Đang truy cập : 178
Hôm nay : 22522
Tháng hiện tại : 2197240
Tổng lượt truy cập : 88503841
Tối 29-9, vòng chung kết xếp hạng cuộc thi "Chuông vàng vọng cổ" 2024 đã diễn ra với phần tranh tài của 3 thí sinh là: Dương Thị Mỹ Nhung, Nguyễn Hùng Vương, Lê Hoàng Nghi tại Nhà hát Truyền hình HTV.
Nảy Nhiê, Kim Cúc & Kim Lan
các nam nghệ sĩ Năm Nghĩa, Bảy Cao, Văn Lang, Văn Lâu, Hoàng Giang, Việt Hùng, Hoàng Kinh, Tám Vân, Ba Khuê, Ba Xây, Văn Khoe... Sân khấu cải lương khởi sắc, đời sống của nghệ sĩ được sung túc hơn trước rất nhiều, Hội Nghệ Sĩ Ái Hữu Tương Tế và nghệ sĩ Nguyễn Thành Châu tổ chức cuộc vận động Xây Dựng Đời Sống Mới trong giới nghệ sĩ cải lương, lấy đoàn hát Việt Kịch Năm Châu làm đơn vị tiêu biểu, xây dựng tình tương thân, tương ái, tương trợ giữa các nghệ sĩ đồng nghiệp không phân biệt ở gánh hát nào, chống ăn tục, nói phét, chống chửi thề, gây lộn, chống cờ bạc, hút xách, trai gái, đĩ bợm, chống ăn mặc diêm dúa hay xuềnh xoàng, cẩu thả, tổ chức nghệ sĩ tập thể dục, gây dựng phong trào giữ gìn sức khỏe, quy định giờ giấc ngủ trong đoàn hát, tránh thức quá khuya và gây ồn ào mất trật tự, ảnh hưởng đến bạn đồng nghiệp. Những quy định thay đổi nếp sống xưa nay của các nghệ sĩ không phải dễ mà thực hiện trong một đoàn hát với hơn sáu chục diễn viên, vệ sĩ và công nhân sân khấu, tuy nhiên đoàn Việt Kịch Năm Châu đã thực hiện được và gây tiếng vang lớn trong giới nghệ sĩ, làm gương mẫu cho nhiều đoàn hát noi theo. Mỗi tuần Ban Giám Đốc của đoàn Việt Kịch Năm Châu tổ chức một cuộc thảo luận học tập về lý luận văn nghệ, về cách phát âm trên sân khấu, về diễn xuất và tổ chức học văn hóa, viết chữ, tập đọc, tập viết văn, xây dựng lòng tự trọng cho mỗi nghệ sĩ để xóa dần thành kiến xướng ca vô loại mà người đời gán cho nghệ sĩ.
Năm 1954, hòa bình được lập lại sau cuộc chiến tranh Việt-Pháp, các đoàn hát rộng đường đi lưu diễn, do đó có gặp khó khăn khi tiếp xúc với các đơn vị quân sự giáo phái ở địa phương trong thời kỳ đất nước chưa thật sự ổn định. Trong dịp này, có hai giai thoại xảy ra liên quan đến nữ nghệ sĩ Kim Lan, đào chánh của đoàn Việt Kịch Năm Châu.
Nữ nghệ sĩ Kim Lan tên thật là Huỳnh Thị Kim Lan, sanh năm 1926, con của nghệ sĩ cải lương tiền phong Bảy Nhiêu (Huỳnh Năng Nhiêu). Kim Lan là em của nữ nghệ sĩ Kim Cúc (vợ của nghệ sĩ Năm Châu, tác giả kiêm diễn viên lừng danh trong giới cải lương, thoại kịch và phim ảnh Việt Nam).
