Đang truy cập : 200
•Máy chủ tìm kiếm : 1
•Khách viếng thăm : 199
Hôm nay : 22052
Tháng hiện tại : 2196770
Tổng lượt truy cập : 88503371
Tối 29-9, vòng chung kết xếp hạng cuộc thi "Chuông vàng vọng cổ" 2024 đã diễn ra với phần tranh tài của 3 thí sinh là: Dương Thị Mỹ Nhung, Nguyễn Hùng Vương, Lê Hoàng Nghi tại Nhà hát Truyền hình HTV.
LT
NSND Lệ Thủy, NSƯT Minh Vương, NS Bình Tinh và ca sĩ Dương Đình Trí
Phóng viên: Điều gì khiến bà nhớ nhất khi nghĩ đến ngày 20-11 hằng năm? Trong cuộc sống bà có nghĩ đến việc sẽ nhận học trò để dìu dắt, uốn nắn trên con đường nghệ thuật?
- NSND Lệ Thủy: Hằng năm cứ đến ngày này tôi nhớ chương trình mang tính truyền thống của Cung Văn hóa Lao Động TP HCM, đó là cuộc giao lưu "Thầy trò thành đạt" năm 2003, khi đó tôi và thầy tôi là soạn giả NSND Viễn Châu đến Hội trường A tham dự và gặp nhiều tấm gương "tôn sư trọng đạo" ở các lãnh vực văn hóa nghệ thuật, xã hội, khoa học, giáo dục....Năm đó, về lãnh vực nghệ thuật có ba nghệ sĩ gồm tôi, Quyền Linh và Tạ Minh Tâm. Cả ba cùng xuất hiện với ba người thầy kính yêu của mình là: soạn giả Viễn Châu, đạo diễn NSND Đoàn Dũng và NSƯT Quốc Trụ. Ngay từ khi tập tễnh bước vào nghề, tôi lúc đó mới 12 tuổi đã được soạn giả Viễn Châu giới thiệu thu dĩa tại Hãng Việt Hải (năm 1960).
Các diễn viên, NS: Trúc Đào, Bảo Lộc, Hồng Loan, Minh Vương, Lệ Thủy, Bình Tinh, Dương Dình Trí họp mặt nhân ngày Truyền thống sân khấu VN
Đó là vai Đạo Đồng trong vở "Quan âm Thị Kính", tuy chỉ xuất hiện một lớp với hai câu vọng cổ nhưng khán thính giả cải lương đã chú ý đến cái tên Lệ Thủy. Sự kiện đó đã cho tôi cơ hội bước vào làng dĩa nhựa Sài Gòn, tuy bác Bảy Bá (tên thân mật của soạn giả Viễn Châu trong giới cổ nhạc) không phải là người dạy ca, dạy diễn, nhưng trong thâm tâm tôi bác Bảy luôn là người thầy đáng kính không chỉ của Lệ Thủy mà của rất nhiều nghệ sĩ tên tuổi. Tôi không có khả năng thị phạm cũng như năng khiếu đứng trên bục giảng. Tôi cũng chưa bao giờ nhận ai là đệ tử chân truyền, vì tôi nghĩ bản thân mình còn phải luôn học hỏi không ngừng. Chỉ có trên sàn tập, với các bạn trẻ, tôi chỉ cho họ cụ thể qua từng vai diễn, từng bài ca. Uốn nắn họ ca đúng nhịp, chỉ dẫn họ biết cách thâm nhập vào vai diễn. Còn dìu dắt vào nghề, nghe thì dễ nhưng để tròn trách nhiệm thì khó lắm.
NSND Viễn Châu đàn tranh, NSND Lệ Thủy ca bài tân cổ giao duyên
Với kinh nghiệm sáng tác của 70 năm gắn bó với sân khấu, soạn giả Viễn Châu được giới sân khấu cải lương hai miền Nam - Bắc tôn vinh là bậc thầy của thể loại ca cổ. Ông là cha đẻ của hơn 2000 bản vọng cổ, là người sáng lập ra trường phái ca cổ hài, phá bỏ quan niệm cải lương chỉ chuộng sự bi lụy. Ông còn tạo cơ hội để bà vụt sáng với thể điệu Tân cồ giao duyên. Bà có nghĩ vai trò người thầy trong nghệ thuật khác với người thầy của nhiều ngành nghề của xã hội?
