Dạy hát bội
Nhằm bảo tồn và phát huy bộ môn nghệ thuật hát bội (hát tuồng), Trung tâm Văn hóa - Thể thao TP Hội An đã mở lớp truyền vai hát bội cho thiếu nhi vào tối thứ Bảy hằng tuần, từ 19 giờ 30 đến 21 giờ 30 tại số nhà 39 Nguyễn Thái Học (Hội An).
Biểu diễn trích đoạn “Lê Lai cứu chúa” tại lớp học 15 bạn thiếu nhi tham gia lớp học hầu hết được tuyển chọn từ khối phố Nam Diêu, phường Thanh Hà - vùng đất mà nghệ thuật hát bội vẫn còn lưu giữ và phát triển khá mạnh đến thời điểm này ở Hội An. Các em đều đã từng được nghe, xem, tiếp xúc với nghệ thuật này từ gia đình, ông bà, cha mẹ, hàng xóm và ít nhiều cũng thể hiện có năng khiếu và yêu thích bộ môn vốn khá kén chọn người này. Có gia đình có cả hai anh em cùng tham gia khóa học này. Hai anh em Võ Văn Việt (lớp 7) và Võ Văn Nhựt (lớp 9) hào hứng khoe: Ở nhà tụi em thường được nghe bà, mẹ hát bội. Những dịp lễ hội ở làng vẫn đi xem đội hát bội của phường diễn những vở diễn về lịch sử nên khi nghe thông tin mở lớp học này cả 2 anh em đều đăng ký tuyển chọn và được chọn tham gia.
Nói về lý do vì sao lại chọn hát bội, một môn nghệ thuật thực sự còn “xa lạ”, “khó nhằn” đối với bạn trẻ, bạn Võ Văn Nhựt tâm sự: “Tụi con thấy tò mò và muốn hiểu thêm về hát bội - bộ môn nghệ thuật mà gần như người lớn nào ở làng cũng mê, cũng thích. Vì thế được tham gia lớp học này là cơ hội để anh em tụi con hiểu thêm về những điều của hát bội mà ông bà, cha mẹ đã giữ gìn, yêu quý lâu nay”. Còn với bạn Võ Sơn Hoàng Vũ (lớp 7) thì lý do “kéo” bạn đến với lớp hát bội này trước hết là vì mẹ bạn. Vũ kể: Mẹ em mê hát bội lắm. Cứ mỗi lần ở trong xóm có diễn là kéo em đi theo xem cùng, về là say sưa kể về những lớp tích, lớp tuồng. Mẹ lại hay nói “Hát bội hành tội người ta” nên bạn muốn đi học để xem “hát bội” thực sự “hành tội người ta” theo cách như thế nào.
Một buổi học của lớp hát bội
Được biết, hát bội là một loại hình nghệ thuật truyền thống nổi tiếng ở Quảng Nam và gắn với giáo sư Hoàng Châu Ký (1921 - 2008), người được xem là bậc thầy của bộ môn nghệ thuật này với nhiều công trình nghiên cứu, bảo tồn và truyền bá ra nhiều nơi trong nước. Đạo diễn Đoàn Huy Giao- đại diện gia đình GS Hoàng Châu Ký - cho biết: Lớp học cũng nhằm thực hiện di nguyện của GS Hoàng Châu Ký - người được xem là bậc thầy của bộ môn nghệ thuật này tại Quảng Nam - Đà Nẵng. Khi GS Hoàng Châu Ký qua đời đã di nguyện lại gia đình dành tặng toàn bộ số tiền phúng điếu của ông để thành lập Quỹ Hoàng Châu Ký hỗ trợ cho TP Hội An trong việc khôi phục, bảo tồn bộ môn nghệ thuật này trong những người trẻ.
Theo ông Võ Phùng - Giám đốc Trung tâm VH-TT Hội An - thì từ lớp học này sẽ tìm kiếm, tuyển chọn những em có năng khiếu trong hát bội để đào tạo sâu hơn nữa, tiến tới thành lập đội hát bội thiếu nhi Hoàng Châu Ký của TP Hội An. “Tấm lòng của GS Hoàng Châu Ký và gia đình chính là ngọn lửa khơi gợi, thúc đẩy những người làm văn hóa ở Hội An phải suy nghĩ, trăn trở và làm điều gì đó để giữ lại, nhen nhóm, bảo tồn và phát huy bộ môn hát bội truyền thống. Sinh thời, GS Hoàng Châu Ký vẫn thường nói tuồng thì lúc thăng, lúc trầm, lúc trầm, lúc thăng. Nhưng nếu biết làm thì trầm cũng sẽ thành thăng. Sở dĩ Hội An gọi đây là lớp truyền vai hát bội vì xem đây như là một trong những nhiệm vụ giữ lửa cho một bộ môn nghệ thuật truyền thống có nguy cơ thất truyền”, ông Võ Phùng chia sẻ.
Khánh Chi
Ý kiến bạn đọc