Nghệ sĩ Bảy Nhiêu họp cùng với nghệ sĩ Tám Danh và cô Sáu Ngọc Sương, chung vốn lập gánh hát Tiếng Chung, hai cô Kim Cúc (13 tuổi) và Kim Lan (11 tuổi) được cha cho theo để học hát. Hai cô học ca cổ nhạc, học múa và được cho lên sân khấu đóng các vai vũ nữ, đào con. Năm 16 tuổi Kim Cúc đóng xuất sắc vai Quan Bình trong tuồng Quan Công Đắp Đập Bắt Bàng Đức trên sân khấu Đại Phước Cương và vai Nhà nữ quý tộc xứ Ba Tư trong tuồng Thuyền Ra Cửa Biển. Nữ nghệ sĩ Kim Cúc gá nghĩa với nghệ sĩ Năm Châu, được chồng dạy cho thủ diễn nhiều vai đào chánh trên các sân khấu Con Tằm, Phi Phụng và Việt Kịch Năm Châu. Nữ nghệ sĩ Kim Lan cũng được dạy diễn những vai đào chánh đó để diễn thế vai cô Kim Cúc khi cần thiết. Nữ nghệ sĩ Kim Lan đã nổi danh trên sân khấu Việt Kịch Năm Châu qua các vai chánh như:
- Túy Hoa Vương Nữ trong tuồng Dân Chúng Trước Pháp Trường, của soạn giả Nguyễn Thành Châu;
- Hoàng Hậu trong tuồng Tình Ghen Vương Giả, của soạn giả Vạn Lý;
- Chú tiểu Lan tuồng Ái Tình và Tôn Giáo (sau được đổi thành tuồng Hoa Rơi Cửa Phật) của soạn giả Trần Hữu Trang;
- Tây Thi trong vở kịch Tây Thi Gái Nước Việt, của tác giả Hoàng Mai Lưu, nghệ sĩ Năm Châu phóng tác cải lương;
- A Phượng Ly trong vở Hàm Lệ Thái Tử Nước Đan Mạch, của soạn giả Nguyễn Thành Châu phóng tác theo kịch Hamlet của đại văn hào Shakespeare.
Năm 1952, tập tuồng Tây Thi Gái Nước Việt, đạo diễn Nguyễn Thành Châu rước võ sư Tàu trong Chợ Lớn đến trại Phước Chung dạy cho hai cô Kim Cúc và Kim Lan múa song kiếm để biểu diễn trên Cô Tô Đài cho Ngô Phù Sai thưởng thức. Hai nữ nghệ sĩ Kim Cúc, Kim Lan mỗi ngày phải thức từ 7 giờ sáng, chuẩn bị để đúng 8 giờ hai cô học võ do ông thầy võ Tàu dạy, đúng 9 giờ tập tuồng do đạo diễn Nguyễn Thành Châu chỉ dạy và 3 giờ chiều hai cô và các vũ nữ học múa lụa đến 4 giờ mới nghĩ. Tuồng Tây Thi Gái Nước Việt tập ròng rã như vậy trong một tháng mới được hát phúc khảo, xong ông đạo diễn Nguyễn Thành Châu bắt tập thêm nửa tháng, sửa chửa cho hoàn bị mới hát khai trương tại rạp Nguyễn Văn Hảo. Tuồng Tây Thi Gái Nước Việt hát luôn 21 suất trong ba tuần lễ, suất hát nào cũng có khán giả nghẹt rạp.
Ngày khai trương vở Tây Thi Gái Nước Việt cô Kim Lan thủ vai Tây Thi đã ca, diễn hay xuất thần, được khán giả vỗ tay tán thưởng nhiệt liệt. Ông Trần Tấn Quốc, chủ nhiệm nhật báo Tiếng Dội, viết bài phê bình khen ngợi, ông mở cuộc trưng cầu ý kiến của khán giả và độc giả về ngôi vị các diễn viên xuất sắc nhất, ca diễn hay nhất của sân khấu cải lương trong thời kỳ đó. Cô Kim Lan được độc giả và khán giả bỏ phiếu bầu là Hoa Hậu Cải Lương, báo chí kịch trường đều tặng danh hiệu cho nữ nghệ sĩ Kim Lan là Khôi NGuyên Sân Khấu Miền Nam.
Năm 1954, khi tập vai A Phượng Ly tuồng Hàm Lệ Thái Tử Nước Đan Mạch của soạn giả Năm Châu, phóng tác kịch Hamlet của Shakespeare, cô Kim Lan mỗi ngày phải thức dậy từ 8 giờ sáng để nhờ nhạc sĩ Tường đàn dương cầm hướng dẫn cho cô Kim Lan luyện giọng ca theo bản nhạc đặc biệt mà anh Năm Châu sáng tác cho vai A Phượng Ly. Ngoài ra, cô Kim Lan và nghệ sĩ Tám Vân phải tập diễn một lớp kịch câm tỏ tình theo nhạc đệm La tristesse de Chopin. Anh Năm Châu trực tiếp chỉ dạy từng nét diễn xuất. Cô Kim Lan và Tám Vân tập kịch câm cả tiếng đồng hồ trước buổi tập tuồng chung của đoàn hát.
