.
Vợ chồng NSƯT Thanh Điền và Thanh Kim Huệ trong vở Ngao Sò Ốc Hến |
Ông vừa khỏe mạnh, vừa đẹp trai, vừa trải nghiệm cuộc đời, cho nên đạo diễn khỏi lo lắng chi nhiều. Ông vô nhiều vai giám đốc vì có cái tướng “ngon lành”, lên đồ vest thấy đã gì đâu! Hoặc vô vai thầy giáo vì hễ đeo mắt kính lên là mọi người nói ông giống y thầy giáo. Muốn hiền thì hiền, còn muốn đểu thì ông chỉ cần nhếch mép là thấy đểu ngay. Thành ra vô mấy vai ông hội đồng cũng “ăn tiền” luôn. Ông đi suốt, rất khó tìm được ông.
Vậy mà đùng một cái, nghe nói ông đang có một dự án để… phá cải lương. Hỏi, thì ông cười ha ha: "Phải phá chứ. Để nó hoài vậy thì tự nó chết ngắc cho coi. Mà đâu phải bây giờ tôi mới phá, mấy chục năm nay tôi đã phá hết mấy lần, hiệu quả lắm. Tôi chẳng khi nào chịu ngồi yên, cứ lọ mọ tìm đường để “phá cách” cho cải lương. Nè, phá cách chứ không phải phá hoại nghen. Không phá, để nó cũ mòn thì nó sẽ chết. Tôi mong mình có chút thay đổi để cải lương tiếp cận được lớp trẻ".
* Hú hồn. Ông có thể tiết lộ kế hoạch của ông?
- Tôi làm mới bản vọng cổ, tạm gọi là ca vũ nhạc kịch. Bây giờ dù có giọng ca vàng như Lệ Thủy, Minh Vương… đi nữa mà cứ đứng ca hết 4 câu vọng cổ thì tụi nhỏ cũng không tiếp thu nổi. Tôi chỉ cho ca hai câu thôi, hoặc nếu ca nguyên bài thì cũng xen vào những cảnh múa hoặc diễn phù hợp với nội dung bài hát. Trong vòng 10 - 12 phút, khán giả được nghe giọng hát, được xem vũ điệu múa, sinh động vô cùng. Người ta đã cất công đi đến rạp thì có lẽ cũng nên cho người ta thưởng thức khác đi, chứ nếu chỉ nghe vọng cổ thì ở nhà họ bấm máy đĩa là xong.
Tôi đã viết xong kịch bản cho mười mấy bài vọng cổ, chỉ chờ rạp Hưng Đạo đưa vào sử dụng là tôi và NSND Trần Ngọc Giàu sẽ cùng dàn dựng. Tôi nghĩ kế hoạch này khả thi vì nó cũng nhỏ gọn, không quá tốn kém, đặc biệt tôi sẽ sử dụng sân khấu nhỏ 300 chỗ trên lầu để ấm cúng, không bị loãng. Giá vé vừa phải để khán giả có khả năng đi xem. Và mời cả những nghệ sĩ trẻ đến biểu diễn, nhất là diễn viên điện ảnh, ca nhạc. Tôi thường đi đóng phim với các em, thử test rồi, em nào ca vọng cổ cũng được, dù không chuyên nghiệp, nhưng sẽ là cái lạ và thích thú cho khán giả.
Thanh Điền và nữ diễn viên Kim Tuyến trong phim Con dâu Thanh Điền (trước) và hai diễn viên trẻ trong phim Kỳ án |
* Ông có lo là mình sẽ bị “chửi” vì đã phá cải lương, làm cho nó không còn nguyên chất nữa?
- Thì ngày xưa bác Bảy Viễn Châu cũng bị chửi vì đã khai sinh ra tân cổ giao duyên, nhưng thời gian đã chứng minh bác làm đúng. Bây giờ mình cứ thử đi, sai thì sửa, thành công thì tới luôn. Chứ không thử thì cái chết là đương nhiên. Tôi đã bị “chửi” mấy lần rồi, sợ gì nữa. Lần tôi dựng vở Chắp cánh chim bằng (đoàn Sài Gòn 1, thập niên 1980), tôi cho nhân vật Phạm Ngũ Lão phi thân như kiếm hiệp, và cải lương hồi ấy thường làm 3 màn, 3 cảnh, tôi làm tới 20 cảnh, chưa kể tôi còn cho Phạm Ngũ Lão ca vọng cổ với tiếng trống chầu làm đệm để đoàn quân bước đi. Báo chí nói tôi quá trời, nào là phá hình thức, phá cải lương. Nhưng giá vé từ 2 đồng, chợ đen vọt lên 20 đồng. Sướng ghê luôn. Tôi còn nhớ báo Thanh Niên viết một bài bênh vực tôi, với cái tựa nghe rất hay: Thanh Kim Huệ không sợ Võ Tắc Thiên. Hồi đó, đài truyền hình đang chiếu phim Võ Tắc Thiên, người ta mê mẩn ôm cái tivi mà. Nhưng Chắp cánh chim bằng với Thanh Kim Huệ làm đào chánh đã kéo người ta đến rạp cỡ đó, cho nên báo mới viết vậy.
