Đang truy cập : 156
Hôm nay : 20603
Tháng hiện tại : 2195321
Tổng lượt truy cập : 88501922
Tối 29-9, vòng chung kết xếp hạng cuộc thi "Chuông vàng vọng cổ" 2024 đã diễn ra với phần tranh tài của 3 thí sinh là: Dương Thị Mỹ Nhung, Nguyễn Hùng Vương, Lê Hoàng Nghi tại Nhà hát Truyền hình HTV.
Hát bội lay lắt chờ thời
Lận đận với... rạp
Án ngữ một trong những khu đất vàng của TP HCM nhưng đã nhiều năm nay, người dân quanh địa chỉ 234 Lý Tự Trọng, quận 1 đã quá quen với cảnh Nhà hát Nghệ thuật hát bội TP HCM không đêm nào sáng đèn sân khấu. Nghệ sĩ ưu tú Ngọc Nga, Phó giám đốc Nhà hát cho biết, tình trạng này đã kéo dài từ năm 2000 đến nay. Vài ba năm đầu đi... ở nhờ Nhà hát thành phố, lịch diễn không nhiều nhưng cũng nỗ lực làm mới, cách tân, thay phục trang truyền thống bằng phục trang hiện đại cho phù hợp với nội dung. Người trẻ khen nhưng các bậc trưởng lão phản đối đùng đùng bỏ ra về.
Cánh cửa mới vừa mở đã hẹp. Hiện nay, mỗi năm nhà hát chỉ dựng đúng 4 vở, trong đó có 2 vở mới, 2 vở cũ. Rạp xuống cấp không thể sáng đèn biểu diễn, chỉ làm nơi cho nghệ sĩ tập tành. Tập rồi tổ chức xuống các địa phương biểu diễn theo lịch trình của Sở Văn hóa, Thể thao, Du lịch thành phố. Toàn bộ sân khấu là chiếc xe tải lưu động 2,5 tấn. Không lo doanh thu bán vé lại có thể từng bước đưa nghệ thuật tiếp cận khán giả từng địa phương nhưng người đam mê với nghề không thể không tiếc. Một địa chỉ dành cho khán giả trung thành với bộ môn nghệ thuật hát bội đã không còn khiến số lượng đã ít càng thêm... khiêm tốn. Hơn thế, để khán giả dễ tiếp cận, các buổi diễn như thế, nghệ sĩ thường diễn trích đoạn.
Phút thăng hoa của nghệ sĩ Nhà hát Nghệ thuật hát bội TP HCM trong vở “Cánh tay Vương Tá”. |
Đổ mồ hôi công sức trên sàn tập, có người nghệ sĩ chân chính nào không mong ước được thỏa sức vẫy vùng trong thế giới nghệ thuật thiêng liêng mà bản thân theo đuổi? Không diễn trên sân khấu chính thống thì nhận lời mời hát đình, hát lễ kỳ yên (cầu an). Mỗi năm hai vụ, tháng Giêng, tháng 2, tháng 3 và tháng 8, tháng 11 âm lịch, có lời mời là anh chị em trong nhà hát tập hợp đi diễn. Gần thì có Đình Tân Thông Hội, Củ Chi, lễ Nghinh Ông, huyện Cần Giờ mỗi tháng 8, xa hơn là các lễ kỳ yên các tỉnh thành. Ví von đoàn như những gánh hát thủa nào, NSƯT Ngọc Nga cười buồn: Cũng không khác nhau nhiều lắm...
Nguy cơ... nghiệp dư hóa
Thống kê lại toàn bộ các nghệ sĩ hiện thời của Nhà hát nghệ thuật hát bội TP HCM hiện nay, con số dừng lại ở mức 32, trong đó có 4 nghệ sĩ ưu tú và 14 nghệ sĩ trẻ. Người có thâm niên công tác cao hưởng lương năm, bảy triệu mỗi tháng, cố gắng lắm cũng chỉ tạm đủ chi tiêu theo kiểu “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”. Thế nên, sau mỗi buổi diễn, cởi bỏ tất cả xiêm y, áo mão, giấc mơ nghệ thuật nhiều khi trôi tuột theo vòng xoay cơm áo gạo tiền.
