Tối 29-9, vòng chung kết xếp hạng cuộc thi "Chuông vàng vọng cổ" 2024 đã diễn ra với phần tranh tài của 3 thí sinh là: Dương Thị Mỹ Nhung, Nguyễn Hùng Vương, Lê Hoàng Nghi tại Nhà hát Truyền hình HTV.
Xem tiếp...
Chuyện ly kỳ về tổ nghề sân khấu
Hàng năm, cứ vào ngày 11-12/8 Âm lịch thì những người làm nghề sân khấu (đặc biệt phía Nam) tổ chức giỗ tổ nghề rất trang trọng, thành kính. Từ năm 2010, Việt Nam đã chính thức lấy ngày 12/8 Âm lịch làm Ngày Sân khấu VN, nâng hoạt động này lên một tầm cao mới. Trong ngày này, một số sân khấu nhà nước ở miền Trung và miền Bắc cũng đã khôi phục nét văn hóa giỗ tổ nghề truyền thống.
Giới làm sân khấu ở phía Nam hiện nay phần đông tin rằng nếu không kính tổ nghiệp thì sẽ làm ăn không ra, hoặc sẽ gặp lận đận. Điều này ngẫu nhiên đúng với những nghệ sĩ hoặc sân khấu lơ là, coi thường điều này, họ hay thất bại; vì thiếu căn cứ để kết luận nên xin miễn nêu tên ở đây. Những cụm từ cửa miệng cũng chỉ rõ điều này: “tổ độ” - dùng chỉ những nghệ sĩ thành tâm và thành công với nghề; “tổ trác” - thiếu nghiêm túc, thất bại, vô duyên; “tổ phạt” - vì hỗn láo, xấc xược với đồng nghiệp, khán giả mà bị vạ thân; “tổ lấy nghề” - phải bỏ nghề làm việc khác, dù trong lòng vẫn thích; “tổ hành” - phải đi ăn xin, điên loạn, phạm tội…
Nhiều tương truyền khác nhau
Có nhiều truyền thuyết về nguồn gốc giỗ tổ sân khấu mà được nhắc đến nhiều nhất là truyền thuyết về “Hai ông hoàng mê hát”. Trên bàn thờ tổ hát bội có thờ tượng hai em bé mà theo truyền thuyết là hai hoàng tử. Vì hiếm muộn nên để tạ ơn trời đất đã ban cho mình hai đứa con, nhà vua bèn lập đoàn hát biểu diễn trong cung ca ngợi công ơn trời đất để tỏ lòng thành của mình. Không ngờ hai hoàng tử lại quá ham coi hát, thường xuyên trốn trong buồng coi hát và chết luôn trong buồng hát vào ngày 12/8 Âm lịch. Người nghệ sĩ mượn hai vị hoàng tử này làm hai vị thần phù hộ cho nghề hát và ngày mất của hai vị trở thành ngày giỗ Tổ.
Bên cạnh đó, ngày nay nhiều làng quê vẫn còn thờ ông tổ sân khấu, ví dụ như ở xã Điện Minh (Điện Bàn, Quảng Nam). Nơi đây có một làng tên Xướng An, mà theo chiết tự có nghĩa là “nơi yên ổn của giới xướng ca vô loài”, gồm cả ca kỹ, ăn xin… Chuyện kể rằng, dân làng này vào Nam cùng thời với Đào Duy Từ (1572-1634), người đã “vượt biên” vào Đàng trong năm Ất Dậu (1627), là một ông tổ của sân khấu. Hàng năm, vào dịp cúng thành hoàng, dân làng Xướng An đi qua các làng kế cận để xin đồ ăn thức uống về làm lễ vật, ấy là cách nhắc nhớ truyền thống ca kỹ, ăn xin của mình, dù làng bây giờ đã khá giả.
Riêng dịp Rằm tháng 8 này, người ta kể rằng vẫn có nghệ sĩ hát tuồng đến đây cúng tổ; vào đêm khuya, thi thoảng vẫn có người cúng len lén, họ phải che giấu thân phận vì chẳng muốn người khác biết đến công việc của mình. Theo nhiều cao niên trong làng, nghệ sĩ, ăn xin… cùng tổ nghề với nhau, cùng phận bên lề xã hội, nghèo hèn như nhau… nên phải bình đẳng với nhau, không phân biệt cao thấp, coi nhau như một nhà.
Qua năm tháng, dù nếp cũ vẫn được giữ, nhưng quan niệm về tổ nghề sân khấu thì có những biến cải và bổ túc. Ngoài những vị thuộc về “cửu huyền thất tổ”, có tính tương truyền, mỗi ngành lại truy tôn thêm tổ nghề, thường là nghệ sĩ khai sinh hoặc vĩ đại. Ví dụ Phạm Thị Trân là tổ nghề hát chèo; ông Làng, Liêm Thu Tâm, Đào Duy Từ, Đào Tấn… tổ hát tuồng; Trần Quốc Đĩnh tổ hát xẩm; Tống Hữu Định, Cao Văn Lầu… tổ hát cải lương.
Lòng thành và giai thoại
Giới nghệ sĩ phía Nam vẫn rỉ tai nhau về nhiều trường hợp cụ thể (rất tiếc không thể nêu tên ra, vì chỉ là giai thoại), vì không kính trọng tổ nghề mà thân bại danh liệt. Gần như hậu trường sân khấu hát bội, cải lương, kịch nói nào cũng có một bàn thờ tổ, với vài tượng thờ nhỏ; có một vị quản lý đoàn quốc doanh không tin điều này, nhưng năm nào cũng làm giỗ lớn, vì sức ép của những nghệ sĩ trực thuộc. Đa phần nghệ sĩ xem lòng thành quan trọng hơn lễ nghi, nên dù bận rộn, thì đến ngày giỗ tổ cũng phải nghỉ để thắp nén nhang và khấn vái.
Trong quan niệm của nhiều sân khấu, tổ rất linh thiêng và cũng rất gần gũi, luôn phù trợ cho họ trong từng suất diễn. Bên sân khấu hát bội hay cải lương, khi diễn đến lớp sinh đẻ, nhiều cô đào vẫn giữ lệ xưa, đến bàn thờ tổ thỉnh một vị ra sân khấu diễn cùng mình, xem đó là hài nhi. Đây không phải là hành động vô lễ, bởi quan niệm rằng tổ luôn góp mặt trên sân khấu, để cùng diễn trò. Đây cũng là một cách biểu thị lòng thành kính.
Những nghệ sĩ xuất thân trong gia đình có truyền thống về sân khấu hoặc có tìm hiểu về tổ nghề đều biết giữ các mỹ tục xưa, nhất là trong việc ứng xử hòa nhã với “đồng môn” như ca kỹ, ăn xin… Nhiều nghệ sĩ khi muốn cho tiền ăn xin đều phải nhờ ai đó không làm nghề đưa giúp, bởi họ không muốn xúc phạm tổ và xúc phạm chính mình. Nhiều người còn tránh đến các khu đèn đỏ, dù đi du lịch ở các đất nước mại dâm được phép hành nghề, bởi theo họ, dính vào điều cấm kỵ này, về sau nghề nghiệp sẽ chẳng ra gì.
Tác giả bài viết: tuyetmai
Nguồn tin: Văn Bảy (TT & Văn Hóa)
Ý kiến bạn đọc