Đầu năm, khi di chuyển cơ ngơi từ rạp Long Phụng (quận 1) về rạp Thủ Đô (quận 5), tập thể nghệ sĩ, diễn viên nhà hát đã rất bỡ ngỡ với cơ sở vật chất được giao. Sân khấu rạp Thủ Đô quá lớn so với rạp Long Phụng, phòng ốc lại cũ kỹ, không đáp ứng được yêu cầu hoạt động của nhà hát. Trước khó khăn này, Sở VH-TT TPHCM đã cấp kinh phí gần 500 triệu đồng để nhà hát sửa chữa, nâng cấp phòng ốc cho phù hợp với nhu cầu hoạt động chuyên môn; thiết kế lại phòng làm việc, phòng tập, phòng hóa trang, phòng họp... Đến nay, nhà hát đã ổn định, tích cực hoạt động với các kế hoạch tổ chức biểu diễn. Nhà hát đã dàn dựng 2 vở mới Nước mắt quyền thần, Vụ án Lệ Chi Viên và đầu tư nâng cao 2 vở Võ Đông Sơ - Bạch Thu Hà, Tiếng hát nàng Huyền Cơ; dựng 5 trích đoạn cho diễn viên trẻ tham gia “Cuộc thi Tài năng trẻ diễn viên sân khấu tuồng, chèo chuyên nghiệp toàn quốc 2017”.
Khi phố đi bộ Bùi Viện (quận 1) đi vào hoạt động, nhà hát đã hợp tác với CLB Văn hóa TDTT Nguyễn Du thực hiện mỗi tháng một suất phục vụ khán giả tại đây. Trong những dịp lễ lớn, phố đi bộ Nguyễn Huệ, Công viên 30-4, Công viên 23-9… đều là “sân khấu” hát bội.
Hát bội là một nghề khó, cả về chuyên môn lẫn việc đảm bảo đời sống cho nghệ sĩ. Đó là lý do các bạn trẻ không thích tham gia, góp sức cho bộ môn nghệ thuật này. Hiện nay, nhà hát vẫn nỗ lực tuyển chọn diễn viên trẻ theo 2 cách: con em nghệ sĩ đang theo nghề và kêu gọi sinh viên Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh TPHCM, Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật TPHCM đã tốt nghiệp ra trường nhưng chưa có việc làm, về làm việc tại nhà hát.
Nghệ sĩ Nguyễn Hoàn, Phó Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật hát bội TPHCM, bộc bạch: “Tôi học Trường Nghệ thuật sân khấu 2 năm, từ 1977 đến tháng 1-1981 được Đoàn Nghệ thuật Hát bội TPHCM ký hợp đồng. Tính đến tuổi hưu là gần 39 năm. Đó là quãng đường dài dằng dặc mà tôi nỗ lực theo đuổi, bám trụ, giữ nghề bằng tất cả niềm đam mê, sự tin yêu dành trọn cho nghệ thuật truyền thống. Nhớ những năm 1990 đến 1995, khi hát bội cực thịnh, nghệ sĩ được làm nghề trong niềm hạnh phúc vô bờ bến. Về sau, hát bội dần đi xuống, khó cạnh tranh với các loại hình giải trí khác, nhưng tôi cũng như anh em nghệ sĩ kỳ cựu của nhà hát, đã quyết theo nghề thì luôn ráng giữ nghề, nuôi dưỡng niềm đam mê bằng cách bám trụ sàn diễn và cố gắng truyền đạt hết những kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng cần thiết cho lớp diễn viên trẻ. Tôi cũng hy vọng, dù tôi và nhiều nghệ sĩ kỳ cựu của nhà hát về hưu rồi, vẫn sẽ có nhiều em trẻ chịu lăn xả cùng sân khấu hát bội, góp phần gìn giữ và phát huy những giá trị nghệ thuật truyền thống quý giá”. NSƯT Ngọc Nga, sau 35 năm cống hiến cho nghệ thuật hát bội, dù đã nghỉ hưu nhưng vẫn thường đến nhà hát truyền dạy cho thế hệ kế tục. Việc truyền nghề cho các em cũng chính là ôn lại nghề. Phải rèn giũa để các em trở thành thế hệ kế tục vững chắc, giúp sân khấu hát bội không bị mai một.
Ý kiến bạn đọc