Cũng là nghệ sĩ biểu diễn nhưng với hầu hết nghệ sĩ hát bội, chuyện xe hơi, nhà biệt thự mãi chỉ là giấc mơ xa xỉ chỉ tạm gửi vào trong vở diễn nếu có. Nhưng, người của nhà hát phải lận đận làm thuê các công việc lao động phổ thông như thợ hồ, xe ôm đã quen thuộc như “chuyện thường ngày ở huyện”. Sang hơn một chút, đòi hỏi nhiều vốn liếng hơn một chút là phụ giúp gia đình bán hủ tiếu (nghệ sĩ ưu tú Hữu Hòa), mở tiệm cà phê cóc...
Chia sẻ về chuyện nghề, nhiều nghệ sĩ nửa đùa, nửa thật bảo rằng họ “bị giời đày”. Thiếu đất diễn, thu nhập thấp, không hiếm nghệ sĩ có nghề cũng nản, chấp nhận buông tay với hát bội, tìm một công việc khác có thu nhập cao hơn song chỉ một thời gian, nhớ nghề quay quắt, lại tìm về nhà hát. Thế nhưng, có một lần tận mắt chứng kiến mồ hôi, tâm sức đổ ra của người nghệ sĩ cho vai diễn mới thấy đắng lòng cho hát bội.
Sau 3 tiếng miệt mài với vai Tạ Ôn Đình trong vở “San hậu”, cởi bỏ phục trang, bộ quần áo của NSƯT Hữu Danh ướt sũng mồ hôi. Thù lao cho vai diễn đúng 100.000 đồng. NSƯT Ngọc Nga cho biết, đây là mức thù lao cao nhất. Ít có lĩnh vực biểu diễn nào mà thù lao cho nghệ sĩ lại thấp như hát bội và cũng ít có lĩnh vực nào mà khoảng cách về thù lao cho nghệ sĩ giỏi và chưa giỏi nghề lại ngắn như hát bội.
Bình quân, sau một suất diễn, mỗi nghệ sĩ chỉ nhận từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng. Thù lao cho một buổi tập của nghệ sĩ còn thê thảm hơn: đúng 10.000 đồng/1 buổi, vừa đủ mua một cốc cà phê vỉa hè. Thế nên khó trách nghệ sĩ trẻ không gắn bó, tâm huyết với nhà hát.
Khó trách, nhưng với những người tâm huyết với hát bội, với Nhà hát nghệ thuật hát bội TP HCM thì không thể không lo lắng. Bởi lẽ, người trẻ đam mê hát bội, có khả năng hát bội đã khó, để họ gắn bó với nghề còn khó hơn. Người thích theo nghề chỉ mê hát, trình độ có hạn, đòi hỏi học hết phổ thông trung học, dù chỉ là bổ túc văn hóa vào ban đêm cũng khó vì “đi diễn, học phập phù, không theo kịp các bạn lại càng nản”. Kết quả tất yếu là sau một đợt “tổng động viên được 5,6 em đi học, đến nay chỉ có duy nhất một em còn duy trì việc học”.
Ngược lại, có những diễn viên trẻ được đào tạo bài bản, đủ điều kiện đầu quân về nhà hát song cũng chỉ một thời gian là “nhảy việc”. Tre đã già mà măng chưa chịu mọc. Hát bội hiện nay đang đối mặt với nguy cơ thiếu hẳn một lớp kế cận đủ tâm huyết và được đào tạo bài bản. Nghệ sĩ tâm huyết với nghề không lo hát bội chết, càng không chấp nhận chuyện nghệ thuật hát bội không phải là cánh cửa sinh tiền. Cái lý của họ là còn đình chùa miếu mạo, còn lễ hội thì còn hát bội.
Những chuyến rong ruổi hát đình chùa mùa lễ hội, những suất diễn chật người xem những ngày Tết, lễ ngoài công viên thành phố là bằng chứng thuyết phục nhất. Nhưng, tất cả mới chỉ là giải pháp tạm thời. Để hát bội phát triển bền vững, ngoài chế độ chính sách cho nghệ sĩ thì một chốn để “an cư lạc nghiệp” vẫn cần hơn cả vào lúc này.
Mã an toàn:
Tối 29-9, vòng chung kết xếp hạng cuộc thi "Chuông vàng vọng cổ" 2024 đã diễn ra với phần tranh tài của 3 thí sinh là: Dương Thị Mỹ Nhung, Nguyễn Hùng Vương, Lê Hoàng Nghi tại Nhà hát Truyền hình HTV.
Ý kiến bạn đọc