- Chính xác hơn chất hài trong bài vọng cổ của soạn giả Viễn Châu đả phá thói hư tật xấu, cười cợt mĩa mai thói ong bướm, rượu chè, tứ đỗ tường trong cuộc sống. Độc đáo hơn, ông đã cải biên, cách điệu sự kết hợp giữa tân nhạc và cổ nhạc mà tôi là người may mắn được ông chọn lựa để thử nghiệm thể điệu này. Bài thu âm đầu tiên đánh dấu sự ra đời của thể loại tân cổ giao duyên với bài hát "Chàng là ai?" (năm 1963) của nhạc sĩ Nguyễn Hữu Thiết. Nếu bên lãnh vực vọng cổ hài có anh Văn Hường được bác Bảy chọn, thì tôi tự hào bên lãnh vực tân cổ giao duyên mình được bác Bảy "khai quang điểm nhãn". Đúng là trong lãnh vực nghệ thuật người thầy và người trò có những khác biệt so với các ngành nghề khác, đó chính là khai thác được nét đặc trưng trong ca diễn của trò, và dấu ấn từ bài học truyền nghề của thầy còn phải có sự khái quát về tiềm năng sáng tạo.
NSND Lệ Thủy và NSND Viễn Châu trong ngày 20-11-2007
Không thể cứ đào tạo rập khuôn mà phải khơi gơi sự sáng tạo mới mẻ từ người học. Tôi may mắn không chỉ có bác Bảy dạy ca mà trong nghệ thuật còn có nhiều thầy tuồng dạy diễn như: thầy Ngọc Văn – ba nuôi của tôi hồi ở đoàn Kim Chung, thầy Huỳnh Nga – những năm tháng tôi về đoàn Văn Công TP HCM, thầy Diệp Lang – người anh lớn trong nghệ thuật và trên hết còn có ba Năm Châu, cô bảy Phùng Há, cô Bảy Nam, soạn giả Kiên Giang, Quy Sắc, chị hai Út Bạch Lan, anh hai Thành Được, chị hai Kim Cương, anh bảy Hùng Minh…Những bậc hiền tài của sân khấu nước nhà. Học ở các thầy cô mỗi người một chút, rồi điểm xuyến hành trang của mình bằng sự trải nghiệm. Nhờ vậy tôi mới có được tình thương bao la từ công chúng.
Soạn giả Viễn Châu đã từng nói về người học trò tin yêu của ông: "Tôi phát hiện Lệ Thủy trong gánh hát Trâm Vàng, lúc đó cô chỉ là một cô bé nhắc tuồng bên cánh gà, nhưng rất thích ca hát. Tôi chú ý đến Lệ Thủy là bởi cô có làn hơi thổ pha kim rất lạ. Sau vai Đạo Đồng tên của Lệ Thủy đã góp phần nâng cao hiệu quả nghệ thuật và đưa bài vọng cổ của tôi đi vào lòng người. Sự thành đạt đó được minh chứng bằng tình cảm của khán giả suốt nhiều thập niên". Bà còn nhớ gì những lời căn dặn của thầy? Bà có nghĩ mình sẽ tiếp nối con đường truyền nghề của thầy mình?
-Như đã nói, tôi không nghĩ mình sẽ tiếp nối thầy nhưng tôi vẫn nguyện đồng hành cùng các bạn trẻ, bảo ban, chỉ dẫn những điều mình biết một cách công tâm, hồn nhiên. Tôi nhấn mạnh hai chữ hồn nhiên để nói về điều này, vì cố tình chọn lựa hoặc đặt ra cái giá phải trả cho việc học nghề trong nghệ thuật là một điều không tốt. Thầy tôi – soạn giả Viễn Châu hồi đó vẫn kể rằng có nghệ sĩ trẻ tìm đến ông, đặt trên bàn ông 2 chỉ vàng rồi nói: "Ông dạy tôi ca trong một tuần thật hay, đạt chất lượng tôi sẽ thưởng thêm". Ông từ chối và đuổi thẳng người đó về. Trong nghệ thuật học nghề mà đong đếm tiền của để đổi nghề thì không bao giờ nên nghề. Tôi chỉ khuyên các bạn trẻ đến với nghề phải "tôn sư trọng đạo", không làm những điều thiếu tử tế với thầy mình. Đó là một hành trang quý vì thầy tôi bảo rằng không thành Tài thì nghề hát cũng giúp con người thành Nhân. Mình ca diễn trên sân khấu những điều hay đẹp, răn đời, soi mình trước những cạm bẫy cuộc sống thì không lý gì mình lại sống thiếu tử tế.
