Trung Lương
Họ còn rất trẻ nhưng say mê nhạc cụ dân tộc và “thổi” vào đó sự mới lạ theo cách riêng của mình
Trung Lương, 19 tuổi, đã có phần trình diễn ấn tượng trong đêm bán kết 4 chương trình “Tìm kiếm tài năng Việt - Vietnam’s got talent 2016” qua bài phối tuyệt vời giữa đàn nguyệt và nhạc điện tử, chinh phục khán giả trẻ. Trung Lương không phải người đầu tiên giúp cho khán giả nhìn thấy hình ảnh mới mẻ và nghe được thanh âm khác lạ, trở nên độc đáo của các loại nhạc cụ truyền thống dân tộc khi nó hòa điệu trong dòng chảy âm nhạc của thời đại.
Khai phá tính năng độc đáo
Trước khi trở thành sinh viên Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam (Hà Nội), Trung Lương “bỗng dưng thích chết mê” cây đàn nguyệt. Trung Lương cho biết năm học lớp 6, anh từng bị căng thẳng tâm lý, thích ngồi một mình, buồn không lý do. Một lần tình cờ nghe được tiếng đàn nguyệt, anh thích vì giai điệu buồn, có vẻ đồng cảm với mình.
“Bố của tôi biết chơi nhiều loại nhạc cụ nhưng thuộc dạng tự mày mò học hỏi chứ không theo trường lớp. Ban đầu, tôi học đàn nguyệt từ bố rồi dần dần tìm đến thầy học bài bản và thi vào học viện” - Trung Lương kể.
Say mê đàn nguyệt, Trung Lương tập luyện sáng, chiều và đôi khi cả tối. Anh mơ ước đến một ngày dùng đàn nguyệt đánh những ca khúc quốc tế để người nước ngoài hiểu về nhạc cụ truyền thống Việt Nam. Trung Lương đã làm được rất tốt điều này. Bài độc tấu đàn nguyệt trên nền nhạc điện tử của anh qua bản “Fade” của Alan Walker trong đêm bán kết 4 “Tìm kiếm tài năng Việt - Vietnam’s got talent 2016” đã minh chứng điều đó. Anh nhận được lời khen từ giám khảo cũng như sự ủng hộ nhiệt thành từ khán giả trẻ. Màn trình diễn thành công này của Trung Lương ít nhất cũng giúp cho người trẻ có cách nhìn khác hơn rằng nhạc cụ dân tộc không hề cũ kỹ, thậm chí rất hợp thời.
Ý kiến bạn đọc