Nhắc đến tinh thần chịu khó tập luyện để đạt được sự hoàn mỹ trong nghệ thuật ca diễn của cô Kim Lan, tôi nhớ đến một giai thoại liên quan đến cô Kim Lan mà tôi cho là tiêu biểu cho cá tính yêu nghệ thuật và vì nghệ thuật của cô Kim Lan.
Chuyện như sau:
Tháng 8 năm 1954, khi đoàn Việt Kịch Năm Châu đang hát ở rạp Minh Châu tỉnh Cần Thơ, có người mua dàn hát đưa đoàn về hát ở Chợ Bà, quận Cái Vồn. Anh Năm Châu không muốn diễn ở quận nhất là lúc ấy hòa bình mới vãn hồi, lính tráng ở những quân xa thành phố thường bất chấp luật pháp, nhưng anh Tám Kiết, quản lý đoàn hát (em rể của anh Năm Châu) quyết định bán dàn vì mỗi suất hát bán được 150.000 đồng, cao gấp ba số thu ở rạp Minh Châu. Anh Năm Châu và cô Kim Cúc về Saigon trong ba ngày đoàn hát bán dàn ở Chợ Bà - Cái Vồn, cô Kim Lan hát thế các vai của cô Kim Cúc.
Đêm đầu tiên hát tuồng Tây Thi Gái Nước Việt ở sân đình Chợ Bà, bãi hát có vòng bao bằng cà tăng làm thành khán phòng. Sân khấu được kê ván lót trên đà ngang, đặt trên các thùng phuy đựng dầu hắc thứ 200 lít. Giữa khán phòng có để một sạp cao độ một thước, rộng 4 thước vuông, bên trên để một chiếc ghế bành bằng mây đan, một cái bàn và một cái quạt máy nhỏ, chỗ ghế danh dự dành cho quan lớn Năm Lửa, Thiếu tướng quân đội Hòa Hảo ở quận Cái Vồn.
Đoàn hát mở màn đúng giờ, đến lớp Tây Thi múa lụa cho vua Ngô Phù Sai thưởng thức, Ngũ Tử Tư mang kiếm đến náo loạn Cô Tô Đài, bị vua Phù Sai ra lịnh tự xử, quân Việt tấn công, đốt cháy Cô Tô Đài, màn hạ nhanh. Tiếng vỗ tay và tiếng nói cười của khán giả nghe hỗn loạn, bỗng có nhiều tiếng tu huýt thổi chói tai. Khán giả trong khán phòng đột nhiên im lặng, tất cả mọi người đều đứng dậy. Trong hậu trường, các nghệ sĩ vừa ngạc nhiên vừa lo sợ, vì thông thường khi có tiếng tu huýt thổi nhiều loạt trong rạp hát thì có cảnh sát vào tra xét bắt kẻ gian. Có khi là xét giấy thông hành hoặc bắt những kẻ tình nghi hoạt động cho Việt Minh.
Quản lý Tám Kiết và tôi chạy ra khán phòng để xem có chuyện gì. Thì ra 'quan lớn' đến xem hát, lính thổi tu huýt dẹp đường và báo cho dân chúng khán giả đứng lên nghênh đón Quan lớn.
Quan lớn cho lính gọi bầu gánh và biện tuồng đến trình diện. Anh Tám Kiết và tôi (soạn giả) phải đứng hầu. Quan lớn ra lịnh hát lại từ màn đầu, vì Quan lớn đến trễ, chưa xem màn đầu, bây giờ phải hát lại. Đứa nào hết tuồng, bôi mặt rồi thì vẽ mặt lại, hát đủ tuồng, nếu 'nhận lớp' thì Quan lớn đánh đòn biện tuồng và bầu gánh. Ông bầu và thầy tuồng thật sự là anh Năm Châu nhưng anh đã về Saigon nên tôi và quản lý Tám Kiết phải thi hành theo lệnh của Quan lớn.