Lần phá thứ hai là khi chúng tôi tập tuồng Ngao Sò Ốc Hến, đạo diễn dựng nghiêm túc quá, khán giả đi xem thưa thớt, tôi rầu thúi ruột. Thế là chúng tôi bàn nhau phá hết lối diễn cũ, thay bằng lối hài hước, tự nhiên, gần gũi. Trời, khán giả đông không tưởng tượng. Lần nữa là khi tôi viết vở Ai giết nàng Kiều, tôi và Trần Ngọc Giàu cùng dựng, diễn ở 5B và Nhà hát Hòa Bình. Tôi cho Hồ Tôn Hiến mặc áo vest, uống bia lon. Từ Hải thì mặc quần jean, mang kính, Thúy Kiều mặc đầm. Vậy mà diễn vẫn “ra” nhân vật, khán giả vẫn “thấy” đúng là nhân vật mình muốn nói. Vui nhất là khi Hội đồng nghệ thuật không dám duyệt, phải mời ông Võ Văn Kiệt và ông Nguyễn Văn Linh xuống xem, hai ông tán thưởng, thế là chúng tôi được phép diễn. Vở Khúc ly hươngtôi cũng phá một lần nữa. Mà thôi, nói vậy để hiểu tôi luôn thao thức với cải lương. Nhiều khi nghĩ lại tôi ví mình như “thằng khùng”, không chịu yên phận.
* Hình như ông còn viết một bộ phim nữa, về cuộc sống cải lương, nghệ sĩ cải lương?
- Đúng vậy. Tôi viết kịch bản Sân khấu muôn màu, 32 tập, chuẩn bị quay. Tôi viết nhẹ nhàng như bài thơ nhưng đạo diễn biên tập lại cho có xung đột, kịch tính mạnh hơn, có ám hại, có tệ nạn. Thực ra, nghệ sĩ cũng là người hiền lành, đâu đến nỗi hại nhau như lĩnh vực kinh tế. Họ có mặt xấu nhưng tôi chỉ phê phán nhẹ thôi. Viết cái gì nặng nề quá hình như không phù hợp với cái chất của tôi. Nhưng chẳng sao, người ta biên tập lại cho phù hợp cũng được, tôi không phiền gì đâu.
Phá cả đời mình
* Ngay cả đời ông, ông cũng “phá” kia mà. Từ kép hát ông chuyển sang chụp hình, phất lên như diều. Giờ thì đóng phim…
- À, làm nghề chụp hình vì hồi đó… phá sản. Bao nhiêu tiền bỏ vô gánh hát hết, mà cải lương đang khủng hoảng, thế là tôi bán luôn căn nhà cuối cùng. Tôi nói với vợ (Thanh Kim Huệ): “Em đừng buồn, anh tin tổ nghiệp sẽ cho anh gầy dựng lại, sắm lại cho em nhiều hơn bây giờ nữa”. Tôi mở studio, hoàn toàn không biết gì về khẩu độ, tốc độ, cứ canh theo ánh sáng sân khấu mà chụp, vì tôi theo sân khấu mấy chục năm mà. Trời thương, chụp đẹp thiệt. Khán giả thương, tới chụp hoài. Rồi tôi mua nhà lại cho vợ con. Nhưng tôi vẫn dành dụm tiền, lâu lâu dựng một vở để diễn chơi, như tri ân tổ nghiệp. Làm nghề khác để nuôi thân nhưng vẫn không quên sân khấu.
Thanh Điền trong phim Đất phương Nam |
* Ông làm nhiều việc một lúc, vậy ông bố trí thời gian lúc nào?
- Bây giờ tôi đóng phim là chính, khuya về tắm rửa thay đồ vô ngồi laptop viết tới 2 - 3 giờ sáng. Sáng cũng thức sớm đi phim. Khi có sân khấu mời thì đi hát, nghỉ phim một bữa. Studio đã giao lại cho con trai, nó làm còn chuyên nghiệp hơn tôi.
* Ông làm sao giữ được thân hình như “hot boy” vậy? Có còn đánh tennis như xưa không?
- Hà hà, nói hot boy mới nhớ, tôi đi đóng phim tụi nhỏ cứ kêu là “ba”, nhưng cũng hay gọi là hot boy vậy đó. Có đứa thường ôm tôi nói: “Không biết khi con 70 tuổi con có được như ba không?”. Đầu tiên là nhờ tôi chơi thể thao, xưa đánh tennis ghiền luôn, giờ yếu hơn, lại đi phim hoài, hết đánh, chỉ tập tạ ở nhà. Sau nữa là tôi không ăn chơi trác táng, gái gú, rượu chè. Rảnh thì tôi đọc sách Phật, nhất là khi bực bội thì mở sách Phật ra đã lắng dịu, thỉnh thoảng đọc chú Đại Bi.
* Thanh Kim Huệ thường đi diễn tỉnh xa, còn ông đi phim, vậy khi nào vợ chồng gặp nhau?
- Khi bả được nghỉ hát ở nhà, tôi đi phim về tối sẽ gặp nhau. Vợ chồng già đâu có dính chùm như hồi trẻ, cũng chẳng ghen tuông gì, khỏe vô cùng. Cùng bàn luận về một kịch bản đang viết, chia sẻ, góp ý với nhau. Bả đọc sách nhiều lắm, và siêng viết lách hơn cả tôi.
Căn nhà ông ở ngay trung tâm nhưng lại vô cùng yên tĩnh và an toàn. Bên dưới là studio, trên lầu là phòng khách, phòng ngủ, phía ngoài có bảo vệ chung cho cả khu vực. Gu thẩm mỹ của ông rất Tây, sử dụng toàn màu sắc trang nhã. Đúng như lời ông hứa với vợ, đã khôi phục lại nhà cửa đàng hoàng. Con trai, con dâu, cháu nội 13 tuổi cùng quây quần ấm áp. |
Ý kiến bạn đọc