NSND Lệ Thủy và nhà báo Thanh Hiệp trong chương trình vinh danh soạn giả Viễn Châu tại Trà Vinh
Bà có đang ôm ấp hoài bão nào cho sự nghiệp nghệ thuật của mình?
- Tôi không dám nghĩ mình là một tài năng xuất chúng, chỉ tự hào nghĩ rằng nếu không có các thầy cô dẫn dắt, truyền đạt những kinh nghiệm thì tôi đã không có cơ hội theo đuổi con đường mà mình đã chọn.
Tôi rất quí các bạn diễn viên trẻ có đức tính khiêm tốn, luôn biết lắng nghe để hoàn thiện mình. Giữa sàn diễn hôm nay với nhiều thực trạng đau lòng, nghệ sĩ hát quán, hát đình nhiều hơn hát trên sàn diễn, đó là điều mà tôi cho rằng không chỉ là khát vọng thay đổi của riêng tôi mà của nhiều nghệ sĩ tâm huyết. Sân khấu cải lương nói riêng và lãnh vực văn hóa nghệ thuật nói chung cần phải có cơ chế mới, thoáng hơn, có lộ trình để phát triển. Lãnh đạo ngành văn hóa không chú tâm đến chiến lược này thì thế hệ trẻ làm nghệ thuật, cụ thể là làm nghệ thuật cải lương sẽ lệch hướng. Đừng thấy sàn diễn tự thân hoạt động, nghệ sĩ tự cứu mình thì cứ yên tâm giao trọng trách khôi phục sàn diễn cho nhóm xã hội hóa, điều này sẽ dẫn đến hậu quả nhà nhà làm cải lương, người người làm cải lương nhưng không đúng trọng tâm, sai lệch chất lượng, không trả về đúng chuẩn mực của bộ môn mà năm sau đã là dấu ấn 100 năm tồn tại.
NSND Lệ Thủy, NS Thành Được, Phượng Liên, Ngọc Huyền, Ngọc Đáng, Tuấn Châu, Philip Nam...và các nghệ sĩ trẻ trong chương trình vinh danh soạn giả Viễn Châu tại Mỹ năm 2012
Một điểm chung mà nghệ sĩ thành danh thuộc thế hệ đi trước như chúng tôi ghi nhận, đó là sự khiêm tốn và tinh thần phấn đấu không ngừng. Chúng tôi luôn nhớ ơn thầy cô, những nhà giáo của ngành nghệ thuật đã là những tấm gương thành đạt được vun đắp bằng tình thương yêu, tận tụy. Họ luôn âm thầm đứng sau vinh quang với nụ cười mãn nguyện khi nhìn thành tựu của các học trò. Và từ xuất phát điểm đó, tôi ôm ấp hoài bão sàn diễn cải lương sẽ sáng đèn với lực lượng nghệ sĩ hùng hậu, được đào tạo bài bản, có tinh thần tôn sư trọng đạo, uống nước nhớ nguồn. Sự chuẩn mực đó rất cần đánh động ngay từ hôm nay để các bạn trẻ ý thức mình đang là chủ của ngôi nhà sân khấu.
Mã an toàn:
Tối 29-9, vòng chung kết xếp hạng cuộc thi "Chuông vàng vọng cổ" 2024 đã diễn ra với phần tranh tài của 3 thí sinh là: Dương Thị Mỹ Nhung, Nguyễn Hùng Vương, Lê Hoàng Nghi tại Nhà hát Truyền hình HTV.
Ý kiến bạn đọc