Quản lý Tám Kiết thương lượng với các nghệ sĩ, hát lại từ màn 1. Nghệ sĩ Năm Thiên vai Ngũ Tử Tư bị chặt đầu, chết rồi nên khi dứt màn, anh gỡ râu, bôi mặt. Bây giờ phải vẽ mặt lại. Quản lý Tám Kiết hứa phát hai cữ lương cho tất cả mọi người nên dù mệt, các nghệ sĩ đều vui lòng hóa trang lại để hát từ đầu, nhưng cô đào chánh Kim Lan không chịu hát nữa, chẳng những cô Kim Lan không chịu hát lại từ màn đầu mà cô cũng không chịu hát đêm đó vì cô nói: cô không hát cho người không biết xem hát, không tôn trọng nghệ sĩ như ông lớn ngoài khán phòng kia. Tám Kiết nói cách gì cô cũng quyết không hát nữa. Chị Hai Nữ, nghệ sĩ tiền phong uy tín nhất của đoàn lại thuyết phục cô Kim Lan.
Cô Kim Lan nói sân khấu Việt Kịch Năm Châu là một sân khấu đẹp và thật sân khấu chịu nghèo miễn sao đạt được nghệ thuật cao là tốt. Giờ đây bán dàn hát, dù có nhiều tiền nhưng để cho người ta khinh rẻ nghệ sĩ, thổi tu huýt trong rạp hát, buộc nghệ sĩ hát theo ý của họ thì thà cô chịu ở tù chớ nhứt định không chịu khuất phục uy quyền vô lý như vậy. Cô Kim Lan bôi hóa trang mặt, cởi bỏ xiêm y Tây Thi, mặc thường phục, lại nằm ghế bố sau rạp.
Bên ngoài tiếng tu huýt thổi thúc giục đoàn hát mau hát, kẻo Quan lớn thức khuya, Quan lớn mệt. Anh Tám Kiết vò đầu kêu trời.
Tôi nói: Đề nghị anh Tám Kiết ra trình với Quan lớn là trong tuồng tới lớp phá Cô Tô Đài thì có pháo nổ, xin quan lớn cho phép đốt pháo và xin được nói loa cho khán giả biết để đừng giựt mình.
Nói như vậy để kéo dài thì giờ ra để trong đoàn chuẩn bị hát. Tôi nhờ chị Hai Nữ, diễn viên từng dạy cho cô Kim Lan bài múa trước khi mở màn tuồng này, chị Hai Nữ mặc xiêm y, không cần hóa trang mặt, múa để mở màn. Đây là hoạt cảnh, diễn sau tấm phông trắng, được rọi bóng diễn viên lên phông trắng nhờ đèn rọi 1000 watts đặt sau sân khấu rọi tới, vậy nên chị Hai Nữ là bóng của Tây Thi, khán giả không biết đoàn hát thay thế diễn viên. Trong lúc đó thì tôi nhờ nữ nghệ sĩ Tương Lai hóa trang, mặc y phục, hát vai Tây Thi thế cho cô Kim Lan.
Tám Kiết ra thưa bẩm, nói tiếng cà lăm, cà mà cà mập hồi lâu, giả bộ như thấy Quan Lớn nên khớp sợ, nói cà lăm để kéo dài thời gian. Khi bên trong chuẩn bị xong, tôi ra hiệu cho anh xếp dàn cảnh dộng ba tiếng cọp cọp để mở màn thì Tám Kiết cũng bẩm báo xong, Quan lớn nói cho phép nổ pháo. Tám Kiết vô. Chị Hai Nữ và cô Tương Lai đã thay vai cô Kim Lan một cách hoàn mỹ.
Nhắc lại chuyện này để thấy rằng cô Kim Lan chẳng những tự mình tập tuồng kỹ lưỡng, hóa trang tỉ mỉ, thận trọng trong ca diễn đến xuất thần, toàn tâm toàn ý tôn trọng nghệ thuật theo tôn chỉ 'sân khấu thật và đẹp' của anh Năm Châu, mà cô còn yêu cầu cao là 'khán giả phải tôn trọng nghệ thuật và nghệ sĩ', có như vậy nữ nghệ sĩ Kim Lan mới biểu diễn cho họ thưởng thức.
Thời kỳ năm 1954, vừa mới dứt chiến tranh, chống lại ý kiến của các quan quyền sở tại, nhất là ở các vùng có quân đội giáo phái, họ có thể vu cáo đoàn hát chứa chấp Việt Minh để bắt nghệ sĩ, giam giữ lâu ngày để điều tra, có thể một số nghệ sĩ sẽ bị họ bắt tù đày hay bắn chết. Hành động của cô Kim Lan cũng có thể gọi là cái 'dũng' của kẻ sĩ.
