ, phục vụ tự nguyện nhân dân trong làng, trong xã.
Các học viên "nhí" dự lớp tuồng thuộc dự án "Sân khấu học đường" của
Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc tổ chức.
Không chỉn chu, hiện đại như những nhà hát chuyên nghiệp, nhưng chính những đội tuồng làng biểu diễn ở sân đình với sự mộc mạc, thô ráp, dân dã đã khiến tuồng dễ đi vào lòng người. Bằng nhiều cách khác nhau, những người “nghệ sĩ tay ngang” ấy đã không để tuồng chìm vào quên lãng. Trưởng đoàn tuồng thôn Phú Mẫn, huyện Yên Phong (Bắc Ninh) cho biết: “Đoàn tuồng của làng tôi đi diễn không phải để kiếm tiền, mà để bảo tồn vốn văn hóa truyền thống của quê hương. Muốn thu hút giới trẻ đến với tuồng không thể bắt người ta yêu tuồng bằng một tình yêu khiên cưỡng, mà phải giáo dục vẻ đẹp, cuốn hút họ bằng những tiết mục, những vở diễn đích thực”. Mặc dù chỉ là một câu lạc bộ tuồng cấp thôn, với 32 thành viên là những bà, những ông nông dân chân chất quê mùa, những bà, những chị chạy chợ, buôn bán, trông trẻ… nhưng CLB tuồng thôn Phú Mẫn lại được tổ chức hoạt động như một đoàn tuồng chuyên nghiệp, với trưởng đoàn, phó đoàn phụ trách các tổ diễn viên nam, diễn viên nữ và dàn nhạc, bên cạnh là một hội đồng nghệ thuật và có người chỉ đạo nghệ thuật hẳn hoi. Phú Mẫn chỉ là điển hình, huyện Yên Phong còn có một số câu lạc bộ tuồng khác. Chủ nhiệm câu lạc bộ tuồng huyện Yên Phong Nguyễn Thị Hoan chia sẻ: “Những ngày đầu khôi phục nghề tổ, mỗi lần đi diễn, chúng tôi phải mượn trang phục, đạo cụ của các đơn vị trong vùng hoặc Nhà hát Tuồng Việt Nam. Nhưng khó khăn mấy chúng tôi cũng vượt qua, bởi chất tuồng đã ngấm sâu trong máu thịt, cho nên dù đang làm gì và bận đến mấy mà nghe tiếng trống chầu lại thấy xốn xang, không chịu được”.
TRONG xã hội hiện đại, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế và cơ chế thị trường, với sự bùng nổ của các phương tiện công nghệ thông tin cùng sự cạnh tranh của nhiều loại hình nghệ thuật, giải trí, tuồng không chuyên vẫn được duy trì và phát triển, nhưng hiện trạng thật sự thì ra sao, liệu loại hình diễn xướng này có tồn tại như bao đời nay vẫn thế?
Đến thời điểm này, có thể nói, nghệ thuật dân tộc đang đứng trước những thử thách cam go, khi cơ chế kinh tế thị trường bao vây, dồn nén, cho nên phải tìm ra nhiều lối đi, nhằm giữ gìn, chấn hưng, phát huy vốn cổ dân tộc. Nhưng thực tế, tuồng đang đứng trước một sự thật: mai một, thất truyền và biến dạng. Các thầy tuồng cứ lần lượt ra đi theo quy luật tự nhiên, còn lại một số ít thì tuổi cao, bệnh tật, lực bất tòng tâm, dù rất lo lắng cho nghiệp tổ! Hiện tượng “tre sắp tàn mà măng chưa kịp mọc” đang ngày càng thấy rõ.
Tuy nhiên, một điều đáng mừng, phong trào tuồng không chuyên làng, xã tại một số địa phương đang hoạt động khá sôi nổi. Có những đội tuồng suốt thời gian dài nằm im, nay được hồi sinh. Khi kinh tế, đời sống người dân khá lên, món ăn về tinh thần lại càng được quan tâm và là niềm khao khát của nhân dân vùng nông thôn. Những diễn viên tuồng không chuyên hiện đang sống lam lũ, bận rộn với công việc nhà nông, nhưng có dịp hội hè, làng, xã vào đám đón xuân ngày Tết, lễ hội hoặc có liên hoan, hội diễn được tổ chức, thì họ lại sắp xếp việc nhà để tham gia. Thực tế cho thấy, tuồng dân gian hay tuồng không chuyên vẫn có sức sống, vẫn có đông người xem ở những vùng quê và như PGS, TS Lê Thị Hoài Phương, Viện Văn hóa - Nghệ thuật quốc gia nhận xét: “Trong khi các sân khấu tuồng chuyên nghiệp đang sống dở, chết dở, nghệ sĩ tuồng than trời vì cuộc sống khó khăn, thì ở một số địa phương, không ít những đội tuồng của bà con vẫn sống rất khỏe nơi thôn dã. Họ không những tạo ra những sân chơi tuồng đầy cảm hứng, mà còn tìm cách thức sống mới cho tuồng trong cuộc sống hiện đại và trên hết, chính họ đã góp phần bảo tồn tuồng trong dân gian...”.
