Tối 29-9, vòng chung kết xếp hạng cuộc thi "Chuông vàng vọng cổ" 2024 đã diễn ra với phần tranh tài của 3 thí sinh là: Dương Thị Mỹ Nhung, Nguyễn Hùng Vương, Lê Hoàng Nghi tại Nhà hát Truyền hình HTV.
Xem tiếp...
Đệ nhất đào nhì
Nếu có cuộc bình chọn, có giải thưởng sân khấu dành cho những người đóng tốt vai phụ, vai thứ như ở lĩnh vực sân khấu thì NSƯT Thoại Miêu có lẽ sẽ giành được vị trí đứng đầu trong đào nhì.
NSƯT Thoại Miêu và con gái nuôi – NS Diễm Thanh, hát tặng khán giả trong phim trường Hồn quê đất Việt. Ảnh: Bích Uyên Bốn mươi năm theo nghiệp cầm ca, chỉ diễn những vai phụ là chủ yếu, vậy mà khán giả vẫn nhớ, vẫn yêu quý Thoại Miêu. Những Tuyết Mai trong Cây sầu riêng trổ bông, Ngọc Hà trong Tâm sự Ngọc Hân, Hoàng Anh trong Nàng hai Bến Nghé, Thiên Hương trong Muôn dặm vì chồng… bây giờ nhắc lại, cái ấn tượng mà Thoại Miêu thổi vào nhân vật không dễ phôi pha. Nếu như con đường đến với sân khấu của Thoại Mỹ có bàn tay Thoại Miêu dìu dắt thì con đường Thoại Miêu đến với nghề phải tính bằng những ngày tháng làm thuê kiếm tiền đi học, những năm dài nuôi dưỡng ước mơ. Nhà có đến 12 anh chị em, gia đình lại nghèo, không một ai theo nghề hát. Tuổi thơ, niềm đam mê, hay nói đúng hơn là si mê sân khấu của cô bé Nguyễn Thị Ngọc Hoa (tên thật của NSƯT Thoại Miêu) là tràn ngập hình ảnh của nghệ sĩ Thanh Nga. Thế nhưng mãi đến năm 17 tuổi, Miêu mới được bước ra sân khấu. Tốt nghiệp hạng ưu của trường Quốc gia âm nhạc, chị đã tự bước đi, tự đến với nghề và khẳng định tên tuổi mình bằng những… vai diễn phụ! Hỏi có nản không, Miêu chỉ cười: “Một vai diễn nhỏ mà có đất diễn còn hơn vai chính mà mình không thể hiện tròn vai!” Đã vậy, chị cứ luôn miệng bảo rằng mình may mắn. Cái tự trọng nghề nghiệp và sự đam mê đó, Miêu cũng truyền hết sang người em gái. Có thể nói, Thoại Miêu, Thoại Mỹ là hai trong số những trường hợp hết sức hiếm hoi của sân khấu cải lương. Là đào nhì, đào thứ mà khán giả luôn yêu quý bởi sự lao động nghiêm túc có đầu tư. Danh hiệu nghệ sĩ ưu tú dành cho hai cô đào thứ thật không dễ tìm… Đã nghỉ hưu từ năm 2008 nhưng Thoại Miêu vẫn miệt mài cống hiến cho nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, nơi chị công tác suốt mấy mươi năm. Lịch đi diễn của chị vẫn dày đặc, để sắp xếp cuộc trò chuyện cho chuyên mục Hồn quê đất Việt, cũng phải mất mấy tháng trời. Nay chị đang ở Côn Đảo, tuần sau ra Đà Nẵng, hôm khác lại ở tận Hải Phòng… Những ngày này, chị và các đồng nghiệp đang ráo riết chuẩn bị kịch bản, lên kinh phí dự trù, mời diễn viên cho các hoạt động biểu diễn cuối năm của nhà hát. Từ ngày rạp Hưng Đạo ngưng hoạt động chờ xây mới, chuyển ra rạp Thủ Đô, nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, nơi chồng chị, anh Phan Quốc Hùng làm giám đốc vẫn chưa có vở diễn nào đủ hoành tráng để thu hút khán giả. Biết là cải lương đang ở giai đoạn trầm lắng nhưng không thể không lo. Còn quá nhiều khó khăn chị cần chia sẻ cùng anh và giúp anh thực hiện để vực dậy, cũng như những ngày đầu chị đến với anh… Ngày ấy, cách đây mấy mươi năm, nghệ sĩ Quốc Hùng được giao một vai diễn khó mà anh chưa từng thể hiện trong vở Tâm sự Ngọc Hân. Là bạn diễn, Thoại Miêu lo cho anh khó mà tròn vai nên đã đưa anh đi tìm má bảy Phùng Há xin bà chỉ dạy. Cái hết lòng với nghề, với từng vai diễn đã gắn kết họ với nhau để bây giờ, khi hai con lớn khôn và tiếp tục sự nghiệp của mẹ cha ở vai trò đạo diễn, Thoại Miêu vẫn không quên tháng ngày vất vả đã qua và câu chuyện lương duyên của mình với “ông giám đốc nhà hát”. Chị vẫn chung vai, sát cánh với anh trong những bước khó khăn của sân khấu cải lương, của nghề hát và hoạt động của nhà hát. Theo chân NSƯT Thoại Miêu trong một chuyến đi hát ở Cần Giờ, chúng tôi ghi lại những hình ảnh đời thường của người nghệ sĩ này cùng các đồng nghiệp của chị. Hãy bật kênh VTV4 vào lúc 18 giờ chiều thứ bảy, 18.12 và 12 giờ chủ nhật 19.12 để cùng gặp gỡ cô đào nhì bản lĩnh của sân khấu cải lương trong chuyên đề Hồn quê đất Việt, thuộc chương trình Việt Nam ngày nay.
Tác giả bài viết: khoi
Nguồn tin: Báo SGTT
Ý kiến bạn đọc