Chúng tôi là những người chịu trách nhiệm về sự sinh tồn của đoàn hát nên anh Tám Kiết, chị Hai Nữ, cô Tương Lai và tôi phải khéo cư xử trước tình thế đó để bảo vệ đoàn hát. Đoàn hát qua được cái hoàn cảnh gian nan nguy hiểm trong đêm diễn đó là nhờ sự lanh trí và sự đồng tâm hiệp lực của cả đoàn hát.
Kể từ năm 1960, cô Kim Lan không còn diễn ở sân khấu cải lương. Cô theo anh Năm Châu, chị Kim Cúc, ông Ba Vân và ông Bảy Nhiêu thực hiện bộ phim Quán Âm Thị Kính. Phim không ăn khách, Kim Cúc, Kim Lan và anh Hồng Phúc lập nhóm Mỹ Phương, chuyên chuyển âm phim cho hãng phim Mỹ Vân.
Từ sau năm 1975, cô Kim Lan gia nhập đoàn hát tập thể Saigon 3, sau đó cô chuyển qua cộng tác với đoàn kịch Kim Cương. Cô chỉ được cho đóng vai phụ, sau đó được giao nhiệm vụ gác cửa sau và giữ bàn thờ tổ.
Khoảng từ năm 1982, cô về bán thuốc lá lẻ bên lề đường, trước rạp hát Kinh Thành-Tân Định, đêm đêm nhìn ánh đèn màu trước bảng quảng cáo của rạp hát mà buồn nhớ kỷ niệm một thời huy hoàng trên sân khấu cải lương.
Có một sự đau xót đến nhói tim, nếu như ai đó đã từng nghe danh tiếng của nữ nghệ sĩ Kim Lan, ngưỡng mộ tài hoa của cô mà biết được cuối đời cô đã sống trong nghèo khó, chẳng được sự giúp đỡ của Hội Ái Hữu Nghệ Sĩ hay của các bạn nghệ sĩ đồng thời với cô.
Nhiều năm trước, hai mắt của cô Kim Lan bị cườm, không tiền mổ mắt, phải chịu mù luôn hai mắt. Tháng 9 năm 1998, dù bị tai biến mạch máu não, liệt tay chân nằm một chỗ, cô Kim Lan vẫn còn minh mẫn, lắng nghe và phân biệt được mọi động tĩnh chung quanh. Thế giới đối với cô chỉ còn có âm thanh, sự im ắng để hồi tưởng những kỷ niệm thời sân khấu huy hoàng.
Tháng Một năm 2000, tôi từ Canada lần đầu tiên về thăm quê hương, tôi có đến trại Năm Châu bên dốc Cầu Bông tìm thăm các bạn đồng nghiệp thời tôi cộng tác với đoàn Việt Kịch Năm Châu, tôi hỏi thăm mới biết hoàn cảnh bi đát của cô Kim Lan. Tôi nhờ người dẫn đi thăm cô Ba Kim Lan. Đến chỗ ở của cô, một chái nhà nhỏ bên hông hẻm trước rạp Kinh Thành, tôi gặp cô, vừa lên tiếng chào cô Ba là cô nhận ra tôi, hai dòng nước mắt chảy dài, cô nuốt vào lòng tiếng khóc sắp bật ra. Cô nén tiếng khóc, còn tôi thì khóc ồ lên, tôi không bao giờ ngờ được người nghệ sĩ tài danh mà tôi thường mến phục lại phải sống thê thảm đến như vậy. Sự giúp đỡ của tôi chỉ là một niềm vui nho nhỏ làm nở được nụ cười gần như héo hắc trên môi cô, tôi cũng không biết làm sao, kêu gọi ai góp tay cứu giúp bạn đồng nghiệp của mình. Những nghệ sĩ bạn tôi cũng nghèo kiết xác, nghèo không thua gì cô Kim Lan.
Cô Kim Lan mất ngày 16 tháng 3 năm 2000, được quàn tại nhà của con, số A 21 - 23, cư xá An Lộc, hỏa thiêu tại Bình Hòa ngày 19 tháng 3 năm 2000. Có một số đông nghệ sĩ và soạn giả đến tiễn cô Kim Lan về cõi vĩnh hằng.
Nhớ bạn xưa... một thời đã qua...
Nguyễn Phương
Mã an toàn:
Tối 29-9, vòng chung kết xếp hạng cuộc thi "Chuông vàng vọng cổ" 2024 đã diễn ra với phần tranh tài của 3 thí sinh là: Dương Thị Mỹ Nhung, Nguyễn Hùng Vương, Lê Hoàng Nghi tại Nhà hát Truyền hình HTV.
Ý kiến bạn đọc