Theo NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, ở phía bắc hiện có 22 đội tuồng không chuyên hoạt động, đã có những đội tuồng biểu diễn hợp đồng tới hai tháng vào dịp Xuân. Trong dịp cuối năm 2014, ở Hội diễn sân khấu dân tộc thành phố Hà Nội, có 30 đơn vị nghệ thuật sân khấu không chuyên tham gia, trong đó có ba đội tuồng là: đội tuồng thôn Lương Ốc, huyện Quốc Oai (vở Sao Khuê trời Việt), đội tuồng xã Xuân Nộn, huyện Đông Anh (vở Đào Duy Từ), đội tuồng xã Đồng Thái, huyện Ba Vì (vở Hai Bà Trưng), được Hội đồng giám khảo, Ban chỉ đạo liên hoan và bạn bè đồng nghiệp đánh giá cao về diễn xuất và chất lượng nghệ thuật. Nhiều nhà nghiên cứu, phê bình sân khấu đều ngỡ ngàng, hoàn toàn bị thuyết phục trước sân khấu tuồng không chuyên, khi vẫn giữ được “cốt cách của thầy, bà”. Thực tế cho thấy, không có băng, đĩa tư liệu nào gìn giữ lưu truyền nghệ thuật tuồng tốt hơn việc lưu truyền trong dân gian, trong những nghệ nhân ở làng, xã. Và điều đáng mừng, ngày càng có nhiều diễn viên trẻ tham gia biểu diễn, trở thành những hạt giống kế thừa nghề nghiệp của các bậc cha, anh, để nghệ thuật tuồng không biến mất trong xu thế hội nhập, toàn cầu hóa hiện nay.
Việc tổ chức Liên hoan sân khấu tuồng không chuyên toàn quốc năm 2016 tại Bình Định sắp tới là cơ hội để các nghệ nhân có dịp gặp gỡ học hỏi và thi tài, đồng thời trao đổi kinh nghiệm, gắn kết đồng nghiệp, gắn kết thôn, xã, huyện, tỉnh cùng tạo ra động lực nuôi dưỡng phong trào tuồng truyền thống. Giám đốc Cơ quan đại diện Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam tại Bình Định Văn Trọng Hùng đánh giá: “Mỗi lần, các đơn vị tuồng không chuyên được tham gia liên hoan hay hội diễn, là mỗi lần họ có điều kiện để được tập huấn, xây dựng vở mới, nâng cao tay nghề “văn ôn, võ luyện”, củng cố niềm tin, củng cố lòng yêu nghề, phát huy tài năng và cuối cùng là củng cố tổ chức tuồng cơ sở được mạnh hơn. Đối với họ, đó thật sự là nguồn động viên khích lệ để họ thấy vinh dự, tự hào với nghề nghiệp, mà ra sức bảo tồn, phát huy nghề tổ”.
Có thể nói, tuồng không chuyên là nền tảng và môi trường nuôi dưỡng rộng lớn của tuồng chuyên nghiệp, đồng thời là cơ sở để tuồng chuyên nghiệp phát triển từ nghệ thuật đến nhân lực. Hiện tượng thi nhau cải tiến, cách tân như hiện nay đã và đang biến tuồng chuyên nghiệp “từ vừng ra ngô”, trong khi tuồng không chuyên vẫn giữ nguyên chất “vừng” của dân tộc. Và cũng vì vậy, những ai hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật sân khấu dân tộc, lại vô tình lãng quên phong trào tuồng không chuyên thì khó có thể coi là một nhà nghiên cứu tuồng, một nhà sáng tác tuồng, hoặc là một đạo diễn tuồng chân chính!
GS Hoàng Chương
Ý kiến bạn đọc